Thứ sáu, 29/03/2024 03:19 (GMT+7)

GS.TS Bùi Danh Lưu - Một trí thức tài năng, tâm huyết của ngành GTVT

Hồng Anh -  Thứ ba, 29/12/2020 09:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 29/12/2020, tại Toà soạn Tạp chí Môi trường và Đô thị VN diễn ra Toạ đàm “GS.TS Bùi Danh Lưu – Một trí thức tài năng, nhà lãnh đạo và quản lý tâm huyết của Ngành Giao thông vận tải Việt Nam”.

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh (28/8/1935 – 28/8/2020) và 10 năm ngày mất (30/12/2010 – 30/12/2020) của GS.TS Bùi Danh Lưu; theo sự khởi xướng và đề xuất của CLB “Trái tim Người lính”, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hoá dân tộc cùng gia đình tổ chức Toạ đàm “GS.TS Bùi Danh Lưu – Một trí thức tài năng, nhà lãnh đạo và quản lý tâm huyết của Ngành Giao thông vận tải Việt Nam”.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Ngô Thịnh Đức - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Cầu đường Việt Nam; Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT, GS.TS Phan Vị Thủy, nguyên Viện trưởng Viện KHCN GTVT, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Công trình giao thông, nguyên Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, TS Nguyễn Ngọc Long, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Công trình Giao thông, nguyên Chủ tịch -Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn GTVT (TEDI); nguyên Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, PGS.TS Đặng Gia Nải, Viện trưởng Viện phát triển GTVT- Hội KHKT Cầu đường Việt Nam; nguyên Phó Viện trưởng Viện KHCN GTVT, TS Nguyễn Văn Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ  GTVT, nguyên Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam; PGS. TS Tống Trần Tùng nguyên Quyền Vụ trường Vụ KHCN Bộ GTVT, nguyên Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN.

Quang cảnh buổi tọa đàm

GS.TS Bùi Danh Lưu (còn có tên là Quốc Linh) sinh ngày 28/8/1935 tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, xuất thân trong một gia đình nho học.

Năm 1953, khi đang là học sinh cấp III (PTTH), ông tham gia Ban vận tải tiền phương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch kết thúc, ông về trường học tiếp rồi được điều về Tổng cục Đường sắt làm liên lạc viên, đảm bảo giao thông trong kháng chiến chống Mỹ ở khu IV.

Năm 1970, ông được cử sang Tiệp Khắc du học và về nước năm 1976 với tấm bằng Phó Tiến sĩ. Biết tin này, nhiều đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải như Ban xây dựng 67, Công trình cầu Thăng Long, Cục Công trình 1... đều muốn mời ông về với lời hứa sẽ đề nghị cấp trên đề bạt Phó Cục trưởng. Thế nhưng Bùi Danh Lưu đã quyết định nhận đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật giao thông vận tải. Suốt bốn năm ở đây, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Bùi Danh Lưu vẫn hoàn thành xuất sắc nhiều công trình khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu của ông đã được ứng dụng vào thực tiễn. Đặc biệt, giai đoạn ông được bổ nhiệm Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện (GTVTBĐ)… có rất nhiều điều độc đáo, đáng để hậu thế suy ngẫm!

Từ Phó Viện trưởng lên Thứ trưởng chỉ trong… 17 ngày!

Một buổi chiều cuối tháng 9/1982, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (khi ấy là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) đột xuất đến thăm Viện Kỹ thuật Giao thông vận tải nơi Bùi Danh Lưu đang làm Phó Viện trưởng, về thứ tự chức vụ này ông còn xếp cuối cùng, sau mấy Phó Viện trưởng nữa.

Kết thúc buổi làm việc, tướng Đồng Sỹ Nguyên đột nhiên gọi Bùi Danh Lưu và vị Viên trưởng vào phòng và nói:

- Sắp tới, Bộ cần có thêm một Thứ trưởng đặc trách về khoa học kỹ thuật. Một trong hai anh sẽ được chọn. Các anh có ý kiến gì không?

Cả hai người đều im lặng. Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên nói tiếp:

- Thôi được rồi, Bộ sẽ cân nhắc. Các anh có ý kiến gì thì gửi thư cho tôi.

Sau đấy, Bùi Danh Lưu bận công việc cũng không để tâm đến chuyện này. Vậy mà chừng nửa tháng sau, tức tháng 10 năm 1982, ông bất ngờ được thăng lên làm Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện.

Những tưởng đã yên vị thì chỉ 17 ngày sau khi lên chức Vụ trưởng, Bùi Danh Lưu lại được lệnh lên gặp Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên. Bộ trưởng thông báo với ông rằng: Trung ương đã quyết định bổ nhiệm Bùi Danh Lưu làm Thứ trưởng và quyết định đã có từ lâu.

Vậy là Bùi Danh Lưu từ Viện phó Viện Kỹ thuật giao thông vận tải lên Vụ trưởng rồi Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện trong thời gian chỉ đúng 17 ngày. Đây được coi là kỉ lục về đề bạt cán bộ công chức của Việt Nam.

“Cha đẻ” cầu Chương Dương

GS.TS Bùi Danh Lưu được coi là “cha đẻ” cầu Chương Dương khi có công đầu xây nên cây cầu này.

Những năm 80 của thế kỷ 20, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Do làn đường ôtô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra. Vì vậy, việc dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một. Lúc đó tướng hồi hưu Đồng Sĩ Nguyên muốn nhờ Nhật Bản xây dựng một cầu treo nhưng Bùi Danh Lưu, vị Thứ trưởng trẻ tuổi lại đề xuất làm một cây cầu sắt vĩnh cửu với tốc độ làm cầu treo, tận dụng khối lượng sắt thép, vật tư làm cầu Thăng Long còn thừa.

Ông tự thiết kế cây cầu và chịu trách nhiệm về tính khả thi của dự án. Cuối cùng ông đã thuyết phục được Bộ trưởng và Chính phủ phê duyệt dự án và đích thân ông chỉ huy công trình. Người ta kể lại rằng Bùi Danh Lưu đã chỉ đạo chế tác các thanh dầm từ những thứ “đầu thừa đuôi thẹo” thải ra từ cầu Thăng Long theo một cách rất Việt Nam tức là trên thế giới chả có ai làm như thế cả.

GS.TS Bùi Danh Lưu được coi là “cha đẻ” cầu Chương Dương khi có công đầu xây nên cây cầu này.

Ông đã trực tiếp chỉ huy thi công cầu Chương Dương và chỉ sau thời gian ngắn kỷ lục 1 năm 9 tháng, cầu Chương Dương được khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên. Đến giờ đây vẫn được  chiến công hy hữu trong lịch sử.

Cầu Chương Dương là “cú hích” mạnh “giải thoát” cho cầu Long Biên già nua đang oằn mình gánh giao thông cho Hà Nội. Sự sâu sát, quyết liệt của Thứ trưởng Bùi Danh Lưu là động lực không nhỏ thúc đẩy tiến độ công trình.

Cầu Chương Dương đã đi vào lịch sử với tên tuổi đồng chí Bùi Danh Lưu. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Tại cây cầu này các kỹ sư cầu đường của Việt Nam tự thử sức mình để có thể tự thiết kế và thi công các cây cầu lớn khác.

Cầu Chương Dương đến bây giờ vẫn được coi là biểu tượng của tinh thần tự lực, tự cường Việt Nam. Theo mục tiêu ban đầu cấp trên nêu ra để thiết kế, nó chỉ cần được sử dụng trong 10 năm là “hoàn thành nhiệm vụ”, nhưng đến nay sau hơn 30 năm sử dụng, cầu Chương Dương vẫn đang vận hành tốt.

Biết tin lên chức Bộ trưởng qua radio

Tháng 6 năm 1986, sau thành tích xây dựng Cầu Chương Dương, Bùi Danh Lưu  bất ngờ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện. Khi đó, ông đang cùng đoàn cán bộ đi khảo sát thực tế vùng Tây Bắc, nên không hề hay biết việc mình được lên chức Bộ trưởng.

Đến Lai Châu, đêm ngủ ở nhà khách của tỉnh, Bùi Danh Lưu cùng anh em trong đoàn công tác nghe có người nói Bộ Giao thông vừa có Bộ trưởng mới. Người đưa tin lại nói Bộ trưởng là một ông họ Bùi gì đó, nhưng vì sóng radio chập chờn nên không nghe rõ. Ông Đặng Hạ, cố vấn của Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên tin là ông Bùi Do, một cán bộ cao cấp thân cận của tướng Đồng Sỹ Nguyên hồi đó đã được bổ nhiệm. Chính GS.TS Bùi Danh Lưu cũng nghĩ vậy, bởi vì trong hàng Thứ trưởng ông là mới nhất đứng hàng thứ tư sau Thứ trưởng thường trực Lê Khả, Thứ trưởng Nguyễn Đình Doãn và Thứ trưởng Đoàn Xê… Mấy anh em chỉ ngồi bàn tán một lúc rồi lại ai về phòng nấy ngủ để lấy sức vượt đèo khảo sát.

Sáng hôm sau, khi xe vừa chuẩn bị chuyển bánh thì một đoàn khách khá đông gồm đủ mặt cán bộ lãnh đạo tỉnh kéo đến. Ông Bí thư tỉnh uỷ ôm bó hoa rất đẹp đến tặng và nói: “Xin chúc mừng tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Bùi Danh Lưu”. Tỉnh chúng tôi rất vinh dự được là địa phương đầu tiên đón đồng chí đến thăm trên cương vị mới. Tất cả anh em trong đoàn đều bất ngờ nhưng Bùi Danh Lưu là người bất ngờ nhất.

Về sau, khi kể lại câu chuyện này, chính bản thân GS.TS Bùi Danh Lưu vẫn cười. Ông bảo: "Không thú vị sao được?! Hôm rời Hà Nội, tôi còn là Thứ trưởng; chỉ mấy ngày sau, từ Tây Bắc trở về, tôi đã là Bộ trưởng".

Từ đó, ông liên tục được tín nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVTBĐ. Thời gian ông giữ chức lên đến 10 năm từ 1986 đến 1996.

Tháng 12 năm 1986 trong Đại hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và tái đắc cử liên tiếp trong ba khóa VI, VII, VIII. Đặc biệt là khoá VIII, ông không thuộc diện nhân sự Trung ương giới thiệu tái cử, nhưng cơ sở vẫn giới thiệu để bầu và ông vẫn trúng phiếu cao. Trong cuộc bầu cử ngày 19 tháng 4 năm 1987, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Tháng 12 năm 1987, tại Đại hội thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông được bầu làm Chủ tịch hội và giữ chức vụ này đến khi qua đời (2010).

Ngoài ra, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác giả của các phương sách tạo điều kiện cho sự phát triển của Ngành GTVTBĐ Việt Nam

GS.TS Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã dành cả cuộc đời cống hiến cho ngành GTVTBĐ. Từ khi được cử đi du học trở về nước, trong cương vị Viện phó Viện…, ông đã không ngừng nghiên cứu và có nhiều công trình khoa học được ứng dụng vào thực tiễn. Ông cũng là người góp công xây dựng nên nhiều công trình giao thông được sử dụng đến tận ngày nay.

Trong những năm làm Thứ trưởng, GS.TS Bùi Danh Lưu là trợ thủ đắc lực của Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên trong nhiều chủ trương và công việc cụ thể thúc đẩy ngành giao thông phát triển. Nhưng đặc biệt, những đóng góp quý giá của Bùi Danh Lưu phải kể đến khi ông làm Bộ trưởng Bộ GTVTBĐ, gánh trên vai ngành được coi là chủ lực của đất nước.

GS.TS Bùi Danh Lưu lên nhậm chức Bộ trưởng vào năm 1986. Đó là thời kỳ đất nước lầm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Ngành GTVTBĐ cũng không nằm ngoài bối cảnh chung của dân tộc khi đó, là một bức tranh cực kỳ bi đát.

Trước tình thế đó, để cứu lấy ngành GTVTBĐ Bùi Danh Lưu đã có những quyết sách sáng suốt đạt thành quả toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Với tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đưa ra Chương trình 11 điểm phát triển ngành giao thông vận tải.

Trước hết đó là hành động “tự phẫu thuật chính mình” thay đổi lớn về ngành GTVTBĐ: Chấm dứt mô hình đơn vị hỗn hợp, tách công tác quản lý khỏi sản xuất kinh doanh khi cho lập các Cục chuyên ngành - hoàn toàn làm công tác quản lý nhà nước và các Tổng công ty kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm kinh doanh và nộp tiền cho ngân sách. Quyết sách này tác động mạnh trong toàn ngành. Sau khi tách ra, người và nghề duy tu được trả lại đúng tên, nhiều hoạt động được chấn chỉnh hoặc khôi phục trở lại.

Khi đó, nhiều đường liên thôn liên xã nhỏ hẹp, cầu cống tạm bợ, vẫn còn hơn nghìn xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu trực tiếp phát động Chương trình phát triển giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên phạm vi cả nước. Cách làm hợp lòng dân được hầu hết các địa phương hưởng ứng nhiệt tình, mang lại hiệu quả cao, cải thiện một bước rất đáng kể bộ mặt giao thông nông thôn. Sau 10 năm ông giữ vai trò Bộ trưởng, đã có thêm gần 1.000 xã được xóa khỏi danh sách chưa có đường ô tô tới trung tâm.

Chính sách táo bạo thứ hai đó là xã hội hoá kinh doanh vận tải, huy động xe tư nhân tham gia vận tải. Và chỉ trong một thời gian ngắn, tình thế đã đảo ngược, cung cầu từ hụt hẫng nghiêm trọng trở lại cân bằng mà nhân tố quyết định là do các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, chủ yếu là tư nhân đầu tư phương tiện mới chiếm tỉ trọng lên đến 70 đến 80% tham gia kinh doanh vận tải. 

Một quyết sách đúng đắn khác của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đó là chủ trương “lấy đường nuôi đường, lấy công trình nuôi công trình” (thu phí giao thông) để tạo vốn xây dựng và duy tu hạ tầng cơ sở giao thông. Những phương sách này đã tạo tiền đề cho việc triển khai hàng loạt dự án BOT và PPP sau này. Đến nay chúng ta đã rất quen thuộc với việc thu phí giao thông hay cách thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT) nhưng vào thời điểm GS.TS Bùi Danh Lưu làm Bộ trưởng điều đó còn rất xa lạ. Những phương sách mới này lúc đó bị phản đối kịch liệt bởi thói quen bao cấp kéo dài.

Hay như quyết sách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đi tắt đón đầu. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mang tính đột phá được ông đẩy mạnh khiến cho trong thời Bộ trưởng Bùi Danh Lưu mới có hàng loạt cầu lớn đẹp ra đời như cầu Mỹ Thuận, Cầu Phong Châu, Cầu Đò Quan, Cầu Lạc Quần,…

Chương trình 11 điểm của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và tính dự báo cho sự phát triển sôi động giao thông vận tải trong kinh tế thị trường đầu thế kỷ 21.

Trong suốt 10 năm làm Bộ trưởng, ông đã có rất nhiều những quyết sách đúng đắn tạo ra bước ngoặt, mở đường cho sự phát triển của ngành GTVTBĐ, thoát ra khỏi thế bí để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Với vốn tri thức được đào tạo bài bản, tầm nhìn hơn người, với bản lĩnh và tâm huyết dành cho ngành GTVTBĐ, GS.TS, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã “vực” ngành giao thông qua khỏi khủng hoảng những năm thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20 và bắt đầu có những bước phát triển khởi đầu cho sự bùng phát mạnh mẽ trong thế kỷ sau.

Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất, hàng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Một người chồng, người cha bình dị và đầy yêu thương

Là người có học hàm học vị cao, một chính khách lẫy lừng nhưng khi trở về nhà, Bùi Danh Lưu lại là người chồng người cha bình dị và chăm lo vợ con hết mực.

GS.TS Bùi Danh Lưu xây dựng gia đình với bà Trần Thị Quế từ năm 1956 và có với nhau 3 người con. Hơn 50 năm sống bên nhau, dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông luôn dành cho người vợ của mình tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc. Để đến bây giờ khi ông đã đi xa nhiều năm, trong tâm trí bà vẫn toàn là những dấu ấn đầy thương mến.

Điều hạnh phúc của gia đình cố GS.TS Bùi Danh Lưu là con cháu ông đều trưởng thành. Đặc biệt là thế hệ các cháu, đã nối tiếp truyền thống hiếu học của người ông, đều học rất giỏi, trở thành những nhà nghiên cứu khoa học trẻ, là niềm tự hào của quê hương đất nước.

Bạn đang đọc bài viết GS.TS Bùi Danh Lưu - Một trí thức tài năng, tâm huyết của ngành GTVT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.