Thứ sáu, 29/03/2024 18:17 (GMT+7)

Trân trọng sử dụng hàng nội địa là thiết thực yêu nước

MTĐT -  Thứ tư, 14/12/2016 08:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Để tồn tại và phát triển, con người cần được đáp ứng những nhu cầu tự nhiên theo tính bản năng của sinh tồn, xã hội càng phát triển, những nhu cầu càng phát triển theo.

Mong muốn của con người rất phong phú và đa dạng. Sự đa dạng của mong muốn có nhiều nhân tố chi phối, trong đó có cả những nhân tố do chủ quan và cá tính của từng người và những nhân tố khách quan do môi trường xã hội tác động

Yêu cầu tiêu dùng là nhu cầu về loại sản phẩm gắn liền với mức giá cụ thể, bởi vì giá cả của hàng hoá có liên quan mật thiết đến khả năng thanh toán của con người. Các nhà kinh doanh không thể sản xuất ra sản phẩm hàng hoá, dịch vụ với chi phí cao và giá bán vượt qúa khả năng thanh toán của khách hàng. Họ cần phải đảm bảo tính thích ứng của sản phẩm không chỉ với nhu cầu và mong muốn của khách hàng, mà còn cả với khả năng tài chính của từng nhóm khách hàng.

Quan điểm trong sản xuất cho rằng người tiêu dùng sẽ ưa chuộng những sản phẩm được bán rộng rãi với giá hạ,. Vì vậy, việc quản trị Maketing cần phải tập trung vào việc đẩy mạnh sản xuất và phân phối sản phẩm và quản lý chi phí lưu thông không nên chiếm tỷ trọng lớn.

Nhiều vấn đề xã hội hiện đại đang đặt ra cấp bách: ô nhiễm môi trường, sinh thái, sức khoẻ cộng đồng, đói nghèo và bệnh tật, lao động và việc làm, công bằng xã hội, đang đặt ra cho người tiêu dùng phải cân nhắc lựa chọn khi chọn các hàng tiêu dùng để không chỉ vừa với túi tiền lại không xảy ra các hiện tượng ngộ độc, hại sức khoẻ hay tốn tiền do mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất .

Các công ty phải trở thành những người công dân tốt, họ cần có quan điểm kinh doanh vì con người, kinh doanh văn minh. Đó cũng là cách thức bảo vệ sự phát triển lâu dài của chính họ.

Môi trường kinh tế đóng vai trò nhất trong sự vận động và phát trỉên của thị trường. Thị trường cần có sức mua. Sức mua hiện có trong một nền kinh tế phụ thuộc vào thu nhập hiện có, giá cả, tiết kiệm, nợ nần và khả năng huy động vốn của người tiêu dùng. Khi nghiên cứu môi trường kinh tế người làm marketing phải theo dõi chặt chẽ những xu hướng chủ yếu trong thu nhập và cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng.

Công nghệ tác động mạnh mẽ tới cuộc sống con người, tới sự phát triển của xã hội mà trong đó có doanh nghiệp, một tế bào của nền kinh tế. Công cuộc cạnh tranh về công nghệ kỹ thuật mới không những đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể cạnh tranh thắng lợi trên phạm vi toàn cầu mà còn làm thay đổi cả bản chất của sự cạnh tranh. Kỹ thuật và công nghệ là một trong những nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến chi phí sản xuất kinh doanh và năng suất lao động. Khoa học kỹ thuật phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của lực lượng sản xuất và làm tăng năng suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc giảm giá thành, hạ giá bán. Với sự ra đời của các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại có ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực thi các giải pháp cụ thể của marketting.

Khi xây dựng các chiến lược kinh doanh, chiến lược cạnh tranh, chiến lược khách hàng… Các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và tính toán cặn kẽ những tác động của môi trường chính trị đến quá trình kinh doanh của mình nhằm tận dụng tối đa những cơ hội và hạn chế mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra trong kinh doanh do thiếu cập nhật thông tin về hệ thống Luật pháp của Nhà nước.

Con người luôn sống trong một xã hội cụ thể với những nét văn hoá và truyền thống riêng. Văn hoá là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần được sáng tạo ra và tích lũy lại trong quá trình phát triển của xã hội. Mặc dù không ảnh hưởng mạnh mẽ như các yếu tố thuộc môi trường kinh tế và nhân khẩu, song các yếu tố văn hoá xã hội đóng vai trò quan trọng đến sự biến động và phát triển của thị trường. Đặc biệt các yếu tố về văn hoá xã hội tác động rất lớn tới sự hình thành và phát triển nhu cầu thị trường. Văn hoá là vấn đề khó nhận ra và hiểu một cách thấu đáo, mặc dù nó luôn tồn tại và tác động thường xuyên tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để bảo vệ và phát triển hàng hoá nội địa. Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Người tiêu dùng trân trọng sử dụng hàng nội địa là thiết thực, tạo điều kiện cho công nghiệp, nông nghiệp phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá, khắc phục tình trạng xuất khẩu thô các nguyên vật liệu.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong nước, tăng cường tích luỹ, đổi mới công nghệ để tiến tới trụ vững trên thị trường của đất nước mình, cạnh tranh sòng phẳng và lành mạnh với hàng ngoại nhập.

Tiêu thụ hàng nội địa là thiết thực góp phần tạo việc làm cho người lao động, xoá đói giảm nghèo. Phong trào này đã được sự hưởng ứng của quản đại nhân dân. Ngay tại Hà Nội, 85% hội viên cựu chiến binh đã đăng ký sử dụng hàng Việt Nam, các hội viên của Hội phụ nữ và Liên đoàn lao động thành phố cũng đang tích cực hưởng ứng.

Theo TPP thì tới đây hàng hoá nhập khẩu vào sẽ được miễn thuế, thuế bằng 0. Nếu ta không quan tâm, không nâng cao giá trị hàng hoá trong nước thì ta sẽ thua ngay trên thị trường của mình.

Theo thống kê, năm qua Nhật Bản chỉ có 90 điểm bán lẻ ở trên đất nước ta, nhưng doanh thu của họ cao hơn doanh thu bán lẻ của cả nước ta 30%.

- Cửa hàng bán lẻ nước ngoài chiếm 40% nhưng doanh thu của họ cao hơn hẳn doanh thu bán lẻ của cả nước ta.

Do thu nhập thấp, tâm lý lại thích hàng rẻ nên hàng nhái, hàng giả tràn lan trên thị trường. Đặc biệt là phân bón giả, phân bón kém chất lượng làm cho nông dân và sản xuất nông nghiệp điêu đứng.

Chúng ta là nước nông nghiệp, hàng hoá nông nghiệp rất lớn, nhưng do xuất khẩu thô, không chế biến, chất lượng thấp nên bị thua thiệt, không có thương hiệu. Do tình trạng sử dụng hoá chất, thuốc BVTV gây mất an toàn cho người tiêu dùng nên nguy cơ mất thị trường ngay trên thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng sản xuất sạch hơn nhưng vẫn không trụ nổi.

HTX Suối Lớn nhiều năm nay các xã viên kiên trì sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGaP, Golbal, GAP nhưng đến mùa hàng trăm tấn xoài không tiêu thụ được phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc, trong khi mỗi lần xây dựng tiêu chuẩn VietGaP mất hơn 70 triệuđồng.

Theo Chi cục BVTV Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng 5100 ha được chứng nhận rau an toàn (RAT) và theo VietGaP 170ha, nhưng bà con trồng rau gặp khó khăn nhiều mặt từ gieo trồng tới thị trường tiêu thụ. Vân Nội là đầu mối cung cấp rau sạch cho các địa phương khác, nhưng khi có điều kiện các địa phương cũng tự sản xuất rau.

Mới đây VinaGroup cho ra mắt thị trường mẻ rau an toàn đầu tiên, sau 6 tháng tập đoàn này tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn. Toàn bộ rau của VinEco được phân phối trong thệ thống siêu thị Vinamark, siêu thị trên toàn quốc. Với mẻ rau chất lượng, VinaGroup tự tin chào hàng miễn phí đến tay người tiêu dùng trong hệ thống Vinhomes tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Rau sạch Tràng Đài không thể cạnh tranh về giá cả, khoai tây Trung Quốc tràn vào Việt Nam làm giả khoai tây Đà Lạt. Chúng ta hoan nghênh ngày càng có nhiều hợp tác tiêu thụ nông sản giữa các địa phương như giữa Hà Nội với An Giang, Tiền Giang.

Nhiều lò giết mổ ở Chương Mỹ (Hà Nội) thủ công, nhỏ lẻ, không đảm bảo VSTP, hàng trăm tấn thịt được chọc tiết, cạo lông trên nền bẩn thỉu. Mỗi ngày lò giết 70 - 80 con/ngày, khu chọc tiết, cạo lông, sơ chế nội tạng trên mặt bằng lẫn trong lông, máu, phân, thịt vụn, không có bệ để thịt cho khô ráo khiến người tiêu dùng lo lắng.

  Rác tại các làng nghề không được xử lý, đổ thẳng ra môi trường. Ảnh:Đinh Mạnh Cường

Theo tin của các cơ quan truyền thông, vừa qua các cơ quan quản lý đã kiểm tra và phát hiện nhiều lò giết mộ tự giết mổ rồi tự dán tem an toàn của Chi cục thú y mà không hề có cán bộ kiểm tra làm cho người tiêu dùng càng thêm lo lắng.

Vấn đề tồn tại lớn của sản xuất và tiêu dùng của chúng ta là:

- Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

- Chưa có vùng nguyên liệu trong nước có chất lượng cao.

- Chưa xây dựng được thương hiệu Việt Nam kể cả gạo, chè, cà phê… Các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc lại mang nhãn hiệu của nước ngoài.

Theo Bộ Công thương khi vào TPP (Hiệp hội đối tác xuyên Thái Bình Dương) mà ngành nghề nào không quan tâm đến 3 công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ coi như ngành nghề đó tự giải tán và ra khỏi sân chơi hội nhập.

Qua điều tra VCCI gần đây cho thấy 15% doanh nghiệp được hỏi không hề biết đến công cụ PVTM đối với hàng hoá nước ngoài: 63,1% cho biết đã nghe nói nhưng không hiểu sâu; 1,9% doanh nghiệp nói đã tìm hiểu tương đối kỹ hoặc là bên liên quan.

Điều đáng nói là doanh nghiệp Việt Nam hầu như chỉ biết im lặng và coi như vô can. Trong 13 năm qua Việt Nam mới chỉ áp dụng 3 vụ tự vệ thương mại và một vụ chống bán phá giá trong khi nước ngoài lại áp vào Việt Nam 99 vụ. Trong khi chúng ta thừa cơ hội kiện chống bán phá giá một số mặt hàng từ Trung Quốc như thép, nhựa, sợi, giấy ồ ạt đổ vào Việt Nam với giá rẻ phá hoại sản xuất của ta.

Để giải quyết các vấn đề trên, ta cần phải:

1. Các nhà khoa học cần hỗ trợ cho người tiêu dùng nhận dạng sản phẩm không an toàn một cách dễ dàng nhất, để người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm không an toàn.

2. Đưa các sản phẩm an toàn, có chất lượng cao ra cạnh tranh trên thị trường người tiêu dùng cần ủng hộ, hàng an toàn có chất lượng cao được sản xuất trong nước.

3. Người sản xuất, kinh doanh tự kiểm soát lẫn nhau, phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về sản phẩm mình sản xuất ra và tiêu thụ.

4. Cơ quan chức năng tăng cường giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ.

Nếu an toàn không được giải quyết, người tiêu dùng sẽ tìm sản phẩm thay thế, chúng ta sẽ thất bại ngay trên thị trường của chính mình.

Ví dụ: Chúng ta xuất khẩu cá tra chưa đầy 3USD/kg tương đương 60.000đ/kg. Nhưng trong nước người dân muốn mua cá tra không mua được.

Hiện nay, chỉ có một mình công ty cổ phần (Thái Lan) chi phối thị trường chăn nuôi từ con giống, thức ăn cho đến đầu ra sản phẩm thì khi tham gia TPPP, thuế nhập khẩu giảm, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư vào lĩnh vực này, lúc đó doanh nghiệp và nông dân Việt Nam không có cơ phát triển.

Từ ngàn xưa, Hà Nội được mệnh danh là vùng đất “Tụ khí anh hoa”, “Địa linh nhân kiệt” nay lại trở thành vùng “đất trăm nghề”, với những địa danh và con người đã đi vào lịch sử. Mọi người biết tới một Hà Nội xưa gồm Bát Tràng, mộc mỹ nghệ Vân Hà, đúc đồng Ngũ Xá, dát vàng Kiêu Kỵ… thì Hà Nội ngày nay có thêm lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu ren Quất Động, sơn mài Hạ Thái…

Hiện nay, Hà Nội có 1.300 làng có nghề, trong đó 244 làng có nghề truyền thống, 272 làng đã được công nhận là làng nghề theo tiêu chí với đội ngũ 116 Nghệ nhân Hà Nội” được phong tặng và hàng nghìn thợ giỏi. Mỗi làng nghề mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên trên thế giới ưa chuộng như các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan… Ngoài ra, Hà Nội đang có các sản phẩm của các công nghiệp hiện đại.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội đã xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể để phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, các làng nghề truyền thống, thúc đẩy thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước như: khuyến khích phát triển nghề truyền thống, phát triển nghề mới và hình thành các phố nghề, làng nghề gắn với du lịch văn hoá sinh thái, xây dựng điểm, tuyến du lịch làng nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động ở các làng nghề, tiếp tục xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật trong làng nghề theo hướng vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, xây dựng mô hình cụm sản xuất làng nghề tập trung, phát triển lực lượng sản xuất và bảo vệ môi trường, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Phát triển nghề, làng nghề và dịch vụ nông thôn là động lực xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng sức mua của người dân, tạo sự chuyển dịch cơ cấu ngoại thành theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Lựa chọn để phát triển một số ngành nghề và làng nghề theo hướng bền vững, dựng nguồn lao động tại chỗ.

Phát triển nghề và làng nghề của thành phố phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thủ dô đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội, bảo tồn và duy trì những di sản văn hoá truyền thống của địa phương, xử lý tốt môi trường.

Quán triệt quan điểm, mục tiêu phát triển nghề và làng nghề, cần định hướng phát triển nghề và làng nghè thành phố Hà Nội theo hướng sau:

- Về thị trường: Tăng cường khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường trong nước và thị trường nước ngoài thông qua hình thức quảng cáo, triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt và cung cấp thông tin về thị trường như các thông tin hàng hoá; tăng cường sự hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tạo sự gắn kết hữu cơ giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề với nhau, giữa các cơ sở sản xuất của làng nghề với các doanh nghiệp ở đô thị hoặc ở các vùng khác, với các tổ chức xúc tién thương mại, tạo nên hệ thống hoàn chỉnh từ cung cấp nguyên liệu, vật liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Về nguồn nguyên liệu: Xây dựng các vùng nguyên vật liệu tập trung trên cơ sở thực hiện phân công lao động và chuyên môn hoá sản xuất, đồng thời cần phải tiêu chuẩn hoá các loại nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm cho sản xuất. Hình thành các chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu cho làng nghề.

- Về phát triển làng nghề gắn với bảo tồn văn hoá dân tộc: Các nghề thủ công của Hà Nội từ lâu đã trở thành một bộ phận không tách rời với truyền thống văn hoá dân tộc. Truyền thống đó không chỉ thể hiện trên sản phẩm mà còn là cách sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, cách chế tác và sử dụng công cụ lao động, các bí quyết nghề… Bản sắc truyền thống văn hoá dân tộc thể hiện thể hiện trên sản phẩm thông qua màu sắc, hoa văn, hình dáng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị và tạo sự khác biệt của sản phẩm thủ công và đó là lý do cơ bản để khách hàng lựa chọn và quyết định mua. Vì thế phát triển nghề thủ công không chỉ quan tâm đến các yếu tố kinh tế, kỹ thuật mà còn phải quan tâm đến các yếu tố văn hoá, nghệ thuật của sản phẩm. Ngoài ra phát triển nghề và làng nghề còn góp phần bảo tồn, tôn tạo và xây dựng các giá trị văn hoá truyền thống, các công trình văn hoá.

- Về phát triển cụm sản xuất làng nghề tập trung: xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể của Thủ đô; tạo mặt bằng cho các cơ sở và các tổ chức dịch vụ làng nghề, nâng cao sự phân công và hơp tác sản xuất giữa các cơ sở sản xuất với các cơ sở dịch vụ; đồng thời có điều kiện xử lý ô nhiễm môi trường tập trung.

- Về môi trường: Phát triển, mở rộng sản xuất các làng nghề phải đảm bảo cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng sống khu vực dân cư tại địa phương có làng nghề. Nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Để trụ vững trên thị trường của mình, nâng cao chất lượng của hàng nội địa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, nhà nước đã đầu tư 13 dự án, hỗ trợ phát triển hàng nội địa. Hy vọng với sự quan tâm của nhà nước, lòng yêu nước, yêu các hàng hoá sản xuất trong nước, người tiêu dùng Việt Nam sẽ góp phần tích cực cho hàng hoá nội địa không ngừng phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.

Nhân dân ta ai cũng luôn yêu nước bảo vệ đất nước và thường nhớ câu hát:

“Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chính là thể hiện lòng yêu quê hương đất nước./.

                          Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Khiển

                          Nguyên Giám đốc Sở KHCN Hà Nội/

                          TC Môi trường và Đô thị Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Trân trọng sử dụng hàng nội địa là thiết thực yêu nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới