Thứ sáu, 29/03/2024 01:51 (GMT+7)

Hồi ức chiến tranh của những cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn  

Phùng Hiệu -  Thứ hai, 10/05/2021 08:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có thể nói, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Biệt động Sài Gòn (BĐSG) đã trở thành một lực lượng huyền thoại, có một không hai trên thế giới…

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Trong cuộc kháng chiến oanh liệt 30 năm vì độc lập và thống nhất của Tổ quốc, các đơn vị biệt động Sài Gòn-Gia Định đã nêu cao khí phách anh hùng, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, lập nên những chiến công bất hủ…”.

Có thể nói, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Biệt động Sài Gòn (BĐSG) đã trở thành một lực lượng huyền thoại, có một không hai trên thế giới…

Mùa xuân Mậu Thân 1968 với những người chiến sĩ BĐSG là thời khắc lịch sử bi hùng. Bởi chính trong những thời khắc thiêng liêng ấy, cùng với Quân giải phóng, các lực lượng vũ trang đồng loạt nổ súng tổng công kích vào các mục tiêu của địch làm rung chuyển cả chiến trường miền Nam Việt Nam, lực lượng BĐSG đã giáng những đòn chí tử vào những đầu não trung tâm của địch ngay trong lòng nội đô Sài Gòn. Và cũng từ đây, một định mệnh khắc nghiệt, bi tráng của lịch sử đã mãi khắc ghi khi: 88 chiến sĩ biệt động với hào khí “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” đã anh dũng hy sinh...

Bà Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ), nguyên chiến sĩ Đội 5 biệt động, vợ AHLLVTND, Chỉ huy trưởng lực lượng BĐSG Đại tá Nguyễn Đức Hùng (thường gọi Tư Chu, bí danh Ba Tam) bồi hồi kể: “Tết năm ấy, lúc đầu ta định đánh cả 9 mục tiêu quan trọng, nhưng cuối cùng chỉ đánh 5 mục tiêu. Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy, Bộ Tổng tham mưu và Dinh Độc lập đồng loạt bị lực lượng BĐSG tấn công vào đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết. Những trận đánh vào những nơi mà bọn chúng không bao giờ có thể nghĩ tới đã làm nước Mỹ bàng hoàng, cả thế giới chấn động…”.

Dù tuổi đã qua 77 mùa xuân nhưng bà Tư Nhỏ vẫn nhớ như in những ký ức về đồng đội, về thời khắc lịch sử đó. Bà Tư cho biết, trước năm 1968, quân dân ta ăn Tết cũng bình thường lắm. Năm Mậu Thân thì khác hẳn. Ta ăn Tết trước mấy ngày nên giao thừa lớp thì lo đánh theo hiệp đồng sẵn, lớp thì lo di chuyển, ém quân trong nội đô Sài Gòn chờ thời cơ. Lúc bấy giờ, bà được giao nhiệm vụ đưa 9 người trong Đội 3 biệt động từ Trảng Bàng - Tây Ninh vào nội thành ém quân để chuẩn bị đánh Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy vào rạng sáng mùng 2 Tết.

Nghĩ mang con vừa tròn 2 tuổi theo sẽ dễ bề viện lý do nhằm qua mặt địch nên bà đã bế con cùng “vào trận”. “Sáng mùng 1 Tết, cô ẵm con bắt xe đến điểm hẹn ở Trảng Bàng. Sau đó cô bao hẳn một xe lam chở các đồng đội chạy về Sài Gòn. Vào được nội thành, cô gửi con cho một cơ sở cách mạng rồi lại dẫn mọi người đến nhà ông Mười Lợi trong khuôn viên chùa Tập Thành (đường Bùi Đình Túy, Q. Bình Thạnh ngày nay) để hội đủ quân số 17 người. Tội nghiệp mấy đồng đội, đi từ sáng cho đến 1 giờ khuya, ai cũng đói lả người mà không có gì để ăn, vậy mà 2 giờ sáng Tết Mậu Thân, các anh em đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy rồi cũng như bao đơn vị, đồng chí khác… chết gần hết!…” - Nói đến đây, bà Tư Nhỏ uất nghẹn và những giọt nước mắt lăn dài trên má…

Còn Đại tá Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo), nguyên Chính trị viên Đội 4 biệt động, cứ mỗi độ Xuân về thì bao ký ức và nỗi tiếc thương đồng đội lại cứ dâng trào trong ông. Là người sống sót duy nhất trong số 11 chiến sĩ đánh Đài Phát thanh Sài Gòn đợt Mậu Thân 1968, ông Tẻo không thể nào quên hình ảnh đồng đội đã lần lượt anh dũng ngã xuống trước những làn đạn quân thù: “Trưa 27 Tết, chú được Chỉ huy trưởng BĐSG là chú Tư Chu gọi về Trảng Bàng - Tây Ninh để phổ biến nhiệm vụ cùng anh em. Lúc này chỉ biết sẽ đánh lớn thôi chứ chưa biết mục tiêu nữa. Anh em thì được huấn luyện đã lâu mà chưa được cọ sát nhiều nên nghe vậy phấn khởi lắm! Nhiệm vụ đánh chiếm, giữ đài trong 1 tiếng chờ đại quân thì các chú giữ được đến hơn 3 tiếng. Nhưng rồi vì địch quá đông và hỏa lực mạnh, anh em đồng đội chú lần lượt hy sinh cả…” – Đại tá Đặng Xuân Tẻo bùi ngùi kể lại.

Đó là trận đánh không cân sức diễn ra vào rạng sáng mùng 2 Tết. Khoảng 12 giờ 30 phút, chỉ với AK và bộc phá, 11 chiến sĩ Đội 4 biệt động chia làm 2 mũi tấn công chớp nhoáng và chiếm được mục tiêu Đài Phát thanh chỉ sau 15-20 phút. Rồi hàng trăm tên địch khắp nơi đổ về phản kích ác liệt, thế nhưng các chiến sĩ vẫn chiếm giữ đến hơn 4 giờ sáng. Lúc này, mọi người sắp hết đạn nhưng Tiểu đoàn 4 được phân công tiếp ứng không vào được. Chỉ huy trưởng Năm Lộc cử Ba Tẻo cùng 2 đồng chí rời trận địa về xin chỉ thị của Cụm trưởng Tư Tăng đang trực chiến tại nhà ông Năm Mộc. Trong quá trình chiến đấu thoát khỏi vòng vây địch, 2 chiến sĩ đã hiên ngang hy sinh. Ba Tẻo chiến đấu thoát thân về nhà ông Năm Mộc. Địch điên cuồng truy lùng gắt gao nhưng không phát hiện vì ông cùng Cụm trưởng Tư Tăng đã rút xuống hầm bí mật. Khoảng 7 giờ sáng mùng 2 Tết, một tiếng nổ vang trời phát ra từ Đài Phát thanh. Đó là tiếng trái bộc phá 20kg do mọi người chuẩn bị sẵn phòng khi không giữ được nhà đài sẽ phá hủy và hy sinh cùng nó. “Nghe tiếng bộc phá nổ, chú cùng chú Tư Tăng chỉ biết ngậm ngùi nhìn nhau rồi cuối đầu, ứa lệ…” - Đại tá Đặng Xuân Tẻo xúc động nói.

Suốt 4 ngày trốn dưới hầm bí mật, 2 chiến sĩ biệt động phải chia nhau ăn một dĩa cơm nếp để dành đến thiêu ngắt, 10 quả cam và 1 gô nước nhỏ. Sáng ngày mùng 5, lợi dụng lúc địch đổi ca trực, mọi người thoát ra rút về căn cứ tiếp tục chiến đấu. Một cái Tết quá bi tráng!

Nói về nguyên nhân Tiểu đoàn 4 không vào tiếp ứng Đội 4 biệt động, Đại tá Trần Xuân Trí, nguyên Đội trưởng Đội 66 biệt động cho biết: “Giao thừa năm đó, đội biệt động 66 của chú gồm 60 người được giao nhiệm vụ cùng Tiểu đoàn 4 đánh chiếm cầu Sài Gòn – Tân Cảng, Bộ Tư lệnh Hải quân… để mở đường cho quân chủ lực ta tiến về Sài Gòn, sau đó đánh chiếm Đài Phát thanh cùng Đội 4... Sau khi đánh chiếm đến cầu Sài Gòn, tiêu diệt một số và bắt sống 40 tên địch gọn ơ thì bị chúng dùng trực thăng, xe tăng phản kích dữ dội. Ta bắn cháy mấy chiếc xe tăng và máy bay nhưng vẫn chưa thấm vào đâu vì địch quá đông và hỏa lực quá mạnh! Cuối cùng ta cầm cự không nổi, rạng sáng đành rút ra…”.

Trong cuộc chiến đấu ấy, Đội trưởng Trần Xuân Trí đã bị mảnh miểng hỏa tiễn bắn trúng vào mắt phải. Không trùng bước, một tay bịt mắt đang ròng ròng máu chảy, một tay ôm súng chiến đấu, ông cùng 3 đồng đội khác chỉ với AK, 2 khẩu B40, B41 và mấy quả đạn nhưng đã hạ thêm 3 chiếc xe tăng của địch, quyết cố thủ trận địa để mọi người rút đi an toàn. Thấy sức mình kiệt, ông bảo đồng đội rút trước còn ông ẩn vào ruộng lúa, chờ sáng mới nhờ người gần đó trị thương và đưa ra an toàn.

Trong Tết Mậu Thân 1968, có lẽ mục tiêu BĐSG tấn công làm địch bất ngờ nhất, chấn động nhất đó là Dinh Độc lập, một cơ quan “đầu não của những đầu não”, nơi các đời Tổng thống VNCH, chính khách Mỹ, những nhân vật cơ yếu… lưu trú.

Chiến sĩ biệt động Đội 5 – Nguyễn Đức Hòa kể: “Năm đó, 28-29 Tết là đơn vị đã tổ chức ăn Tết trước hết rồi. Đêm giao thừa, mọi người tập trung tại nhà cơ sở do Năm Lai quản lý để lấy vũ khí từ hầm bí mật lên lau chùi, thiết kế trái… Đến đêm mùng 1, trước khi xuất phát, anh em mới lập bàn thờ tuyên thệ “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” rồi khí thế lên 3 xe tiến về Dinh Độc lập...”. Thế nhưng, do để lâu bị ẩm mốc, bộc phá dùng đánh cổng chính không nổ nên ta mất lợi thế không gian chiến đấu. Lúc này, lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống phản kích rất rát từ trực thăng trên không, lính trên lầu cũng như quân tiếp viện từ mặt đất xung quanh. 7 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, số còn lại 8 người rút vào ngôi nhà cao tầng ở hướng đối diện cố thủ và chống trả hàng trăm tên địch đến tận tối mùng 3 thì hết đạn. Mọi người mới vượt tường qua nhà dân trú ẩn thì bị bắt và bị lưu đày Côn Đảo.  

Trong Mậu Thân 1968, lực lượng BĐSG không chỉ có những người nam anh dũng đánh giặc mà còn có rất nhiều cô gái kiên cường tham gia chiến đấu. Điển hình như nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa), nữ chiến sĩ duy nhất của Đội 5 đánh vào Dinh Độc lập.

Bà Chính nghĩa nhớ lại: Đội trưởng Tô Hoài Thanh trước khi mất có nói: Dù anh có hy sinh các anh em phải quyết bám giữ trận địa chờ quân ta tiếp viện... Vậy mà tất cả 5 cánh quân biệt động không được quân chủ lực của ta tiếp ứng nên hy sinh rất thê thảm". Nói đến đây bà đưa vạt áo lên hai má, ánh mắt đỏ rượi chua xót... Hay như nữ biệt động Nguyễn Thị Mai – chiến sĩ đội biệt động 90C, tham gia chiến đấu đánh chiếm và mở khám Chí Hòa cũng trong dịp Tết Mậu Thân nhưng cơ sự bại lộ nên việc bất thành…

Còn nhiều và rất nhiều chiến sĩ BĐSG đã sống, chiến đấu và đã hy sinh một cách kiêu hùng mà không bút mực nào có thể kể xiết…

Vâng! Biệt động Sài Gòn đã làm nên khúc tráng ca lịch sử! Với những con người ít ỏi cùng những vũ khí thô sơ, họ đã anh dũng chiến đấu trong lòng địch, chống trả đến viên đạn cuối cùng và hy sinh lẫm liệt. Vài người sót lại cũng sa vào tay giặc, bị tù đày và chịu bao nỗi cực hình. Riêng trong số những người hy sinh, nhiều người cho đến tận bây giờ mà ngay cả đồng đội đồng chí đã cùng chiến đấu cũng chưa kịp thấy mặt, biết tên. “Bởi khi tham gia biệt động thành, các chiến sĩ chỉ dùng bí danh bí số và bịt mặt khi gặp nhau để bảo toàn bí mật. Thế nên, những di cốt ít ỏi được tìm thấy của chiến sĩ biệt động thường là vô danh. Chua xót và day dứt về điều này lắm…” - Bà Tư Nhỏ ngậm ngùi.

Bạn đang đọc bài viết Hồi ức chiến tranh của những cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn  . Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.