Thứ bảy, 20/04/2024 15:48 (GMT+7)

Các vị quan người Bắc Giang tại Quốc Tử Giám Thăng Long

Đặng Thị Bích Ngọc -  Thứ hai, 18/12/2017 14:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các vị quan người Bắc Giang được ghi tên trong Kỷ yếu Hội thảo “Truyền thống Khoa bảng tỉnh Bắc Giang với Văn Miếu – Quốc Tử Giám"

Đồng chí Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa phát biểu chỉ đạo Hội thảo khoa học Truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang với Văn Miếu - Quốc Tử Giám

I. Quốc Tử Giám Thăng Long - Nơi đào tạo nhân tài cho đất nước


Quốc Tử Giám là trường Nho học cao cấp và tổ chức quản lý giáo dục dưới thời quân chủ ở phương Đông như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… Trường vốn có tên là Quốc Tử học, do Tấn Vũ Đế lập ra vào niên hiệu Hàm Ninh (275 - 280). Đến năm Đại Nghiệp thứ 3 (607), Tùy Dượng Đế đổi thành Quốc Tử Giám, đặt các chức Tế tửu (1 người), Tư nghiệp (1 người), Giám thừa (3 người). Thời Đường (618 - 907), Tống (960-1279), Quốc Tử Giám là tổ chức quản lý giáo dục quốc gia, cai quản bên dưới gồm Quốc tử học, Thái học, Tứ môn học… mỗi loại đều đặt chức Bác sĩ để giảng dạy, đặt một Tế tửu để phụ trách quản lý .


Theo chính sử nước ta, tên gọi Quốc Tử Giám lần đầu được nhắc đến ở sự kiện tuyển chọn người giỏi chữ vào năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1 (1076) triều vua Lý Nhân Tông: “Mùa hạ, tháng Tư, đại xá, đổi niên hiệu làm Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 1 (1076)… Chia quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám” .Trước đó, vào tháng 8 năm Thần Vũ thứ 2 (1070), vua Lý Thánh Tông đã ra lệnh “làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế” và cho“Hoàng thái tử đến học ở đấy”.


Sang thời Trần, Quốc Tử Giám vẫn duy trì hoạt động. Đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 12 (1243), vua Trần Thái Tông đã cho trùng tu Quốc Tử Giám. Mười năm sau, vào tháng 6 năm Nguyên Phong thứ 3 (1253), vua Trần Thái Tông xuống chiếu “lập Quốc học viện, tô tượng Khổng Tử, Chu Công, Á thánh và vẽ tranh 72 người hiền để thờ” . Ba tháng sau, vua tiếp tục “xuống chiếu vời Nho sĩ trong nước đến Quốc Tử Viện giảng Tứ thư, Lục kinh ”. Như vậy là đến thời Trần, Quốc Tử Giám có tên mới là Quốc học viện và được xây mới chứ không phải chỉ tu sửa lại. Cũng từ đây, không chỉ có con các quan và hoàng thân quốc thích mà học trò trong cả nước thông qua tuyển chọn cũng được vào học tại Quốc Tử Giám.


Đến thời Lê, ngay khi ngôi hoàng đế và định đô tại Thăng Long, Lê Thái Tổ đã chú ý tới việc học tập và đào tạo nhân tài. Quốc Tử Giám là trường học Nho giáo cao cấp của Nhà nước quân chủ, nơi đào tạo hàng ngũ quan lại cao cấp của triều đình nên càng đặc biệt được chú ý. Ngày mùng 9, tháng Giêng năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), nhà vua ra lệnh chỉ rằng:
“Quan võ từ chức Quản lĩnh, quan văn từ chức Hành khiển trở lên, ai có con trai từ 15 tuổi trở xuống, 9 tuổi trở lên, cho được vào hầu Hoàng thái tử. Ngày 15 tháng này, tới học đường để điểm mục, quan Nội mật viện lấy danh sách. Quan võ từ Đồng tri trở xuống đến Đại đội trưởng, Đội trưởng trở lên, quan văn từ Thượng thư trở xuống đến thất phẩm, ai có con trai 17 tuổi trở xuống, 9 tuổi trở lên tới nhà Quốc học điểm mục để học quan lấy danh sách dạy học” .


Bốn năm sau, vào tháng Giêng năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), nhà vua lại xuống chiếu“tuyển chọn con trai các quan và học trò ba lộ Quốc Oai, hai lộ Bắc Giang sung vào Quốc Tử Giám” .


Dưới triều Lê Thái Tông (1434-1442), vốn là người trọng đạo sùng Nho nên nhà vua rất quan tâm đến việc tuyển chọn và đào tạo nhân tài của Quốc Tử Giám. Chính vì thế, việc tuyển chọn được diễn ra thường xuyên và quy củ hơn, việc thưởng phạt cũng có quy định rõ ràng. Ngày 12 tháng Giêng năm Thiệu Bình thứ 1 (1434), nhà vua “ra lệnh chỉ có các quan văn, võ rằng: Các quan từ Lục phẩm trở lên có coi việc nhân dân và các quan phụ đạo, thủ lĩnh ở các phiên trấn mà có con đích, cháu đích thuộc cùng một hộ tịch hay khác hộ tịch… đều cho ghi tên vào học ở Quốc Tử Giám để đợi tuyển dụng” . Cũng trong tháng ấy, vào ngày 15, sau khi bái yết Thái miếu và xem các quan văn võ tế cáo trời đất, nhà vua lại “ra lệnh chỉ cho các quan lộ, huyện trong cả nước, phải lập ngay danh sách dự thi của lộ mình, hẹn tới ngày 25 tháng Giêng này phải tới bản đạo, tập hợp điểm danh, đến ngày mùng 1 tháng Hai thì thi. Người nào đỗ thì được miễn lao dịch, bổ vào Quốc Tử Giám. Những học trò ở nhà học của các lộ, đến 25 tuổi trở lên mà không thi đỗ thì đuổi về làm dân” . Từ năm Thiệu Bình thứ 5 (1438), tổ chức thi Hương ở các đạo. Đến năm Thiệu Bình thứ 5 (1439), tổ chức thi Hội ở kinh đô. Từ đấy về sau, cứ 3 năm một lần thi lớn, coi đó làm quy định lâu dài.


Đến thời vua Lê Thánh Tông, Nho học bước sang thời kỳ phát triển rực rỡ. Mới lên ngôi được vài năm, vào niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), vua Lê Thánh Tông đã định lệ thi Hội 3 năm một lần và xuống chiếu ra lệnh cho các vị quan đứng đầu trấn, lộ trong toàn quốc phải tiến hành tế lễ Khổng Tử, người sáng lập đạo Nho tại Văn miếu địa phương vào hai ngày Đinh của mùa xuân và mùa thu.Tháng 3 năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua Lê Thánh Tông bắt đầu đặt chức Ngũ kinh bác sĩ ở Quốc Tử Giám. Sau đó một tháng, vua lại ban cấp bản in sách Ngũ kinh của nhà nước cho Quốc Tử Giám để học quan và giám sinh ở đây có tài liệu giảng dạy và học tập. Đặc biệt, vào năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483), triều đình đã thực hiện một cuộc đại trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long vào tháng Giêng năm Quý Mão niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483):
“Sửa nhà Thái học. Hồi đầu triều Lê, nhà Thái học vẫn theo nếp cũ nhà Trần, quy chế phần nhiều còn thiếu thốn. Đến nay, nhà vua hạ lệnh cho sửa rộng ra. Đằng trước nhà Thái học, dựng Văn Miếu. Khu vũ của Văn Miếu có: Điện Đại Thành để thờ Tiên Thánh; đông vũ và tây vũ chia ra thờ các tiên thiền và tiên nho; điện Canh phục để làm nơi túc yết; một kho để chứa đồ tế khí và một phòng nhà bếp. Đằng sau nhà Thái học dựng cửa Thái học, nhà Minh luân. Giảng đường phía đông và phía tây thì để làm chỗ giảng dạy các học sinh. Lại đặt thêm kho Bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách; bên đông, bên tây nhà Thái học làm nhà cho học sinh ba xá, mỗi bên ba dãy, mỗi dãy 25 gian, để làm chỗ nghỉ ngơi của học sinh; bên đông, bên tây mỗi bên đều có một nhà bia, quy mô có phần rộng lớn khang trang lắm” .


Đồng thời, nhà vua cũng chuẩn y lời tấu về quy định quyền lợi của học sinh trường Giám:
“Từ nay, lương ăn học hàng tháng của các xá sinh, liệu lượng cấp phát theo từng cấp bậc: Thượng xá sinh, cấp thêm cho đủ một quan; trung xá sinh cấp cho 9 tiền; hạ xá sinh cấp rút xuống 8 tiền. Đến khi cất nhắc trao cho quan chức, thì: thượng xá sinh 3 phần; trung xá sinh 2 phần; hạ xá sinh một phần. Làm như thế, để cho cấp bậc các xá sinh có phân biệt khác nhau, mà nhân tài đều biết khuyến khích” .


Trong các thế kỷ XVI-XVIII, triều Mạc và triều Lê Trung hưng tiếp tục có những chính sách cụ thể để phát huy vai trò của Quốc Tử Giám trong việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài cho đất nước. Khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, chuyển kinh đô vào Phú Xuân thì vai trò và chức năng đào tạo của Quốc Tử Giám Thăng Long cũng được “chuyển giao” cho Quốc Tử Giám Thừa Thiên mà vua Gia Long cho xây dựng.


2. Chức trách và nhiệm vụ của học quan trường Quốc Tử Giám Thăng Long
Chức trách và nhiệm vụ của học quan trường Quốc Tử Giám Thăng Long đã được sử gia Phan Huy Chú ghi lại rất rõ trong sách Lịch triều hiến chương loại chí:
“Chức vụ Quốc Tử Giám: (Các viên tri giám sự tế tửu, tư nghiệp) trông coi nhà Văn miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu chỉ truyền năm trước, hằng tháng theo đúng kỳ cho tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước” .


Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, tên gọi của các học quan Quốc Tử Giám Thăng Long có thay đổi ít nhiều nhưng đến thời vua Lê Thánh Tông đã đạt được sự ổn định. Các triều đại sau đó đều mô phỏng quan chế đời Hồng Đức mà không phát triển gì thêm về chức quan trong Quốc Tử Giám. Tên gọi và nhiệm vụ của học quan Quốc Tử Giám về cơ bản gồm:


Đề điệu: Sử gia Phan Huy Chú cho biết chức Đề điệu chuyên dùng đại thần, không cứ văn hay võ. Chức này xuất hiện vào đời Trần với sự kiện “mùa Đông, tháng 10, cho Phạm Ứng Thần làm Thượng thư Tri Quốc Tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần vào học”. Chức Đề điệu của Phạm Ứng Thần có chức trách quản lý chung công việc của Quốc Từ Giám mà chưa chắc là người giảng dạy. Sang thời Lê, Đề điệu được quy định là viên quan Chánh chủ khảo của kỳ thi Hội . Số lượng viên Đề điệu tùy thuộc vào mỗi kỳ thi, có khoa thi chỉ có một viên, có khoa thi có 2 viên, có khoa lên tới 3 viên quan Đề điệu. Các viên quan Đề điệu thời Lê sơ chủ yếu là một viên trong ban võ, phần nhiều là những viên khai quốc công thần, Thượng trụ quốc. Thời Lê Trung hưng, đặc biệt từ năm 1650 triều đình ban quy chế: Nhà vua chọn lấy một viên Đề điệu (thường dùng đại thần ban võ) thì các khoa thi đều chỉ có một viên Đề điệu, chủ yếu do họ Trịnh đảm nhiệm.

Tư nghiệp: Chức quan xuất hiện dưới thời Trần và là học quan duy nhất ở Quốc Tử Giám được chính sử ghi lại:
“Mùa đông, tháng 10 năm Thiệu Long thứ 15 (1272), xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư, Ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách” .
Tiếp sau đó là sự kiện vua Trần Minh Tông mời Chu Văn An làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, dạy Thái tử. Như vậy, có thể thấy vào đời Trần chưa đặt chức Tế tửu đứng đầu Quốc Tử Giám mà đứng đầu cơ quan này là Tư nghiệp. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, Tư nghiệp là Phó quan trường Quốc Tử Giám (tương đương Hiệu phó ngày nay), trật Tòng ngũ phẩm.

Tế tửu:Trong suốt thời kỳ chế độ quân chủ Việt Nam, triều đình tuyển chọn những vị Đại Nho, đạo cao đức trọng sung bổ vào chức này. Về chức Tế tửu, sách Từ nguyên cho biết: Thời cổ, khi tập hợp mọi người người hưởng yến ẩm, thì tôn một người nhiều tuổi lên đứng trước, làm người dâng rượu để tế thần. Vì thế, trong chốn cùng hàng với nhau, thường chọn người nhiều tuổi để cử giữ việc ấy, gọi là Tế tửu. Sau này, nhân đó lấy làm tên chức quan. Thời Hán có chức Bác sĩ Tế tửu. Thời Hán lấy chức Thị trung, thời Ngụy lấy chức Tán kỵ Thường thị, nếu là bậc có công lớn đều cho làm chức Tế tửu, rất giỏi trước tác làm chức Quốc Tử Giám Tế tửu. Tuân theo truyền thống đó, vua Lê Thánh Tông cũng thường lựa chọn các vị quan vừa có đạo đức, học vấn vừa có tuổi đời lão thành bổ vào chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Trong đó, có hai vị được nhà vua cử giữ chức Tế tửu khá lâu là Lại bộ Thượng thư Nguyễn Như Đổ và Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, Tế tửu là Trưởng quan trường Quốc Tử Giám (tương đương Hiệu trưởng ngày nay), trật Tòng tứ phẩm. Như vậy, có thể thấy Tế tửu là người giảng dạy và lãnh đạo cao nhất của Quốc Tử Giám. Chức này có “biên chế” 1 người.


Trực giảng, Trợ giáo: Dưới triều vua Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, tại Quốc Tử Giám ngoài 2 chức Tế tửu và Tư nghiệp, triều đình còn đặt các chức học quan khác như Trực giảng và Trợ giáo. Trong Quan chế đời Hồng Đức do Phan Huy Chú và Sử thần Quốc sử quán triều Tự Đức biên soạn đều không thấy ghi chép 2 chức học quan này.


Ngũ kinh Bác sĩ (hoặc Ngũ kinh Giáo thụ): Tháng 3 năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua Lê Thánh Tông đặt chức Ngũ kinh bác sĩ ở Quốc Tử Giám. Đây là học quan chuyên nghiên cứu về 5 bộ sách kinh điển của Nho gia (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân thu) để dạy học trò ở Quốc Tử Giám. Ngoài ra còn có Giáo thụ phụ trách việc Ám tả và phụ trách công việc chung của việc dạy học trong trường. Ngũ kinh Bác sĩ mang trật Chánh bát phẩm và thường có 7 người.


3. Các vị học quan người Bắc Giang tại Quốc Tử Giám Thăng Long
Là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bắc Bộ, nơi giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt cổ (Bắc Ninh) và văn hóa Tày Nùng (Lạng Sơn), từ xưa Bắc Giang đã nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa cử. Nhiều nhân tài, hiền sĩ, trọng thần của các triều đại đã lớn lên từ mảnh đất này. Trong đó, nhiều người với kiến thức uyên bác, học vấn thâm sâu đã được bổ dụng là học quan trong Quốc Tử Giám Thăng Long, bao gồm:
Đoàn Xuân Lôi段春雷: Người xã Ba Lỗ huyện Tân Phúc (nay là làng Trâu Lỗ xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang). Ông đỗ khoa thi Thái học sinh khoa Giáp Tý niên hiệu Xương Phù 8 (1384) đời Trần Phế Đế, làm quan đến chức Trung thư hoàng mônThị lang kiêm Thông phán Ái Châu. Năm 1392, Hồ Quý Ly làm sách Minh đạo dâng lên Thượng hoàng Nghệ Tông với dụng ý muốn đổi ý nghĩa của Văn Miếu thờ Khổng Tử thành thờ Chu Công, chuyển gọi Chu công là Tiên thánh, còn chỉ gọi Khổng Tử là Tiên sư. Đoàn Xuân Lôilúc đó là Trợ giáo Quốc Tử Giám biết việc bèn dâng thư lên Thượng hoàng phản bác ý kiến của Quý Ly nhưng Nghệ Tông tin theo Quý Ly mà đày Đoàn Xuân Lôi đi châu gần. Quốc sử rất ca ngợi ông vì việc làm dũng cảm đó.


Thân Nhân Trung申仁忠(1419 - 1499): Người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay là thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) và là người khai khoa cho truyền thống hiếu học, khoa bảng làng Yên Ninh. Con trai ông là Thân Nhân Tín, Thân Nhân Vũ và cháu nội là Thân Cảnh Vân đều đỗ đại khoa. Bốn cha con ông cháu ra làm quan đồng triều. Ông làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội phụ chính, Quốc Tử Giám Tế tửu (1493). Cùng với Đỗ Nhuận, ông được vua Lê Thánh Tông vời vào hoàng cung dạy học cho các hoàng tử. Ông còn được vua Lê Thánh Tông phong là "Tao Đàn Phó nguyên soái".
Đặc biệt, Thân Nhân Trung còn là người soạn bài văn trên bia Tiến sĩ đầu tiên còn được lưu giữ đến nay, tức Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” (賢材國家之元氣元氣盛則國勢強以隆元氣餒則國勢弱).


Nguyễn Lễ Kính阮禮敬(1443 - ?): Người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay là thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên). Năm 33 tuổi, ông đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đời Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Đỗ Văn Quýnh杜文炯(1492 - ?): Người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay là thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên). Năm 29 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520) đời Lê Chiêu Tông. Ông làm quan đến chức Thừa chánh sứ, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.


Nguyễn Doãn Địch阮尹迪 (1490 - ?): Người xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (nay là thôn Hoàng Vân, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa). Năm 40 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa (Hoàng giáp) khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung. Ông làm quan đến chức Thượng Thư Lại bộ, Tế tửu Quốc Tử Giám.
Hoàng Công Phụ黄公輔(1567 - 1646): Tên tự là Cẩm Quốc 錦國, người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay là thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên). Năm 53 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Hoằng Định 20 (1619) đời Lê Kính Tông. Ông làm quan đến chức Binh bộ Tả thị lang, tước Thọ Nham hầu, từng được cử đi sứ nhà Minh. Khi đang làm quan Tả Thị lang Bộ Binh, ông phụng mệnh kiêm thêm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám khi đã 76 tuổi. Sau khi mất, ông được truy tặng chức Thượng thư. Hiện nay, Hoàng Công Phụ được thờ ở đền Hoàng Tướng công (黃相公祠) do dòng họ Hoàng làng Yên Ninh quản lý. Ông cũng được thờ cùng 9 danh nhân khoa bảng của làng Yên Ninh ở đền Tiến sĩ (Tiến sĩ từ) làng Yên./.

Đ.T.B.N

Nguồn: Theo Kỷ yếu Hội thảo “Truyền thống Khoa bảng tỉnh Bắc Giang với Văn Miếu –Quốc Tử Giám

Bạn đang đọc bài viết Các vị quan người Bắc Giang tại Quốc Tử Giám Thăng Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ