Thứ sáu, 26/04/2024 03:53 (GMT+7)

Trường quốc tế Á Châu cho học sinh thôi học, có đúng luật không?

MTĐT -  Thứ sáu, 11/06/2021 09:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 9-6, Trường Quốc tế Á Châu quyết định không tiếp nhận một số học sinh có cha mẹ khiếu nại về chính sách học phí. Không ít phụ huynh đặt vấn đề: Cách làm này có ổn thỏa về cả lý lẫn tình?

Cần tách biệt từng thứ

Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM cho biết, việc tăng học phí thường nằm trong chủ trương của từng trường, còn theo thời gian dài hạn. lộ trình. Trong trường hợp Trường Quốc tế Á Châu và phụ huynh có quy định về lộ trình này thì việc tăng học phí năm học 2021-2022 là không sai.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều gia đình, nhà trường có thể xem xét có nên điều chỉnh học phí hay không, ở mức độ nào. Tuy nhiên, trường không có nghĩa vụ giữ hoặc giảm học phí.

“Có thể hình dung được mức hỗ trợ học phí trong mùa dịch bệnh cũng như chế độ chăm sóc khách hàng mà nhà trường dành cho người học để cùng nhau đi những chặng đường dài”, ông Hiếu nói.

Học phí Trường Quốc tế Á Châu năm học 2021 - 2022 - Ảnh: T.N

TS Bùi Kim Hiếu cho biết, căn cứ vào điều 428 Bộ luật dân sự (2015) về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, không có cơ sở để trường cho "thôi học" những học sinh có phụ huynh phản đối chính sách học phí. Nếu các phụ huynh này không đóng học phí, đây sẽ là một trong những cơ sở để trường chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên ở đây, các phụ huynh này không vi phạm nghĩa vụ trên.

Nhà trường lấy lý do các phụ huynh khiếu nại khắp nơi để không nhận con của họ là không hợp lý. Nếu trường nhận thấy khiếu nại của phụ huynh làm ảnh hưởng uy tín của mình thì có thể khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo điều 592 Bộ luật dân sự (2015).

Hơn nữa, trong giao dịch ký kết giữa nhà trường và phụ huynh, chính học sinh là người được hưởng lợi. Điều 415 Bộ luật dân sự về thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba có viết: "Khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình".

TS Hiếu nhấn mạnh, quyết định cho "thôi học" của Trường Quốc tế Á Châu không có cơ sở pháp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học. Các em nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn khi chuyển sang trường quốc tế khác hay một trường công, do khác biệt chương trình. Như thế, quyền được học tập trong trường hợp này đã bị vi phạm theo Hiến pháp (2013). 

"Tôi thấy hơi nhẫn tâm"
Bức thư nhà trường gửi phụ huynh từ chối tiếp nhận một số học sinh - Ảnh: T.N

ThS Bùi Khánh Nguyên, chuyên gia giáo dục từng nhiều năm nghiên cứu về hệ thống giáo dục tư thục ở Việt Nam, nêu ý kiến phụ huynh và nhà trường nếu cùng đặt lợi ích học sinh là trung tâm thì đã có thể giải quyết được câu chuyện này từ sớm.

Còn khi cả hai đã bất đồng đến mức không thể dung hòa, học sinh không khác gì đang ở trong một ngôi nhà mà cha và mẹ đang mâu thuẫn gay gắt. Thậm chí nếu phải khiếu kiện, tức giữa hai bên như "một mất một còn", thì học sinh càng gặp khó khăn hơn. Theo ông Nguyên, cha mẹ lúc đó nên dẹp bỏ cái tôi để chọn một môi trường khác, sẽ tốt cho các bên.

Về việc Trường Quốc tế Á Châu cho "thôi học", ThS Bùi Khánh Nguyên cho rằng nhà trường lẽ ra có thể làm tốt hơn. Nhà trường nên trao những phụ huynh này quyền lựa chọn đi hay ở, hơn là giành quyền từ chối về phía mình. "Trường chủ động từ chối thì tôi thấy hơi nhẫn tâm. Hãy để phụ huynh lựa chọn nếu mức học phí vượt quá mức chịu đựng của họ" - ông Nguyên chia sẻ.

Ông nói tiếp: "Trường có thể hỗ trợ hết mức cho các phụ huynh qua trường khác. Không nên cư xử theo kiểu ngày xưa khi phụ huynh vào trường, tôi chào đón, đến ngày phụ huynh rời trường thì như "hắt nước đổ đi". Đó không phải là cái đẹp trong giáo dục".

Có thể yêu cầu minh bạch thông tin

Cũng theo ThS Bùi Khánh Nguyên, phụ huynh có quyền đòi hỏi nhà trường minh bạch thông tin cho những khoản tăng học phí. Chẳng hạn, nếu trường tăng học phí để đầu tư thêm cơ sở vật chất, thì đó là những cái gì, có ích lợi thế nào?

Hoặc nếu trường nói cần tăng học phí hằng năm để tiến đến đạt chuẩn kiểm định thì lộ trình ra sao, bao lâu sẽ về đích? Nếu trường không tuân theo những cam kết đó, phụ huynh có thể khiếu nại.

Trọng Nhân/Tuổi trẻ

Bạn đang đọc bài viết Trường quốc tế Á Châu cho học sinh thôi học, có đúng luật không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.