Thứ sáu, 19/04/2024 13:45 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/7/2020

MTĐT -  Thứ tư, 22/07/2020 10:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 22/7/2020 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao...

Du lịch Quảng Ninh hậu Covid-19: Đón lượng du khách đông kỷ lục

Ngành du lịch và dịch vụ là một trong những động lực tăng trưởng chính của tỉnh Quảng Ninh, chiếm tỷ trọng tới 45,9% trong cơ cấu kinh tế (năm 2019). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Quảng Ninh mới chỉ đón 4,19 triệu lượt khách (bằng 49% so với cùng kỳ), doanh thu du lịch đạt hơn 8.280 tỷ đồng (bằng 52% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát trong nước, lệnh cách ly toàn xã hội được dỡ bỏ, cùng với chích sách kích cầu du lịch của Quảng Ninh được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 17 khóa XII, ngành du lịch - dịch vụ Quảng Ninh đã dần hồi phục với gói kích cầu khoảng 200 tỷ đồng.

Gói kích cầu này đã có tác động tích cực trong việc thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh, là cơ sở để phục hồi ngành du lịch và các ngành dịch vụ phụ trợ, hàng loạt các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch như thương mại, vận tải, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí... có điều kiện hoạt động trở lại và tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn.

Theo thông tin mới nhất từ Sở Du lịch Quảng Ninh, trong ngày 19/7 vừa qua, Quảng Ninh đón lượng du khách đông kỷ lục, với hơn 100.000 lượt khách, cao nhất từ trước đến nay. Riêng Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đón lượng khách đông chưa từng có với gần 30.000 lượt. Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã đón lượng khách tham quan khoảng 9.000 lượt. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7, du khách đến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh vào các ngày trong tuần đã tăng từ 40% đến 60% so với tháng 5, 6. Lượng khách dao động khoảng 3.000- 4.000 lượt khách/ngày.

Cũng trong nửa đầu tháng 7, lượng khách đến Quảng Ninh các ngày trong tuần đã tăng từ 30-50% so với các ngày trong tuần tháng 5 và tháng 6, bằng 60-70% so với các ngày cuối tuần.

Hơn 345 nghìn suất quà đã đến với người có công trên địa bàn Hà Nội

Chiều 21/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban báo chí thông tin về tiến độ thực hiện các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020).

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, đến thời điểm này, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã triển khai kế hoạch kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà, tri ân, chăm sóc người có công. Tổng phần quà đã gửi đến người có công và thân nhân trên địa bàn Hà Nội dịp này là hơn 345 nghìn suất với kinh phí gần 149,6 tỷ đồng, trong đó có gần 121 nghìn suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí gần 24,6 tỷ đồng; hơn 121 nghìn suất quà của thành phố Hà Nội với kinh phí hơn 97 tỷ đồng và hơn 103 nghìn suất quà của các địa phương với kinh phí hơn 8,9 tỷ đồng…

Như vậy, mức quà tặng của thành phố Hà Nội đối với người có công dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ không thay đổi so với năm 2019. Cụ thể, mức quà tặng 1 triệu đồng/suất được gửi tới Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ... Mức quà tặng 500 nghìn đồng/suất được gửi tới đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ.

Ngoài phần quà dành tặng cá nhân và gia đình người có công, dịp này, thành phố Hà Nội tổ chức thăm, tặng quà 45 trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của thương binh, bệnh binh (mỗi suất quà trị giá từ 6 đến 11 triệu đồng); đồng thời thăm, tặng quà 72 cá nhân tiêu biểu (mỗi suất quà trị giá 2,5 triệu đồng)…

Các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc người có công nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Đến nay, toàn thành phố vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt gần 22 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra; tặng hơn 3.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với hơn 4,2 tỷ đồng, đạt gần 130% kế hoạch; tu sửa, nâng cấp 70 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 300 nhà ở người có công… Các đơn vị, địa phương đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 15.000 lượt người có công…

Đặc biệt, thực hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ ngày 20-7 đến 26-7, lãnh đạo thành phố Hà Nội đi thăm, tặng quà các cá nhân, gia đình chính sách tiêu biểu. Tối 26-7, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn và tại tất cả nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, ngày 27-7, Hà Nội tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân tại Nghĩa trang Mai Dịch, Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn và Nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi…

Ngoài ra, thành phố phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đón 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng về dự chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020”, diễn ra từ ngày 23 đến 25-7 tại Hà Nội…

Thay đổi thời gian tổ chức Festival Huế năm 2020

Tối 21/7, Trung tâm Festival Huế cho biết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ vừa chủ trì cuộc họp của Ban tổ chức Festival Huế 2020 và quyết định thay đổi thời gian tổ chức sự kiện văn hóa này.

Cụ thể, thời điểm khai mạc Festival Huế 2020 là ngày 26/8 và bế mạc vào ngày 31/8. Lý do của sự thay đổi này là nhằm đảm bảo cân đối các hoạt động kỷ niệm 75 Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020) và 60 năm kết nghĩa Hà Hội - Huế - Sài Gòn do Trung ương tổ chức, trong đó tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ là một đầu cầu truyền hình trực tiếp.

Giám đốc Trung tâm Festival Huế Huỳnh Tiến Đạt cho biết, tham gia Festival Huế 2020 sẽ có các đoàn nghệ thuật từ Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Lào Cai, Đắk Lắk và nhiều nhóm nghệ thuật khác. Ngoài ra, sự kiện văn hóa này cũng có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế. Việc lùi thời gian tổ chức Festival Huế 2020 là vấn đề bất khả kháng và Ban tổ chức đã liên hệ với các đoàn nghệ thuật, nhà tài trợ để thông báo về sự thay đổi này.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chỉ đạo Trung tâm Festival Huế rà soát cụ thể từng chương trình, nhất là các chương trình xã hội hóa, đảm bảo về kinh phí tự huy động và phương án tổ chức. Đồng thời, Trung tâm Festival Huế cần chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình cộng đồng, lễ hội đường phố, Ngày hội Áo dài Huế... để người dân thật sự là chủ thể của Festival Huế. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thống nhất đưa Lễ hội Điện Huệ Nam vào chương trình chính thức của Festival Huế năm nay.

Kết quả kinh doanh quý II của Coca-Cola “bết bát” vì dịch COVID-19

Lợi nhuận ròng của Coca-Cola chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 32% trong quý II vừa qua. Doanh số bán của công ty giảm 28% xuống còn 7,2 tỷ USD.

Nhà sản xuất đồ uống có ga Coca-Cola ngày 21/7 đã công bố báo cáo lợi nhuận quý II/2020 giảm mạnh do sự sụt giảm lớn trong hoạt động tiêu dùng tại các sự kiện tụ họp ngoài trời, đặc biệt là vào giai đoạn các lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 lên đỉnh điểm.

Theo đó, lợi nhuận ròng của Coca-Cola chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 32% trong quý II vừa qua. Doanh số bán của công ty giảm 28% xuống còn 7,2 tỷ USD.

Doanh số của Coca-Cola đã chạm đáy vào tháng Tư với mức giảm 25%. Tuy nhiên, công ty cho biết mức suy giảm trên đã cải thiện dần và xuống còn 10% trong tháng Sáu khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.

Trong báo cáo, Coca-Cola cho hay hiệu suất bán hàng của họ đã được thúc đẩy nhờ sự cải thiện xu hướng trong các kênh tiêu thụ ngoài trời, cùng với doanh số tăng ổn định trong các kênh tiêu thụ tại gia.

Coca-Cola đang hy vọng quý II/2020 sẽ là giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 trong năm 2020. Tuy vậy, công ty thừa nhận tác động cuối cùng của dịch bệnh đến kết quả kinh doanh cả năm 2020 vẫn chưa rõ ràng.

Giống như nhiều công ty lớn khác, Coca-Cola đã rút lại dự báo kinh doanh hàng năm thường được công bố vào mùa Xuân trong bối cảnh chính phủ nhiều nước đã áp đặt các hạn chế đi lại vì dịch COVID-19. Công ty đã không đưa ra một dự báo mới trong báo cáo kinh doanh quý II/2020 của mình, một dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ còn nhiều biến động khi các thị trường lớn bao gồm Mỹ tiếp tục phải đối phó với dịch COVID-19.

Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên dập dịch bạch hầu

Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối đưa huyết thanh kháng độc tố bạch hầu về điều trị cho bệnh nhân, dự kiến trong cuối tháng 7/2020 sẽ cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên.

Ngày 21/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm Trưởng đoàn, cùng với các Tổ công tác của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có buổi làm việc với đại diện ngành y tế các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum về công tác khám, điều trị bệnh bạch hầu.

Theo thống kê, đến ngày 21/7, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 108 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Trong đó, đã có 2 ca tử vong tại Đắk Nông và 1 ca tại Gia Lai.

Hiện dịch bệnh bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng, gây khó khăn trong công tác khoanh vùng, dập dịch và điều trị bệnh nhân bạch hầu.

Tại buổi làm việc, đại diện ngành y tế các tỉnh đang có dịch bạch hầu cho biết, công tác điều trị bệnh nhân bạch hầu đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD) để điều trị cho bệnh nhân rất khan hiếm, dẫn đến nhiều khó khăn trong điều trị, đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng.

Bên cạnh đó, tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thiết bị máy móc, nguồn nhân lực còn hạn chế đối với việc điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bạch hầu nặng và có biến chứng.

Theo bà Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nhìn chung các tỉnh Tây Nguyên đều gặp phải khó khăn trong việc tìm nguồn cung huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị bệnh nhân.

Do đó, Bộ Y tế cần sớm có giải pháp để hỗ trợ ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên tháo gỡ các khó khăn để đạt hiệu quả trong công tác phòng bệnh và dập dịch.

Bệnh viện Trung ương Huế sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp các tỉnh Tây Nguyên theo chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân bạch hầu. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ điều trị bằng hình thức hội chẩn trực tuyến đối với các ca bệnh khó, diễn biến phức tạp.

Cùng quan điểm trên, ông Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng việc hội chuẩn trực tiếp với sự tham gia của nhiều đơn vị sẽ giúp công tác điều trị các bệnh nhân nặng đạt hiệu quả tốt hơn.

Hai đội bóng bị phạt 80 triệu đồng vì pháo sáng

Quyết định số 250/QĐ-LĐBĐVN từ Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phạt Ban tổ chức trận đấu của CLB bóng đá Hà Nội 40.000.000 đồng do để xảy ra các tình trạng khán giả: đốt pháo sáng nhiều lần trong sân vận động; sử dụng phương tiện cổ động thiếu lành mạnh, phản cảm có tính chất công kích, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ trong trận đấu giữa hai CLB.

Cũng với những lý do trên, CLB Hải Phòng phải nhận mức phạt tương tự. Đội bóng đất cảng nhận án kỷ luật bởi những người thực hiện các hành động đó là CĐV đội bóng mình.

Ở trận so tài giữa hai đội thuộc vòng 10 V.League 2020, Ban tổ chức đã lường trước việc quậy phá từ CĐV Hải Phòng và có những biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo an ninh trận đấu. Theo thông tin từ CLB Hà Nội, 500 chiến sĩ công an, PCCC, bảo vệ được huy động làm nhiệm vụ.

Các phương tiện, trang thiết bị hiện đại như máy soi chiếu kim loại cũng được sử dụng. Song, từng đó là không đủ để ngăn những CĐV quá khích làm loạn trên khán đài. Từ khi trận đấu chuẩn bị diễn ra, pháo sáng đã xuất hiện. Trong suốt trận đấu, nhiều từ ngữ không văn minh cũng được nhóm CĐV này sử dụng nhằm công kích, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?