Thứ sáu, 29/03/2024 12:11 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 3/7/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 03/07/2020 06:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 3/7/2020 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao...

125 người thiệt mạng trong vụ lở đất ở Myanmar

Tính đến tối 2/7 (giờ địa phương), số người thiệt mạng trong vụ lở đất tại mỏ ngọc bích ở bang Kachin, Myanmar đã lên đến 125 người.

Theo một quan chức địa phương, tất cả các thương vong là những người nhặt ngọc bích địa phương và các hoạt động cứu hộ đang bị đình chỉ do trời mưa to.

Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 2/7 tại một mỏ khai thác ngọc bích tại thị trấn Hpakant. Một vách đá cao hơn 300m đã đổ sập xuống và chôn vùi những người đang ở bên trong mỏ.

Các vụ lở đất gây chết người thường xuyên xảy ra tại bang Kachin, đặc biệt là khu mỏ Hpakant, phần lớn là do tình trạng bị sập từng phần của các đống phế thải quặng và các đập ngăn nước.

Lai Châu tái phát dịch tả lợn Châu phi tại 4 huyện, thành phố

Trong vòng chưa đầy 1 tháng kể từ khi phát hiện hộ đầu tiên có lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi hôm 8/6, đến nay, dịch bệnh này đã lan rộng ra 8 xã, tại 4/8 huyện, thành phố ở tỉnh Lai Châu.

Cụ thể, dịch đã tái phát và lan rộng tới 15 bản, tổ dân phố, thuộc 8 xã, phường ở 4 huyện là: Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu. Hiện cơ quan chức năng địa phương đã tiêu hủy hơn 10 tấn lợn, 188 con của 28 hộ chăn nuôi.

Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Lai Châu cho biết: Đợt dịch năm 2019, địa phương có 93/108 xã, phường, thị trấn có lợn nhiễm dịch, số lợn phải tiêu hủy hơn 21.000 con, tổng trọng lượng hơn 870 tấn. Hiện đàn lợn của tỉnh chỉ còn hơn 176.000 con, giảm hơn 30% so với thời điểm trước khi có dịch.

Đợt dịch tái phát này lại vào đúng mùa mưa, sức đề kháng của vật nuôi giảm; các biện pháp tác động chủ yếu là dùng thuốc sát trùng, vôi để khống chế dịch giảm, nên công tác phòng, chống dịch vẫn phụ thuộc lớn vào người chăn nuôi.

Theo ông Phạm Anh Hùng, để phòng chống dịch, nhân dân là chủ thể nên sẽ phải thực hiện nghiêm chỉnh, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là trong công tác tái đàn thì cơ quan chuyên môn, cũng như chỉ đạo của tỉnh là tái đàn là cần thiết để đảm bảo lượng thực phẩm cung ứng ra thị trường, tuy nhiên là không để tái đàn bằng mọi giá.

“Chúng tôi cũng chỉ cho phép những cơ sở đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học thì mới được phép tái đàn. Để phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu phi hữu hiệu nhất hiện nay thì vẫn là nghiêm túc các quy trình tiêu độc khử trùng hàng ngày, cũng như định kỳ”, ông Hùng nói.

Ông Phạm Anh Hùng cho biết thêm, hiện đơn vị đang tham mưu cho UBND tỉnh tái thành lập 4 chốt kiểm soát động vật tại 4 đầu mối giao thông vào tỉnh; chỉ đạo chính quyền các địa phương kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và thành lập các tổ, đội kiểm soát liên ngành lưu động để kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật.

Nga bắt đầu xuất khẩu thuốc điều trị COVID-19 ra nước ngoài

Thông báo từ Tập đoàn ChemRar cho biết thuốc Avifavir đã được xuất khẩu sang Belarus và dự kiến sẽ cung cấp cho Kazakhstan trong tương lai gần.

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RFPI) và Tập đoàn ChemRar đã bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài thuốc điều trị COVID-19 với tên gọi Avifavir.

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, thông báo từ Tập đoàn ChemRar ngày 2/7 cho biết thuốc đã được xuất khẩu sang Belarus và dự kiến sẽ cung cấp cho Kazakhstan trong tương lai gần.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán đang được tiến hành với một số quốc gia Mỹ Latinh, trong khi các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và khu vực Trung Đông đã thể hiện quan tâm đến loại thuốc điều trị COVID-19 của Nga.

Cuối tháng 5 vừa qua, thuốc Avifavir đã chứng minh tính hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng, được cấp giấy chứng nhận đăng ký của Bộ Y tế Nga và trở thành loại thuốc đầu tiên trên thế giới chữa COVID-19 có chứa hoạt chất favipiravir.

Người đứng đầu Quỹ RFPI, ông Kirill Dmitriev cho biết trên cơ sở nhận thấy tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị hiệu quả trên thị trường thế giới, Nga sẵn sàng xuất khẩu thuốc Avifavir cho các nước với giá thuốc rẻ hơn nhiều lần so với những loại tương tự.

Quản lý thị trường mỗi ngày phát hiện 8 vụ vi phạm ở TPHCM

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã kiểm tra 8.929 vụ, phát hiện 1.418 vụ vi phạm trong lĩnh vực QLTT như hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng.., trung bình mỗi ngày tại TPHCM có 8 vụ vi phạm bị QLTT phát hiện.

Thông tin trên được lãnh đạo QLTT TPHCM đưa ra tại cuộc họp “Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020” diễn ra ngày 2/7.

Theo báo cáo của QLTT TPHCM, tổng số vụ đã kiểm tra trong 6 tháng đầu năm là 8.929 vụ. Trong đó chuyên ngành kiểm tra 1.665 vụ, phát hiện 1.224 vụ vi phạm; Liên ngành kiểm tra 7.264 vụ và phát hiện 194 vụ vi phạm.

QLTT TPCM đã xử lý 1.181 vụ, thu nộp ngân sách hơn 21,7 tỷ đồng gồm 17,4 tỷ đồng tiền phạt hành chính,4,3 tỷ đồng tiền bán hàng tịch thu và 2,8 tỷ đồng tiền thu bất hợp pháp; tiêu hủy hàng giải , hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, QLTT TPHCM còn có một lượng lớn hàng tịch thu chờ bán với trị giá lên đến 89 tỷ; trị giá hàng hòa chờ tiêu hủy khoảng 17,2 tỷ đồng; 43 quyết định xử phạt hành chính còn tổn phần tiền phạt chưa thi hành với tổng số tiền là hơn 2 tỷ đồng. Cơ quan này cũng đã chuyển Cảnh sát điều tra 5 vụ trong đó có 1 vụ kinh doanh thuốc lá nhập lậu và 4 vụ kinh doanh hàng giả…

Về tình hình chung, QLTT TPHCM cho biết, từ cuối năm 2019 do tình hình dịch viêm phổi cấp diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố chẳn hạn như nhiều nơi sản xuất khẩu trang kém chất lượng, không có lớp kháng khuẩn, nhiều đối tượng mua gom khẩu trang bán lại và tự nâng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính ảnh hưởng đến thị trường và công tác phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, tính đến ngày 22/6, QLTT TPHCM kiểm tra 110 vụ, tạm giữ hơn 3 triệu khẩu trang các loại, 12.000 khẩu trang bán thành phẩm và nhiều nguyên liệu; tạm giữ 7.115 đơn vị sản phẩm nước rửa tay không rõ xuất xứ. Kết quả, QLTT đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 1 vụ khẩu trang giả, xử phạt hành chính 109 vụ với tổng tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng…

Nhà xuất bản Thông tấn bị phạt 48 triệu đồng

Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa có quyết định xử phạt hành chính NXB Thông tấn 48 triệu đồng và yêu cầu NXB này phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong công tác xuất bản.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có chỉ rõ những hành vi vi phạm gồm:

Phạt 4 triệu đồng do ghi sai thông tin về đối tác liên kết đối với 2 xuất bản phầm: “Cẩm nang tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2020” và “Chăm sóc sức khỏe không dùng thuốc”.

Phạt 4 triệu đồng với hành vi không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu đối với 3 xuất bản phẩm: “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động 1969 - 2011”; “Cẩm nang sản phẩm nông sản, thực phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương Anh - Việt - Trung” và “Chuyện đời bao cấp - Tập 2”.

Phạt 15 triệu đồng với hành vi không nộp lưu chiều nhưng đã phát hành xuất bản phẩm “Lật lại những trang hồ sơ mật - Tập 6: Khủng bố - Nỗi ám ảnh lịch sử”.

Hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm Frisomum Gold DualCare+TM và sản phẩm thực phẩm Friso Gold trên xuất bản phẩm “Cẩm nang vàng cho phụ nữ mang thai” không phù hợp với các tài liệu theo quy định Quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 70 Nghị định số 158/2013/NĐCP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Xử phạt 25 triệu đồng.

Đồng thời, Cục buộc NXB Thông tấn cải chính thông tin và buộc tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo có nội dung vi phạm trên xuất bản phẩm. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 20 ngày làm việc, kể từ ngày NXB Thông tấn nhận được quyết định này. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do NXB Thông tấn chi trả.

Tổng số tiền phạt cho các hành vi vi phạm là 48 triệu đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 3/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới