Thứ bảy, 20/04/2024 16:05 (GMT+7)

Lãnh đạo Bộ VHTTDL “đối thoại” với các đơn vị nghệ thuật trung ương

MTĐT -  Thứ sáu, 28/05/2021 17:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lần đầu tiên lãnh đạo Bộ VHTTDL đã có buổi “đối thoại” với 12 nhà hát thuộc Bộ để lắng nghe những ý kiến thắng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các nghệ sĩ về sự khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Lần đầu tiên Bộ trưởng, các Thứ trưởng và lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Cục, vụ chức năng có liên quan đã có buổi làm việc với 12 nhà hát thuộc Bộ theo cách như một cuộc “đối thoại” để lắng nghe những ý kiến thắng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các nghệ sĩ về sự khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các nhà hát thuộc Bộ

Sau cuộc họp kéo dài suốt 4 tiếng diễn ra vào hôm qua 27.5, tại Hà Nội, nhiều lãnh đạo nhà hát gọi đây là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm góp phần giải cứu ngành nghệ thuật biểu diễn đang trong cơn “bĩ cực”.

Dự và chủ trì buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Tham dự buổi làm việc còn có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt.

Nghệ thuật biểu diễn giữa đại dịch đối diện với nỗi lo “kép”

Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đi thẳng vào vấn đề, theo đó lãnh đạo Bộ mong muốn được lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết của đại diện các nhà hát về những khó khăn, bất cập trong hoạt động biểu diễn của từng đơn vị nói riêng, của ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung hiện nay. Đồng thời đề nghị các nghệ sĩ, đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cùng “chung lưng đấu cật” tìm ra những giải pháp căn cơ nhằm đưa ra được giải pháp hữu hiệu.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại cuộc họp

Cũng theo lời Bộ trưởng, với những vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền của Bộ, lãnh đạo Bộ và các đơn vị quản lý nhà nước sẽ cùng tìm cách tháo gỡ. Những ý kiến, kiến nghị về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền của Bộ thì giao cho cơ quan, đơn vị tổng hợp xem xét, trình lãnh đạo Bộ để Bộ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trên tinh thần đó, “lãnh đạo Bộ rất mong nhận được những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm với tinh thần xây dựng của các nghệ sĩ. Chúng tôi biết rằng, thời gian qua ngành nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng rất nhiều so với một số ngành, nghề và lĩnh vực khác trong xã hội bởi tác động của đại dịch Covid-19. Những khó khăn, bất cập của nghệ thuật biểu diễn không chỉ tồn tại ở thời điểm này mà đã kéo dài nhiều năm nay. Vì thế đừng ngại nói thẳng, nói thật, và chúng tôi rất cần những chia sẻ từ trái tim của các nghệ sĩ, kể cả những ý kiến phản biện nếu đúng cũng rất đáng trân trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại cuộc họp

Đón lời cởi mở của Bộ trưởng, đại diện 12 nhà hát thuộc Bộ mà phần lớn là các nghệ sĩ có danh hiệu NSND, NSƯT của các loại hình nghệ thuật đã thực sự “rút ruột, rút gan” bày tỏ với lãnh đạo Bộ về những khó khăn, thậm chí là “bế tắc” của từng đơn vị, đặc biệt là vào thời điểm hiện nay khi nghệ thuật biểu diễn đang “còng lưng” gánh những nỗi lo “kép” bởi ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tạ Duy Ánh nêu: “Xiếc có đặc thù hơn các ngành nghề khác là bắt buộc phải được đào tạo từ nhỏ. Tuổi nghề rất ngắn, nữ chỉ có thể làm việc đến 40 và nam thì 45 tuổi. Quy định mới kéo dài độ tuổi nghỉ hưu nhưng chúng tôi phải đề nghị xin cho nghỉ hưu sớm. Là lãnh đạo đơn vị, chúng tôi không thể “vắt chanh bỏ vỏ” khi cho những nghệ sĩ không còn khả năng biểu diễn nghỉ việc. Thế nhưng, hiện các nghệ sĩ trẻ là lực lượng biểu diễn nòng cốt, làm quần quật để “nuôi” cả những người không thể làm việc được nữa. Chúng tôi hiện có 190 cán bộ, nghệ sĩ thì trong số đó có 70 người thuộc diện hợp đồng, phần lớn là nghệ sĩ trẻ. Liên đoàn rất muốn giữ chân các em và mong được ký hợp đồng dài hạn, đưa vào biên chế, đóng bảo hiểm cho họ, nhưng kiểm toán lại không đồng ý và chỉ cho ký hợp đồng thời vụ. Không biểu diễn, không có doanh thu, trong khi hợp đồng trẻ lại chiếm đông đảo, Liên đoàn càng khó khăn trong việc trả lương cho lực lượng này”.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại cuộc họp

Ở một góc nhìn khác, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ, “tôi đã có 42 năm làm nghề nhưng phải nói thật là đồng lương của một NSND, một TS nghệ thuật và là giám đốc như tôi cũng chưa nổi 10 triệu đồng/tháng. Thử hỏi các diễn viên trẻ ở diện hợp đồng với số lương ít ỏi vài ba triệu thì làm sao đủ để trang trải cuộc sống. Đó là một trong những lý do khiến rất nhiều nghệ sĩ tài năng, thậm chí là NSƯT bỏ nghề. Một nhà hát truyền thống như Nhà hát Chèo Việt Nam nếu có bán vé thì doanh thu rất nhỏ giọt. Bài toán giữ người đối với nghệ thuật chèo hiện vô cùng nan giải. Thật xót xa khi thấy diễn viên của mình vì “cơm áo gạo tiền” mà phải ra làm ngoài, kèm lời nhắn nhủ “nếu có vai sẵn sàng trở về” ”.

Việc tự chủ đối với các nhà hát hiện nay đúng là vô cùng khó

Qua những ý kiến tâm huyết, hàng loạt khó khăn của các nhà hát dần lộ diện, không chỉ là những khó khăn giữa đại dịch Covid-19 mà còn là những bất cập trong từng đơn vị, từng chế độ, chính sách đặc thù khiến lãnh đạo các đơn vị như ngồi trên ghế “nóng”, đặc biệt là bài toán giữ người để nghệ sĩ không bỏ nghề hay nỗi lo đối diện với tự chủ tài chính trong khi nghệ thuật truyền thống chưa phải là nhu cầu giải trí của đông đảo tầng lớp khán giả.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại cuộc họp

Trước câu chuyện về chế độ, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thẳng thắn cho rằng, “Quyết định 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã quá lỗi thời. Mức 200.000đồng/buổi diễn áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, chỉ đạo nghệ thuật là quá thấp, biến họ thành “phu” nghệ thuật. Những bất cập trong chính sách, chế độ đối với nghệ sĩ cần phải được tháo gỡ, và để làm được điều này thì không chỉ phụ thuộc vào Bộ VHTTDL. Tôi tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và các đơn vị liên quan, những bất cập sẽ được giải quyết”. Còn đó những ý kiến đề xuất khác được đưa ra bàn thảo tại buổi làm việc như cần có sự kết nối giữa nghệ thuật biểu diễn với ngành du lịch; đầu tư xây dựng nhà hát cho các đơn vị chưa có nhà hát để diễn; đầu tư có trọng điểm các vở diễn, chương trình nghệ thuật đặc sắc; đưa ra đề án quảng bá nghệ thuật với khán giả, chú trọng tới lớp khán giả trẻ và chương trình biểu diễn phục vụ các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa…

Ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các nhà hát

Trên cơ sở những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nghệ sĩ, lãnh đạo Bộ đã cùng chia sẻ với những khó khăn mà các nhà hát đang gặp phải, đồng thời thống nhất cần triển khai ngay những việc cần làm như kiện toàn cơ sở vật chất cho các nhà hát, đặc biệt ưu tiên những nhà hát chưa có rạp hát riêng; Các đơn vị có trách nhiệm cần rà soát lại cơ chế, chính sách đặt hàng, tuyển dụng và đãi ngộ với nghệ sĩ. Phát biểu tại buổi làm việc với vai trò phụ trách khối nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, việc tự chủ đối với các nhà hát công lập hiện nay đúng là vô cùng nan giải. Vì hiện nay khán giả chưa thực sự mặn mà đối với các chương trình nghệ thuật truyền thống. Ngay trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021-2022, lãnh đạo Bộ sẽ nghiên cứu kế hoạch đặt hàng cho các đơn vị một cách cụ thể và sát với tình hình thực tiễn hơn. Để giải quyết những khó khăn bởi tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, Bộ cũng sẽ xem xét nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các nhà hát trong 6 tháng cuối năm để góp phần ổn định đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ. Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang gấp rút hoàn thiện Đề án sắp xếp nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương. Đề án này sẽ xác định vai trò, vị trí và nhiệm vụ cũng như tạo điều kiện cho từng đơn vị phát triển một cách hiệu quả.

Điều gì không còn phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung với tầm nhìn dài hạn

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến rất thẳng thắn, trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là lần đầu tiên lãnh đạo Bộ gồm Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các Cục, vụ liên quan trực tiếp lắng nghe tâm tư cũng như những ý kiến chia sẻ của đại diện các nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ. “Lãnh đạo Bộ trân trọng tất cả những ý kiến phát biểu có trách nhiệm của các nghệ sĩ và quản lý đơn vị nghệ thuật. Qua đây, lãnh đạo Bộ đồng cảm và chia sẻ những khó khăn và vướng mắc mà các đơn vị đang gặp phải. Với nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả chủ quan và khách quan, chúng ta chưa thể giải quyết được một cách căn cơ. Nhưng các nhà hát đã có tinh thần chủ động, nỗ lực vượt khó và hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ lửa nghề cho cán bộ, nghệ sĩ. Chúng ta có một thế hệ lãnh đạo toàn tâm, toàn ý với nghệ thuật, hy sinh lợi ích cá nhân vì mục đích chung là điều vô cùng đáng quý”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, các nhà hát đang làm nhiệm vụ giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam thông qua nghệ thuật truyền thống, vì vậy việc duy trì, củng cố và phát triển các đơn vị nghệ thuật mang tầm quốc gia là vô cùng quan trọng. Mặt khác, các nhà hát cũng đang thực hiện nhiệm vụ phục vụ chính trị, các nghệ sĩ, diễn viên là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng, nhằm góp phần hun đúc bồi dưỡng các giá trị chân - thiện - mỹ, cũng như đang thực hiện phát triển xây dựng con người Việt Nam. Với vị trí, vai trò như vậy đòi hỏi phải có giải pháp thật sự hiệu quả, khả thi để giúp các đơn vị nghệ thuật phát triển và giữ vững thương hiệu là nhà hát của quốc gia. Nhận diện rõ về những khó khăn, bất cập, Bộ trưởng yêu cầu thành lập Tổ nghiên cứu, rà soát mô hình phát triển của từng nhà hát theo hướng tinh gọn, tăng thẩm quyền cho ban giám đốc và hội đồng nghệ thuật. Tổ công việc thứ hai sẽ cùng với các nhà hát rà soát lại các chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng để làm sao cân đối nhu cầu theo từng đơn vị, không thể phân chia chỉ tiêu theo cách “cào bằng”. Bộ trưởng yêu cầu Cục, vụ chức năng liên quan cùng các đơn vị khẩn trương rà soát văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật biểu diễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung, qua đó sớm khắc phục những bất cập này.

Bộ trưởng chỉ rõ, đối với những vấn đề vượt thẩm quyền quyết định của Bộ thì nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo Bộ, để Bộ có văn bản kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bày tỏ sự trăn trở vì hiện nay lương và phụ cấp của nghệ sĩ còn quá thấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, “điều gì không còn phù hợp nữa thì cần tham mưu sửa đổi, bổ sung và việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đó phải có tầm nhìn dài hạn”. Hiện chưa thể ban hành được nghị định về chế độ, lương và phụ cấp cho nghệ sĩ mà vẫn đang áp dụng bậc thang chung, vì vậy cần tiến hành xem xét, đề xuất với cấp có thẩm quyền. Tiếp tục xem xét, đề xuất để việc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn được đưa vào kế hoạch, bởi luật này là hành lang pháp lý quan trọng để mở ra con đường phát triển nghệ thuật biểu diễn. Khi đã có Luật thì những trăn trở của ngành NTBD sẽ được tháo gỡ.

Theo Bộ trưởng, trước mắt để giải quyết những khó khăn do tác động nặng nề của dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập. Bộ trưởng giao Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiên cứu để đưa ra con số kinh phí hỗ trợ phù hợp, sát với tình hình thực tế. Bộ trưởng cũng đề nghị các Cục, vụ liên quan khẩn trương tổng hợp những ý kiến kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc, báo cáo với lãnh đạo Bộ, để Bộ trình với Thủ tướng Chính phủ. Văn bản báo cáo cần thể hiện cho được trí tuệ của tập thể, của những nghệ sĩ hàng đầu trên các loại hình nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phối hợp với các đơn vị nghệ thuật Trung ương chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tổ chức biểu diễn cũng như xây dựng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao; sửa chữa, nâng cấp rạp hát và các phương tiện kỹ thuật. Nghệ thuật biểu diễn cần chuẩn bị “sẵn nong, sẵn né” để khi cơn bão dịch bệnh Covid-19 đi qua, các nhà hát sẽ tung ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của khán giả.

"Lãnh đạo Bộ trân trọng tất cả những ý kiến phát biểu có trách nhiệm của các nghệ sĩ và quản lý đơn vị nghệ thuật. Qua đây, lãnh đạo Bộ đồng cảm và chia sẻ những khó khăn và vướng mắc mà các đơn vị đang gặp phải. Với nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả chủ quan và khách quan, chúng ta chưa thể giải quyết được một cách căn cơ.

Nhưng các nhà hát đã có tinh thần chủ động, nỗ lực vượt khó và hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ lửa nghề cho cán bộ, nghệ sĩ. Chúng ta có một thế hệ lãnh đạo toàn tâm, toàn ý với nghệ thuật, hy sinh lợi ích cá nhân vì mục đích chung là điều vô cùng đáng quý".

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

Theo THÚY HIỀN, TRẦN HUẤN/ baovanhoa.vn

Bạn đang đọc bài viết Lãnh đạo Bộ VHTTDL “đối thoại” với các đơn vị nghệ thuật trung ương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ