Thứ bảy, 20/04/2024 09:09 (GMT+7)

Sau mưa lũ, nhiều trường học tan hoang trước thềm năm học mới

MTĐT -  Thứ ba, 04/09/2018 14:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sắp đến ngày khai giảng năm học mới nhưng trận mưa lũ vừa qua tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã khiến nhiều ngôi trường vùi trong đống đổ nát, hàng ngàn học sinh đứng trước nguy cơ không có lớp học.

Sáng 4/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho hay theo báo cáo nhanh của các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, tính đến hết ngày 3/9, mưa lũ 14 người thiệt mạng, nhiều nhất là Thanh Hóa là 9 người.

4 người cũng đang mất tích do mưa lũ. 1.200 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70%, phải di dời khẩn cấp, hơn 5.700 ha lúa, hoa màu thiệt hại, 60.200 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi... do đợt mưa lũ kéo dài từ 30/8 đến nay.

Các địa phương đang khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông. Các tuyến quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An cơ bản đã được thông xe.

Đợt mưa lũ này diễn ra trước thềm khai giảng năm học mới, nhiều lớp học bị vùi dưới đống đổ nát, hàng ngàn học sinh “bơ vơ” trước ngày khai giảng. Một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của đợt mưa lũ lần này là Thanh Hóa.

Theo thông tin trên Dân trí, ngay từ chiều 30/8, do ảnh hưởng của mưa lũ, trường Tiểu học Trung Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) bị sạt lở vùi lấp, làm sập nhiều phòng học khiến hơn 260 học sinh của trường không còn chỗ học tập trong khi ngày khai giảng năm học mới cận kề.

Trường tiểu học Trung Sơn chỉ toàn bùn đất dày hàng mét. Ảnh: Báo Giao thông. 

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn, đất đá đã làm sập 3 phòng học, 2 phòng chức năng, đến trưa 30/8, khu nhà 2 tầng gồm 6 phòng học còn lại của trường tiếp tục bị uy hiếp nghiêm trọng và đến thời điểm này đã bị đổ sập.

Trước tình hình trên, ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức di dời bàn ghế, trang thiết bị dạy học tại các phòng học, phòng chức năng và con người tới nơi an toàn trước khi bị đổ sập.

Trong khi đó, ngày khai giảng năm học mới đang đến gần, hơn 260 học sinh của nhà trường không còn nơi để học tập.

Đến ngày 4/9, Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết, trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất và lũ lụt trên các sông, suối, gây ách tắc giao thông, làm hư hỏng nhiều công trình cầu, đường, phòng học, nhà ở, tài sản của nhân dân.

Cụ thể: Trường Tiểu học Trung Sơn; Trường THCS Trung Thành; Trường Mầm non Trung Thành có khu Phai – Trường Mầm non Trung Thành; Trường Tiểu học Trung Thành; Trường Tiểu học Thanh Xuân và Trường Tiểu học Thành Sơn đã sạt lở, nhiều phòng học bị sập ảnh hưởng không nhỏ trước thềm khai giảng.

Nghệ An cũng là địa phương hứng chịu nhiều thiệt hại bở trận mưa lũ vừa qua. Mấy ngày nay, thầy trò trường phổ thông DTNT THCS Con Cuông, tỉnh Nghệ An vẫn đang hì hục di chuyển đến “trường mới” để kịp bắt đầu năm học theo kế hoạch của ngành giáo dục.

Thầy Nguyễn Đình Nhung, Hiệu trưởng trường phổ thông DTNT THCS Con Cuông trao đổi với báo Người đưa tin cho biết: “Trường cũ không thể tiếp tục sử dụng để dạy học được nữa do bị ngập trong bùn đất. Để dọn dẹp sạch sẽ cần rất nhiều thời gian, vì vậy nhà trường đã báo cáo cho phòng GD&ĐT tìm chỗ tạm thời để di chuyển đến học trong năm học mới”.

Công tác dọn dẹp bùn đất vô cùng khó khăn tại Trường phổ thông DTNT THCS Con Cuông. Ảnh: NĐT.

Theo thầy Nhung, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, nước lũ thượng nguồn sông Lam dâng lên khiến ngôi trường này bị ngập sâu trên 2m. Sau khi lũ rút đi, một khối lượng bùn đất khổng lồ bao phủ lên khuôn viên trường. Nhìn khung cảnh tan hoang khiến thầy cô nào cũng xót xa ứa nước mắt, vì thế mọi người nhanh chóng bắt tay vào dọn dẹp.

Trước tình cảnh của thầy và trò, chính quyền địa phương cũng huy động hàng trăm người từ lực lượng bộ đội, công an, cán bộ và đoàn viên thanh niên đến chung tay dọn dẹp, đẩy bùn ra khỏi trường. Một khối lượng lớn sách vở của học sinh và thiết bị của nhà trường đã bị hư hỏng, thiệt hại vô cùng nặng nề.

Khi công việc đã gần xong thì vào ngày 31/8, thủy điện xả lũ lưu lượng lớn khiến nước sông Lam dâng cao, lại một lần nữa khiến trường phổ thông DTNT THCS Con Cuông ngập trong nước, bùn lầy. Toàn bộ học sinh phải sơ tán. Không còn cách nào khác, UBND huyện Con Cuông đã quyết định di dời trường đến nơi mới, để tạm thời dạy và học khi chờ nước rút.

Ông Lê Thanh An, trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết, do tình hình lũ lụt đang diễn biến phức tạp và trường nằm ở vị trí nguy hiểm nên buộc phải di dời đến nơi khác.

“Trước mắt phải mượn một số phòng của trường Dạy nghề và trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện (đóng tại thị trấn Con Cuông) để làm nơi dạy học tạm thời cho thầy trò. Phòng học thì tạm ổn, điều lo lắng nhất chính là nơi ăn ngủ của học sinh, vì 100% học sinh đều ở nội trú”, ông An nói.

Năm học 2018 - 2019, nhà trường có 300 học sinh, trong đó có 75 học sinh khối 6 vào nhập học. Đặc biệt, trường dành cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.

Trận lũ ngày 28/8 và 30/8 cũng khiến Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt, Mai Sơn, Sơn La thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Toàn bộ sách, đồ dùng thiết bị học tập của học sinh, giáo viên bị nhấn chìm trong bùn đất.

Trường PTDTBT THCS Nà Ớt cũng toàn bùn đất. Ảnh: Báo Lao động. 

Trao đổi với Dân Trí, thầy Nguyễn Trung Huấn, hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nà Ớt cho biết: “Lũ vừa về ngày 28 thì ngày 11h trưa ngày 30/8 lại về thêm trận nữa, đến 8h tối lũ vẫn chưa xuống. Trận lũ gây ngập sâu 8 phòng học và 2 phòng thư viện, 6 phòng ở tại khu nội trú của học sinh, gây sạt lở khu bếp ăn và cuốn trôi nhiều vật dụng như khay đựng thức ăn, gạo, mì tôm dự trữ của học sinh. 60 bộ bàn ghế bị ngập, hơn 160 bộ sách giáo khoa ở thư viện và để ở tầng 1 cũng bị ướt, hư hỏng toàn bộ”.

Do lũ lên quá nhanh nên nhà trường không kịp vận chuyển đồ đạc. “Chỉ bất lực nhìn dòng lũ đổ về thôi anh ạ, may trường còn có nhà 2 tầng nên giáo viên, học sinh còn kịp tránh lũ. Không có thiệt hại về người là tốt rồi”, thầy Huấn nói.

Cũng theo thầy Huấn, do khu nội trú bị ngập, chỗ ở của học sinh bị bùn tràn vào ngập toàn bộ giường chiếu, chăn màn, áo quần nên nhà trường phải kêu phụ huynh đón học sinh về nhà, bao giờ lũ rút và dọn dẹp vệ sinh được thì sẽ động viên học sinh đi học trở lại.

Còn tại tỉnh Lai Châu, mưa lũ đã làm 2 người mất tích. Nhiều diện tích hoa màu của nhân dân bị ngập úng. Đặc biệt nhiều tuyến đường giao thông quan trọng bị sạt lở, tắc nghẽn. Chính quyền địa phương đã điều nhân lực và phương tiện đến để san gạt đất đá, sớm thông tuyến để giúp người dân đi lại bình thường.

Mưa lớn đã gây ngập úng, sạt lở đất tại một số địa phương của tỉnh Lào Cai. Đặc biệt tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, hàng chục ngôi nhà đã bị ngập nước, 25 ha ao nuôi cá bị tràn bờ, mất trắng. Rất may ngay trong đêm, chính quyền đã kịp sơ tán người dân nên không có thiệt hại về người. Việc khắc phục hậu quả sẽ phải chờ đến khi nước rút.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sau mưa lũ, nhiều trường học tan hoang trước thềm năm học mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam