Thứ năm, 25/04/2024 08:14 (GMT+7)

Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2017: Xã hội đồng thuận

MTĐT -  Thứ năm, 09/02/2017 15:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ghi nhận của phóng viên sau khi Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2017 được ban hành cho thấy, xã hội và các tầng lớp đánh giá rất cao sự đổi mới lần này.

Trường thuận lợi - thí sinh chủ động

Đó là đánh giá của các cán bộ quản lý, giảng viên các trường tại TPHCM về Quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ mới năm nay. Theo nhiều người, điểm tích cực của Quy chế thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH không chỉ đến từ tính tổng thể, bao quát của quy chế, mà nó đã thật sự đáp ứng được những đòi hỏi, sự đổi mới từ thực tế.

Theo ThS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, những năm gần đây, cùng với lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29, vấn đề thi, tuyển sinh đã có những thay đổi rất lớn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới đó. Tuy nhiên, những thay đổi này của Bộ GD&ĐT theo ông đều được thực hiện theo nguyên tắc và lộ trình hướng tới sự tự chủ trong tuyển sinh của các trường và mở rộng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh.

“Nhìn vào lộ trình đổi mới công tác thi cử và xét tuyển ĐH 3 năm qua, cá nhân tôi thấy quan điểm: “Tạo thuận lợi cho thí sinh, giao quyền tự chủ cho các trường” của Bộ GD&ĐT là rất rõ ràng. Nếu năm 2015 và 2016, các trường từ chỗ tự xác định phương thức tuyển sinh tiến đến được tuyển sinh nhiều đợt trong năm 2017 thật sự là điểm mới rất đáng ghi nhận.

Thí sinh từ chỗ được đăng ký xét tuyển 4 nguyện vọng trong một trường (năm 2015), đến chỗ được đăng ký xét tuyển 4 nguyện vọng trong 2 trường (năm 2016). Giờ được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, số trường (năm 2017) chính là sự thuận lợi không thể đòi hỏi hơn” - ThS Lê Lâm đánh giá.

Đánh giá về những điểm mới của Quy chế xét tuyển ĐH năm 2017 (thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển NV1 cùng thời điểm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường, các trường được khai thác thông tin trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT…), TS Trương Tiến Sỹ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng nhìn nhận, với những đổi mới gần như hạn chế triệt để những vướng mắc trong tuyển sinh 2 năm trước (như tỉ lệ thí sinh ảo, rối trong việc điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh điểm thi cao vẫn rớt) Quy chế xét tuyển ĐH năm nay mang đến sự an tâm và hài lòng rất lớn cho toàn xã hội.

Theo TS Trương Tiến Sỹ, thực tế mọi rắc rối trong công tác xét tuyển những năm trước chủ yếu nằm ở sự chủ động không toàn diện của các trường, sự thuận lợi quá đà mà quy chế dành cho thí sinh mà ra.

“Với Quy chế năm 2017, có thể nhìn thấy mọi vấn đề có thể nảy sinh đã được Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Tôi đánh giá cao sự đổi mới mang tính toàn diện của Quy chế năm nay. Việc khiến các trường lo lắng về lượng thí sinh ảo (do thí sinh được đăng ký thoải mái) được Bộ GD&ĐT giải quyết bằng phương thức cho các trường được nhập danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh nếu được nhiều trường dự kiến trúng tuyển) nhằm giữ lại nguyện vọng cao nhất cho thí sinh là rất hợp lý. Nó tạo sự công bằng trong tuyển sinh và đảm bảo tính minh bạch” - ông đánh giá.

Hướng đến sự ổn định và khẳng định chất lượng của từng trường

Với khẳng định Quy chế tuyển sinh năm 2017 sẽ ổn định và giữ nguyên trong thời gian tới, trên nền tảng một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (mỗi thí sinh trong 1 phòng thi một mã đề thi riêng)… Bộ GD&ĐT đã khẳng định rõ việc trao toàn quyền tự chủ cho các trường, sự chủ động cho thí sinh, nhằm hướng đến xây dựng một nền giáo dục thật sự hướng đến chất lượng và hội nhập quốc tế.

Quy chế tuyển sinh ĐH năm nay vẫn giữ mức điểm sàn đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Trong đó, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Các trường tự chịu trách nhiệm về thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh. Bắt đầu từ năm 2018 trở đi, các trường buộc phải công khai đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, về việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp và tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.

Đánh giá về lộ trình đổi mới trên, TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho rằng đây là lộ trình tất yếu mà các trường đều phải hướng đến trong mục tiêu nâng chất lượng đào tạo nhân lực và hội nhập. Theo ông, khi xác định nâng chất đào tạo, hướng đến hội nhập nguồn nhân lực với thị trường lao động ASEAN và thế giới, các trường buộc phải khẳng định được thương hiệu đào tạo của mình qua 3 tiêu chí: Đầu ra của sinh viên (có việc làm), tỉ lệ sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề, tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên thay vì chạy theo số lượng nếu không muốn vì đào thải.

Đánh giá về Quy chế thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH năm 2017, ông Nguyễn Bá Khanh - cựu giáo viên trường THPT Võ Trường Toản tin tưởng, với Quy chế thi gần như đảm bảo mọi yếu tố thuận lợi, tránh được những rủi ro, hệ lụy có thể nảy sinh như các năm trước, Quy chế thi và xét tuyển 2017 sẽ ổn định và là nền tảng để ngành Giáo dục xây dựng các lộ trình và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng trong những năm tiếp theo.

“Quy chế xét tuyển năm 2017 cho phép học sinh đăng ký xét tuyển đồng thời với đăng ký dự tuyển và cho các em điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Điều này tôi thấy sẽ giúp cho thí sinh vừa có thông tin tham khảo về mức đăng ký xét tuyển để cố gắng phấn đấu, vừa có quyền chốt đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi, nếu cần thiết thì vẫn có cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng. Với các trường, họ sẽ có thông tin về việc đăng ký xét tuyển của thí sinh cũng như sẽ xác định phương án tuyển sinh phù hợp... Như vậy, quy định mới năm nay không chỉ vừa có lợi cho thí sinh, mà còn tốt cho các trường” - ông Khanh đánh giá.

“Với Quy chế xét tuyển 2017, rõ ràng quyền chủ động trong lựa chọn ngành nghề thuộc về thí sinh, ngưỡng đầu vào, phương thức tuyển sinh hoàn toàn là sự chủ động của các trường. Bộ GD&ĐT chỉ còn đứng ở vai trò giám sát và hậu kiểm định chất lượng đào tạo. Cơ hội gần như là mở và tạo sự công bằng cho toàn hệ thống. Trường nào khẳng định được thương hiệu, chất lượng đào tạo, thí sinh sẽ lựa chọn” - TS Trần Đình Lý nói.

Theo Anh Tú

Giáo dục Thời đại

Bạn đang đọc bài viết Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2017: Xã hội đồng thuận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành