Thứ bảy, 20/04/2024 21:03 (GMT+7)

Đình Hả: Nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Nông dân Yên Thế

Nguyễn Văn Khoa -  Thứ hai, 02/07/2018 10:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phát tích cuộc khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 - 1913) vẫn là ở tại nơi đình Hả xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Đình Hả thuộc địa phận xã Tân Trung huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo truyền thuyết thì đình, chùa Hả được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn thế kỷ XVII. Tên chữ là "Phúc Thọ Đình" vốn là ngôi đình cổ do Nhân dân làng Thế Lộc sưa gồm (Thôn Đình Hả, Chấu, Quyên, Đanh) xây dựng để thờ đức "Cao Sơn Quí Minh". Ngày 16 tháng giêng Âm lịch hàng năm nhân dân vẫn tổ chức lễ hội dân gian,  Hai câu đối trong Đình ghi:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Dịch:  Xưa nay hỏi có ai không chết?         

Hãy để lòng son chiếu sử xanh

Tuy nhiên, ngôi đình cũ đã bị tổn hại vào tháng 10 năm 1885 khi Pháp đánh lên Yên Thế. Giặc Pháp đã xua quân tàn phá xóm làng trong đó có đình, chùa Hả đem về xây dựng đồn bốt. Ngôi đình hiện hữu được chính Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân khởi dựng lại vào dịp tạm hòa hoãn với giặc Pháp.

Ngày 16/3/1884, Cụ Lương Văn Nắm là người con của quê hương làm Lễ tế cờ chính thức phát động cuộc Khởi nghĩa vũ trang của nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xây lược. Nơi đây là cội nguồn, là nhân chứng lịch sử của cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên Thế kéo dài ngót 30 năm (1884 - 1913).

Sau khi Đề Nắm làm lễ tế cờ, thực dân Pháp rất tức giận và cho đốt cháy ngôi Đình nhằm tiêu diệt nơi trú ngụ và nghĩa quân của Đề Nắm; Năm 1894 - 1895, trong khi quân Pháp ký  hòa hoãn với ta, Hoàng Hoa Thám cho nghĩa quân khai thác gỗ lim về xây dựng lại ngôi Đình như ngày hôm nay nhằm ghi nhớ công lao của Đề Nắm, người thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Đưa tượng ông vào Đình phối thời và tôn ông như một vị thành Hoàng làng.

Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế

Có nhiều người đặt câu hỏi Cuộc khởi nghĩa Yên Thế khởi nguồn từ đây nhưng tại sao lại không tổ chức Lễ hội ngày 16/3 tại đây, mà lại tổ chức ở Phồn Xương - Yên Thế ?!
Trước đây xã Tân Trung,Tân Yên, tỉnh Bắc Giang ngày nay thuộc huyện Yên Thế (cũ), đến ngày 06/11/1957 được tách ra thành 2 huyện, miền Thượng (từ Phồn Xương, Tân Hiệp trở lên là huyện Yên Thế, miền Hạ mang tên Tân Yên (từ Tân Trung, Nhã Nam xuống dưới) do vậy năm 1884 đây thuộc huyện Yên Thế. Nơi tổ chức Lễ hội 16/3 hàng năm là (Đại bản doanh của Nghĩa quân); trước đây mỗi khi mở hội, Ban tổ chức vẫn về Đình Hả lấy lửa để mở hội.

Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế chính thức bắt đầu từ ngày 16/3/1884 (làm lễ tế cờ ở Đình Hả) kết thúc vào cuối năm 1913, kéo dài khoảng 29 năm và được chia ra làm 2 giai đoạn (1884 - 1892) giai đoạn đầu do Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm ) làm Thủ lĩnh; khi Đề Nắm bị sát hại, Đề Thám lên thay làm Thủ lĩnh (1892-2013). Do vậy, từ năm 2014 đến nay ở hai bên Tượng đài Đề Thám có hai vế đối, đứng dưới nhìn lên bên trái có biển treo nghi "Lương Văn Nắm, tấm lòng son chiếu sử xanh" phía bên phải có biển treo ghi "Hoàng Hoa Thám, người viết tiếp bản hùng ca bất tử".
Từ nay chúng ta sẽ hiểu rõ hơn, dù lễ hội có tổ chức ở đâu thì phát tích cuộc khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 - 1913) vẫn là ở tại nơi đình Hả xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Hàng năm, vào ngày 15, 16 tháng Giêng, tại đình Hả, dân làng tổ chức lễ hội thật trang nghiêm, long trọng để tưởng nhớ công lao to lớn của vị tướng tài áo vải Lương Văn Nắm


Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Lương Văn Nắm

Theo sử sách ghi lại, Cụ Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm, Đề Hả, Đại Hả, Thống Hả...) sinh ra tại khu rừng Tràm thuộc thôn Gia Thị (Gia Tiến ngày nay), khi bố mất, theo mẹ về quê ngoại sinh sống tại thôn Quyên ngày nay. Sinh thời, khi còn nhỏ, dù không học qua trường lớp nào, nhưng cụ là người rất thông minh, nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn người, trí tuệ khác thường, giàu lòng thương dân. Ở trong vùng mà có nhiều địa chủ cường hào, bóc lột dân lành, có sự bảo hộ của thực dân Pháp, nhân dân trong vùng đã cử Cụ và một số người có nghĩa khí đứng lên bảo vệ dân nghèo. Cụ đã vận động, kêu gọi mọi người có cùng chí hướng trong vùng liên kết chống lại, lấy của người giàu, chia cho dân nghèo.

Ngày 16/3/1884, sau khi thắng trận tại Đức Lân (Phú Bình, Thái Nguyên), Lương Văn Nắm cùng nghĩa quân trở về Đình Hả làm lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang của Nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược.

Chúng ta khi nhắc đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế chỉ nhắc đến Thủ lĩnh "Hoàng Hoa Thám" mà không nhắc tới "Lương Văn Nắm" là một thiếu sót lớn .

Năm 2013, tại cuộc Hội thảo do TS sử học Khổng Đức Thiêm chủ trì, nhiều tham luận đã làm sáng tỏ thêm nhiều điều về thân thế, sự nghiệp và sự ảnh hưởng của Đề Nắm đối với cuộc khởi nghĩa Yên Thế .

Năm 2014 mới có "Lương Văn Nắm, tấm lòng son chiếu sử xanh" tại Đài tưởng niệm Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Nội dung này trùng với nội dung của một vế câu đối trong Đình Hả (có thể do Đề Thám khi xây lại Đình đã cho làm câu đối đó chăng ?).

Hội đình Hả ngày nay

Ngày nay, xung quanh di tích đình chùa Hả có nhiều cây cổ thụ xanh tốt tạo nên khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ nhưng vẫn giữ được nét thâm nghiêm. Hàng năm, vào ngày 15, 16 tháng Giêng, tại đình Hả, dân làng tổ chức lễ hội thật trang nghiêm, long trọng để tưởng nhớ công lao to lớn của vị tướng tài áo vải Lương Văn Nắm. Trong lễ hội có tổ chức tế lễ, rước sách cùng các trò chơi dân gian độc đáo và những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian phong phú, thu hút dân ở khắp các vùng nô nức kéo đến dự hội đông vui chật cả khu đình chùa và rừng cây xung quanh. Hội làng Hả là một trong 4 lễ hội lớn nổi tiếng của huyện Tân Yên.

Không chỉ có vậy, Lễ hội 16/3 hàng năm tại Phồn Xương, Yên Thế vẫn luôn dành cho Di tích đình Hả một vị trí trang trọng. Có năm, ở khu vực đình Hả, huyện Tân Yên cho mời đội kỳ lân sư tử của xã Phúc Hoà trống dong cờ mở tới múa thờ ở đình. Lại cho tập trung cả trăm con ngựa với các trai trẻ Tân Yên đóng làm nghĩa binh cụ Đề đến đình từ sớm 16/3 dự lễ khai mạc. Trong lễ khai mạc này, không khí thật hào hùng, hoành tráng, bài diễn văn ngắn gọn mà thôi thúc lòng người như tinh thần khởi nghĩa Yên Thế bất diệt. Tế xong, xe ngựa sẵn sàng chở đội kỳ lân tung cờ, đánh trống vừa ngồi trên xe ngựa vừa chạy, vừa múa. Cả trăm con ngựa được lệnh nối nhau tiến vào trung tâm lễ hội Phồn Xương. Từ đình Hả đến Phồn Xương, đường làng ven đồi, ven những luỹ tre. Các trai Cầu Vồng mặc quần áo nâu, đầu và bụng chít khăn đỏ, người cầm cung, cầm giáo, cầm kiếm, người cầm súng, cầm cờ thúc ngựa tiến bước. Vó câu nhịp nhàng, trống giục thùm thùm, bụi hồng mờ mịt. Khí thế ngày hội tưng bừng. Dân háo hức, rầm rập chạy theo, kẻ trước người sau, không khí tưng bừng náo nhiệt.

Chính vì ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, ngày 10/3/1994 di tích đình chùa Hả được Bộ VH – TT công nhận di tích LSVH. Ngày 10/5/2012 Di tích đình Hả là một trong 23 điểm nằm trong hệ thống: Những điểm di tích Khởi nghĩa Yên Thế của tỉnh Bắc Giang vinh dự được Nhà nước ra Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.


Nguyễn Văn Khoa

Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tân Trung,

huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang
 

Bạn đang đọc bài viết Đình Hả: Nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chân dung được vẽ bằng lụa vụn.
Dự án "Những bức chân dung từ lụa vụn" đã khởi động, mục tiêu là hỗ trợ các nghệ nhân đằng sau các tác phẩm tranh lụa của Vụn Art.
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất