Thứ ba, 19/03/2024 12:52 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/8/2019

MTĐT -  Thứ ba, 06/08/2019 11:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/8/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/8/2019.

Cà Mau: Cần ban bố tình trạng khẩn cấp để bảo vệ tuyến đê

Chiều 5/8, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có chuyến kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở đê điều tại tuyến đê biển Tây (H.Trần Văn Thời, Cà Mau).

Qua chuyến kiểm tra thực tế, ông Sơn cùng đoàn công tác của Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã đánh giá cao công tác ứng phó thiên tai của tỉnh Cà Mau trong những ngày qua tại chân đê biển Tây (đoạn từ Cống Kênh Mới - Đá Bạc). Ông Sơn hoan nghênh địa phương đã rất chủ động, kịp thời huy động lực lượng hộ đê khẩn cấp, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Nhưng ông lưu ý, việc gia cố đê của Cà Mau đang thực hiện chỉ đối phó với sóng gió ở mức độ bình thường chứ không bảo đảm trong điều kiện sóng lớn. Vì thế, tỉnh cần ban bố tình trạng khẩn cấp để có giải pháp hiệu quả hơn về lâu dài, nhằm bảo vệ hữu hiệu tuyến đê, bảo vệ vùng ngọt hóa ven biển.

Ông Sơn cho rằng, việc triều cường dâng cao kèm sóng lớn gây sạt lở đê nghiêm trọng là dấu hiệu bất thường của thời tiết. Vì vậy, tỉnh Cà Mau cần chủ động chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng ứng phó trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, nhất là ứng phó với mưa bão và sạt lở, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Trước đó, vào khoảng 15h40 ngày 3/8, sóng lớn kết hợp với mưa kèm theo dông lốc và triều cường dâng cao (mực nước đo tại cống Đá Bạc là +1,70m) làm cho nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3 - 0,4m, đã đe dọa vùng ngọt hoá phía Bắc của tỉnh Cà Mau. Nghiêm trọng nhất là đoạn từ Kênh Mới - Đá Bạc, bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 356m.

Thủ Đức tìm giải pháp phân loại chất thải tại nguồn

Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa nhanh tại quận Thủ Đức được xem là thành tố tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề thu hút đầu tư, thúc đẩy sự bứt phá của một quận ngoại thành, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, việc đô thị hóa nhanh nhưng kết cấu hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, các dự án đã và đang triển khai nhiều, kéo theo số lượng lớn người dân nhập cư đã làm gia tăng chất thải sinh hoạt, phát sinh nhiều bãi rác tự phát, khó xử lý.

Trước thực trạng đó, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 về thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác thải ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” (gọi tắt là cuộc vận động “Không xả rác ra đường và kênh rạch”); UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 44/2018/QĐVB về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 24-11-2018. Lãnh đạo thành phố mong muốn, với sự phát động sâu rộng trong hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện các cuộc vận động nêu trên sẽ góp phần kéo giảm ô nhiễm môi trường, cũng như tìm được giải pháp hữu hiệu xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, ngay từng hộ dân trên địa bàn.

Với Quyết định số 44/2018/QĐVB, người dân hết sức quan tâm việc chủ nguồn thải sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Cùng với đó, đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi và được quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình không thực hiện phân loại…

Thế nhưng, sau một năm áp dụng thực hiện tại quận Thủ Đức, kết quả không như mong đợi. Tại hội thảo chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thực hiện cuộc vận động nhân dân không xả rác ra đường và kênh rạch” tổ chức sáng 2-7-2019 tại quận Thủ Đức, thực trạng, nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra như: công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia cuộc vận động chưa thật sự hiệu quả, người dân chủ yếu chỉ biết qua phương tiện thông tin đại chúng, còn việc thực hiện chưa lan tỏa; nhân lực và phương tiện thu gom rác thải tại nguồn còn hạn chế, chưa đồng bộ, nhiều đường dây rác dân lập sau khi thu gom đã đổ chung các loại rác thải với nhau khiến việc phân loại trước đó của người dân trở thành vô nghĩa; hay trên địa bàn quận chỉ có ba bô rác đã quá tải, ảnh hưởng việc thu gom…

Hải Phòng loại bỏ đồ nhựa dùng một lần

Ngày 5/8, ông Nguyễn Kim Pha, Chánh văn phòng UBND thành phố Hải Phòng, cho biết từ đầu tháng 8, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng đã không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như chai đựng nước, ly, ống hút trong các hội nghị, hội thảo và hoạt động hàng ngày.

Thay vào đó, các vật dụng sử dụng nhiều lần hoặc làm bằng vật liệu thân thiện môi trường sẽ được sử dụng thường xuyên. Quyết định này của Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng nhằm hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.

Cũng như Văn Phòng UBND thành phố Hải Phòng, UBND huyện đảo Cát Hải đã vận động 300 tiểu thương buôn bán trong chợ Cát Bà không sử dụng túi ni lông khi bán hàng.

Ông Hoàng Trung Cường, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Cát Hải, cho biết: "Huyện Cát Hải cũng đang xây dựng kế hoạch đến đầu tháng 8 sẽ triển khai cho các khách sạn, nhà hàng thực hiện việc không sử dụng túi ni lông, qua đó giảm lượng rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2020, huyện sẽ giảm số rác thải chỉ còn 50% so với hiện nay (số lượng rác thải hiện nay ở Cát Bà là khoảng 80 m3 /ngày). Trong quý 4/2019, huyện sẽ vận động các thuyền du lịch không sử dụng đồ nhựa, túi ni lông. Sau đó đến các nhà hàng khách sạn. Trong những năm tiếp theo, huyện sẽ triển khai đến các tổ dân phố trong thị trấn Cát Bà".

Quảng Ninh: Kiên quyết xử lý các nhà máy xi măng gây ô nhiễm môi trường

Đây cũng là nội dung được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Cao Tường Huy, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII vừa qua, cho biết "Hai nhà máy xi măng này nằm ven vịnh Hạ Long gây ô nhiễm môi trường, đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ không đưa 2 nhà máy xi măng này vào quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam các giai đoạn tiếp theo".

Hai nhà máy nói trên là Nhà máy xi măng Thăng Long(Công ty CP Xi măng Thăng Long) đang hoạt động với 1 dây chuyền công suất 2,3 triệu tấn/năm và Nhà máy xi măng Hạ Long (Công ty CP Xi măng Hạ Long) hoạt động với 1 dây chuyền công suất 2 triệu tấn/năm. Cả hai nhà máy đều nằm trên địa bàn huyện Hoành Bồ và sát ngay Vịnh Hạ Long.

Báo cáo của Sở TN&MT cho biết, đến nay, các nhà máy xi măng đã có đủ các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định; đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống công nghệ tiên tiến xử lý khí thải, khói, bụi, hệ thống quan trắc tự động khí thải ống khói, dữ liệu quan trắc được truyền tự động liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động hai nhà máy xi măng thuộc 2 Công ty nói trên vẫn để xảy ra một số sự cố dẫn đến phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở một số xã, phường thuộc huyện Hoành Bồ và TP. Hạ Long.

Hơn nữa, qua kết quả rà soát, báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, mặc dù 2 nhà máy xi măng Thăng Long và Hạ Long đã được đầu tư đi vào hoạt động ổn định nhiều năm, trong quá trình hoạt động sản xuất có những tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường, hạ tầng giao thông và đời sống nhân dân, gây tác động xấu đến môi trường.

Đặc biệt, từ khi đi vào hoạt động 2 nhà máy xi măng Thăng Long và Hạ Long đã nhiều lần bị UBND tỉnh Quảng Ninh xử phạt về những vi phạm liên quan đến môi trường với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Hơn nữa, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có ý kiến tại Kết luận thanh tra số 231/KL-TTr ngày 3/6/2019, đối với dự án giai đoạn 2 của 2 nhà máy Xi măng Thăng Long II và Xi măng Hạ Long II. Cụ thể, việc đề xuất đưa 2 dự án Nhà máy xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy xi măng Hạ Long 2, huyện Hoành Bồ ra khỏi Quy hoạch, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh làm việc cụ thể với cơ sở nằm trong quy hoạch để thống nhất phương án giải quyết. Trên cơ sở đó đề xuất Bộ Xây dựng xem xét khi xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm việt liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.

Tin mới