Thứ sáu, 29/03/2024 03:09 (GMT+7)

Chu Giang: Giải mã Nguyễn Nhật Ánh (Kỳ 3)

Chu Giang -  Thứ tư, 16/01/2019 15:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chúng tôi tán thành với đánh giá của nhà văn Vũ Hạnh và tác giả Phùng Thanh Vân về 8 truyện của Nguyễn Nhật Ánh (NNA), đúng là có nhiều điều quái gở, sẽ rất độc hại cho tuổi trẻ học đường.

Học sinh tiểu học mà chơi trò lập tòa án xét xử cha mẹ, đóng vai thầy hiệu trưởng để cho vai học sinh khác hài tội thầy, rồi khuyến khích sự đánh nhau, sự yêu đương tay ba tay tư đến có bầu… thì quả là độc hại, là tuyên truyền phản đạo lý, vô luân vô đạo, tuyên truyền bạo lực học đường, tình dục học đường… đâu còn là giáo dục trẻ thơ theo quan điểm giáo dục của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Song, phải thừa nhận tác phẩm của NNA được in rất nhiều, phát hành rộng rãi là một thực tế. Chúng tôi chưa rõ thành phần nào trong Hội đồng bầu chọn cho NNA là Nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) và 30 năm (1975-2005), nhưng đấy cũng là một thực tế. Tại sao tác phẩm có nội dung không tốt, không lành mạnh lại được nhiều bạn đọc tuổi trẻ hâm mộ ? Đây là vấn đề then chốt để giải mã NNA. Cũng chính là chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của lý luận - phê bình văn học thiếu nhi cần phải làm sáng tỏ. Xin khảo sát từng phần.

Nguyễn Nhật Ánh nắm bắt được tâm lý bản năng của trẻ em và có khả năng diễn tả sinh động, hấp dẫn tâm lý đó.

TÍNH HAM CHƠI
Chơi, tức là hoạt động, là bản năng tự nhiên của con người nhất là ở giai đoạn đầu đời. Cơ chế sinh lý của vấn đề này rất phong phú. Các nhà khoa học tâm lý và tâm lý trẻ em sẽ kiến giải sâu về vấn đề này. Nhưng quan sát một cách bình thường, phàm là sinh vật thì nó hoạt động (hay vận động), tức là sống. Hoạt động đầu tiên của cơ thể sống là sự trao đổi chất, hấp thụ và tiêu hóa, đồng hóa và dị hóa. Hoạt động nội tại đó buộc các cơ quan của cơ thể phải vận động. Khi còn trong bụng mẹ, bé đã biết co đạp. Cái thai trong bụng nghe còn đạp đây… (Nguyễn Bính). Khi ra đời, hoạt động của trẻ cũng tăng lên theo sự tăng trưởng về thể chất và điều kiện môi trường. Trẻ không có bạn chơi, không có đồ chơi khác với trẻ có tất cả.

Sự chơi của trẻ rất hồn nhiên. Các em chưa biết phân biệt lợi hại, hay dở. Chỉ biết thỏa mãn nhu cầu hoạt động, nhu cầu chơi. Và trẻ luôn luôn thay đổi ý thích, đối tượng chơi. Có trẻ vắng người trông, tự chơi, vầy cứt đái bôi cả lên mặt mũi. Trẻ chưa biết phân biệt chơi xong đồ chơi, trẻ quăng đi, chưa biết giữ gìn… Điều đó, là con người, ai chẳng trải qua, là người cha người mẹ, ai chẳng biết.

Ảnh bìa các cuốn sách của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh 

Trẻ lớn lên, biết nói năng, chạy nhảy tung tăng, nhu cầu chơi và trò chơi ngày càng nhiều. Có trò chơi do được truyền lại như đá cầu, đánh đáo, đánh chuyền, chọi gà, chơi ô, nhảy dây, nhảy vòng, bịt mắt bắt dê… Có trò chơi do các em tự nghĩ ra. Trò chơi này thì vô cùng. Phần nhiều do bắt chước. Có sự bắt chước hay, tốt. Có sự bắt chước rất tai hại, nguy hiểm.

Thầy Đào Xuân Tốn dạy Trung văn cấp III Thọ Xuân - Thanh Hóa những năm 60 thế kỷ trước, kể câu chuyện hồi học ở Bắc Kinh, thấy có trường hợp trẻ em buộc trùm tấm chăn rồi buộc vào người làm dù nhảy từ tầng cao xuống. May mà các tầng dưới phát hiện ra đón đỡ cứu được em bé. Hỏi vì sao? Em bảo xem phim thấy có nhảy dù, em bắt chước.

Ở quê tôi có câu chuyện thật. Một nhà nọ cha mất sớm, còn mấy mẹ con. Người anh cả ham chơi nhác làm. Người mẹ và các em bực tức lắm. Có hôm trời mưa, người anh cả đang ngủ ở nhà ngoài. Mẹ và mấy em đang ở trong bếp sưởi lửa. Nhân nói chuyện người anh, người mẹ bực lắm, buột ra câu nói: Cái đồ chỉ đáng chém mấy nhát cho nó tỉnh ra! Không ngờ người em út nghe câu đó, lẳng lặng lên nhà vác cái búa bổ củi nhằm đầu anh mà bổ. May là búa nặng, em không giơ cao bổ mạnh được, chỉ để rơi vào đầu anh. Vết thương khá nặng, nhưng may là chỉ rách da chảy máu, không ảnh hưởng đến xương sọ.

Chuyện cổ nói người mẹ đi chợ, con đòi theo, mẹ dỗ: Ở nhà, mẹ đi chợ mua thịt trâu cho con. Khi mẹ về không mua thịt trâu, bé lăn ra khóc. Ông bố thấy vậy ra lấy búa đập chết con trâu nhà, làm thịt trâu cho con. Người mẹ phàn nàn. Ông bố nói: Trẻ con rất cả tin. Đừng bao giờ nói dối chúng.

Trở lại tính ham chơi của trẻ em, không ai phủ nhận sự phong phú của các đồ chơi của trẻ em cũng vô cùng. Và nhu cầu chơi của các em là vô tận. Vấn đề là người lớn phải quan tâm đến sự chơi của trẻ. Hướng dẫn cho trẻ chơi trò chơi có lợi. Bày cho trẻ những trò chơi có lợi. Không thể để cho trẻ tự chơi. Càng không nên bày cho trẻ những trò chơi có hại mà sự nguy hiểm không lường trước được. Chính tôi lúc bé, khoảng 6 tuổi, biết đi thả trâu với anh Phúc hàng xóm. Anh kể chuyện gì tôi cũng tin. Có hôm anh bảo tôi chơi trốn tìm. Bảo tôi chui vào đám cây nghể, một loại cây lá như rau răm nhưng thân cây to, mọc thành đám rộng, tinh dầu rất cay. Anh bảo phải chui thật kín, nếu anh thấy ở chỗ nào, anh lôi ra là tôi thua cuộc, phải cúng cho anh bằng cách phải dong trâu của anh về tận chuồng.

Tôi không nhớ nằm trong đám lá đó bao lâu, nhưng nóng quá, cay quá, giàn giụa nước mắt, tôi khóc chạy về. Người tôi nổi hết mề đay, sốt nóng, bố tôi phải nấu nước lá khế tắm cho mới khỏi. Rồi bố dẫn tôi sang nhà anh Phúc, gọi anh ra, nói trẻ con chưa biết, người lớn phải hướng dẫn, đừng xui dại trẻ con như thế. Anh Phúc xin lỗi, ăn năn lắm. Từ đó rất thương tôi. Sau này anh đi B và hy sinh. Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhớ!

Nói chuyện riêng cụ thể như thế để thấy chơi là nhu cầu bản năng của trẻ em. Những chuyện kích thích các em chơi càng mới lạ, càng độc đáo các em càng thích. Yêu kính thầy cô, cha mẹ thì quá quen thuộc. Bây giờ được xử tội cha mẹ, thầy cô thì chắc chắn các em rất thích. Nhất là trong tình hình văn hóa học đường, đạo đức học đường như hiện nay, sẽ có vô số chứng cứ để các em luận tội.

Chúng tôi giả dụ thôi. Nếu Bộ GD&ĐT có gan thí điểm thì cho học sinh các trường đọc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, rồi cho các em lập phiên tòa xét xử cha mẹ, thầy cô… thì tôi dám chắc 90% các em sẽ tham gia rầm rộ và kết tội: nào là không được chơi, không được đá bóng trong sân trường, nào phải học thêm, phải ăn thế này, phải uống thế kia…, phải mua đủ bộ này bộ kia, hôm nào cũng nặng trĩu ba lô đến trường. Vì thế, nói truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là quái gở là độc hại, là có cơ sở.

Thực ra, truyện này của NNA cũng chỉ là hô ứng với sự thương mại hóa xung quanh học đường: ba lô, bàn ghế, đồ chơi, kẹo bim bim… cho học sinh toàn là siêu nhân, bạo lực, kể cả sách báo được đưa vào bán trong nhà trường, những TÝ QUẬY… này kia…
Các đồ dùng học tập, trò chơi, đồ ăn ở cổng trường dĩ nhiên theo nhu cầu học sinh với mục đích lợi nhuận. Mà nhu cầu ăn chơi của học sinh ở đây thì vô cùng vô tận. Lợi nhuận từ các nhà sản xuất ba lô, cặp sách, sách báo, đồ chơi, kẹo bánh… cũng là vô tận. Truyện của NNA có nằm ngoài tình hình đó không???

Ham chơi là tâm lý bản năng rất tự nhiên, chính đáng của trẻ em. Vấn đề là hướng dẫn cung cấp cho các em trò chơi có lợi cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Truyện của NNA đi ngược lại tiêu chí này. Khẳng định này là có cơ sở chắc chắn qua tập tiểu luận - phê bình của Phùng Thanh Vân.

TÌNH YÊU BẢN NĂNG

Trẻ em qua tuổi dậy thì đã xuất hiện tâm lý yêu khác giới. Nói chung, ở tuổi vị thành niên, đã xuất hiện tình cảm yêu đương, nó cũng là yêu cầu xuất hiện tự nhiên. Hoàng Cầm đã sớm yêu như thế: Em đừng lớn nữa chị đừng đi… Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng càng lôi cuốn hấp dẫn tuổi trẻ học đường. Tình yêu ở tuổi vị thành niên là tình yêu bản năng. Nó vừa có tính di truyền vừa có tính lan truyền. Khi Natasa bắc ghế để đứng lên hôn Bôrít (Chiến tranh và hòa bình), nó là tình yêu bản năng. Khi nàng đến nhà Bétxônốp và phát hiện ra chị gái cũng là nhân tình của Bétxônốp… cũng là tình yêu bản năng. Đến khi nàng kết hôn với Bêdukhốp thì đấy mới là tình yêu có lý trí…
Tình yêu bản năng ở tuổi vị thành niên cũng phong phú ngóc ngách vô cùng vô tận như bản năng ham chơi. Là bản năng thì không cấm đoán được. Nhưng có thể hướng dẫn, tác động vào được.
Cho nên viết về tình yêu học đường rất dễ lôi cuốn bạn đọc nhưng rất khó giúp cho bạn trẻ qua được màn sương mù bản năng lúc nào cũng có thể tỏa ra từ con tim các em, làm mờ mắt các em, đẩy các em đến hành động yêu đương - tình dục chưa đúng lúc như trong truyện của NNA.

Bí quyết của NNA, theo chúng tôi, là ở chỗ ông nắm bắt, khai thác, mô tả rất mùi mẫn tâm lý và hành vi bản năng của lớp trẻ. Tâm lý bản năng này có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Xấu và tốt. Hay và dở… Tiếc rằng cách khai thác của NNA là đáp ứng, khuyến khích, khêu gợi… mặt tiêu cực, mặt xấu, mặt cần phải tránh cho lứa tuổi này.

Cảm giác được đáp ứng từ bản năng vị thành niên (chơi nghịch, yêu đương…) thường đem lại khoái cảm tức thời, rất mạnh mẽ. Đó là điều rất khó khăn cho các bậc phụ huynh trong sự giáo dục, chăm sóc các em. Tác phẩm của NNA chỉ đem lại khoái cảm tiêu cực, nguy hại cho tương lai của tuổi trẻ. Đó là điều đáng buồn.

Nhưng giới phê bình văn học, kể cả giới xuất bản, cũng phải đồng trách nhiệm với NNA. Tại sao loại truyện quái gở - như nhà văn Vũ Hạnh đã nói từ đầu, lại được in rất nhiều kèm những lời khen ngợi có cánh như của GS. Phong Lê, lại được một công trình nghiên cứu quốc gia đánh giá rất cao như của PGS.TS Lã Thị Bắc Lý. Và giải thưởng, và danh hiệu.
Trẻ em hôm nay là vận mệnh của dân tộc trong tương lai không xa, chỉ một vài thập kỷ. Giữa lợi nhuận do xuất bản - phát hành - quảng bá và vận mệnh của chính các em trong một vài thập kỷ sau, của cả dân tộc, nên lựa chọn bên nào? Mong GS. Phong Lê, PGS.TS Lã Thị Bắc Lý cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho chúng tôi được sáng tỏ.

Luận điểm của chúng tôi có thể khác với các vị nhưng luận cứ của chúng tôi là có cơ sở. Xin mời đọc Suy ngẫm về chức năng giáo dục trong 8 truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh của tác giả Phùng Thanh Vân.

Bệnh viện Hữu Nghị - Hà Nội
Ngày 9-12-2018

Bạn đang đọc bài viết Chu Giang: Giải mã Nguyễn Nhật Ánh (Kỳ 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.