Thứ ba, 23/04/2024 19:01 (GMT+7)

Tin tức giáo dục 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 17/7/2019

MTĐT -  Thứ tư, 17/07/2019 12:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2019 của cả nước là 94,06%, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Kết quả thi lịch sử, tiếng Anh là chưa chấp nhận được...là những tin tức giáo dục nóng nhất hôm nay.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2019 của cả nước là 94,06%

Tại hội nghị về tuyển sinh được Bộ GD-ĐT tổ chức hôm nay, 17.7, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho biết kết quả đỗ tốt nghiệp THPT năm nay của cả nước là 94,06%.

Tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh 2019 và thực hiện luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức hôm nay, 17.7, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, thông tin tới các đại biểu về kết quả thi THPT quốc gia 2019, trong đó có thông tin về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước.

Theo bà Phụng, thống kê sơ bộ từ kết quả xét tốt nghiệp từ các tỉnh thành, kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 94,06%.

“Việc phân tích sâu phổ điểm của các tỉnh cho thấy kết quả thi đã phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng, miền. Có thể nói, kỳ thi năm nay đạt được mục tiêu hàng đầu của một kỳ thi là khách quan, trung thực”, bà Phụng nhận xét.

Về công tác xét tuyển đại học sắp tới, bà Phụng cũng cho biết, năm nay cả nước có 341.840 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia (con số này tương đương năm 2018) trong tổng số 489.637 chỉ tiêu. Như vậy, số chỉ tiêu tăng so với năm 2018 chủ yếu là do tăng chỉ tiêu xét tuyển theo các phương thức khác, như: xét học bạ, xét qua đánh giá năng lực, xét kết hợp…

Bà Phụng nói: “Những con số chỉ tiêu này là không nhiều, bởi tỷ lệ người học đại học/độ tuổi học đại học của Việt Nam thuộc mức thấp trong khu vực”.

Bà Phụng cũng cung cấp thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh và nguyện vọng theo từng khối ngành tuyển sinh, số lượng nguyện vọng theo tổ hợp. Cụ thể như sau:

Tổng chỉ tiêu và nguyện vọng theo 7 khối ngành
Nguyện vọng đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo tổ hợp xét tuyển (khối thi)

Với các trường tuyển sinh nhiều phương thức, bà Phụng lưu ý cần xác định tỷ lệ phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời thống kê điểm thi THPT quốc gia của các em trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển khác để so sánh điểm trung bình chung thi THPT quốc gia của các phương thức xét tuyển khác nhau.

Về lâu dài, các trường nên nghiên cứu so sánh chất lượng quá trình học tập, tốt nghiệp, việc làm… của các sinh viên vào học theo các phương thức tuyển sinh khác nhau để có phương án chủ động tuyển sinh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho các năm sau.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Kết quả thi lịch sử, tiếng Anh là chưa chấp nhận được

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, kết quả thi 2 môn lịch sử và tiếng Anh năm nay tuy có tiến bộ, nhưng vẫn ở mức chưa chấp nhận được, cần rút kinh nghiệm để điều chỉnh việc dạy học trong trường phổ thông.

Tại hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học được tổ chức trực tuyến sáng nay, 17.7, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đưa ra một số nhận xét và ý kiến chỉ đạo liên quan tới công tác thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học.

Theo ông Nhạ, trên cơ sở kết quả phân tích kỹ phổ điểm của từng môn, từng tỉnh, cuối tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị giám đốc sở GD-ĐT để bàn kỹ về phổ điểm này, mổ xẻ, lý giải nguyên nhân vì sao môn này, môn kia thấp, để rút kinh nghiệm cho việc tổ chức dạy học trong các nhà trường cũng như trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Ông Nhạ nói: “Kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh, mà quan trọng hơn là giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia như lịch sử, tiếng Anh”.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Theo ông Nhạ, không phải năm nay 2 môn này mới có kết quả thấp, mà những năm trước cũng vậy. Năm nay, khi phân tích phổ điểm cho thấy kết quả thi 2 môn lịch sử và tiếng Anh nhìn chung đã có sự tiến bộ nhưng vẫn chưa chấp nhận được. Vì thế, cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm để điều chỉnh việc dạy học trong trường phổ thông.

Liên quan đến công tác tuyển sinh, mặc dù đề nghị năm nay các trường phải cải thiện chất lượng ngay từ khâu đầu là xét tuyển, song ông Nhạ lưu ý các trường rằng chất lượng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là quá trình đào tạo. Theo ông Nhạ, nhiều trường hiện vẫn mất nhiều tâm sức cho xét tuyển trong khi quá trình đào tạo và đầu ra rất quan trọng.

“Vấn đề không chỉ chọn được những học sinh tốt để đủ đầu vào mà trường đại học còn phải trách nhiệm với người học, cam kết với họ để khi ra trường có kết quả tốt. Trong quá trình học tạo điều kiện cho họ đánh giá đầu ra”, ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhắc nhở các trường phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, chú trọng kiểm định chất lượng để trường nào chất lượng kém sau một thời gian không cải thiện được phải đóng cửa. “Hôm nay, chúng ta cùng nhau thống nhất nguyên tắc thực hiện nghiêm túc, tuyên bố thế nào thực hiện như vậy, đúng như những gì các trường có. Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng viên, các thông số về học sinh sinh, sinh viên điểm vào 2 năm gần đây, số lượng sinh viên ra trường có việc làm… phải công khai. Công bố rõ học phí cả quá trình đào tạo, người học rất cần biết thông tin này", ông Nhạ chỉ đạo.

Hơn 600 thí sinh đăng ký xét tuyển vào Học viện Quân y không hợp lệ

Trong đó, có 483 thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng không đăng ký sơ tuyển.

22 thí sinh đăng ký sơ tuyển, không đăng ký xét tuyển là nguyện vọng 1;

108 thí sinh đăng ký sơ tuyển, không đăng ký xét tuyển vào Học viện Quân y.
Học viện Quân y đề nghị thí sinh rà soát thông tin sơ tuyển theo danh sách, kiểm tra nguyện vọng đăng ký của mình theo danh sách trường cung cấp.

Các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào Học viện Quân y, mà không có hồ sơ sơ tuyển sẽ không được xét tuyển vào học viện vì vậy thí sinh phải kiểm tra thay đổi nguyện vọng cho phù hợp.

Cán bộ, học viên Học viện Quân y (Ảnh: Học viên Quân y)

Các thí sinh đã đăng ký sơ tuyển có đăng ký xét tuyển vào học viện mà không đăng ký là nguyện vọng 1 cũng không được xét tuyển, vì vậy kiểm tra và đăng ký nguyện vọng 1 vào trường cho phù hợp.

Thí sinh đã đăng ký sơ tuyển nhưng không đăng ký xét tuyển vào học viện, kiểm tra và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường.

Hà Nội: 147 thí sinh trượt tốt nghiệp vì điểm liệt

Chiều 16/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã công bố kết quả đỗ tốt nghiệp THPT năm 2019. Theo số liệu thống kê thì có 147 thí sinh Hà Nội trượt tốt nghiệp vì điểm liệt.

Năm nay, Hà Nội có tổng số 194.050 thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2019 (đông nhất cả nước), tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của TP là 97,6%.

Thí sinh Hà Nội dự thi THPT Quốc gia 2019. 

Trong đó, 70 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, chiếm 1/3 tổng số trường.
Đặc biệt, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ có 3 thí sinh là thủ khoa 3 tổ hợp xét tuyển đại học. Đó là các em: Đinh Tuấn Anh - lớp 12 Toán 1 thủ khoa khối A01; Tạ Duy Phương - lớp 12 Toán 1 thủ khoa khối B00; Mai Nguyễn Diệu Anh - lớp 12 chuyên Sử, thủ khoa khối C.

Thủ khoa khối A00 là học sinh Trường THPT Đông Quan; khối D00 là học sinh Trường THPT Hồng Thái (huyện Đan Phượng) và thủ khoa khối D07 (Toán, Hóa, Anh) là học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam.

Theo con số thống kê của Sở GD&ĐT, Hà Nội có 166 điểm 10, chiếm tỷ lệ 0,04%. Hơn 9.800 thí sinh đạt từ điểm 9 trở lên; hơn 46.500 thí sinh đạt điểm 8 trở lên.

Đáng buồn là có 4 thí sinh đạt điểm 0. Trong đó, 2 thí sinh đạt điểm 0 môn Ngữ văn, 1 thí sinh điểm 0 môn Địa lý và 1 thí sinh điểm 0 môn Giáo dục công dân.

Hà Nội cũng có 143 thí sinh chỉ đạt điểm từ 0-1. Nhiều nhất là ở môn Ngoại ngữ với 53 thí sinh, tiếp đến là môn Hóa học 24 thí sinh, môn Lịch sử 16 thí sinh...
Theo quy chế thi THPT Quốc gia 2019, thí sinh đạt điểm từ 1 trở xuống là điểm liệt, như vậy đồng nghĩa với việc 147 thí sinh này đã trượt tốt nghiệp trong kỳ thi này.

Trong số các môn của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Giáo dục Công dân có tỷ lệ điểm trung bình cao nhất: 7,31. Môn Toán đứng thứ hai: 6,33.

Hà Nội có số học sinh các khối đăng ký dự thi đại học, cao đẳng đạt tổng điểm từ 15 điểm trở lên là gần 148.000, chiếm 76,14% trong tổng số học sinh đăng ký dự tuyển.

Đáng ghi nhận, Hà Nội có số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên ở 3 môn đứng đầu cả nước với 297 em.

Học sinh đạt điểm cao nhất TP là Tạ Duy Phương, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, với tổng điểm 29,05 điểm. Tạ Duy Phương đăng ký dự tuyển khối B00 (Toán, Hóa, Sinh).

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức giáo dục 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 17/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới