Thứ sáu, 19/04/2024 23:07 (GMT+7)

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học - Động lực để tự hoàn thiện

MTĐT -  Thứ sáu, 20/01/2017 08:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (lần 2) quy định cả về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục...

Nhiều nhà giáo dục, chuyên gia tuyển sinh cho rằng những nội dung là hết sức chặt chẽ và đầy đủ, đây là điều hết sức cần thiết vì khi các trường được nhiều quyền tự chủ thì cũng cần phải có một thước đo để xã hội đánh giá.

Cần thiết có sự minh bạch về chất lượng

Dự thảo Thông tư quy định cả về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, áp dụng cho việc đánh giá đối với các học viện, trường đại học, với một số điểm mới như: Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) mới ban hành tháng 7/2016 gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học, được chia thành 4 nhóm: Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); Kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

So với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học hiện hành (ban hành theo Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 1/11/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; sửa đổi tại Điều 1, Điều 2 của Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) chỉ có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí, bộ tiêu chuẩn mới có nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí hơn.

Triết lý chung cho đại đa số các tiêu chuẩn là các tiêu chí trong tiêu chuẩn sẽ được phân thành quy trình PDCA (Plan, Do, Check, Act). Điều này cho thấy, việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng có sự thay đổi cơ bản so với quy định hiện hành. Từng tiêu chí được đánh giá theo thang 7 mức để đánh giá thay vì chỉ có mức đạt và chưa đạt như hiện nay. Cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng khi có điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng nhóm đều đạt từ mức 3,5 điểm trở lên và không có tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,0 điểm.

Nhiều nhà quản lý trường đại học cho rằng, hiện chúng ta đang sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học cũ đã được gần 10 năm, thời điểm sửa đổi, bổ sung đến nay thì cũng đã được gần 5 năm. Việc thay đổi là cần thiết, Dự thảo được đưa ra vào thời điểm này là kịp thời, đáp ứng những đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đại học.

Dự thảo đã rất chi tiết và cụ thể, Dự thảo cũng đã quy định rõ hơn về những việc cần thực hiện trong cả chu kỳ kiểm định, nhất là sau khi cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thêm nữa, việc có các quy định về khuyến khích và chế tài đối với kết quả thực hiện công tác kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục, không chỉ là việc động viên các cơ sở đào tạo mà còn là nhắc nhở cần phải có trách nhiệm với hoạt động đào tạo, nghiên cứu của mình.

Là cơ sở để các trường tự hoàn thiện

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương: Việc ban hành Thông tư quy chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học với các tiêu chí cụ thể sẽ góp phần đánh giá định lượng các trường, sẽ có nhiều trường đạt ở từng mức độ khác nhau, hoặc cũng sẽ có những tiêu chí mà rất ít trường đạt được. Nhưng những tiêu chí đưa ra như vậy là cần thiết, thực tế cho thấy phải có tiêu chí đánh giá cụ thể như vậy mới biết được trường nào có thế mạnh gì, chất lượng đào tạo nghiên cứu đến đâu…

Nếu không có tiêu chí đánh giá cụ thể mà toàn tự mình xếp hạng lấy thì sẽ rất không chính xác. Quan trọng hơn nữa, các trường cần phải thấy rằng việc kiểm định chất lượng như vậy sẽ giúp cho các trường đại học thấy rõ hơn những điểm còn tồn tại, điểm yếu để từ đó phấn đấu, nâng cao chất lượng đào tạo để gây dựng thương hiệu, tạo lòng tin đối với người học và xã hội.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Viện Đại học Mở Hà Nội: Dự thảo bộ tiêu chuẩn mới đã cơ bản khắc phục được những điểm chưa hợp lý của bộ tiêu chuẩn cũ. Bà Hương phân tích: Như tiêu chí về hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hoặc tiêu chí về tuyên truyền đạo đức lối sống cho người học đã không được đưa vào trong Dự thảo của bộ tiêu chuẩn mới. Bộ tiêu chuẩn mới cũng không có tiêu chí định lượng cũng như rất ít số tiêu chí liên quan đến thực hiện các quy định của pháp luật và ít tiêu chí liên quan đến đầu vào.

Với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn mới đã rất sát với khung đánh giá cơ sở giáo dục của AUN-QA, đó là: Đảm bảo chất lượng chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí), đảm bảo chất lượng hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí), đảm bảo chất lượng chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí), và kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

Rất chi tiết và cụ thể, PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh - cho rằng: Bộ tiêu chuẩn mới này với việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trường đại học, về cơ bản đã có sự thay đổi bám sát hoạt động giáo dục đại học. Từng tiêu chí được đánh giá theo thang 7 mức (tương ứng với 7 điểm) thay vì chỉ có 2 mức là đạt hoặc chưa đạt như hiện nay như thế là rất cụ thể.

Cơ sở giáo dục sẽ chỉ được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng khi có điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng nhóm đều đạt từ mức 3,5 điểm trở lên và không có tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,0 điểm.

Có thể thấy, việc đánh giá theo thang 7 mức sẽ chi tiết hơn và chính xác hơn so với thang 2 mức như trước đây. Thêm nữa, cách đánh giá theo nhiều mức sẽ giúp cho các trường đại học, cao đẳng tự nhìn lại mình, thấy những điểm mạnh, yếu, những tồn tại để từ đó điều chỉnh cho thích hợp, đáp ứng nhu cầu của người học, xã hội – PGS.TS Phạm Tiết Khánh nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT xây dựng Thông tư này sau khi được ban hành sẽ thay thế Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 1/11/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học; Điều 1, Điều 2 của Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; các quy định về quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đối với các đại học, học viện, trường đại học tại Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Theo Giáo dục thời đại

Bạn đang đọc bài viết Kiểm định chất lượng giáo dục đại học - Động lực để tự hoàn thiện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...