Thứ bảy, 20/04/2024 09:30 (GMT+7)

Vì tương lai con em chúng ta

MTĐT -  Thứ ba, 23/03/2021 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bảo đảm cho các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện luôn là mục tiêu xuyên suốt được Đảng, Nhà nước ta thực hiện thời gian qua.

Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai, với ý nghĩa đặc biệt đó, trẻ em luôn được toàn xã hội quan tâm, đầu tư, phát triển. Bảo đảm cho các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện luôn là mục tiêu xuyên suốt được Đảng, Nhà nước ta thực hiện thời gian qua.

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có hàng trăm nghìn trẻ em đứng trước nguy cơ thiếu an toàn. Cách tốt nhất để xóa đi mối lo là người thân, người chăm sóc luôn quan tâm đến trẻ em từ những việc nhỏ, bằng sự chung tay từ gia đình tới cộng đồng. Với quan điểm này, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng môi trường sống an toàn cho các em, để thế hệ tương lai có cơ hội phát triển toàn diện.

Theo Sở Y tế Hà Nội, mỗi năm thành phố có khoảng 90.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có gần 700 trường hợp tử vong. Còn trên phạm vi cả nước, tai nạn xảy ra với trẻ em ở nhiều nơi với các tình huống thường gặp là ngã, rơi từ chung cư, nhà cao tầng, tai nạn giao thông, đuối nước…, khiến 370.000 trẻ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nước ta vẫn còn hơn 1 triệu trẻ em phải lao động sớm. “Trẻ em phải lao động sớm có thể làm suy giảm sức khỏe, đối mặt với nguy cơ bị bóc lột, bị bạo hành, xâm hại, tai nạn lao động…”, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Lê Hồng Loan phản ánh.

Thêm một vấn đề cần quan tâm hơn nữa, đó là số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là với trẻ em gái chưa giảm. Riêng năm 2020, cả nước phát hiện 2.008 em bị xâm hại dưới nhiều hình thức và số vụ việc tương tự chưa có dấu hiệu giảm trong đầu năm 2021. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng internet phát triển rộng khắp, được kết nối thông qua nhiều phương tiện, trẻ em dễ gặp những nguy cơ rủi ro trên môi trường mạng, như: Bị bắt nạt, xâm hại, bạo lực tinh thần, nghiện trò chơi trực tuyến…[1]

Hơn 50% thời gian của trẻ em là ở nhà. Thế nhưng, ngôi nhà sẽ không phải là “ngôi nhà an toàn” đối với con trẻ nếu người lớn đểnh đoảng, sơ ý...

Những vụ rơi từ tầng cao chung cư gây rúng động dư luận

Khoảng 16h30 ngày 28/2, cháu N.P.H, 3 tuổi, bò từ trong nhà, trèo ra lan can rồi treo mình lơ lửng ở tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Q. Thanh Xuân, HN). Nhiều người dân ở tòa nhà bên cạnh hoảng sợ hô hoán mọi người ở quanh khu vực tầng 12A đến ứng cứu.

Nghe tiếng khóc thét của trẻ và tiếng hô hoán, kêu cứu của mọi người, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, H. Đông Anh, HN) đang lái xe tải chờ hàng đứng dưới sảnh lúc đó đã không quản ngại nguy hiểm, nhanh chóng trèo lên mái tôn cao gần 3m của sảnh tòa nhà và kịp thời ôm được bé H. Cháu bé ngay lập tức được đưa đi cấp cứu. Các bác sỹ khám, theo dõi và chẩn đoán cháu chỉ bị trật khớp háng. Hiện tại, cháu H đã được ra viện và ổn định sức khoẻ.

Sự việc cháu bé rơi từ độ cao của tầng 13 xuống đất nhưng chỉ bị chấn thương nhẹ là điều kỳ diệu và may mắn không chỉ với cháu H mà còn với gia đình cháu bé. Một vụ rơi chung cư khác mà cháu bé may mắn sống sót và không ảnh hưởng sức khoẻ mới xảy ra tại một toà chung cư trên phường Quang Trung (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cũng là điều kì diệu và hi hữu.

Cụ thể, khoảng đầu tháng 12/2020, một bé trai 3 tuổi bị rơi từ tầng 8 xuống và trúng mái tôn bên dưới nên thoát chết. Theo gia đình cháu bé, gia đình có làm hàng rào chắn ban công bằng cửa kính, nhưng không lắp song cửa. Thời điểm xảy ra vụ việc, bé trai ở với mẹ, tuy nhiên, người mẹ đi xuống tầng 1 có việc nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc trên.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu xảy ra trường hợp trẻ em rơi từ tầng cao của các nhà chung cư. Đã có rất nhiều vụ trẻ em rơi từ tầng cao toà nhà chung cư xuống đất và tử vong. Cuối tháng 8/2020, một bé gái 6 tuổi tử vong do rơi từ tầng 12 toà chung cư ở phường Trung Hoà (Q. Cầu Giấy, HN) xuống đất. Khoảng tháng 8/2019, khi bố mẹ không có ở nhà, một bé gái 4 tuổi sống tại tầng 25 của toà chung cư Star Tower (P. Khương Trung, Q. Thanh Xuân, HN) đã rơi từ ban công xuống đất và tử vong trên mái che tầng 1.

Ngày 24/4/2019, tại chung cư Ecohome 1 (P. Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, HN), một bé gái 4 tuổi đã rơi từ tầng 12 của tòa nhà xuống đất. Nguyên nhân được xác định là do dây thép chắn cửa sổ bị long và cháu bé trong lúc chơi đùa đã trèo lên và ngã lộn nhào xuống đất. Trước đó chưa đến 1 tuần, một bé trai 4 tuổi khác (ở chung cư VinaHud – Cửu Long (Q. Hai Bà Trưng, HN) ở nhà một mình cũng đã trèo lên bộ bàn ghế, leo ra cửa sổ không có rào chắn an toàn cũng đã ngã xuống đất và tử vong. Sự ra đi của các cháu bé khiến ai cũng xót xa, đau đớn, nhưng một lần nữa cảnh báo về tình trạng cha mẹ không lắp đặt dây thép chắn an toàn cho các cửa sổ, ban công khi trong nhà có trẻ nhỏ.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Những nguy hiểm rình rập trẻ trong nhà

Theo số liệu thống kê của Cục trẻ em, năm 2018 có 260.000 trẻ em bị thương tích cả tử vong và không tử vong. Nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích trẻ em là do ngã, tai nạn giao thông, dị vật, ngộ độc thực phẩm, vật sắc nhọn gây nên, đuối nước, điện giật, bỏng, bom mìn... Trong đó, trẻ ngã chiếm 29,03%, trẻ bị tai nạn giao thông chiếm 26,1%. Các nguy cơ như điện giật, đuối nước, tai nạn giao thông... có số vụ tai nạn thương tích thấp nhưng lại có nguy cơ tử vong rất cao, chiếm hơn 80% số trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây nên.

Nguyên nhân gây tai nạn thương tích của trẻ là do sự thiếu kiến thức, thiếu ý thức chăm sóc trẻ của người lớn; trẻ em còn non nớt, nên thiếu hiểu biết và kỹ năng an toàn; môi trường sống của trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ; cha mẹ không giám sát, trông nom trẻ một cách chu đáo, cẩn trọng. Ngoài ra, hiện nay, một số chương trình dạy trẻ phòng chống tai nạn thương tích lại sai như cách dạy trẻ sử dụng bình cứu hỏa quá sớm, tôn vinh quá nhiều những trường hợp trẻ cứu bạn chết đuối dẫn tới việc trẻ “học theo”, trong khi đó, khi trẻ đối mặt với hỏa hoạn, cháy nổ, hoặc khi thấy bạn đuối nước cần nhanh chóng tìm cách thoát hiểm và gọi người lớn hỗ trợ.

Một vụ bỏng nghiêm trọng xảy ra vào cuối tháng 2/2020, bà N.T.K (ở H. Hoóc Môn, TP. HCM) dùng ấm siêu tốc để nấu nước tắm cho cháu ngoại 4 tuổi. Khi nước sôi, bà K vào phòng lấy quần áo, khăn tắm thì nghe tiếng thét đau đớn của cháu khi bị cả ấm điện siêu tốc đổ vào người. Ngay lập tức, cháu bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Mặc dù đã qua cơn nguy kịch, nhưng sau khi lành bệnh, cháu bé phải chịu những vết sẹo chằng chịt, co rút ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ và chất lượng sống sau này.

Ngày 10/10/2020, cháu bé H.M (3 tuổi, trú tại tỉnh Phú Thọ) đã may mắn được các bác sỹ gắp một dị vật là 1/2 chiếc kim khâu dài 17mm trong phần mềm vùng cơ lưng trái, đốt sống 11. Theo TS.BS Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, bệnh viện Nhi Trung ương, tai nạn kim khâu xuyên vào cơ thể là tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, nhưng đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ - nhóm đối tượng chưa có ý thức bảo vệ bản thân, nên sự an toàn phần lớn phụ thuộc vào sự chăm sóc, để mắt của người lớn. Kim khâu là vật nhọn có thể dễ dàng xuyên qua da vào cơ thể mà không gây đau đớn nhiều. Trong khi vào cơ thể, tuỳ theo sự vận động của người bệnh, kim có thể di chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau, gây nguy hiểm cho tính mạng và việc phẫu thuật lấy kim trở nên rất khó khăn.

Ngày 17/3/2020, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 gắp dị vật thực quản thành công cho một bé gái 4,5 tuổi. Theo đó, bé ngậm đồng xu của máy chơi game trong lúc chơi đùa thì bất ngờ nuốt luôn. Sau khi nuốt đồng xu bé nôn ói nhiều, ăn uống không được, chảy nước bọt liên tục nên người nhà đứa bé vào bệnh viện cấp cứu. May mắn là sau khi đã gắp dị vật ra, soi kiểm tra thấy lòng thực quản không tổn thương niêm mạc…

Không phải tất cả các trường hợp tai nạn đều được may mắn cứu chữa kịp thời như các trường hợp nói trên. Chưa kể đến nhiều trường hợp sau khi cứu chữa, cũng để lại nhiều tổn thương lẫn di chứng nặng nề cho trẻ. Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, pháp luật đã có nhiều quy định về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có Luật Trẻ em năm 2014, Quyết định 234/QĐ-TTg về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em từ năm 2016-2020 đã đưa ra các tiêu chí và quy định về xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn cho trẻ. “Thời gian ở nhà chiếm 50% quỹ thời gian của trẻ. Thực tế, trong ngôi nhà chúng ta đang ở có rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Một phích nước, một ổ cắm điện... nếu người lớn sơ sảy không để mắt, quan tâm đều có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc cho trẻ như bỏng, điện giật, ngã... Vì vậy, bên cạnh việc trang trí cho ngôi nhà đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi, cha mẹ cần làm thế nào để ngôi nhà trở thành nơi an toàn nhất cho con trẻ” – bà Hoa khuyến nghị.

Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù trong môi trường gia đình, trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn. Do đó, trong việc phòng chống tai nạn thương tích, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng. Cha mẹ và người lớn cần có sự quan tâm, chăm sóc, tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

Dưới góc độ quản lý, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam chỉ rõ, nguyên nhân khiến trẻ em gặp phải những tình huống, nguy cơ thiếu an toàn chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của người lớn. Cùng với đó, ở một số nơi, các bên liên quan chưa chú trọng thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em từ những việc nhỏ.

Thực tế đó thể hiện nhất quán trong các hoạt động liên quan đến trẻ em ở mọi cấp, mọi ngành. Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với chức năng quản lý nhà nước được giao đã tích cực tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về trẻ em và đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện; ngành Công an đẩy mạnh việc phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em... Nhờ đó, các quyền của trẻ em và những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết.

Với Hà Nội, thành phố cũng luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ mầm non. Để các em được bảo vệ tốt hơn, mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 5-3-2021 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, nhiều mô hình tạo lập môi trường sống lành mạnh cho các em cũng được triển khai như: “Thành phố an toàn”, “Làng quê an toàn”, “Trường học an toàn”, “Gia đình an toàn”...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn một số tồn tại liên quan đến trẻ em như: Bạo lực, xâm hại tình dục; xâm hại trên môi trường mạng; tử vong do tai nạn, thương tích; lạm dụng lao động trẻ em... Thực trạng trên là bởi một số cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình còn thiếu trách nhiệm, chưa làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; việc áp dụng chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời...

Trẻ em là tương lai của đất nước; đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Do đó, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng và mỗi gia đình. Song không phải ngẫu nhiên mà các quy định pháp luật hiện hành lại đề cao vai trò của gia đình với hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Thành lũy bền chắc nhất bảo vệ các em chính là mỗi gia đình. Khi mỗi “tế bào xã hội” thực hiện đúng bổn phận, trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em, chúng ta sẽ tạo dựng được xã hội an toàn.

Các cấp, ngành liên quan cũng cần thực thi hiệu quả những cơ chế, chính sách pháp luật về công tác trẻ em, mà gần đây nhất là Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Các vụ việc xâm hại trẻ em cần được xử lý kịp thời và bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ. Mỗi cán bộ thực thi nhiệm vụ phải hành động bằng cả lương tâm, trách nhiệm, bảo đảm quyền được sống trong an toàn của các em.

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và đoàn thể, tổ chức xã hội, nhất là cấp cơ sở cần nhận thức đầy đủ, tập trung hơn cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người nhận thức rõ tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em; chú trọng nhân rộng những mô hình an toàn cho trẻ...

Với sự chung tay bảo vệ của cả cộng đồng, trẻ em sẽ được an toàn để phát triển toàn diện. [3]

Ảnh minh hoạ. Nguồn: tác phẩm từ cuộc thi vì môi trường tương lai

Cùng xây dựng môi trường sống an toàn

Với mục tiêu dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, các bên liên quan đã, đang chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em từ gia đình, cộng đồng.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh dẫn chứng, thông qua các mô hình bảo vệ trẻ em từ cơ sở, đến nay, Thạch Thất đã có một số xã đạt tiêu chí cộng đồng an toàn, như: Tiến Xuân, Phú Kim, Cẩm Yên… Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Hảo, các mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng là "tấm lưới" bảo vệ các em. Tại xã Cẩm Yên, năm 2018, toàn xã xảy ra 35 trường hợp tai nạn thương tích, trong đó có ca tử vong. Đến năm 2020, số ca tai nạn thương tích giảm còn 27 trường hợp, không có ca tử vong, cơ bản không có vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Dưới góc độ phụ huynh, anh Nguyễn Văn Thanh (thôn Cẩm Bào, xã Cẩm Yên) cho rằng: “Tham gia xây dựng mô hình gia đình an toàn, chúng tôi được cơ quan chức năng trang bị kỹ năng bảo vệ trẻ em từ những việc rất nhỏ như lắp đặt rào chắn, lắp thanh bảo vệ ở cầu thang, cửa sổ, ban công; cho trẻ học bơi, dạy các em cách sử dụng mạng xã hội an toàn...”.

Cùng với những giải pháp đã triển khai, UBND thành phố Hà Nội mới ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 5-3-2021 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025, yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Cũng như Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Ở cấp độ vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em, phòng ngừa việc bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng. Các lực lượng chức năng tiếp tục rà soát quy định việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học, công trình xây dựng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bộ cũng khuyến khích các địa phương nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, góp phần tạo lập mạng lưới vững chắc, cùng chung tay bảo vệ trẻ em từ gia đình, cộng đồng…[2]

Giúp con luôn an toàn trong tầm mắt [3]

Tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hang đầu dẫn đến tử vọng, để lại đi chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Với bản tính hiệu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích. Nếu người lớn bất cẩn trong quá trình chăm nom trẻ thì dù ở môi trường nào trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang…

Việc xây dựng “ngôi nhà an toàn” cho trẻ em sẽ góp phần phòng, chống các tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ em bất cứ lúc nào, kể cả ngay trong ngôi nhà của gia đình mình.

Các gia đình cần rà soát lại các yếu tố có nguy cơ gây tổn thương cho trẻ như ngã từ cửa sổ, cầu thang, gạch trơn trong phòng tắm, ngoài sân, ổ điện, bỏng nước sôi… Việc tránh nguy hiểm cho trẻ nhỏ không chỉ cần sự trong nom hang ngày của người thân, do đó pháp luật đã đưa ra tiêu chuẩn nhà an toàn cho trẻ.

Ngôi nhà an toàn cho trẻ em phải có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi trẻ em. Các cửa sổ, lan can và ban công phải có chấn song đủ khít để trẻ không chui qua được. Đặc biệt, đối với nhà cao tầng, chung cư, các gia đình cần để ý khu vực cửa sổ, lan can ban công và cửa sổ ở các hành lang là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Trẻ nhỏ thường hiếu đọng, thích leo trèo, vì tế những lan can ở ban công nếu không có chấn song đủ khít, không có song sắt kín trẻ rất có thể sẽ leo trèo ra ngoài ảnh hưởng đến tính mạng.

Vì vậy, các gia đình thường phải lắp thêm song sắt hoặc lưới ở lan can và cửa sổ. Cha mẹ cũng nên lưu ý các cánh cửa trong nhà phải có móc sáp sát vào tường để trẻ khi chạy nhảy không va quẹt và có dụng cụ chặn khe cửa để trẻ không bị kẹp tay khi đóng, mở.

Thạc sĩ Trần Thị Mạnh Linh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tâm lý Mạnh Linh School Psychologi cho biết, cha mẹ muốn con an toàn thì phải hiểu tâm sinh lý con theo từng độ tuổi, thuần thục kĩ năng nuôi, kĩ năng dạy, kĩ năng giáo dục con. Nếu cha mẹ luôn nhớ làm cha mẹ là “một nghề” thì họ sẽ ý thức học tập không ngừng để “giỏi nghề”. Cha mẹ giỏi “nghề cha mẹ” thì con an toàn. Con cái là của gia đình, vì vậy trách nhiệm là của gia đình, các bên liên quan (lực lượng công tác xã hội và các chuyên gia tâm lý) chỉ là hỗ trợ. Nếu gia đình làm tốt việc của mình, cha mẹ làm tốt nghề của mình thì con an toàn, các bên liên quan cũng “nhàn” việc” - Th.s Mạnh Linh ví von. [2]

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, trong quy hoạch và theiets kế các chung cư và nhà cao tầng tại Việt Nam đã có các quy chuẩn về đảm bảo an toàn. Những quy chuẩn này rất chi tiết, rõ rang như lan can, lôgia và các ban công không phân chia theo phân vị ngang mà phân chia theo phân vị dọc, quy định từ tầng cao thứ 5 trở lên là lan can phải cao hơn 1,2m. Một số công trình dù cao hay thấp đều phải đảm bảo an toàn về kết cấu, lan can, cầu thang… Tuy nhiên, rất nhiều công trình đã không thực hiện nghiêm túc quy chuẩn này. Điều này dẫn tới nguy cơ mất an toàn cho trẻ em, thậm chí là người lớn. “có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến hang loạt cac vụ việc trẻ bị tai nạn rơi từ tầng cao các tòa nhà xuống. Thứ nhất, khi phê duyệt thiết kế, đôi khi các cơ quan quản lý nhà nước không chú ý nhắc nhở đến các quy chuẩn này. Thứ hai, trong quá trình nghiệm thu các cơ quan, đơn vị nghiệm thu chỉ chú ý đến chất lượng thi công, diện tích thi công mà không quan tâm tới các yếu tố đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy… Thứ ba, các gia đình thiếu quan tâm, lơ đãng trong việc quản lý con cái, trẻ nhỏ là những đối tượng dễ gặp nguy hiểm. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân về công tác quản lý, giám sát trẻ nhỏ và thiết kế đảm bảo an toàn sinh hoạt tại các chung cư, nhà cao tầng” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Để tăng cường bảo vệ trẻ khỏi tai nạn thương tích, đặc biệt là an toàn khi sống trong các khu chung cư cao tầng, mới đây, Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã gửi công văn tới các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, tổ chức đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tang cường các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đề nghị các đơn vị cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tang cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng; đồng thời rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích.

“Các đơn vị cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, đồng thời thực hiện việc  cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em. Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em” - bà Nguyễn Thị Hà cho biết. [4]

Tài liệu tham khảo

  1. Thiện Mỹ, “Chung tay từ gia đình và cộng đồng bảo vệ an toàn trẻ em”, Báo Hà Nội mới 10/3/2021.
  2. Tú An, “Đau lòng những vụ tai nạn thương tâm từ sự “vô ý” của người lớn”, Tạp chí Đời sống và Gia đình, số 10 (1075) 11/2/2021.
  3. Thiện Mỹ, “Vun đắp cho tương lai”, Báo Hà Nội mới 10/3/2021.
  4. Mai Châu, Quỳnh An, “Các biện pháp để ngôi nhà là nơi bình yên và an toàn cho trẻ”, Tạp chí Đời sống và Gia đình, số 10 (1075) 11/3/2021.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Vì tương lai con em chúng ta. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam