Thứ sáu, 19/04/2024 21:53 (GMT+7)

Tin tức giáo dục 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/8/2018

T.Anh (TH) -  Thứ tư, 08/08/2018 21:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức giáo dục 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/8/2018. Cập nhật tin tức giáo dục mới nhất trên cả nước ngày 8/8/2018 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Lùi thông qua luật Giáo dục để bàn kỹ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chiều nay, UB Thường vụ QH cho ý kiến về dự luật Giáo dục. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhận định kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi để lại nhiều điều đáng suy nghĩ.

UBTVQH thống nhất lùi việc thông qua luật Giáo dục tại kỳ họp cuối năm nay sang kỳ họp giữa 2019 để bàn kỹ hơn về kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng chuyện thi tốt nghiệp THPT có nhiều dư âm cần giải quyết, trả lời, xử lý kể cả vấn đề về pháp luật.

Qua tiếp xúc cử tri, có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, có nên tiếp tục hay không, hay chỉ cấp chứng chỉ cho học sinh học tiếp lên hoặc chuyển sang học nghề.

Thứ hai, việc tổ chức thi được giao cho địa phương nhưng vừa qua có nhiều vấn đề phức tạp. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng cần có sự thận trọng, xin ý kiến cử tri, nhân dân, ý kiến chuyên gia và cần thêm nhiều thời gian để đưa ra quyết sách cho trúng, đúng.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chốt lại, UBTVQH giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Sau đó, QH thảo luận hoàn thiện tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm nay) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2019) cho chắc chắn.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ nguyện vọng xin được lùi trình dự luật để chuẩn bị, đến kỳ họp thứ 7 với lý do khối lượng công việc rất nhiều.

“Thời gian chỉ còn 2-3 tháng nữa, rất khó để hoàn thiện hồ sơ. Tới kỳ thứ 7 chúng tôi trình, như vậy rất chắc chắn”, Bộ trưởng nói.

Ông cũng cho biết, dự luật phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các nội dung phải được làm thấu đáo: “Ngay cả vấn đề thi, chúng tôi cũng dự kiến có một cuộc hội thảo lớn, rộng rãi tới tất cả mọi người để tạo sự đồng thuận cao”.

Kết luận, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lưu ý Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn phải tích cực chuẩn bị dự luật. Còn 1 phiên họp UBTVQH nữa sẽ chốt có trình dự luật này để báo cáo tại kỳ họp QH vào cuối năm hay không.

Điểm chuẩn đại học năm 2018 có nhiều biến động

So với năm trước, điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay đều giảm từ 3-5 điểm. Điểm chuẩn của các trường khối ngành sức khoẻ giảm mạnh, các trường sư phạm cũng giảm theo. Nhiều địa học địa phương lấy điểm chuẩn 13-14.

Ví dụ như 58/124 ngành của Trường ĐH Huế lấy điểm trúng tuyển đợt 1 tuyển sinh hệ chính quy theo phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 bằng với điểm sàn tức 13 điểm. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế Huế có 11 ngành, Trường ĐH Nông Lâm có 21 ngành, Trường ĐH Khoa học có 22 ngành...

Đại học Tây Bắc (Sơn La) có đến 10 ngành lấy điểm chuẩn 13, Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy ngưỡng 13 cho hầu hết ngành, trừ Sư phạm, Thủy sản, Kinh doanh nông nghiệp.

Hà Nội áp dụng mức học phí mới cho năm học 2018-2019

Theo đó năm học 2018-2019, mức học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2018-2019, áp dụng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị là 155.000 đồng/tháng/học sinh;

Đối với địa bàn nông thôn 75.000 đồng/ tháng/ học sinh; địa bàn các xã miền núi 19.000 đồng/ tháng/ học sinh.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường làm tốt công tác tuyên truyền về mức thu học phí năm học 2018-2019 và các năm tiếp theo để tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiểu và đồng thuận.

Đồng thời, Sở cũng nhấn mạnh việc công khai mức học phí, các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra việc lạm thu và tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học

Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đến năm 2020”. Kết quả, đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đã kết nối internet tốc độ cao, tạo cơ sở triển khai ứng dụng công nghệ thông tin từ Bộ GD&ĐT đến các nhà trường và triển khai Chính phủ điện tử trong toàn ngành Giáo dục; kiện toàn hệ thống hội nghị truyền hình tăng cường khả năng kết nối của Bộ đến với các sở GD&ĐT. Toàn ngành Giáo dục hiện có khoảng 1.500 dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT còn tăng cường sử dụng gửi văn bản điện tử tới các cơ sở GDĐT qua cổng thông tin điện tử và hệ thống email toàn ngành moet.edu.vn. Cùng với hệ thống email công vụ, Bộ GD&ĐT đã triển khai hệ thống E-office quản lý văn bản đi, đến với 63 Sở GD&ĐT. Đồng thời triển khai hiệu quả nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, phục vụ công tác quản lý, tra cứu thông tin, giảm các thủ tục quản lý và tiết kiệm nguồn lực. Cơ sở dữ liệu toàn ngành GD&ĐT đã được xây dựng đưa vào sử dụng và thống nhất trên toàn quốc.

So sánh số lượng trường học sử dụng phần mềm quản lý (Nguồn: Báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, 2018)

Năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông nhằm giúp các trường xác định được mục tiêu, nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; giúp các cơ quan quản lý giáo dục trong việc hoạch định chính sách và phát triển, đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.

Đồng thời tiếp tục xây dựng, cập nhật kho bài giảng e-Learning dùng chung và đang triển khai xây dựng kho học liệu số toàn ngành phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường và kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Đối với giáo dục đại học, ngày càng có nhiều trường quan tâm xây dựng, nâng cấp thư viện điện tử, kho học liệu điện tử và triển khai hệ thống học tập e-Learning.

Trang mạng "Trường học kết nối" tiếp tục được khai thác sử dụng có hiệu quả trong hoạt động tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên. Trong năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức và duy trì hoạt động tập huấn trên mạng "Trường học kết nối", tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo hình thức trực tuyến cho giáo viên. Số lượng giáo viên phổ thông có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học và thiết kế bài giảng eLearning ngày một tăng.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trình độ đại học giai đoạn 2017-2020 nhằm tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo chưa quan tâm đúng mức đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá. Công tác xã hội hóa các dịch vụ công nghệ thông tin trong ngành giáo dục chưa thực sự hiệu quả. Hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin ở các địa phương còn thiếu đồng bộ. Việc triển khai quản lý hồ sơ, sổ điểm điện tử trong nhà trường chuyển biến còn chậm. Việc tích hợp và khai thác dữ liệu dùng chung chưa được thực hiện tốt...

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/8/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...