Thứ bảy, 20/04/2024 17:51 (GMT+7)

Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Thanh Thúy - Nam Hà -  Thứ tư, 20/02/2019 18:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lễ hội cầu ngư của ngư dân làng biển ở Đà Nẵng vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ngày 20/2, hàng trăm người dân và du khách đã tham dự lễ hội cầu ngư và tôn vinh di sản lễ hội cầu ngư tại TP Đà Nẵng được tổ chức bên bờ biển Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Tại buổi lễ, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã trao bằng chứng nhận Lễ hội Cầu ngư tại TP Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục quốc gia, theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lễ hội cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Đà Nẵng.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Lễ hội cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của cộng đồng cư dân biển, là dịp để họ cầu mùa - cầu ngư, lễ tế và cầu xin ngư thần ban cho được một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”... 

Được biết, Lễ hội cầu ngư ở Đà Nẵng được tổ chức thường niên vào ngày 16 tháng Giêng. Lễ hội này không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.

“Lễ hội Cầu ngư tại TP Đà Nẵng” được trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc biệt, lễ hội cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng vật chất và tinh thần xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam nói chung, ngư dân TP. Đà Nẵng nói riêng trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó đã khẳng định cả hàng ngàn năm qua, dân tộc ta đã có tầm nhìn thoáng mở, luôn hướng và tiến ra biển, đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đồng thời vẫn luôn trọn vẹn khát vọng vươn khơi, bám biển, bám ngư trường để làm chủ vùng biển Đông của Tổ quốc.

Trong những năm qua, với sự quan tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng và sự đồng lòng, chung sức của bà con ngư dân, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức thường niên, quy mô, bài bản ở các địa phương thực hành nghề biển. Điều đó chứng tỏ rằng, Lễ hội Cầu ngư chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh và tác động sâu sắc đến việc bám biển, mưu sinh của cộng đồng vạn chài.

Hàng năm vào trung tuần tháng giêng (16/1 âm lịch), các ngư dân ở Đà Nẵng lại háo hức với Lễ hội Cầu ngư.
Những năm qua, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức thường niên, quy mô và bài bản ở các làng chài tại Đà Nẵng.

Đồng thời, cũng xác định việc bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội cầu ngư là một nhiệm vụ chính trị lớn, cấp thiết của chính quyền và người dân TP. Đà Nẵng. Và “Bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng” để Lễ hội cầu ngư trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo nhằm giới thiệu, truyền bá nét văn hóa biển đặc sắc của thành phố Đà Nẵng và mang lại những lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và cộng đồng.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của TP.Đà Nẵng. Đã khẳng định giá trị đặc sắc của Lễ hội này, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu…đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa.

Được biết, ngoài không khí trang trọng với các nghi lễ tryền thống, Lễ hội Cầu ngư còn có phần hội sôi động với các trò chơi dân gian như đan lưới, kéo co... thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Bạn đang đọc bài viết Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chân dung được vẽ bằng lụa vụn.
Dự án "Những bức chân dung từ lụa vụn" đã khởi động, mục tiêu là hỗ trợ các nghệ nhân đằng sau các tác phẩm tranh lụa của Vụn Art.
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất