Thứ sáu, 29/03/2024 21:11 (GMT+7)

Gia Lai: Rộn ràng lễ hội cầu mưa của người đồng bào J’rai

Diệp Hoàng -  Thứ tư, 28/03/2018 07:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đối với đồng bào J’rai thì ngoài việc thực hiện một số biện pháp đối phó với hạn hán, hàng năm người dân tiến hành nghi lễ cầu mưa nhằm cầu mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi..

Vào mùa khô ở Tây Nguyên, đồng bào nơi đây luôn cầu mong những cơn mưa để cứu cánh đồng khô cằn, hồi sinh mầm sống. Đối với đồng bào J’rai thì ngoài việc thực hiện một số biện pháp đối phó với hạn hán, hàng năm người dân tiến hành nghi lễ cầu mưa nhằm cầu mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ, mọi người được bình an khỏe mạnh.

Lễ hội cầu mưa của người J’rai đã trở thành một phong tục, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào bản địa.

Từng hộ dân trong làng lần lượt gùi ghè rượu đến nơi làm lễ để Thầy cúng “làm phép” cầu mưa.

Mưa là giọt ngọc trời ban

Theo quan niệm ngàn đời của người J’rai, khi con người sinh ra thì vạn vật cũng xuất hiện, lúc này có một vị thần ban cho những hạt nước đến mang lại sự sống cho vạn vật đó là Thần mưa - vị thần mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc cho con người. Trong truyền thuyết của người J’rai cũng nhắc đến các vị Pơtao Apui (Vua Lửa) đã dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi vào mùa trồng tỉa hoặc đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán mất mùa.

Bên cạnh đó, trong tâm niệm của người J’rai, nếu làm phật lòng các vị thần thánh thì sẽ không ban tặng nước mưa, khiến bệnh tật xuất hiện, đói rét triền miên. Chính vì vậy hàng năm người dân nơi đây vẫn duy trì tổ chức lễ cầu mưa với ước mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màn thuận lợi, cây cối xanh tươi, thóc lúa đầy bồ. Lễ cầu mưa của người J’rai là lễ nghi mang tính cộng đồng và hàm chứa những giá trị văn hóa độc đáo.

Già làng Ksor Net chia sẻ về các lễ vật trong lễ hội cầu mưa;

Lễ cầu mưa thường được diễn ra ở cộng đồng người J’rai tại một số địa phương ở phía đông nam tỉnh Gia Lai như: huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa. Đồng bào J’rai gọi mưa là “Hơ Jan”, giọt nước trời ban “Hơ Jan” giúp cuộc sống người dân được cải thiện, giảm nhiệt trong ngày nắng oi ả, làm cho hoa màu trên nương rẫy trở nên tươi tốt, để dân làng được no cái bụng. Chính vì “Hơ Jan” giúp người J’rai có cuộc sống ấm no, nên người dân nơi đây ví hạt mưa như hạt ngọc của trời.

Lễ nghi nông nghiệp độc đáo

Cứ vào thời điểm giữa mùa khô hàng năm, làng Rbai (xã Iapiar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) thường xảy ra hạn hán, thậm chí rất khốc liệt. Trong thời gian này, lương thực dự trữ của bà con đã gần cạn, do đó cần phải tiến hành gieo trồng vụ nông sản mới. Chính vì lẽ đó, vào trung tuần tháng 4 hàng năm, dân làng lại sốt sắng công tác chuẩn bị lễ vật để tiến hành cầu mưa.

Thầy cúng Ksor Lol tiến hành nghi thức cầu khấn trong lễ cầu mưa;

Trước khi diễn ra lễ chính, người dân cử hành 3 nghi lễ nhỏ bao gồm: Cúng xua đuổi tà ma, dịch gia cầm quanh làng; Cúng bến nước tại sông A Dun (Phú Thiện, Gia Lai); Cúng làng. Vào ngày tổ chức lễ chính, người dân từ già trẻ, gái trai… trong làng tụ hội tại nhà của Thầy cúng – nơi tiến hành nghi lễ cầu mưa.

Ngay từ sáng sớm, mọi người đã có mặt tại địa điểm tổ chức buổi lễ để được già làng giao việc. Những người đàn ông lớn tuổi thì đảm nhận vót tre làm trụ đặt lễ vật cúng tế thần linh. Trai làng được giao nhiệm vụ cột các ghe rượu lễ vật và ghe rượu dân làng đem đến cho chắc chắn.

Theo già làng Ksor Net (làng Rbai, xã Iapiar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) thì một trong những lễ vật không thể thiếu là 7 ghè rượu được lấy từ nguồn nước sông A Dun để dâng lên thần thánh. 7 ghè rượu này tượng trưng cho 7 người đầu tiên lập ra ngôi làng Rbai. Dưới chân nhà sàn, một số thanh niên khác làm thịt lợn, chia thành nhiều phần nhỏ để xâu lại. Còn phụ nữ thì tập trung làm những món ăn truyền thống. Mọi người rôm rả trò chuyện, cùng vui vẻ hoàn thành tốt phần việc của mình.

“Cầu mưa không chỉ là cầu cho có mưa, mà là cầu trời ban cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ, mọi người được bình an, khỏe mạnh”, già làng Ksor Net chia sẻ.

Khi mặt trời lên đỉnh đầu, tiếng cồng chiêng vang lên báo hiệu giờ linh thiêng đã đến, tất cả mọi người của 2 làng (Rbai A và Rbai B – khoảng 330 hộ) tập trung về khu vực làm lễ. Thầy cúng Ksor Lol (67 tuổi - làng Rbai B, xã Iapiar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) bắt đầu các nghi thức của lễ cầu mưa.

Thầy cúng đứng trước trụ đặt lễ vật để đọc lời khấn, có đại ý: Mong thần linh chứng giám ban cho mưa xuống để dân làng có dân làng có mùa màng tốt tươi, có sức khỏe, xua tan bệnh tật… Khi khấn xong, Thầy cúng lấy một ít thịt và rượu trong ghè đặt trước cổng, sau đó lần lượt đến thêm nước vào từng ghè rượu mà dân làng đem tới.

Vào phần hội, mọi người chia sẻ những xâu thịt nướng, cùng xếp hàng, dắt tay nhau đến từng ghè rượu của mỗi gia đình để thưởng thức. Một điểm chú ý là trước khi nối nhau uống rượu ghè, tất cả dân làng phải bỏ dép và mũ ở ngoài để thể hiện sự tôn kính. Men rượu cần ngây ngất hòa chung những tiếng cười nói rộn ràng, họ quây quần lại và chúc nhau có một vụ mùa thắng lợi. Kể về sự linh thiêng của lễ cầu mưa, chị Nay Hiền (làng Rbai, xã Iapiar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho biết: “Mấy năm trước, trời cũng hạn hán không có giọt mưa nào, nhưng khi Thầy cúng vừa cầu khấn xong thì trời liền cho mưa rơi xuống, người dân quá vui mừng nên tụ tập uống rượu ghè và trò chuyện dưới mưa luôn”.

Người dân nối nhau thưởng thức hương vị từng ghè rượu ngây ngất men say.

Tôn vinh văn hóa tâm linh

Việc duy trì tổ chức lễ cầu mưa đã góp phần bảo lưu nét đẹp văn hóa truyền thống vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của những cư dân nông nghiệp sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Ông Ksor Khanh (Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho biết: “Đảng ủy, HĐND và UBND xã Ia Piar rất quan tâm đến những lễ hội truyền thống của người đồng bào nơi đây. Đây là lễ hội dân tộc rất có ý nghĩa cần được bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị hơn nữa”.

Tháng 4/2016, huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã tổ chức đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia “Lễ hội cầu mưa của Yang Pơ Tao Apui” (tức Vua nước theo truyền thống cổ xưa của người J’rai). Đây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc J’rai tại Gia Lai nói riêng và đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam nói chung.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Rộn ràng lễ hội cầu mưa của người đồng bào J’rai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới