Thứ bảy, 20/04/2024 15:12 (GMT+7)

Độc đáo Lăng Quận công Nguyễn Thế Lai - Quần thể di tích đá ong

Phùng Đô -  Thứ năm, 30/05/2019 10:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lăng Quận công Nguyễn Thế Lai tọa lạc tại thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang được xem là một trong những lăng đá cổ kính xứ Kinh Bắc với kiến trúc đá ong độc đáo.

Theo tiến sĩ Lê Đình Trọng – Viện Khảo cổ học Việt Nam, vào thế kỷ 17, khi nhà Lê quay trở lại quản lý Thăng Long và đất nước thì một loại hình kiến trúc lăng mộ được phát triển rầm rộ, có mặt ở nhiều nơi. Từ đó đã đóng góp được rất nhiều giá trị khoa học lịch sử và nghệ thuật điêu khắc cho nền kiến trúc Việt Nam.

Xứ Kinh Bắc nói chung và mảnh đất Hiệp Hòa (Bắc Giang) nói riêng vốn là nơi giàu truyền thống văn hóa, đặc biệt là truyền thống khoa bảng, thi cử, địa linh nhân kiệt.

Từ năm 1554 – 1787 riêng mảnh đất Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang) đã có 199 vị đỗ tiến sĩ làm quan lớn trong triều đình.

Những vị quan đó có công lớn trong việc xây dựng bảo vệ nước nhà. Khi già trở về quê hương được nhà Vua ban thưởng nhiều bổng lộc và cho phép lập thành lăng mộ để làm chỗ an nghỉ vĩnh hằng cho mình.

Lăng Quận công Nguyễn Thế Lai tọa lạc tại thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Một góc tường đá ong nâu trong lăng Quận công Nguyễn Thế Lai tọa lạc tại thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Quận công Nguyễn Thế Lai vốn là người có tiếng thơm ở trong triều đình, công danh vinh hiển. Ông luôn lấy sự nhân nhượng để tiếp đãi với người, lấy ơn huệ để ban cho đời, trừ diệt điều ác, thương xót những người cô quả, làm nhiều điều thiện nên mọi người ai cũng kính nể tôn ông làm hậu Thần.

Sinh thời, ông đã lấy tiền ruộng của mình ban cho dân làm ruộng hậu, ruộng thờ cúng nên ông được dân thờ phụng mãi mãi. Khi làm quan tới tuổi già, ông xin về hưu trí ở thôn Hạc Lâm, ông cho thợ đẽo đá, làm lăng. 

Lăng mộ đá trên khắp đất nước Việt Nam thì nhiều nhưng tập trung với mật độ đông và kiến trúc đặc biệt tại một khu vực thì có lẽ ở huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang là hàng đầu. Lăng Quận công Nguyễn Thế Lai tọa lạc tại thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là một trong số đó với kiến trúc đá ong độc đáo.

Văn bia tọa lạc trong đình làng Hạc Lâm dựng từ năm 1766 hiện còn ghi rõ tấm lòng công đức này của tướng công. Bia chép “Khi làm quan Quận công Nguyễn Thế Lai nổi tiếng là người thanh liêm, hòa kính với mọi người, giàu lòng thương dân, luôn luôn quan tâm đến người dân quê nhà.

Khi đó thuyên trung hầu Nguyễn Thế Lai đã đã cấp cho bản xã 300 quan tiền cổ và 3 mẫu ruộng tốt để thu hoa lợi chi dùng việc cung…”. Trong bia còn ghi rõ việc tế lễ Tứ quý kỳ phúc của dân tiến hành như thế nào và việc sắm lễ và phối hưởng ra sao cùng các nghi thức khác…

Con cháu dòng họ Thế kể lại rằng, trước đây quần thể lăng của Quận công Nguyễn Thế Lai trải rộng khoảng 4-5 sào ruộng. Nhưng biến cố lịch sử khiến diện tích thực tế hiện tại chỉ còn khoảng hơn 300m2. Dù diện tích có bị thu hẹp nhưng quần thể kiến trúc ở khu lăng mộ này vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn với các khối đá ong nâu.

Chất liệu đá óng nâu được sử dụng chủ yếu trong kiến trúc lăng mộ của Quận công Nguyễn Thế Lai.

Phần mộ của lăng Quận công Nguyễn Thế Lai được bao quanh bởi 4 bức tường đá ong nâu với chiều dài 4 cạnh khoảng 15m, bề mặt tường rộng 40-50cm, cao khoảng 2m. Những khối đá ong hình chữ nhật xếp chồng lên nhau được gắn kết bằng loại vữa truyền thống trong vật liệu gắn kết xây dựng các công trình kiến trúc cổ.

Dẫn vào khu mộ phần được trổ cửa với hình thức mái vòm cao khoảng trên 1,4m. Trước mộ phần về hướng tây có một ban thờ cao 1,4 m rộng 1,5x1,5m cũng được làm hoàn toàn bằng đá ong nâu.

Phía trước ban thờ là 2 dũng sĩ cao khoảng 1,5m làm bằng chất liệu đá được tạc hết sức tinh xảo. Tay phải dũng sĩ cầm đao, tay trái để trước ngực thể hiện sự tôn kính với người đã khuất. Từ những họa tiết trên quần áo cho đến chi tiết trên khuôn mặt của 2 pho tượng này đều được chạm trổ hết sức tỉ mỉ và tinh tế.

Tượng dũng sĩ được chạm trổ rất tinh xảo với những họa tiết trên quần áo và khuôn mặt đầy thần thái.

Đặc biệt hơn nữa, hiện nay dòng họ Nguyễn Thế vẫn còn lưu giữa được 4 đạo sắc phong của triều đình nhà Lê ban cho Quận công Nguyễn Thế Lai năm Quý mùi (1763).

Sắc phong có dấu đỏ của triều đình, được thể hiện trên nền giấy gió khổ 40x70cm. Hiện trạng của sắc phong dường như vẫn còn nguyên vẹn khi trải qua gần 300 năm thăng trầm của lịch sử. 

Một trong 4 đạo sắc phong triều đình ban tặng cho Quận công Nguyễn Thế Lai.

Nội dung sắc phong thể hiện, trong thời gian cư quan nhậm chức 1763-1775, Quận công Nguyễn Thế Lai 3 lần được triều đình ban tặng chức tước, từ tước Bá đến tước Hầu rồi cao nhất là tước Công. Đặc biệt, năm 1775 ông được phong tặng 2 lần liền vì có công lao thảo Thanh Hoa, Sơn Tây và tuyên hưng đẳng đạo.

Từ những chức tước đã từng được phong như vậy Quận công Nguyễn Thế Lai được dự vào hàng Chánh tam phẩm và có rất nhiều bổng lộc và người hầu hạ.

Với những giá trị văn hóa lịch sử của lăng đá Quận công Nguyễn Thế Lai, năm 2019 Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hiệp Hòa đã đề nghị Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích này thành di tích cấp tỉnh để quần thể kiến trúc này được quan tâm và bảo tồn đúng mức.

Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đang xem xét để xếp hạng di tích lăng đá Quận công Nguyễn Thế Lai thành di tích cấp tỉnh.

Nhận được đề nghị trên, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã xem xét và yêu cầu người dân thôn Hạc Lâm và dòng họ Nguyễn Thế tu tạo lăng Quận công Nguyễn Thế Lai để hướng tới công nhận thành di tích cấp tỉnh.

Hiện tại người dân thôn Hạc Lâm và con cháu dòng họ Nguyễn Thế đang bảo tồn, duy tu những hạng mục đang bị xuống cấp của quần thể di tích này để đủ yếu tố trở thành di tích cấp tỉnh. 

Dòng họ Nguyễn Thế và dân làng Hạc lâm đang sửa sang lại quần thể di tích lăng Quận công Nguyễn Thế Lai để tiến tới được công nhận là di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Có thể nói lăng Quận công Nguyễn Thế Lai là công trình kiến trúc lăng đá độc đáo, đẹp về quy mô kiến trúc tổng thể theo lối kiến trúc cổ truyền thống. Cổng lăng và tường vây bốn mặt hoàn toàn bằng đá ong, tôn lên vẻ đẹp cổ kính và độc đáo cho di tích.

Hi vọng với những giá trị lịch sử văn hóa, một ngày không xa lăng Quận công Nguyễn Thế Lai sẽ được công nhận là di tích cấp tỉnh và còn cao hơn nữa. Từ đó di tích này sẽ được quan tâm đúng mức để con cháu ngàn đời được chiêm ngưỡng một công trình cổ kính và độc đáo về kiến trúc. 

Bạn đang đọc bài viết Độc đáo Lăng Quận công Nguyễn Thế Lai - Quần thể di tích đá ong. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ
Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ