Thứ năm, 18/04/2024 21:42 (GMT+7)

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh từ ô nhiễm sau lũ ở miền Trung

Nhóm PV Bắc Trung Bộ -  Thứ ba, 03/11/2020 21:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mưa lũ kéo dài khiến môi trường và nguồn nước tại các tỉnh miền Trung có nguy cơ ô nhiễm, các loại rác thải, xác động vật phân huỷ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh...

Để kịp thời chăm sóc sức khỏe người dân sau khi lũ rút, nhiều sở ban ngành tại các tỉnh miền Trung vừa chịu ảnh hưởng nặng nề do đợt lũ lụt kéo dài gây ra đã nhanh chống triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau lũ.

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có địa hình đa dạng, phức tạp, đồi núi nhiều, độ dốc lớn. Trong nhưng năm qua đã chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Trong đó, trận lũ lịch sử vừa qua được đánh giá là lớn nhất trong hàng chục năm qua tại Hà Tĩnh.

Trung tâm y tế huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tiến hành phun độc khử trùng và xử lý nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân sau khi lũ rút.

Mặc dù đã chủ động các phương án ứng phó nhưng do lượng mưa quá lớn, triều cường cao và lưu lượng xả lũ hồ Kẻ Gỗ lớn đã khiến cho tình hình thiệt hại khá lớn trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng nặng nề về người, tài sản và môi trường. Theo báo cáo tổng hợp tình hình lũ lụt đến ngày 26/10, đã có 13 Huyện, Thành Phố, Thị xã bị ảnh hưởng, 7 người chết do lụt bão, hơn 63 ngàn nhà dân bị ngập, 153 trường học và 40 trạm y tế bị ngập.

Để khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ Sở Y tế Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đáp ứng y tế với mưa lớn, lũ lụt; đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm… trung tâm kiểm soát bệnh tật và các bệnh viện, trung tâm y tế đều đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế, hóa chất phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch theo nguyên tắc “bốn tại chỗ”. Sở Y tế tiếp nhận từ Bộ Y tế 700.000 viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg và từ tổ chức Y tế thế giới 32.000 viên Aquatabs khử khuẩn nước. Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh đã cấp 15.350 viên Aquatabs; 1.189kg CloranimB, 12.500 viên CloranimB và 482kg phèn chua cho các huyện, thành phố, thị xã bị ngập lụt để xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt.

Đoàn Y tế tiến hành kiểm tra nguồn nước sinh hoạt sau khi lũ rút.

Liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau lũ, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, TS. Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết. “Trong và sau mưa bão, lũ lụt; môi trường bị ô nhiễm, người dân phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh về tiêu chảy, bệnh tả, lị, thương hàn, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, nước ăn chân và một số bệnh cảm cúm thông thường”.

Để kịp thời phát hiện xử lý triệt để cá ổ dịch, bệnh truyền nhiễm ở các vùng bị lũ lụt. Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh đã triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, triển khai 3 đội cơ động phòng chống dịch và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật; hiện tại có 60.896 hộ gia đình được xử lý vệ sinh môi trường, điển hình như  TP Hà tĩnh đã xử lý VSMT 17.342 hộ, Thạch Hà 13.790 hộ, Thị xã Kỳ Anh 3.343 hộ, Lộc Hà 3.974 hộ, huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh…đạt 100% được xử lý môi trường, đã có 33.398 giếng nước, 47.325 công trình vệ sinh, 153 trường học và 40 trạm y tế được xử lý VSMT.

 Với phương châm nước rút tới đâu, vệ sinh tới đó, các chi đoàn thanh niên, bộ đội, công an cùng phụ giúp nhân dân tổng dọ vệ sinh sau lũ.

“Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh có 3 đội cơ động chống dịch và đi xuống trực tiếp các Huyện vùng lũ cùng với các đội cơ động y tế huyện, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, thôn, bản vào cuộc xử lý vệ sinh môi trường, hướng dẫn nhân dân chôn xác súc vật, dọn dẹp rác thải, đặc biệt xử lý nguồn nước (dùng Cloramin B, các viên khử khuẩn Aquatab, dùng phèn chua làm trong nước). Hiện tại dịch bệnh nguy hiểm chưa xuất hiện, chỉ có vài ca nước ăn chân, đau mắt… tình hình vẫn đang được kiểm soát”. Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm trao đổi thêm.

Còn tại Quảng Bình, mưa lũ kéo dài liên tiếp trong nhiều ngày đã gây lũ lụt trên diện rộng, làm thiệt hại về người và nhiều tài sản của người dân. Lũ lụt cuốn trôi bùn đất, cây cối, rác thải, xác gia súc, gia cầm ứ động trên diện rộng với số lượng lớn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, lan truyền dịch bệnh sau lũ.

Chi đoàn Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình đang khám, tư vấn sức khoẻ, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho bà con nhân dân xã Tân Hóa.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân tại các địa phương sau lũ, ngày 23/10/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra công văn số 1918/UBND-TNMT về việc khẩn trương tăng cường công tác vệ sinh môi trường sau mưa lũ.

Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị chủ động, tự giác thực hiện công tác vệ sinh môi trường trong và xung quanh khuôn viên, thực hiện việc khử trùng, khử khuẩn nhằm xử lý nguy cơ phát sinh, lan truyền dịch bệnh.

Cùng với đó, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn huy động lực lượng thu gom bùn đất, vệ sinh môi trường, xử lý xác động vật, rác thải, cành cây trên tất cả các tuyến đường phố, ven sông, kênh mương, tại khu vực dân cư, công cộng.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng lũ là hết sức cấp thiết và đầy đủ.

Chỉ đạo Ban Quản lý các công trình công cộng, Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình tăng cường hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn, không để rác thải ứ đọng lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

Đợt lũ vừa rồi, ngành Y tế tỉnh Quảng Bình phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề, nhiều cơ sở y tế bị ngập sâu trong nước. Một số trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị bị hư hỏng, ước tính tổng thiệt hại toàn ngành là 31.490 triệu đồng.

Mặc dù chịu hậu quả nặng nề nhưng sau khi nước rút, các trung tâm y tế huyện và mạng lưới y tế cơ sở đã khẩn trương triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện vệ sinh môi trường, tập trung vào các xã bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương, cấp thuốc, hóa chất cho các trung tâm y tế và chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm sớm trả lại môi trường sạch cho bà con vùng bị ngập lụt.

Lực lượng Đoàn viên thanh niên giúp người dân thu gom rác thải bảo vệ môi trường sau lũ.

Tại các vùng ngập sâu trong tỉnh như huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Minh Hoá, nguy cơ phát sinh dịch bệnh do ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải, nước tồn đọng sau lũ là rất lớn.

Cán bộ y tế đã sớm có mặt tại các địa phương để hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường, nguồn nước, cung cấp đầy đủ hóa chất cần thiết như: Cloramin B, Aquatas… cùng các loại thuốc thiết yếu khác để xử lý môi trường và điều trị các loại bệnh thông thường hay mắc phải sau lũ, lụt cho người dân.

Với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh đến đó, hầu hết các gia đình tự chủ động dọn dẹp lau chùi nhà cửa, rác thải, xác chết động vật cũng được xử lý an toàn. Tại các công sở, địa điểm công cộng, các đoàn viên, thanh niên và các lực lượng tình nguyện được huy động tham gia dọn dẹp bùn đất, lau chùi các vật dụng, đảm bảo môi trường sạch sẽ.

Ông Cao Văn Đào (thôn 3, xã Minh Hoá, huyện Minh Hoá) cho biết, đợt vừa rồi, nhiều hộ dân trong thôn bị nước lũ cô lập nhiều ngày. Nước dâng cao hơn 1m khiến sinh hoạt của mọi người bị đảo lộn. Sau khi nước rút, gia đình cũng rất lo lắng sẽ thiếu nước sạch sinh hoạt cũng như các dịch bệnh về đường tiêu hóa, dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, để phòng ngừa sốt xuất huyết, gia đình thường xuyên mắc màn khi đi ngủ. Gia đình ông cũng đã dùng CloraminB mà cán bộ y tế cấp phát cho để khử trùng nươc, đảm bảo được nguồn nước sạch an toàn và hợp vệ sinh.

Bạn đang đọc bài viết Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh từ ô nhiễm sau lũ ở miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.