Thứ bảy, 20/04/2024 15:35 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/8/2020

MTĐT -  Thứ năm, 20/08/2020 06:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 20/8/2020 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao...

Phát hành bộ tem “Công an nhân dân Việt Nam”

Ngày 19/8, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an phát hành bộ tem "Công an nhân dân Việt Nam". Bộ tem gồm 1 mẫu tem và 1 blốc với giá mặt 4000đ và 19000đ, giới thiệu hình ảnh người Công an Nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Bộ tem do họa sĩ Tô Minh Trang, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế.

Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam ra đời ngày 19/8/1945 trong khí thế thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, với 03 tổ chức đầu tiên ở 03 miền (Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Sở Trinh sát Trung bộ và Quốc gia tự vệ Cuộc Nam Bộ) thực hiện nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, tính mạng, tài sản của nhân dân. Từ đó, ngày 19/8 là Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam. Năm 2005, Đảng và Nhà nước đã quyết định lấy Ngày truyền thống Công an Nhân dân là "Ngày hội toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc" nhằm đề cao vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, khẳng định truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an Nhân dân.

Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Lực lượng Công an Nhân dân luôn thể hiện bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, kề vai sát cánh cùng nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá nhà nước của các thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng và sự bình yên của nhân dân.

Mẫu tem được thiết kế tràn lề, có khuôn khổ 43 x 32(mm), thể hiện hình tượng con số 75 cách điệu thể hiện ý nghĩa 75 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành. Các lực lượng đặc trưng của Công an Nhân dân Việt Nam: An ninh, cảnh sát, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy được khéo léo lồng vào trong số 75. Phía bên trái là tượng đài Hòn đá Bạc – biểu tượng của lịch sử truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân. Tất cả được đặt trên nền lá cờ Bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Bloc tem có khuôn khổ 140,8 x 82(mm) được thiết kế tràn lề. Hình tượng chính là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ bức ảnh tư liệu khi Người tặng Hội nghị Công an toàn quốc với 4 chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Bên cạnh là 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân được trích từ thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công an khu XII, ngày 11/3/1948. Cụm biểu tượng Di tích tượng đài Hòn đá Bạc cùng lá cờ Bảo vệ An ninh Tổ quốc và biểu tượng người chiến sĩ công an đang chào cờ, phía dưới là hình tượng các em bé đang vui chơi trong một xã hội trật tự an toàn.

TP HCM kiểm soát người đến từ 4 tỉnh thành có dịch theo nhóm

Ngày 19/8, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế TP HCM) cho biết, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội và Hải Dương đã có trường hợp lây lan trong cộng đồng hoặc ca nhiễm không rõ nguồn gốc. Do đó, ngoài Đà Nẵng, TP HCM mở rộng rà soát, bắt buộc khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm người đến từ 4 địa phương này để kiểm soát dịch bệnh.

Theo đó, những người tiếp xúc gần, người về từ các địa điểm có bệnh nhân Covid-19 sống, làm việc, sinh hoạt; người đến từ nơi đang bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khi tới thành phố sẽ phải cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Những trường hợp có đến các địa điểm được Bộ Y tế thông báo (những nơi ca nhiễm hay nghi nhiễm từng đến) sẽ phải cách ly tại nhà và được lấy mẫu xét nghiệm.

Những người về từ các nơi không phải vùng có bệnh nhân Covid-19, không phải địa điểm được Bộ Y tế công bố phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm khi có dấu hiệu bệnh như: sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác...

Việc kiểm soát như thế nào khi chỉ dựa vào khai báo, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết thành phố đang xây dựng phương án cụ thể và sẽ triển khai khẩn cho 24 quận huyện thực hiện. Các mốc thời gian phải khai báo y tế sẽ thay đổi tùy từng địa phương.

Nghệ An khởi tố 4 cán bộ lập khống hồ sơ bồi thường GPMB

Phòng CSĐT Công an tỉnh Nghệ An vừa ra các quyết định khởi tố 4 bị can về tội, lợi dụng việc chi trả bồi thường GPMB móc ngoặc với nhau lập khống hồ sơ để hưởng lợi hàng trăm triệu đồng.

Các bị can gồm: Trần Văn Hùng, (SN 1965); Nguyễn Thị Hoài, (SN 1974); Từ Văn Minh, (SN 1954); Nguyễn Hồng Phong, (SN 1969), đều trú tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông, nguyên là các cán bộ thôn 2/9, xã Châu Khê về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư huyện Con Cuông.

Trước đó, ngày 14/6/2020, Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Lê Anh Đức (SN 1982), trú tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), nhân viên Công ty cổ phần thủy điện Chi Khê, về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Thủy điện cột nước thấp xã Chi Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An).

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khi thực hiện Dự án thủy điện Chi Khê, UBND huyện Con Cuông thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Thủy điện cột nước thấp xã Chi Khê, huyện Con Cuông (gọi tắt là HĐBT). Lê Anh Đức là nhân viên của Công ty cổ phần thủy điện Chi Khê và ngày 16/4/2014, Đức được cử tham gia Hội đồng bồi thường.

Khoảng tháng 8/2014, Lê Anh Đức cùng tổ giúp việc HĐBT lập hồ sơ, kiểm đếm tài sản tại thôn 2/9, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Quá trình thực hiện, Đức đã bàn bạc, thống nhất với Hùng, Minh, Phong và Hoài Thu lập nhiều bộ hồ sơ kê khai khống để nhận tiền bồi thường.

Hải Dương tạm đình chỉ cán bộ y tế lơ là phòng chống dịch Covid-19

UBND thành phố Hải Dương đang tiến hành xác minh, làm rõ vi phạm, đình chỉ một số cán bộ lơ là trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Cụ thể, UBND thành phố Hải Dương yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Đoan, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tứ Minh từ ngày 19/8 do lơ là trong việc giám sát cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với 2 trường hợp đã đến nhà hàng Thế giới bò tươi.

Việc làm của bà Đoan đã vi phạm trách nhiệm của Trạm trưởng Trạm Y tế cấp xã, quy định tại khoản 1 và 4 của Điều 3 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ về công tác phòng chống dịch.

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Đoan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.

Cùng ngày Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hải Dương đã yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin về việc tự ý ra vào vùng cách ly, không tuân thủ quy định, hướng dẫn của các lực lượng chức năng đối với ông Nguyễn Văn Thuyết, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương.

V-League 2020 có thể trở lại vào tháng 10

Ngày 19/8, VPF đã gửi công văn tới các CLB về các phương án tiếp tục tổ chức các Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2020. Đây là lần thứ 2 VPF phải đưa ra kế hoạch điều chỉnh, sau khi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) quyết định lùi lịch thi đấu vòng loại thứ 2 World Cup 2022 sang năm 2021 vì dịch COVID-19. Trước đó, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) cũng đã thống nhất lùi thời gian tổ chức AFF Cup 2020 sang tháng 4/2021.

Tuy nhiên, AFC hiện vẫn chưa đưa ra quyết định liên quan đến việc tổ chức các trận đấu ở hai bảng đấu trên sân Thống Nhất của TP.HCM (bảng F), và sân Cẩm Phả của Quảng Ninh (bảng G) từ ngày 23/9 đến ngày 29/9.

Vì vậy, VPF phải xây dựng lại kế hoạch tổ chức trở lại các Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2020, theo 2 phương án là tổ chức hoặc không tổ chức AFC Cup.

Phương án 1: Nếu AFC Cup hoãn sang năm 2021 thì các giải đấu bắt đầu từ ngày 12/9 và kết thúc ngày 22/11. Trường hợp thứ 2 có thể muộn hơn một tuần, bắt đầu từ ngày 19/9 và kết thúc ngày 29/11.

Phương án 2: Nếu AFC Cup thi đấu trong năm 2020 thì các giải đấu bắt đầu từ ngày 12/9 và kết thúc ngày 5/12; hoặc có thể muộn hơn một tuần, bắt đầu từ ngày 19/9 và kết thúc ngày 12/12.

Trong cả hai phương án này, V-League sẽ trở lại sớm nhất vào ngày 3/10 và kết thúc muộn nhất vào ngày 12/12.

Phim điện ảnh Việt lận đận mùa dịch

Tháng 8 này, rạp phim Việt lại đứng trước khó khăn khi các phim điện ảnh lần lượt thông báo hoãn chiếu vì những diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19.

Ròm là phim điện ảnh đang được mong chờ trong thời gian này, không chỉ vì đó là "phim thắng giải cao nhất ở LHP Busan" mà còn bởi công tác truyền thông đã quảng bá nội dung hấp dẫn trong suốt thời gian qua. Từ khi lên ý tưởng đến lúc gần công chiếu, Ròm mất 8 năm và trải qua 27 bản dựng khác nhau. Thế nhưng ngày 27/7 vừa qua, nhà phát hành phim phải tiếc nuối thông báo dời lịch chiếu thay vì lịch ban đầu là 31/7.

Nối tiếp Ròm, mới đây nhà phát hành phim Tiệc trăng máu đã thông báo hủy lịch chiếu 28/8 vô thời hạn. Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là phim Việt hoá từ Perfect Strangers (2016) của Italy. Nội dung tác phẩm xoay quanh bữa tiệc của một nhóm bạn thân. Họ cùng tham gia trò chơi kỳ lạ: mọi người phải công khai toàn bộ tin nhắn, cuộc gọi mà mình nhận được xuyên suốt buổi tối, từ đó nhiều sự thật được hé lộ.

Tiếp đó, phim điện ảnh đầu tay Chồng người ta của đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến cũng lặng lẽ rút khỏi lịch phát hành tháng 8 (lịch cũ là 21/8).

Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh của phim Tiệc trăng máu chia sẻ, ngay khi tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, nhà sản xuất và nhà phát hành đã lập tức ngồi lại với nhau để cân nhắc về lịch công chiếu. Đảm bảo an toàn cho khách là điều quan trọng, nên khi nào dịch được kiểm soát, khách yên tâm, thoải mái đến rạp thì phim mới phát hành.

Việc nhiều phim điện ảnh hoãn phát hành dẫn đến rạp chiếu phim thiếu nội dung để chiếu, khách đến xem phim thưa thớt và có ít sự lựa chọn hơn. Cũng vào thời điểm này, một số bộ phim độc lập hay kém ăn khách lại có cơ hội ra rạp hoặc trụ lại rạp lâu hơn.

Anh Vũ Đức Lương (quản lý CGV miền Bắc) cho biết, theo kinh nghiệm từ đợt dịch trước, CGV đã phải giảm công suất phục vụ xuống khoảng 50%, giãn cách các suất chiếu, một số cụm rạp hoạt động không hiệu quả phải đóng cửa tạm thời. Đến 80% phim của Hollywood dời lịch sang năm sau như Fast & Furious 9, Venom, Minions, Godzilla,… Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng gây khó khăn cho nhà sản xuất phim Việt Nam khi không thể tiến hành quay hoặc sản xuất phim.

Còn theo chị Lê Thị Thuý Hằng (quản lý rạp BHD Phạm Ngọc Thạch), để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, BHD sẽ kéo dài các phim hiện tại đang có. Thông thường những phim không được ăn khách lắm sẽ chiếu 1 - 2 tuần, nhưng thời điểm hiện tại phải kéo dài thời gian hơn, hoặc sẽ chiếu lại một số đầu phim cũ mà được khách yêu thích.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ