Thứ bảy, 20/04/2024 20:14 (GMT+7)

“Chị Tư Hậu” Trà Giang

Bảo Hà - Lan Đình -  Thứ bảy, 21/03/2020 08:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ở Sài Gòn, trong lúc NSƯT Thẩm Thúy Hằng là nữ minh tinh màn bạc sáng giá nhất thì NSND Trà Giang qua phim “Chị Tư Hậu” được coi là ngôi sao sáng của làng Điện ảnh miền Bắc lúc bấy giờ...

Thế giới Điện ảnh Việt Nam từ đầu thập niên 1970 biến thiên khá đa dạng trong một đất nước còn ngùn ngụt khói lửa chiến tranh. Cùng là phim nhựa trắng đen, chủ đề phim truyện hai miền cũng không mấy khác biệt nhau. Vừa lao động xây dựng Chủ nghĩa xã hội, nhân dân miền Bắc vừa cầm súng canh giữ bầu trời quê hương. Trong lúc đó, ở vùng tạm chiếm miền Nam, thanh niên rời gia đình, hăng hái xông pha ra tiền tuyến đuổi giặc cứu nước. Từ đó, đề tài chung của phim truyện hai miền vẫn xoay quanh đề tài chiến tranh giữ nước nhưng ở miền Nam có xen thêm vào đề tài tâm lý xã hội, dã sử kiếm hiệp và cổ tích.

Ở Sài Gòn, trong lúc NSƯT Thẩm Thúy Hằng là nữ minh tinh màn bạc sáng giá nhất thì NSND Trà Giang qua phim “Chị Tư Hậu” và một vài phim khác, được coi là ngôi sao sáng của làng điện ảnh miền Bắc lúc bấy giờ.                                 

Sau ngày thống nhất đất nước, nhân dân miền Nam có cơ hội tiếp xúc với những tác phẩm mang nội dung tích cực của dòng văn học cách mạng, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dũng cảm đấu tranh bảo vệ quê hương, chống kẻ thù xâm lược của dân tộc. Những nhà văn, nhà thơ kháng chiến như Anh Đức (1935-2014), Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), Lê Anh Xuân (1940-1968), Viễn Phương (1928-2005), … đều có tác phẩm được giới thiệu cho học sinh… Những truyện : Hòn đất, Một chuyện chép ở bệnh viện… của nhà văn Anh Đức được dạy trong chương trình văn học các lớp phổ thông. Riêng tác phẩm “Một chuyện chép ở bệnh viện” được phóng tác thành phim Chị Tư Hậu, do nghệ sĩ Trà Giang đóng vai chính, đã thể hiện xuất sắc tính cách nhân vật, được chiếu trên màn ảnh phục vụ công chúng trong mùa đầu giải phóng.

Trà Giang (sinh năm 1942), là gốc người núi Ấn sông Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Chị xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ truyền thống. Thân phụ Trà Giang là NSƯT vĩ cầm Nguyễn Văn Khánh, chồng chị là NSƯT. GS.TS Âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc và con gái là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Bích Trà hiện đang hoạt động nghệ thuật ở Anh.

 Thuở nhỏ mới 13 tuổi, do hoàn cảnh đất nước, Trà Giang theo gia đình tập kết ra Bắc, vào học trường Học sinh Miền Nam tại Hải Phòng. Tại thành phố hoa phượng đỏ, chính thân phụ Trà Giang đã sớm nhận ra tố chất nghệ sĩ ở con gái mình khi thấy cô bé rất thích văn nghệ, hay đi xem tuồng chèo, cải lương, xiếc múa…. Ban đầu ngại con còn bé chỉ muốn Trà Giang tập trung vào việc học tập. Nhưng hoàn cảnh gia đình sống trong khu văn công khiến tuổi thơ Trà Giang dễ đắm say nghệ thuật. Năm 17 tuổi, Trà Giang thi đỗ vào trường Múa. Nhưng sau đó, thấy con gái quá yêu văn nghệ, lại sở hữu khuôn mặt đầy đặn, nhất là đôi mắt Trà Giang như tiềm ẩn sức thu hút con người : ‘Mắt em là một dòng sông/ Thuyền ta bơi lặn trong dòng mắt em’ (Lưu Trọng Lư) hay “Đôi mắt em sâu thẳm một dòng sông/ Sợ chết đắm, anh run run nét cọ” (Ngũ Lang), ông Khánh dường như nhìn trước được tương lai của con gái mình nên đổi ý, hướng Trà Giang theo nghiệp điện ảnh: “Con rất ăn hình, con nên theo điện ảnh”. Cũng nên biết, cùng thời bấy giờ ở Sài Gòn, giai nhân Thẩm Thúy Hằng (sinh 1940) - về sau là NSƯT Thẩm Thuý  Hằng - lại đến với màn ảnh trong một hoàn cảnh khác hơn: “Người đẹp Bình Dương” đã phải lén gia đình đi thi làm Diễn viên Điện ảnh.

Dù còn rất trẻ, là một trong những diễn viên đầu tiên của trường Điện ảnh, Trà Giang được giao giữ vai “Chị Tư Hậu”, một phim được chuyển thể thành kịch bản từ truyện “Một chuyện chép ở bệnh viện” của nhà văn Bùi Đức Ái (tức nhà văn Anh Đức) * Tác giả tiểu thuyết hóa từ một nguyên mẫu ngoài đời về quá trình hoạt động cách mạng của mẹ Nguyễn Thị Huỳnh, khi nhà văn nghe mẹ kể lại trong lúc cùng nằm viện gần tác giả: Chị Tư Hậu, gốc người ở vùng biển, mồ côi mẹ từ nhỏ, là một phụ nữ hiền lành. Chị làm thợ dệt, lấy anh Tư Khoa và sau đó về quê anh Khoa ở Bãi Sao. Trong một trận càn dữ dội của giặc, chị Tư Hậu bị tên Toma, đồn trưởng đồn Hiệp Hưng làm nhục khi chị vừa mới sinh đứa con gái. Anh Tư Khoa đi hoạt động cách mạng, hiểu cảnh ngộ chị Tư, không trách mà về an ủi vợ. Sau đó, anh Tư Khoa chồng chị hy sinh khiến nỗi căm hận kẻ thù bị dồn nén, chị Tư công tác cách mạng rồi cha chồng cũng bị giặc bắt. Trong một trận càn của giặc, tên Phó đồn Tư Bửu âm mưu bắt hai con chị là Ngọc Thủy và Nhã để mua chuộc, buộc Chị Tư đầu hàng nhưng chúng thất bại. Hai con chị sau đó được giải thoát. Hòa bình lập lại, Chị Tư Hậu tập kết ra Bắc, hai con chị được đi học ở Liên Xô.

Trong phim, nghệ sĩ Trà Giang, dù chỉ mới hai mươi tuổi, với năng khiếu trời cho đã nhập vai chính, diễn xuất một cách tài tình, thể hiện được tính cách người phụ nữ Nam bộ: Dịu hiền, giàu đức hy sinh, kiên cường trong cuộc sống và trong công tác cách mạng. Bằng động tác tinh tế và ánh mắt nhạy cảm, Trà Giang đã diễn xuất thần, thể hiện được những nỗi dằn vật, tủi nhục lẫn căm hờn của người phụ nữ bị giặc làm nhục cũng như cuộc đấu tranh giằng co ở nội tâm khi bị địch tìm cách dụ dỗ, mua chuộc. Nhân vật “Chị Tư Hậu” do nghệ sĩ Trà Giang diễn xuất trong phim đã minh họa chính xác tính cách: Trung hậu, đảm đang, anh dũng, kiên cường của phụ nữ Việt Nam.

Trong cuộc sống gia đình, NSND Trà Giang là một người phụ nữ khiêm tốn, rất mực yêu chồng, người chồng nghệ sĩ mà lúc hai người làm lễ cưới nhau dưới hầm núp trong thời đế quốc Mỹ oanh tạc dữ dội thủ đô Hà Nội: “Tôi lười lắm nhưng chồng vẫn thương”, Trà Giang cũng hết mực thương con, đứa con gái nghệ sĩ dương cầm duy nhất luôn sống xa mẹ hơn nửa vòng trái đất: “Bích Ngọc là hạnh phúc và niềm an ủi của tôi”.

NSND Trà Giang thuộc thế hệ các nghệ sĩ màn ảnh nổi tiếng đầu tiên: Thế Anh, Minh Đức, Thụy Vân, Kim Chi và tên tuổi chị đã gắn liền với trên 10 bộ phim cách mạng nổi tiếng của nền Điện ảnh Việt Nam: Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17, ngày và đêm, Huyền thoại về người mẹ, Dòng sông hoa trắng, Em bé Hà Nội…. Nghệ sĩ Trà Giang cũng từng là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa và là thành viên trong Hội đồng Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Trong hoàn cảnh sống xa con gái yêu duy nhất sau khi người chồng nghệ sĩ qua đời, NSND Trà Giang trốn nỗi cô đơn trong thế giới sắc màu của hội họa và chị đã say mê cầm cọ không khác gì hồi chị diễn xuất trước camera. Nghệ sĩ điện ảnh- hội họa Trà Giang đã dự qua 7 kỳ triển lãm tranh với thành tựu khả quan và được bạn bè, công chúng mỹ thuật hoan nghênh nhưng diễn viên màu sắc Trà Giang cũng chỉ dành tiền bán họa phẩm để làm từ thiện.   

Sau năm 1975, nhân dân miền Nam có cơ hội xem phim Chị Tư Hậu (1962), do nghệ sĩ Phạm Kỳ Nam đạo diễn, Huy hương Bạc Liên hoan phim Quốc tế Moscow-1963 và Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam -1973, trong đó NSND Trà Giang đóng vai Chị Tư Hậu trên vô tuyến. Trong giờ Văn, học sinh có dịp học các tác phẩm Hòn đất, Bức thư Cà Mau…. của nhà văn Anh Đức. Khi nghe chúng tôi giải thích bài giảng “Một chuyện chép ở bệnh viện” của Bùi Đức Ái, trong đó nhân vật chính là Chị Tư Hậu, các em học sinh trường Cấp 3 Thành phố CầnThơ (nay là PTTH Châu Văn Liêm) tỏ ra rất xúc động và vô cùng căm phẫn  sự bất nhân, tàn ác của kẻ thù dân tộc.

Ngày nay, mỗi lần có dịp nhắc đến NSND Trà Giang, khán giả ái mộ điện ảnh chỉ hay gọi nghệ sĩ là Chị Tư Hậu”, ít khi đề cập đến tính cách tâm lý, tình cảm nhân vật mà chị đã thể hiện xuất sắc trong phim khi chị chỉ mới 20 tuổi và tỏ ra chân thành trìu mến ngưỡng mộ Trà Giang, một diễn viên có đẳng cấp quốc tế (nhà phê bình Canada David Overbey) cũng đồng thời là một nữ họa sĩ tiềm tàng những nét vẽ tài hoa. Họ không quên nhắc nhiều về đôi mắt biết nói trời cho của một nghệ sĩ từng được coi là người đàn bà thép của điện ảnh Việt Nam, như ẩn chứa một tâm tình muốn sẻ chia và nhắn nhủ bao điều với một thế hệ đã chịu nhiều mất mát đau thương: “Đôi mắt rực lửa căm thù một thuở/ Giờ sáng lên như nhan sắc lên hương/ Thầm nhắc anh son sắt mối tình chung/ Với đất mẹ và cội nguồn nguyên thủy”.                          

 *Anh Đức, nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.                                                          

Bạn đang đọc bài viết “Chị Tư Hậu” Trà Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chân dung được vẽ bằng lụa vụn.
Dự án "Những bức chân dung từ lụa vụn" đã khởi động, mục tiêu là hỗ trợ các nghệ nhân đằng sau các tác phẩm tranh lụa của Vụn Art.
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất