Thứ sáu, 29/03/2024 03:29 (GMT+7)

Tăng cường quyền tự chủ đại học: Bốn đề xuất

MTĐT -  Thứ hai, 15/03/2021 17:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một nhóm tác giả thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu đâu là sự giống và khác nhau giữa các mô hình đại học công tự chủ ở một số nước.

Bốn khía cạnh của tự chủ đại học
Bằng phương pháp phân tích tài liệu có hệ thống, nhóm tác giả đã nghiên cứu bốn khía cạnh tự chủ ở một số mô hình đại học công của ba nước Pháp, Đức, và Trung Quốc, đó là:
Tự chủ tổ chức: áp dụng từ hội đồng của trường đại học (hội đồng quản trị và ban điều hành) đến các cơ cấu tổ chức.
Tự chủ tài chính: bao gồm việc phân bổ ngân sách tài trợ theo khối (block grant), ngân sách theo hạng mục; khả năng bán cơ sở vật chất của trường; và khả năng thu học phí của trường, quyết định các nguồn tài trợ tự tạo và vay tiền trên thị trường tài chính.
Tự chủ học thuật: đề cập năng lực của trường trong việc mở và chấm dứt các chương trình cấp bằng, quyết định nội dung của chương trình và lựa chọn ngôn ngữ giảng dạy, cũng như năng lực của trường trong việc xác định cơ chế và chỉ tiêu tiếp nhận sinh viên và lựa chọn các nhà cung cấp đảm bảo chất lượng bên ngoài.
Tự chủ nhân sự: được hiểu là năng lực của trường trong việc xác định các thủ tục tuyển dụng/sa thải, tiền lương và sự thăng chức của cả nhân viên học vụ và nhân sự học thuật và hành chính.
Sinh viên ngành địa chất của Trường ĐH Bách khoa TPHCM trong giờ thực hành. Nguồn: thbt.vn
Kết quả nghiên cứu cho thấy những điểm tương đồng giữa cơ chế tự chủ trong các mô hình được tìm hiểu như sau:
(i) Những người ở các vị trí quan trọng trong các trường đại học công lập sẽ do nhà nước bổ nhiệm hoặc là công chức nhà nước;
(ii) Ngoài tài trợ của nhà nước, các trường đại học công được khuyến khích huy động kinh phí ngoài công lập từ các hoạt động dịch vụ và cấp phép; ở hầu hết các quốc gia được lựa chọn, các trường đại học công lập thu học phí; tuy nhiên, học phí tương đối thấp so với số tiền mà chính phủ hỗ trợ sinh viên hoặc học phí mà sinh viên phải trả ở các trường đại học tư thục;
(iii) Ngoài các vị trí cố định, các trường đại học công sử dụng hệ thống tuyển dụng biên chế để nâng cao chất lượng;
(iv) Mặc dù quyền tự do học thuật được cấp cho các trường đại học công lập, nhưng đó là một quy trình tự chủ có điều kiện và được kiểm định độc lập.
Song song với những tương đồng nêu ở trên, các cơ chế tự chủ trong các mô hình được phân tích cũng có những điểm khác biệt:
(i) Về mặt tự chủ tổ chức, cơ cấu quản trị trường đại học là khác nhau giữa các quốc gia; nhiệm kỳ của chủ tịch cũng khác nhau giữa các quốc gia. Mặc dù hội đồng quản trị giữ quyền lực cao nhất trong việc ra quyết định ở cấp thể chế, phạm vi và sự phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý có sự khác biệt đáng kể do các hệ thống quản lý. Trong một hệ thống quản lý nhất thể, tất cả các quyết định lớn, bao gồm xác định các kế hoạch chiến lược, bầu hiệu trưởng và lựa chọn chương trình giảng dạy, đều do một cơ quan được gọi là hội đồng/ban chịu trách nhiệm. Trong cơ cấu kép, ví dụ như ở một số bang của Đức, quyền ra quyết định cũng được trao cho thượng viện. Ở Pháp kể từ năm 2013, khi cơ cấu quản trị trường đại học chuyển từ mô hình nhất thể sang mô hình kép, hội đồng quản trị tập trung vào các vấn đề chiến lược còn thượng viện sẽ tập trung vào các vấn đề nhân sự.
(ii) Về mặt tự chủ tài chính, mặc dù nhận được nguồn tài trợ công cơ bản, khả năng phân bổ nội bộ khoản tài trợ này khác nhau giữa các quốc gia được phân tích. Các trường đại học công lập ở Đức không phải đối mặt với bất kỳ hạn chế nào; trong khi các trường đại học công lập ở Pháp nhận trợ cấp để trả lương, đầu tư và chi phí hoạt động, nhưng không được phép chuyển đổi khoản trợ cấp giữa các hạng mục trên. Các trường đại học công lập ở Trung Quốc nhận được một khoản tài trợ cho giảng dạy và một khoản bổ sung để phát triển cơ sở hạ tầng; kinh phí nghiên cứu được chuyển trực tiếp đến các khoa.
(iii) Về mặt tự chủ nhân sự, chỉ ở một số nước, các trường đại học công lập mới quyết định việc thăng tiến của cán bộ. Các trường đại học công nói chung không hoàn toàn tự do trong việc ấn định mức lương cho nhân sự hành chính / học thuật của họ. Ở Đức và Pháp, các giáo sư và nhà quản lý điều hành là công chức, và tiền lương của họ do nhà nước quy định.
(iv) Mức độ tự chủ học thuật là khác nhau giữa các quốc gia được phân tích. Trong khi các trường đại học công lập ở Trung Quốc phải dựa vào chương trình do Bộ Giáo dục quy định, thì ở các quốc gia khác, các trường đại học công lập có thể thiết kế nội dung chương trình của mình mà không bị ràng buộc. Ở Đức và Pháp, tất cả các chương trình mới cần phải thông qua kiểm định trước để được tài trợ hoặc giới thiệu. Ở Trung Quốc, trừ khi được sự chấp thuận của Hội đồng Giáo dục Đại học, các chương trình học mới ngoài các ngành học tiêu chuẩn sẽ không bao giờ được đưa vào giảng dạy. Nếu một trường đại học công lập của Trung Quốc muốn mở chương trình mới trong lĩnh vực đã ban hành, chương trình đó phải đáp ứng các yêu cầu nhất định, chẳng hạn như một số lượng cụ thể cán bộ giảng dạy toàn thời gian.
Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM trong phòng thí nghiệm. Nguồn: vov.vn
Đề xuất cho Việt Nam
Vậy đâu là hướng đi phù hợp cho các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, nhóm tác giả có một số đề xuất như sau:
Về tổ chức: Tách bạch quyền ra quyết định
Qua so sánh quyền tự chủ đại học giữa các quốc gia được lựa chọn, có thể thấy các cơ quan chủ quản và cơ quan điều hành tồn tại riêng biệt trong các trường đại học, bất kể mô hình nhất thể hay mô hình kép. Mô hình quản trị đại học trong các trường đại học công lập của Việt Nam dao động theo mô hình kép, trong đó hội đồng trường được trao quyền bổ nhiệm hiệu trưởng và chịu trách nhiệm về phát triển trường, nhưng hiệu trưởng điều hành trường dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy. Nan đề sẽ xảy ra đối với hiệu trưởng trong việc điều hành khi hội đồng trường và Đảng ủy không có quan điểm chung về chiến lược phát triển của trường. Do đó, quyền ra quyết định trong các trường đại học công lập của Việt Nam nên được tách bạch giữa hội đồng trường với Đảng ủy.
Về tài chính: Không loại bỏ chi tiêu công
Hầu hết các trường đại học công lập của Việt Nam nhận ngân sách tài trợ và thu học phí trong khung do nhà nước quy. Một số trường đại học công lập tham gia “Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017” sẽ không nhận ngân sách nhà nước nữa; học phí sẽ bao gồm tất cả chi phí học tập của sinh viên. Đóng góp tài chính của sinh viên nổi lên như một nguồn thu nhập đáng kể nhất cho ngân sách của các trường đại học công lập Việt Nam tự chủ.
Mặc dù các khoản trợ cấp, tài trợ và học phí của nhà nước đóng góp vào thu nhập của trường đại học, nhưng tỷ lệ của các loại thu nhập này không giống nhau giữa các quốc gia. Ở tất cả các quốc gia được chọn, chi phí giáo dục đại học của sinh viên bao gồm cả học phí của sinh viên và chi tiêu công cho mỗi sinh viên, trong đó phần thứ nhất thấp hơn phần thứ hai. Đặc biệt ở Trung Quốc, học phí tương đối thấp, vì “nhiệm vụ của giáo dục đại học Trung Quốc là đào tạo nhân lực chuyên môn cao có trách nhiệm xã hội, tinh thần đổi mới và khả năng thực hành, phát triển văn hóa khoa học và công nghệ và thúc đẩy công cuộc xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” (HEEC - Trung tâm đánh giá giáo dục đại học của Bộ Giáo dục Trung Quốc, 2017, trang 7). Vì vậy, việc xác định lại ý nghĩa của sự tự chủ tài chính là một điều cần thiết đối với chính phủ Việt Nam. Theo định mức đó, ngân sách nên được duy trì cho tất cả các trường đại học công lập và không bao giờ nên loại bỏ chi tiêu công trong chi phí giáo dục đại học trên mỗi sinh viên.
Về quản lý nhân sự: Không bỏ chế độ biên chế
Nhóm nghiên cứu ủng hộ lập luận rằng nếu trường đại học công lập bị chi phối bởi thị trường, nếu nhân sự đại học công lập chỉ được giao một vị trí chờ biên chế hoặc được ký hợp đồng dài hạn và trường đại học công lập chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc trả lương cho nhân sự thì mục tiêu của Nhà nước trong việc “tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức và nuôi dưỡng sinh viên có phẩm chất” (HEEC, 2017, trang 5) sẽ không bao giờ đạt được. Vì vậy, không nên chấm dứt biên chế và ngân sách tài trợ theo khối.
Về học thuật: Xem xét lại vai trò và trách nhiệm của các cơ sở kiểm định
“Thông tư 22/2017 / TT-BGDĐT về quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học” khẳng định rằng các trường đại học Việt Nam có thể đưa vào hoặc chấm dứt các chương trình cấp bằng mới. Giống như một số quốc gia được phân tích ở trên, các chương trình cử nhân mới ở Việt Nam phải trải qua kiểm định trước khi được đưa vào sử dụng. Trừ khi tất cả các điều kiện được chấp thuận, còn không các khóa học sẽ bị chấm dứt. Mặc dù kiểm định là bắt buộc như đã nêu trong “Luật Giáo dục Đại học năm 2012”, các hoạt động kiểm định chính thức chỉ bắt đầu vào năm 2016.
Ngoài ra, trách nhiệm kiểm định chất lượng giáo dục đại học được giao cho 4 trung tâm đảm bảo chất lượng trực thuộc đại học quốc gia, đại học trong vùng hoặc hiệp hội các cơ sở giáo dục đại học.
Ở một số quốc gia được phân tích, mặc dù các cơ quan đảm bảo chất lượng có thể là các cơ quan chính phủ hoặc phi chính phủ, nhưng họ chưa bao giờ là một đơn vị trực thuộc các trường đại học. Các tiêu chí và thủ tục công nhận do các nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng tự ban hành. Do đó, vai trò và trách nhiệm của các cơ sở đảm bảo chất lượng của Việt Nam cần được xem xét lại dựa trên kinh nghiệm của Trung Quốc, nơi các trung tâm đánh giá giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục hoặc do chính quyền cấp tỉnh chịu trách nhiệm. Cách thức này đã được cả châu Âu và Mỹ công nhận khi các cơ sở đại học Trung Quốc cho thấy sự cải thiện chất lượng rõ rệt.
Từ những kết quả nêu trên, nhóm tác giả đi đến kết luận rằng, mặc dù phạm vi tự chủ đại học phụ thuộc vào truyền thống quốc gia và khuôn khổ pháp lý do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, nhưng các điểm nổi bật trong từng cấu trúc không khác nhau đối với các quốc gia được phân tích. Đây là bằng chứng thuyết phục cho Chính phủ Việt Nam trong việc sửa đổi các chính sách về tự chủ đại học.
Nghiên cứu “Models of university autonomy and their relevance to Vietnam” của các tác giả Mai Ngọc Anh, Đỗ Thị Hải Hà, Mai Ngọc Cường, và Nguyễn Đăng Núi nằm trong đề tài “Nghiên cứu mô hình địa học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” do Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of Asian Public Policy. (doi:10.1080/17516234.2020.1742412)
Đức Huy/ Khoa học và Phát triển
Bạn đang đọc bài viết Tăng cường quyền tự chủ đại học: Bốn đề xuất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.