Thứ sáu, 29/03/2024 14:47 (GMT+7)

Thi THPT QG 2019: Ôn thi môn Ngữ văn thế nào để đạt điểm cao nhất?

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ năm, 14/03/2019 08:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cấu trúc, thang điểm của đề thi minh họa môn văn của kỳ thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GD-ĐT công bố vừa qua cơ bản giống với đề thi năm 2018.

Nhằm giúp thí sinh (TS) ôn thi hiệu quả môn Ngữ văn, chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm của mình trên sự tổng hợp tình hình đề thi các năm, đề thi minh họa năm 2019, cũng như từ thực tế bài làm của TS qua các kỳ thi mà chúng tôi trực tiếp tham gia chấm qua 3 bài viết này.

Bài 1:
Mấy điểm lưu ý từ đề minh họa
Cấu trúc, thang điểm của đề thi minh họa môn văn của kỳ thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GD-ĐT công bố vừa qua cơ bản giống với đề thi năm 2018. Theo đó, đề vẫn gồm 2 phần: Phần I. Đọc hiểu văn bản (3.0 điểm, với 4 câu hỏi). Phần II. Làm văn (7.0 điểm), gồm 2 câu: Câu 1 viết đoạn văn khoảng 200 chữ, 2 điểm và Câu 2 nghị luận văn học, 5 điểm. Câu 1 phần làm văn cũng có sự tích hợp với văn bản đọc hiểu.

Theo đề thi minh họa, trước hết thí sinh (TS) cần lưu ý các điểm sau đây:

Thứ nhất, đề thi tăng cường tính thực tiễn và hướng đến những yêu cầu có tính gợi mở. Điều này có nghĩa là yêu cầu TS phải có sự hiểu biết thực tế, vốn sống xã hội. Bên cạnh việc nắm vững kiến thức tác phẩm, TS cần phải có kỹ năng để xử lý một đề thi theo hướng “mở”, rất đa dạng và khá bất ngờ về các cách hỏi. Đề thi như thế sẽ giảm thiểu được cách ra đề bị cho là hàn lâm về kiến thức, hạn chế cách học và ôn thi tiêu cực của môn văn bấy lâu nay.

Thứ hai, câu đọc hiểu văn bản sẽ tăng thêm độ khó, sẽ hạn chế những câu hỏi “nhận biết” khá đơn giản nhằm “chống điểm liệt” như trước đây, mà tăng cường những câu hỏi “thông hiểu” và “vận dụng” (thấp). Cụ thể trong đề minh họa là: “Chỉ ra… trong đoạn trích” (câu 1); “Theo anh/chị…” (câu 2); “Việc tác giả… có tác dụng gì?” (câu 3); “Anh/chị có cho rằng…Vì sao…?” (câu 4). Tình hình đó đòi hỏi TS phải có kỹ năng đọc hiểu thật tốt, suy ngẫm kỹ càng và trả lời công phu hơn.

Thứ ba, câu nghị luận văn học chủ yếu kiến thức chương trình lớp 12. Mặc dù vậy, nhưng với cấu tạo gồm nhiều yêu cầu từ đơn giản đến khó, cho nên đây không phải là dạng đề dễ làm bài, nếu TS không thật vững kỹ năng. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là đề thi hướng đến mục đích xét tốt nghiệp là chính, nhưng không loại bỏ hoàn toàn mục đích phân loại TS để xét tuyển sinh. Cho nên phần này trong đề thi gành vác nhiều nhất sự phân loại đó.

Kỳ thi THPT Quốc gia - Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cách làm phần đọc hiểu Văn bản

Những yêu cầu chính của phần đọc hiểu văn bản

Theo ma trận đề thi, phần đọc hiểu sẽ cho 1 văn bản và 4 câu hỏi theo các mức lượng giá: nhận biết, nhận biêt/thông hiểu, thông hiểu và vận dụng (thấp). Thang điểm tương ứng thường là: 0.5 - 0.5 - 1 - 1 điểm.
Ở câu hỏi nhận biết, đề thường hỏi: Tìm/chỉ ra/xác định văn bản sử dụng phương thức biểu đạt; phong cách ngôn ngữ; phép liên kết; cách trình bày (diễn dịch, quy nạp, song hành, tổng - phân- hợp…); phép tu từ; đề tài; thể thơ…
Ở câu hỏi nhận biết/ thông hiểu, đề thường yêu cầu: Xác định chủ đề/ câu chủ đề; đặt nhan đề; theo tác giả “…” là gì; chỉ ra từ ngữ, hình ảnh “…” trong văn bản; xác định vấn đề chính của văn bản; để làm rõ “…”, tác giả đã dùng “…” gì;…
Ở câu hỏi thông hiểu, đề thường cho là: Anh/chị hiểu thế nào về câu/từ ngữ/hình ảnh/khái niệm… trong văn bản; theo anh/chị vì sao tác giả cho rằng “…”; cho biết tác dụng của phép tu từ…
Ở câu vận dụng (thấp), có các dạng: Yêu cầu rút ra ý nghĩa/bài học từ văn bản; yêu cầu đưa ra các giải pháp hoặc liên hệ thực tiễn; bày tỏ tình huống lựa chọn; bày tỏ suy nghĩ/cảm nhận về câu văn/câu thơ trích từ văn bản; anh/chị có đồng ý hay không, vì sao; hoặc viết một đoạn văn theo một yêu cầu về hình thức và giới hạn nhất định…
Cách đọc và phân bổ thời gian làm bài
Nên đọc kỹ văn bản theo trình tự lần lượt sau. Lượt 1, đọc hết văn bản và các câu hỏi. Sau đó đọc lại lượt 2 trên cơ sở hướng đến việc trả lời các câu hỏi. Có thể lấy bút đánh dấu câu trả lời vào đề, hoặc ghi ra giấy nháp trước khi chính thức trả lời vào giấy làm bài.
Chú ý đến các thông tin liên quan đến văn bản như nhan đề, nguồn trích dẫn, tác giả… (thường nằm cuối văn bản). Nhiều khi đây chính là cơ sở mà dựa vào đó cho ta đáp án. Chú ý đến số câu hỏi, các vế trong từng câu hỏi. Các câu hỏi thường sắp xếp từ dễ đến khó, vì vậy phải chú ý sự hài hòa về yêu cầu kiến thức đọc hiểu, sự tương quan hợp lý giữa chúng. Để cần thiết có thể sử dụng phương pháp loại suy.
Có hai loại văn bản thường cho ở đề là văn bản nghệ thuật (thơ, văn xuôi) và văn bản thông tin (báo chí, chính luận…). Tương tự với đó cũng sẽ có những câu hỏi liên quan đến đặc trưng của hai loại văn bản này. Với thời gian làm bài 120 phút, câu đọc hiểu văn bản có thang điểm là 3/10 điểm, nên chỉ dành khoảng 20 phút cho câu hỏi này. Những câu hỏi khó, chưa trả lời được nên tạm dừng lại, để làm sau.

“Mẹo” để đạt trọn điểm

Không trả lời dài dòng, vòng vo mà trả lời đúng vào trọng tâm câu hỏi, đúng vào các “từ khóa” của đáp án chấm. Câu hỏi có một ý (thường là câu 1, câu 2), nếu có các từ “chính/chủ yếu” thì chỉ trả lời 1 phương án. Câu hỏi xác định (như phép tu từ) phải có hai bước, gồm gọi tên (phép gì) và chỉ ra (ở đâu trong văn bản). Nếu thiếu bước sau sẽ mất nửa số điểm. Nếu câu hỏi có nhiều vế (thường là câu 3 và câu 4) thì không nên viết thành đoạn văn, mà nên trả lời mỗi ý bằng các ý gạch đầu dòng. Các cách hỏi như “theo văn bản/theo tác giả” thì phải bám sát văn bản để trả lời. Cách hỏi “theo anh/chị” là trình bày ý kiến riêng của TS. Câu hỏi có yêu cầu “hiểu thế nào” thì phải vận dụng thao tác giải thích, hoặc “trình bày ý kiến anh/chị” thì vận dụng thao tác bình luận. Nếu câu hỏi yêu cầu “đưa thêm giải pháp/ý kiến của bản thân” thì nên đưa càng nhiều ý kiến càng tốt, nhưng không được trùng lặp với các ý có trong văn bản. Câu hỏi yêu cầu nêu tác dụng của phép tu từ nào đó trả lời bằng cách lấy chính tác dụng của phép tu từ đó kết hợp với chi tiết trong ngữ cảnh văn bản.

“Bí quyết” chinh phục giám khảo?

Thực tế cho thấy, hai TS có kiến thức đọc hiểu ngang nhau, nhưng điểm số khác nhau là do TS hơn điểm biết chăm chút cho câu trả lời. Chẳng hạn: Về trình bày, câu trả lời có lời dẫn lại câu hỏi, khoảng cách giữa các câu rõ ràng. TS nên có khoảng cách an toàn giữa các câu trả lời (khoảng 3, 4 dòng) để cần có thể sửa chữa lại, vừa dễ dàng cho giám khảo chấm điểm. Hay như khi trả lời câu hỏi nhận biết (phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận…) nên kèm theo lý giải vì sao, đó là cái “mẹo” để kiểm chứng đáp án. Ngoài ra chú ý các mặt như canh lề, dòng, các cách trình bày gạch đầu dòng, trình bày đoạn và cả chữ viết, chính tả…

Bạn đang đọc bài viết Thi THPT QG 2019: Ôn thi môn Ngữ văn thế nào để đạt điểm cao nhất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.