Thứ sáu, 19/04/2024 06:32 (GMT+7)

Nhà thơ – họa sĩ Lê Thị Kim – Ý thơ trong nét cọ

Phùng Hiệu -  Thứ hai, 16/10/2017 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đừng nhìn em như thế / Cháy lòng em còn gì /Sự nồng nàn của bể /Cuốn mất hồn em đi… (Đừng nhìn em như thế).

Bài thơ Đừng nhìn em như thế rất nổi tiếng và khá lãng mạn của nữ thi sĩ Lê Thị Kim sáng tác từ những năm đầu thập niên 80, thế kỷ trước đã khiến trái tim bao người thổn thức. Ngay sau khi ra đời, bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp cùng một số nhạc sĩ khác, mỗi người một phong cách đã phổ nhạc khác nhau, và tác phẩm nào cũng được công chúng yêu mến.

Tranh sơn dầu "chấp cánh ước mơ". Tác giả: Nguyễn Trọng Hiếu - Con trai nhà thơ Lê Thị Kim

Người ta lại càng yêu và quý Lê Thị Kim hơn khi biết trước đó, năm 1978, chị đã đạt Giải A Thơ hay nhất trong năm của báo Văn Nghệ. Rồi năm 1990, chị lại đạt danh hiệu Nhà thơ trẻ được yêu thích nhất TP.HCM (cùng Nhà thơ Đỗ Trung Quân)  do bạn đọc báo Tuổi Trẻ bình chọn. Yêu và quý Lê Thị Kim vì chị còn là một “hiện tượng” khi trở thành nữ họa sĩ một cách… “chớp nhoáng”!

Nói về hội họa, nhà thơ Lê Thị Kim tâm sự, đó là nơi chị gửi gắm và cũng là nơi để giải thoát. Chị vẽ tự nhiên, bản năng và không theo bất kỳ trường phái nào.

Tranh Lê Thị Kim thường đặc quánh sự biến ảo, sự tương phản giữa những gam màu trắng tinh khôi của làn da của nắng; nâu lặng lẽ của con đường đất, của mái nhà; đen huyễn hoặc của mái tóc, của đêm trường; tím ngắt của xa xăm, mộng ảo; vàng cam óng ả của lá mùa thu, của hoa; xanh xao của triền cỏ, con sông dài… Tuy nhiên, ngắm những bức tranh thiếu nữ của chị, có thể thấy, có thể cảm nhận qua những chiếc cổ dài thanh mảnh, dịu dàng luôn hiển hiện sự khát khao, một niềm tin vươn lên thật mãnh liệt, xuyên suốt. Bên cạnh đó là những khuôn mặt thiếu nữ mang vẻ đẹp lặng thầm, kín đáo, nền nã, đằm thắm, diệu vợi nét xưa với đôi mắt luôn biết nói cười, buồn vui, biết chìm đắm, chất chứa, biết suy tư, mộng ước... Họ là những người đương cô đơn nhớ nhà, nhớ về dĩ vãng, nghĩ về tương lai, nhớ về những người thiết thân trong cuộc sống và đương trải lòng cùng gió trăng mây nước …

Nếu với thơ, Lê Thị Kim hay một mình thao thức cùng những trang giấy, con chữ chở nặng tâm tư, tình cảm thì với hội họa, chị cũng thường canh vắng lẻ loi bên bảng màu, đường cọ, vẽ nên những cảm xúc, suy tưởng, miên man với cuộc đời.

Mãnh liệt cũng giống như thơ, từ tay ngang, chỉ mất một năm cầm cọ, nhà thơ Lê Thị Kim đã “bạo gan” một cách đầy ngẫu hứng mở một cuộc triển lãm tranh cá nhân vào năm 1993. Không ai có thể ngờ, ngay trong cuộc triển lãm đầu tay này, trong số 38 bức tranh sơn dầu đã có đến 22 tác phẩm được khách hàng niêm phong ký tên mua. Một “hiện tượng” hội họa trong giới nữ lần đầu triển lãm tranh của Việt Nam vậy!

Rồi sau đó là những triển lãm riêng lần hai ở TP.HCM (1995), lần ba ở Mỹ (năm 2002). Rồi rất nhiều lần triển lãm nhóm, triển lãm chung các Họa sĩ TP và nước ngoài. Đặc biệt, cùng CLB họa sĩ nữ Ngân Hà (do chị làm chủ nhiệm từ năm 1998) mỗi năm đều có 1 triển lãm từ thiện lớn rất ấn tượng. Cho đến nay, số tranh của chị được sưu tập cũng đã khoảng trên 200 bức.

Nhà thơ Lê Thị Kim và con trai, họa sỹ Nguyễn Trọng Hiếu

Có lẽ ảnh hưởng từ gien của mẹ, con trai chị, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hiếu cũng rất có duyên và năng khiếu với nghệ thuật hội hoạ. Năm lên 6 tuổi Hiếu đã tập vẽ. Những bức tranh cổ tích, chân dung những nàng công chúa được Hiếu thể hiện trong từng đường cọ của mình theo sự tưởng tượng trong tâm hồn non trẻ của một thiếu nhi yêu thích hội hoạ. Đến năm 18 tuổi, những bức tranh sơn dầu đầu tiên trong đó có bức Mẹ Ngà năm 16 tuổi mà Hiếu vẽ về mẹ mình được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn rất riêng của Hiếu. Đến nay, mới 23 tuổi nhưng hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hiếu đã có trên 70 tác phẩm sơn dầu về về thiếu nữ, thiên nhiên và động vật. Với Hiếu, để bảo vệ môi trường sống, em cần phải vẽ nhiều các tác phẩm về thiên nhiên và động vật. Mẹ Hiếu cho biết, sắp tới đây em sẽ tham gia cùng VN Aert Spacc để bán đấu giá một số tranh nhằm phục vụ cho các công việc từ thiện, đồng thời có điều kiện giao lưu cùng các anh chị hoạ sĩ trong nước và quốc tế.

 Mới đây nhất, đầu tháng 12/2016 nhà thơ – hoạ sĩ Lê Thị Kim và con trai, hoạ sỹ Nguyễn Trọng Hiếu  đã tổ chức triển lãm tranh tại Hội Mỹ thuật TP.HCM và thu về hơn 200 triệu. Gần như toàn bộ số tiền này chị dành hỗ trợ học bổng cho sinh nghèo và thực hiện các công tác từ thiện, một hành động rất nhân văn và cao quý của hai mẹ con chị.

Mọi người cứ nghĩ, sau một khoảng lặng khá im ắng trên thi đàn, thời gian đã làm hanh hao cảm xúc, sự sáng tạo trong nhà thơ - họa sĩ Lê Thị Kim! Nhưng không, Lê Thị Kim chưa bao giờ là người có tuổi cả! Chị vẫn luôn phơi phới sắc tươi, tinh thần sáng tạo vẫn luôn dạt dào, nhiệt huyết, mãnh liệt vô cùng. Thời gian qua, chị đã và đang ấp ủ, đang thai nghén, hun đúc để trong thời gian tới chị có thể trình làng bộ tổng tập gồm 3 tập tổng hợp: tập thơ, tập tranh và tập thơ phổ nhạc. Lê Thị Kim rồi sẽ lại bùng nổ và làm nên một “hiện tượng” mới chăng? Mọi người đang chờ ở chị!

Nhà thơ – họa sĩ Lê Thị Kim tên thật là Lê Thị Ngà, sinh ngày 31 tháng 3 năm 1950, quê quán thị xã Cửa Tiền, tỉnh Thanh Hoá; hiện là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, Trưởng Ban Nhà văn nữ  khoá 7 (2015-2020)
Bạn đang đọc bài viết Nhà thơ – họa sĩ Lê Thị Kim – Ý thơ trong nét cọ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.