Thứ sáu, 29/03/2024 01:03 (GMT+7)

'Khúc tình ca của gió' của tác giả Trần Phương Thảo (kỳ 2)

MTĐT -  Thứ hai, 22/04/2019 15:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Truyện gồm có 62 chương, kể về quá trình trưởng thành mười năm của hai đứa trẻ sống trong hai thế giới khác biệt.

CHƯƠNG 2
Bà mua lại căn nhà kiểu kiến trúc Pháp cổ nhỏ nhắn tại phố Hoàng Đô này tại thành phố Vĩnh Bản được bảy năm sau khi chồng bà mất. Hầu hết thời gian thì bà không ở lại nhiều nhưng mỗi khi trở về, bà lại tìm thấy sự bình yên và những kỉ niệm đẹp, những thứ mà bà không bao giờ có được ở căn biệt thự nhà mình ở miền Nam. Bà thường xuyên đi du lịch khắp nơi, để theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh mà chồng bà trước không cho phép nhưng ở cái tuổi mà dấu hiệu của sự già nua hiện rõ trên khuôn mặt, mái tóc, làn da, bà thấy mình yếu hơn so người cùng tuổi, chứng đau nhức đầu gối thường khiến bà tỉnh giấc trong đêm, gần đây mắc chứng hay quên, và rồi bà nghĩ tới một ngày nào đó, mình không còn đủ minh mẫn để tiếp tục nữa nên bà thường xuyên thúc ép mình cật lực làm việc, phải tạo nên một tác phẩm thật vĩ đại cho chính bà, chỉ riêng mình bà thôi.

Trên chiếc bàn bên khung cửa sổ là hàng trăm tấm ảnh bà chụp lại từ chuyến đi Hà Lan trở về, nhưng dạo này bà không chú tâm được vào bất cứ việc gì mà chỉ nhớ đến người bạn thân thiết nhất của bà đã mất, người đã giới thiệu nghệ thuật đến với bà, và là người hiểu bà nhất. Bà lần đầu gặp gỡ ông trên con phố này trong một buổi chiều hoàng hôn nhưng chưa từng tồn tại một mối tình lãng mạn giữa họ, họ đều kết hôn rồi cuộc đời kéo hai người ra nhiều ngã rẽ khác nhau và cũng là vào một buổi chiều hoàng hôn của ba mươi năm sau, họ tình cờ gặp lại khi đang tìm kiếm kí ức trên con phố Hoàng Đô năm nào. Họ trò chuyện, và bà nói rằng bà vẫn luôn dõi theo từng tác phẩm điêu khắc cùng những bước thăng trầm trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông. Ông phả khói thuốc vào không gian, với đôi bàn tay tài hoa của một nghệ nhân điêu khắc đã run rẩy, chỉ nói rằng ông đã luôn cô đơn khi không có bà đi chung con đường nghệ thuật nhiều trắc trở ấy. Hai người đã mỉm cười trong những phút giây nghẹn ngào nhiều xúc cảm và đáp lại nhau bằng ánh mắt thấu hiểu như ngày nào khi cả hai còn là những thanh niên thuở mười tám đôi mươi, kiếm tìm cảm hứng cho tác phẩm của mình. Vì chuyến đi tới Hà Lan vừa rồi mà bà đã không kịp trở về để gặp ông lúc lâm chung.
Và một đứa trẻ hôm nay lần đầu tiên cũng biết đến nghệ thuật.
Phong, đứa cháu trai tám tuổi của bà đang ngồi tựa vào giá sách, và lẩm nhẩm từng chữ trong những quyển sách về nhiếp ảnh cuối cùng mà bà đưa cho nó với đôi mắt hết sức tập trung bên ánh đèn nhưng giới thiệu cho cháu về nhiếp ảnh như vậy, không có nghĩa là bà đặt nhiều kì vọng rằng nó sẽ đi theo con đường nghệ thuật của mình mà chỉ hi vọng rằng nó sẽ nhìn nhận kĩ càng về cuộc sống và tự nó biết cảm thông sâu sắc nỗi đau của đồng loại. Tính cách nó thì luôn tự lập và lúc nào cũng rất kiên quyết, bà sợ rằng nhiếp ảnh cũng sẽ không làm nó thay đổi nhiều bởi nhiếp ảnh với nó cho tới giờ vẫn chỉ đơn giản là quá trình tạo ra hình ảnh bằng tác động của ánh sáng với phim để tạo ra những bức ảnh mà thôi.

Bà nhớ lại cuộc gặp ngắn ngủi giữa hai người quan trọng nhất đời bà.
Ông năm ngoái vẫn còn tá túc tại một ngôi chùa trong một ngôi làng hẻo lánh và nói rằng đứa cháu của bà thật kì lạ mà bà luôn tin rằng sự kì lạ ở đây hoàn toàn không phải như bà nghĩ. Trong gian phòng chứa vô số những tác phẩm điêu khắc tượng phật, ông ngắm nhìn nó như ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật bởi gương mặt nó theo bà, cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Nó bề ngoài mang một khuôn mặt góc cạnh, đôi môi hơi dày, sống mũi cao, thẳng và đẹp nhất là đôi mắt sâu lắng, sáng trong, long lanh như biết nói của mẹ nó. Nó còn thừa hưởng phong thái đĩnh đạc và vẻ cao lớn, khỏe mạnh của bố nó. Ngoài ra, nó còn là một đứa trẻ rất thông minh với khả năng tiếp thu nhanh nhạy và bà không hề lo cho tương lai tươi sáng của nó nhưng bà lại lo lắng cho nó nhiều hơn, về tính cách của nó. Gương mặt luôn mang vẻ bình thản, vô hồn với chuyện thế sự nhân gian là vậy, nó lướt qua những người ăn mày, những người đói cầu xin nó, bỏ qua người ngồi xe lăn nhờ nó dẫn qua con đường đông đúc, nó bỏ qua bà già nhờ nó xỏ cây kim, cả bọn trẻ đang rên rỉ vì đau đớn trong bệnh viện. Nó có vẻ như không nhìn thấy họ, âm thanh và hình ảnh của sự sống đều không tồn tại trước nó, nằm ngoài mối bận tâm của nó, và nếu không có bà bên cạnh, nó sẽ như một người câm lặng trước thế giới con người. Nó rất khác bà, và có những lúc bà không hiểu được đứa trẻ tám tuổi này có suy nghĩ gì.
“Tôi đã thử cho nó chụp hình. Tất cả những tấm ảnh nó chụp rất đẹp nhưng đều vô hồn.”
Ông chỉ nói khi vẫn đang hướng ánh mắt về đứa trẻ, rất chăm chú.
“Mọi chuyện sẽ tốt đẹp nếu bà hướng nó tới những điều tốt đẹp.”
“Ông có thật tin như vậy không?” Bà nhìn ông, và không hoàn toàn tin tưởng.
Ông trầm ngâm đi một lúc, rồi không trả lời gì cả.
Khi đọc hết một quyển sách nữa, nó hỏi như thể đã quan sát bà lâu rồi.
“Thường bà chẳng cười sau khi nhìn những tấm ảnh mà bà chụp.”
“Chỉ vì bà nghĩ, nhiếp ảnh rất vui khi còn là đứa trẻ, khi còn có nhiều thời gian, nhưng bà già rồi, không thể đi lang thang mãi được và bà đang lo lắng, vì chưa tìm được cái bà tìm kiếm.” Bà nói khi bỏ kính ra, rồi đặt bức ảnh trên bàn. “Kiệt tác thì cần phải nhiều hơn thế này, con à. Bà lúc ấy sẽ không chụp nữa.”
“Kiệt tác có phải là bức họa Mô-na Li-sa hay là thiên tình sử Rô-me-ô và Ju-li-ét đúng không bà?” Nó chạy tới và nhìn chăm chăm vào tập ảnh bà vừa rửa. “Tại sao bà lại cần kiệt tác? Tại sao bà không chụp nữa hả bà?”
Bà vừa trả lời, vừa nắn bóp đầu gối đang tê tê.
“Vì tâm nguyện của bà với chính mình đã hoàn thành thì bà không mang mong muốn gì nữa. Con chưa hiểu được đâu, nhưng nói thế này, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi người ta tìm kiếm một thứ gì đó lớn lao hơn chính họ, vượt qua chính họ. Bà đang tìm cái thứ như thế, bà không ham danh vọng, chỉ là một tác phẩm mà mình ưng ý và hài lòng nhất. Một tác phẩm trở thành kiệt tác của riêng bà mà thôi.”
Nó lại hỏi với cái nhìn hấp tấp: “Thế bao giờ tìm được hả bà?”
Bà mỉm cười, vuốt nhẹ mái tóc đứa cháu nhỏ.
“Tìm kiếm một thứ mà không biết nó có tồn tại hay không thì không dễ dàng đâu, con ạ.” Bà mỉm cười, rồi xoa đầu đứa cháu nhỏ khi nó có vẻ bối rối với điều bà vừa đề cập. “Giống như vầy, khi con bị lạc và không biết con đường nào đúng phải không? Nhưng con không được dừng lại. Vẫn sẽ đi tìm, con sẽ tiếp tục tìm cho đến khi con tìm ra hướng đi đúng.”
Thằng bé ngẫm nghĩ, rồi trở lại vị trí cũ, tiếp tục chúi đầu vào trang sách.
Cô bé hầu gái tung tăng chạy lên cầu thang, hét lên với thanh âm chói tai
“Có khách ạ, thưa cụ.”
Bà nhíu mày xuống. “Suỵt! Khe khẽ thôi chứ, cái con bé này.”
Lan, cô hầu gái của bà đã mười tám, phục vụ bà được năm năm rồi sau khi thế chân người mẹ đã qua đời. Giá mà nó có hiểu biết như mẹ nó thì sẽ giúp ích cho bà rất nhiều, đằng này, đầu óc nó vốn rất ghét học hành và chỉ muốn mãi là một cô hầu vui vẻ, và ngây thơ kia thôi. Nó hay trang hoàng nhà cửa, cắt tỉa vườn cây và nấu các món ngon thì không phải chê trách nhưng bà rất dễ tính với chuyện ăn ở và đi đứng. Bà đã định cho nó về lại biệt thự ở trong Nam với cậu chủ của nó rồi, nhưng nó khóc lóc rồi nhất nhất đòi đi theo bà. Dù sao thì nó cũng bù lại ở cái tính nhanh nhẹn, thẳng thắn và trung thành nhưng điều bà không thích nhất ở nó là cái kiểu người ta vừa dặn cái gì thì ngay lập tức lại làm sai cái đó.
“Cậu chủ ơi, nhà mình có khách đấy!” Nó hét tướng lên. “Người lạ cậu à!”
Phong nhiều lần đã bực bội với con bé vì sự yên tĩnh của nó thường xuyên bị phá hỏng nhưng lần này nó chẳng hề giận. Nó chỉ bỏ quyển sách xuống, rồi lịch bịch chạy theo bà chắc là nó cũng tò mò về vị khách đang ở trong nhà họ vì bà chưa từng có vị khách nào đến thăm ngoài ngoài những đứa con bà. Tụi con bà chỉ đến, để xem bà đã chết chưa và tài sản của bà sẽ thuộc về ai sau khi bà chết thôi, còn bố đứa trẻ này thì không cần tài sản con cỏn của bà, mà nó đến chỉ để nhạo báng thứ nghệ thuật mà bà đang theo đuổi hoặc là mang thằng bé đi khỏi bà. Bà nhẹ nhàng cầm tay đứa cháu, bước đi cho tới khi ra đến sân. Nó thầm thì hỏi bà về mấy người mà nó chưa từng gặp mặt. Không trả lời đứa cháu, bà gửi đến hai người con của bạn mình lời thăm hỏi và lịch thiệp hỏi lí do tại sao họ lại đến đây. Cậu con trưởng của ông cởi mũ và cúi đầu đưa ra lời xin lỗi của mẹ mình vì hành động lỗ mãng với bà trước đây khi cho rằng bà đã cướp chồng bà ta. Bà thì biết đó là lời của anh ta, anh ta là người có học thức chứ không phải mẹ anh ta.
“Đây là bức tượng mà ông ấy tặng cho bà, xin bà hãy nhận lấy.”
Cô hầu gái thốt lên khi bức tượng đang được khiêng vào bên trong.
“Ôi, giống cậu chưa kìa?”
“Bà ơi, sao con lại ở trong bức tượng này?”
Bà đứng lặng trước tuyệt tác của một nhà điêu khắc tài hoa. Bức tượng này khắc họa hình ảnh của đứa cháu bà một cách sống động, và chứa đựng đầy đủ thần thái của nó dù chỉ sau một lần gặp mặt duy nhất đó. Bức tượng giờ đây chói sáng, rực rỡ trong nắng chiều nhưng cái dáng vẻ thần bí khó hiểu vẫn tồn tại trong đó.
“Thành thật rất cám ơn,” bà nói. “Thật ngại quá!”
“Một lần nữa, xin bà thứ lỗi cho bà ấy cùng gia đình chúng tôi đã cư xử không phải với bà. Mời bà đến giỗ bốn chín ngày của bố chúng tôi, có rất đông bạn của ông ấy sẽ đến.”
“Hôm đó, tôi có việc đã sắp xếp trước đó nên tôi sẽ đến thăm mộ ông cùng cháu tôi sau. Tôi mong sao các cậu và bà nhà có thể cho tôi ghé thăm mộ ông ấy thường xuyên.”
“Vâng, thưa bà! Nhưng xin bà, luôn đặt bức tượng về hướng Đông. Cụ dặn vậy”.
Người nhà của thày cúi chào ra về sau lời cám ơn chân thành của bà.
Bà đến bên đứa cháu sau khi ra đóng cửa, và cảm thấy lòng thanh thản.
“Ông ấy đã tặng con bức tượng này, và con phải ghi nhớ với lòng biết ơn từ sâu thẳm. ”
“ Ông ấy tặng bà, chứ đâu phải con.” Nó nhắc lại y nguyên lời bố nó thường răn dạy. “Bố bảo tất cả những món quà mà người ngoài tặng cho mày đều không phải tặng cho mày, mà tặng cho tao.”
“Tặng cho bà thì ông ấy phải tạc bà chứ, phải không con?”
“Thế thì bà giả đi. Ông ấy bảo con kì lạ, con không thích nhận quà từ ông ấy.”
“Kì lạ không phải xấu nhưng kì lạ là đặc biệt, không phải ai cũng có, làm người bình thường cũng chán lắm. Vả lại, ông ấy thật sự quan tâm đến con, và muốn giúp đỡ con tiến bộ đấy. Con biết ông ấy muốn nói với con điều gì qua bức tượng này không? Chỉ khi con hướng đến những điều thiện đức, trái tim trong con mới có thể rạng ngời như ánh bình minh.” Bà lại rặn dạy đứa cháu đã nhiều lần. “Con à, là người thì phải giúp đỡ, quan tâm tới những người khác nữa. Hành động này có thể không mang lại gì cho con về mặt chất nhưng sẽ khiến con trở thành người rộng lượng, tốt bụng và biết hi sinh. Con có thể trở thành người rộng lượng, tốt bụng và biết hi sinh hay không?”
Bỗng một tiếng kêu cứu tuyệt vọng từ thằng bé vừa chạy đến cổng nhà bà vang lên.. “Cứu! Cứu với!” Nó nhìn trực diện vào đứa cháu của bà, hai tay nó đập tay lên cánh cửa sắt đang đóng kín với hàng dài nước mắt. Chỉ một giây sau, có ba thằng bé cũng trạc tuổi đó, hay lớn hơn tiến đến gần và vây quanh thằng nhỏ, khiến càng lúc càng khóc dữ dội hơn. Và bà đã mỉm cười, khi lần đầu tiên thấy được ánh mắt thằng bé dường như đang cổ vũ, đang khích lệ cho cậu bé bị bắt nạt với tay giằng lại món đồ chơi của mình. Và nó bỏ chạy, ba thằng nhóc kia đuổi theo.
Nó hỏi bà: “Bà muốn con giúp nó ạ?”
Phong luôn cảm thấy khó hiểu vì những điều mà bà và bố nó dạy nó trái ngược nhau, nó bảo với bà. Bố còn bảo không được giúp người nếu không có lợi gì cho mình nhưng bà lại nói với rằng hãy giúp người vô điều kiện. Bố nó luôn dạy nó rằng thằng con trai mà nước mắt chảy ròng ròng như thế là một sự sỉ nhục, một thằng con trai là phải nhìn thấy kẻ thù, và tìm cách hạ kẻ thù, và phải cho kẻ thù không còn chốn dung thân nhưng nó lại nhắc đến lời bà, con trai thì cũng có lúc cần phải khóc, và nếu đã con người thì nên rộng lượng tha thứ cho kẻ thù chứ đừng nên thù hận và những điều nó nghe được khiến nó cảm thấy bối rối. Khi bố nó còn là đứa trẻ, nó cũng từng hỏi bà một câu như vậy về bà và chồng bà nhưng hãy xem, bố nó đã trở thành gì sau đó? Một con quỷ xảo quyệt, ranh ma trong thế giới thượng lưu!
Nó luôn hỏi bà rất nhiều những câu hỏi tại sao và bà lần này cũng muốn hỏi tại sao.
“Tại sao con giúp họ?”
“Con muốn làm bà vui.”
Nó nhanh chóng tiến ra ngoài sân.
“Con muốn ông ta không vui.” Đó là một câu trả lời nhiều hận thù từ cha của nó .
Đứa con trai cả của bà là kẻ ham quyền cao vọng trọng hơn là việc đang sở hữu cả một công ty vàng bạc đá quý lớn, nên từ kẻ chân ướt chân ráo mà chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, bố nó đã leo rất nhanh trên con đường quyền lực. Bà còn nhớ cái lần đầu tiên mà con trai bà huênh hoang mang thằng bé đến như đem khoe một món hàng giá trị nhất, và nói rất rõ ràng rằng nó sẽ là thằng duy nhất nối nghiệp và được hưởng mọi tài sản sau khi bố nó chết và phải trở thành bậc nhất nếu cha nó không thể trở thành, và mỗi khi bà định lên tiếng phản đối, thì con trai bà nói bà chỉ là bà của nó, cho nó vui chơi thỏa thích vài tháng hè ở cái nơi khỉ ho cò gáy này là được rồi. Bố nó đặt hết kì vọng cho đứa con trai cả nên thằng bé được đối xử một cách đặc biệt, không phải hơn những đứa con trai còn lại mà như một đứa con trai duy nhất vậy. Nhưng bố nó không hề nuông chiều nó như một cậu ấm bé bỏng mà đối xử như một người lớn, ép nó suy nghĩ lớn hơn cái tuổi, dạy cho nó cách đối nhân xử thế theo kiểu thực dụng, và dạy nó cách chiến thắng trong từng hoàn cảnh. Nó được gia sư riêng giảng dạy về khoa học, toán học, võ thuật trong một phòng đặc biệt yên tĩnh từ rất sớm, lịch học lúc nào dày kín nhưng đến lớp thì chơi thoải mái, ngủ nghê thỏa thích. Rõ ràng bố nó hoàn toàn không định cho nó phát triển theo cách thông thường hay theo cách của một thần đồng nào cả mà theo kiểu kì lạ của riêng bố nó. Bà sợ rằng cứ thế, thì đứa nhỏ này trở thành một phiên bản thứ hai của bố nó sau này - tự kiêu, tự phụ và hống hách và còn phần khó hiểu là phần được di truyền.
Thằng bé càng nhìn thì lại càng thấy giống mẹ nó ở khuôn mặt đẹp như tranh, nhất là đôi mắt sâu huyền ảo. Ngày đầu tiên, bà gặp con dâu trưởng là khi cô ta vẽ một bức tranh ở trên một cây cầu, bà đã nghĩ mẹ thằng bé là một bông hồng đỏ thắm, khi thu hút mọi ánh nhìn của vạn người đi qua. Cô ta hồi đó rất nghèo túng, mặc cái áo rách rưới, chỉ có một thân một mình ở trong khu nhà trọ tồi tàn rách nát. Cô ta không nói về quá khứ khi được hỏi, chỉ nói rằng cô ta cần một công việc, cần tiền và cảm thương hoàn cảnh, lại là đồng hương nên bà đã cho cô ta làm hầu gái, công việc chính chỉ vẽ tranh cho bà xem mỗi ngày. Cô ta vẽ không đẹp nhưng rất có hồn, cái hồn của một người từng trải qua quá nhiều nỗi đau, căm ghét mọi thứ tồn tại trên đời và ẩn sâu trong đó là nỗi không chịu khuất phục trước cuộc đời. Không bao lâu sau, con trai bà gặp cô ta đã trở nên mụ mị thần trí và muốn cưới cô ta bằng mọi giá và cũng giống bà trước đây, cô ta không yêu thương gì người chồng của mình, cô ta căm ghét đến tận xương tủy thì đúng hơn. Cô ta cưới con bà vì lòng tham lam nhưng bà biết, cô ta không phải vì tiền mà bỏ vẽ tranh và lao vào vòng xoáy kinh doanh cùng chồng mà cô ta sống, điên cuồng lao vào công việc để đòi lại từ cuộc đời một thứ rất đỗi linh thiêng. Bà hoàn toàn không hiểu đó là thứ gì, quan trọng thế nào và cô ta có thể chết đi vì nó hay không nhưng rõ ràng, đủ quan trọng để bỏ bê việc chăm sóc và dỗ dành thằng bé. Bà hi vọng gì hay thất vọng gì ở cô ta nữa đây, từ lúc bà gặp cô ta lần đầu tiên cho tới giờ, cô ta có biết yêu một cái gì hay chăm sóc một ai đó bao giờ đâu.
Nhìn theo đứa cháu đích tôn, bà luôn cảm thấy bà đã làm sai, sai rất nhiều điều.
Nhưng sau đó, thì Phong dẫn về nhà thằng bé bị bắt nạt ấy vào nhà.
Chuyện là thế này, nó kể lại với bà nghe về trận chiến của nó với vẻ thản nhiên, như là nó đá liên tục vào cẳng thằng cao lớn ấy, rồi cúi xuống cắn tay khiến thằng đó đau điếng, từ từ hạ thấp xuống như thế nào. Rồi sau khi thoát khỏi bàn tay to khỏe, nó đứng thẳng tạo một thế võ ka-ra-te mà nó đang theo học và chờ đợi một đứa béo một đứa gầy còn lại cùng xông lúc vào nó ra sao. Phong lạnh lùng chờ đợi, và kết quả đúng như có thể dự đóan trước, hai thằng kia ngã ngửa ra đất, con rô-bốt không phải của chúng cũng rơi theo. Nó phủi tay, rồi đi thẳng còn thằng nhỏ thó kia nắm chặt con rô-bốt, liên tục bám theo. Đến cổng, Phong vẫn cố tình kéo hai cánh cổng sắt mặc kệ thằng kia cứ tới tới chạy theo nhưng thằng ấy vẫn nhanh hơn, có thể chen vào lối vào chỉ vừa đủ với thân hình của mình. Đứa cháu kể tất cả về thằng bé tên Tú với bà trong trạng thái vui vẻ lạ thường, rất chi tiết và tỉ mỉ.
Tú từ tốn đi vào tận sâu trong sân, rồi ngoảnh lại hỏi.
“À, mày thích mùa nào? Tao ghét cả bốn.”
“Cứ nghỉ hè là thích, hai mùa đều chán như nhau.”
“Bốn mùa chứ, cả nước đều thế.”. Nó cười nắc nẻ và tưởng như mình đúng.
“Ở miền Nam, có hai mùa thôi mà cũng không biết à?” Phong vô cùng ngạc nhiên hỏi.
“Về hỏi người lớn đã.”
“Không cần, nhà tao ở đó.”
Tú lắc đầu quầy quậy “Giọng mày có giống người trong đó đâu.”
“Tao bắt chước giọng Bắc của bà tao và mẹ tao đó. Họ là người Bắc nhưng sống ở trong Nam. À, giờ bà tao ở đây, vào mà hỏi xem.”
Nó nhìn Phong đầy hoài nghi, rồi lắc đầu.“Bà mày bênh mày, tao không tin đâu.”
Phong không thể chịu thua trước sự chối cãi vô lí của thằng đó và nhất quyết phải làm nó tin cho bằng được ấy vậy mà đến lúc đã hỏi bố, mẹ và bà của chính Tú rồi, thằng bé đó vẫn khăng khăng khẳng định là mọi người đang bênh Phong. Nó nhắm mắt không chịu nhìn vào sách, bịp tai không chịu nghe đài và tivi. Sau đó khi đã chơi thân quen, nó tin tất cả mọi thứ mà Phong nói nhưng vẫn có thể khẳng định là trong miền Nam một năm có bốn mùa, xuân hạ thu đông.
Phong chưa từng gặp một đứa nào như thế bao giờ, nó rất khó hiểu với Phong.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Nó hay nói, và hay kể lể đủ thứ chuyện trên đời, rồi thì ghét đọc sách thích truyện tranh, nó hay nghịch bẩn nhưng lúc nào cũng mong mình sạch sẽ cho nên ngày nào cũng phải thay đến vài bộ quần áo. Nó thường trốn ngủ trưa và lang thang trên con đường đang cải tạo để nhặt những viên đá sỏi mà nó gọi là đá kim cương, rồi cho đầy vào hộp nhựa. Nó hào hứng tạo ra tiếng động mà nó gọi là tiếng nhạc. Nó tin vào cánh cửa thần kì của mèo máy Đô-rê- mon dẫn đến quá khứ, và tương lai và ước sao cho mình có được bảo bối của Đô-rê-mon để đánh lại mấy thằng Chai-en luôn giành đồ chơi của những đứa trẻ trong khu phố. Gương mặt nó lúc nào cũng long lanh, tiếng cười lúc nào cũng thật sảng khoái, nó cứ vui vẻ từ tận đẩu đâu trong nó mà chưa khi nào bà thấy Phong có thể không vui mừng cùng nó.
Rồi Phong lại kể về cách chúng chia tay với nhau như thế nào.
Tú đã khóc rất nhiều, nước mắt nước mũi chảy dề dề, trông rất kinh khi Phong chia tay nó nhưng sau khi biết, là Phong còn trở lại vào tháng bảy mỗi năm thì Tú chạy đến ôm nó, mỉm cười tươi roi rói ngay được. Như một món quà chia tay đặc biệt, Phong quyết định dẫn bạn mình ra vườn hoa hồng, cách khu phố của chúng một đoạn khá xa. Trong một dịp tình cờ, Phong đã tìm được nơi này khi đang tìm quả bóng bà mua cho nó bị móc trên cây, một nơi hoang vu, không phải ai cũng biết đến. Đó là khu vườn hoa hồng, nơi tất cả các bức tường bao quanh đó đều là những loại dây leo xanh rì, và rậm rạp. Cánh cửa của khu vườn hoa hồng này luôn mở hé như vậy và khi đi vào bên trong, có một tấm bảng dựng ngay trước tầm mắt với những dòng chữ đầu tiên được ghi trong đó: “Truyền thuyết của khu vườn!”
Tú nhìn chăm chăm vào tấm bảng, cần mẫn đọc to lên từng chữ, từng chữ tiếp theo.
“ Rất nhiều năm trước, khu đất này chỉ là một khu đất hoang sơ, cằn cỗi, nơi mà chẳng ai lui tới. Để rồi, trong một dịp tình cờ, ba đứa trẻ, hai cô bé và một cậu bé đã phát hiện ra khu đất ấy, và từ đó họ hứa hẹn với nhau rằng sẽ trồng một bông hoa tuyệt vời nhất thế gian nhưng thất bại này nối tiếp thất bại khác, bất cứ loại hoa nào mà họ đã thử đều không thể tồn tại. Thế rồi, sau một đêm mưa thối đất thối cát, không hiểu tại sao một cây hoa hồng đỏ mọc lên, họ vui mừng khôn xiết. Họ vun trồng cho cây hoa, và nó lớn nhanh như thổi và cao đến tận trời xanh. Sau một đêm nữa, chỗ cây hoa đã biến mất mà chỉ một cậu bé sơ sinh khóc trong vườn, và khi bế đứa trẻ lên trên tay, bạt ngàn những cây hoa hồng đã mọc lên xung quanh họ. Rồi sau, cậu bé thần tiên đã được nuôi lớn trong ngôi nhà chung của họ, cậu bé trở thành con của ba người. Họ ngày ngày dắt tay cậu bé, rong chơi giữa vườn hoa, và cùng nhau sống hạnh phúc đến trọn đời. CẬU BÉ ẤY ĐƯỢC GỌI VỚI CÁI TÊN CẬU BÉ HẠNH PHÚC!”
Tú nhìn bãi đất trống rộng lớn, và hét lên:
“Sao mày bảo là vườn hoa mà không thấy hoa gì hết vậy? Mày lại lừa tao phải không?”
“Mày nhìn thấy tường đó chứ? Sau bức tường ngăn kia, đi vào trong, xa kia mới thấy.”
Tú giật mình nghĩ ra một điều thật sự quan trọng và cười phá lên.
“Mày là con gái hay sao mà lại thích hoa?”
“Bố mày còn trồng hoa lan ấy còn gì.” Phong đáp.
Mỗi lần không nói lại được, Tú thường chỉ hứ một tiếng khó chịu. Đi một đoạn khá xa, Tú đã thấy được một vườn hoa hồng nhưng những bông hoa lại mọc xanh tốt, và quá cao so với một đứa trẻ như nó khiến nó chả ngắm nghía được gì cả. Tú hỏi, cảm thấy hơi ghê rợn khi đi qua các hàng hoa dày đặc, liền kề nhau.
“Hoa hồng gì mà khổng lồ thế này?”
“Vì theo truyền thuyết, các cây hoa đều rất cao, đến tận trời.” Phong trả lời bạn. “Hoa hồng ở đây toàn cao trung bình từ mét rưỡi trở đi thôi.”
Tú bực bội đu người kéo một cành, ngửi hương thơm của bông hoa.
“Thế này thì ai cũng xem được chứ?”
Sau đó, Tú cố sức vặt nghéo bông hoa mình vừa ngửi, rồi chạy theo Phong
Tú nói với Phong rằng nó đã viết thêm một ước muốn nữa, rằng Phong sẽ không bao giờ rời đi khỏi khu phố Hoàng Đô của chúng nữa. Đó chỉ là một trong những ước muốn khác được ghi trong cuốn sổ nhỏ của nó, nào là đứng trong mười người giỏi nhất lớp, nào là có thể có cả một giá truyện tranh, nào là có một bộ đồ chơi điện tử, nào là được mua cây đàn dương cầm, nào là được nuôi mèo trong nhà. Nhiều thứ lắm, không sao kể siết hết. Nó hi hửng kể lại rằng tất cả những thứ mà nó ước mơ ấy đều đã trở thành sự thật rồi. Nó sẽ viết tiếp, viết nhiều nữa bởi bố mẹ nó luôn bảo với nó rằng hãy ước mơ, ước mơ nhiều vào, rồi một ngày nào đó, những ước mơ ấy sẽ trở thành sự thật.
Phong vẫn ngó ngang ngó dọc xung quanh như tìm kiếm gì đó. Nó đã như thế từ lúc mới đi tới khu vườn, nhưng đến tận khi cả hai đứa cùng đi ra khỏi vườn, thì Tú mới nhận ra tâm trạng của Phong.
Tú hỏi. “Mày tìm gì đấy à?”
“Người tao không thích ấy.” Nó nói.
Tú nhanh nhẩu hỏi khi quanh quất không thấy bóng người. “Mày không thích tao à?”
“Không, không thích hai mẹ con anh kia cơ.”
Tú lại nhướn mình lên lần nữa, vẫn không thấy ai ngoài chúng: “Ấy, có thấy ai đâu.”
“Cả hè này không còn thấy họ đâu nữa.” Phong trả lời. “Có lẽ họ sẽ không đến nữa!”
Tú lại hỏi. “Họ là ai?”
“Ai mà biết, nhưng họ biết một cánh cửa bí mật vào vườn. Tao vẫn chưa tìm thấy cánh cửa còn lại ấy ở đâu?”
Tú nói, ôm bụng cười. “Cánh cửa mà tụi mình vào đấy thôi…”
“Còn một cánh cửa khác ở đây.”
“Cánh cửa thần kì của Đô-rê-mon thì làm sao mày nhìn được.” Tú trả lời.
Bà cũng hỏi Phong tại sao chiều nào nó cũng đi tới khu vườn hoa hồng.
Nó trả lời bà rằng nó rất thích hoa hồng, thích mùi hương quyện nồng của chúng. Ở đây, nó có thể lượn lờ, lang thang khắp khu vườn, và nó đã có thể thưởng thức tất cả niềm vui nếu như không bị phân tán bởi hai mẹ con nhà ấy. Nó cảm thấy ghét họ khi chứng kiến tình cảm dạt dào của hai mẹ con họ dành cho nhau, khi hai mẹ con họ dắt tay nhau đi, rồi thầm thì, rồi mỉm cười và tất cả chỉ gợi lên nỗi buồn dai dẳng về mẹ trong nó nhưng thật tình cả tháng hè vừa qua, không còn gặp được họ nữa thì nó đánh nhẽ phải vui. Nó cũng không hiểu tại sao mà mình lại không thấy vui, và nó trông mong hai người xa lạ đó đến từng ấy.Và còn nữa, nó còn kể lại cho bà nghe về giấc mơ của nó khi nó thường có thể trở thành CẬU BÉ HẠNH PHÚC ấy trong câu chuyện thần thoại của khu vườn, khi cả ba người, bà, bố và mẹ của nó cùng dắt tay nó đi dạo giữa vườn hoa hồng, tươi cười hạnh phúc bên nhau. Nó chỉ có ước mơ duy nhất, và ước mơ của nó là biến giấc mơ ấy trở thành sự thật. Vậy nếu mọi ước mơ có thể trở thành sự thật trong một ngày nào đó, thì nó tự hỏi, ước mơ duy nhất ấy đến bao giờ mới có thể trở thành sự thật được đây?
Bà vờ không nghe thấy những câu hỏi từ thằng bé mỗi lúc bà không biết trả lời thế nào.

(Đón đọc tiếp vào kỳ sau)

Bạn đang đọc bài viết 'Khúc tình ca của gió' của tác giả Trần Phương Thảo (kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.