Thứ năm, 28/03/2024 16:16 (GMT+7)

Lịch thi THPT quốc gia năm 2019, thí sinh cần lưu ý những gì?

MTĐT -  Chủ nhật, 23/06/2019 11:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27/6.

Theo đó, chiều 24/6, thí sinh sẽ đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự thi và nghe phổ biến quy chế, lịch thi. Ba ngày còn lại sẽ diễn ra các môn thi.

Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 14/7. Kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ được công bố chậm nhất ngày 18/7. Trước 9/8, các Sở Giáo dục phải gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT chính thức về Văn phòng Bộ Giáo dục.

Lịch thi THPT quốc gia năm 2019. Đồ họa: Trí thức trẻ.

Thí sinh cần chuẩn bị gì khi đi thi?

Khi đi thi THPT quốc gia, cần chuẩn bị tất cả các dụng cụ cần thiết theo quy chế và hướng dẫn của hội đồng tổ chức thi. Cụ thể, thí sinh được mang các dụng cụ sau:

- Máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ;

- Bút bi, bút chì, tẩy, compa, thước kẻ…

- Nước uống đựng trong chai nhựa trong;

- Đồng hồ có chức năng xem giờ cơ bản;

- Atlat địa lý.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có gì mới?

1- Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12

Theo Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi vẫn nằm trong chương trình THPT nhưng sẽ chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.

2 - Thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh lớp 12

Kỳ thi năm nay thí sinh tự do, thí sinh chương trình giáo dục thường chuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với thí sinh giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do giám đốc sở GD-ĐT quyết định.

3 - Bảo quản đề thi, bài thi nghiêm ngặt

Quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 đưa ra nhiều quy định chi tiết nhằm siết chặt hơn việc bảo quản, sử dụng đề thi, bài thi tại điểm thi.

Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong tủ riêng biệt, có khóa và niêm phong. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong.

Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, có ít nhất một công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng thường trực đêm tại phòng.

4- Trường đại học địa phương không tổ chức thi tại địa phương mình

Bộ GD-ĐT điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến các hội đồng thi tỉnh/thành phố để phối hợp tổ chức thi. Trường đại học, cao đẳng địa phương không còn được tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình như trước đây.

5- Các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm

Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Các sở GD-ĐT địa phương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính, hệ thống máy tính, máy quét ảnh…

Người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không tham gia ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương có người than dự thi.

Đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

6 - "Đánh phách" điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm

Năm nay Bộ GD-ĐT đã sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.

Theo đó sẽ "đánh phách" điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh: sau khi quét bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hóa, không còn nhìn thấy gì trên bài. Nếu copy ra đĩa cũng là dữ liệu đã được mã hóa, phải có mật khẩu mới giải mật được.

7- Cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có bằng trung cấp nghề

Năm nay, học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp do sở GD-ĐT, các trường dạy nghề cấp trong thời gian học THPT sẽ được cộng điểm.

- Cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp.

- Cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp.

- Cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình.

8- Thay đổi công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT

Tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

9 - Thu hồi giấy chứng nhận kết quả thi trước phúc khảo

Từ năm nay, các thí sinh có điểm thi thay đổi sau khi phúc khảo thì được cấp Giấy chứng nhận kết quả thi mới; Giấy chứng nhận kết quả thi trước phúc khảo được thu hồi và tiêu hủy.

10- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Lịch thi THPT quốc gia năm 2019, thí sinh cần lưu ý những gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới