Thứ bảy, 20/04/2024 18:11 (GMT+7)

Mỹ thuật cổ điển từ góc nhìn hiện đại

Phú Ngọc - Đan Thanh -  Thứ hai, 30/03/2020 08:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù ở không gian thời gian nào, nghệ sĩ đích thực luôn là người hành giả dạt dào phong độ và sung mãn những mơ ước kiếm tìm lý tưởng Chân-Thiện-Mỹ.

Thưởng thức một bức tranh trưng bày nơi phòng triển lãm, khi chưa khám phá được chủ đề của tác phẩm, người thưởng ngoạn nghệ thuật thường tự hỏi: Họa sĩ muốn vẽ gì đây? Cảnh mùa xuân sao nghệ sĩ lại sử dụng gam màu nguội khiến bầu trời màu xám ủ dột, cây cối ngả tím và hoa hồng lại xanh một cách dị biệt như thế? Mặt người trong tranh có vẻ quá nhỏ so với thân mình đồ sộ trong khi tay chân lại ốm tong teo như người bệnh hoạn? Có kẻ am tường kiến thức mỹ thuật thì tự nhủ: Tác giả có áp dụng tỷ lệ vàng (1) để vẽ bức chân dung này không?

 Mona Lisa (La Gioconde) - Danh tác của Leonard de Vinci

Giải mã nỗi băn khoăn ấy tức là tìm hiểu nội dung, chủ đề và nhất là trường phái mỹ thuật thể hiện trong họa phẩm mà người nghệ sĩ hoặc muốn hoặc không ký thác một cái gì đó nơi đứa con tinh thần của mình. Cũng đôi khi họa sĩ có cảm xúc và động cơ sáng tác rõ ràng khi cầm cọ. Nếu có nghệ sĩ vẽ là để truyền đạt hoặc tuyên ngôn trong trạng thái lắng đọng tâm hồn thì cũng có người mượn sắc màu đường nét để thư giãn gần như sáng tác của họ chỉ để dành riêng cho mình. Dù ở không gian thời gian nào, nghệ sĩ đích thực luôn là người hành giả dạt dào phong độ và sung mãn những mơ ước kiếm tìm lý tưởng Chân-Thiện-Mỹ. Nghệ thuật nói chung và Mỹ thuật nói riêng, với bước chân không mỏi và khát vọng vô bờ từ thời cổ đại tới nay, lúc nào cũng đưa ta đến những thế giới sắc màu ấp ủ hình tượng và ý nghĩa thâm sâu ngày thêm mới lạ.

Ngay từ buổi bình minh lịch sử của nhân loại, con người và loài vật vốn đã biết yêu cái đẹp, theo cảm nhận bẩm sinh mang tính tự phát hoặc khách quan.

Được manh nha từ nhiều thế kỷ trước, khuynh hướng cổ điển (Classicism) nhen nhóm hình thành vào khoảng thế kỷ XIV ở phương Tây. Trường phái này đầu tiên phát triển tại Ý, từ đó lan rộng sang Hà Lan và Pháp vào thế kỷ XV – XVI (thời Phục hưng)(2) vươn tới mức trưởng thành vào giữa thế kỷ XVII – XVIII. Nhưng sau đó lại suy dần cho tới giữa thế kỷ XIX để nhường chỗ cho những phong trào mới. Qua hơn năm trăm năm, nhiều họa phái khác nhau thể hiện bằng sắc thái riêng, có những khám phá và kinh nghiệm ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng về sau kết tinh thành những qui tắc chung gọi là Chủ nghĩa Cổ điển (Classicism)(3). Những thế kỷ trước đó, các nghệ sĩ vẽ là để phục vụ tôn giáo do lòng tôn sùng thượng đế và thần thánh; từ đầu thế kỷ XIV, những họa sĩ Ý có xu hướng bám sát thực tế nhằm mục đích phổ biến nhanh chóng vì hội họa vốn là bộ môn nghệ thuật có tác dụng hiệu quả được nhiều người ưa thích. Giới yêu hội họa chắc chắn không thể nào quên những tên tuổi tiêu biểu như Le Tintoret, Le Titien, Véronese… (họa phái thành Venise - École Vénitienne); Giotto, Gavallini… (họa phái thành Padoue – École de Padoue); Lorenzetti, Piero… (họa phái thành Sienne: École de Sienne); Léonard de Vinci, Botticelli, Masaccio… (họa phái thành Florence: École Florentine); Signorelli, Montegna… (họa phái thành Ombrie: École Ombrienne).

Danh họa Leonard de Vinci 

Nói đến những bức tranh vẽ theo lối cổ điển, có một thời, người ta quan niệm đó là những tác phẩm vẽ đúng sự thực như một bức ảnh chụp không hơn không kém, với đủ mọi chi tiết về cảnh vật, con người bằng đường nét, sắc màu, ánh sáng và tỉ lệ. Sự thật, quan niệm cái đẹp về hội họa của những nghệ sĩ theo trường phái cổ điển không phải là một điều quá đơn giản như vậy.

Trong giai đoạn đầu của thời kỳ cổ điển, hầu hết họa phẩm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo, được sáng tác theo lối kể chuyện. Các họa sĩ lấy đề tài từ những câu chuyện trong kinh sách, truyện thần thoại mang tính nhân gian. Kỹ thuật thiên về lối đắp nổi, có chiều sâu để tăng độ dày của người và vật trong tranh như thể bắt chước lối điêu khắc, cùng với sự ưa thích sử dụng những đường cong mềm mại trên thân thể hay áo quần của nhân vật mà ít chú trọng tới màu sắc. Các họa sĩ không áp dụng luật viễn cận (Perspective): người và vật, xa và gần có thể bằng nhau. Lớn hay nhỏ là tùy theo tầm quan trọng của vai trò. Nhân vật chính thường to hơn nhân vật phụ, thuộc cấp, gia nhân được vẽ bé hơn chủ nhà. Loài vật bao giờ cũng vẽ nhỏ hơn con người.

Về cách dùng màu sắc, các tác giả trong thời kỳ đó hay dùng màu nguyên chất nặng tính trang trí hơn là pha trộn, hoặc chuyển màu đậm lạt. Những màu xanh đậm, đỏ tươi, vàng ánh, đen, trắng thường thấy trên tác phẩm của họ. Đặc biệt, ánh sáng và bóng tối được dùng bằng các màu nguyên chất. Những hệ thức cơ bản như tính chất, sắc tươi và nồng độ đậm lạt rất ít khi được chú ý.

Họa sĩ Renoir

Như vậy, ta có thể nói, lối vẽ theo phong cách cổ điển gần như mang ý nghĩa tượng trưng. Nhưng nhìn tổng thể, toàn bức tranh, với đầy đủ chi tiết của nó, ta có cảm nhận nó gần với khuynh hướngtả chân (realism). Có thể coi Giotto là họa sĩ xuất sắc, đại diện cho trường phái hiện thực ở Châu Âu trong thời kỳ đó, kế đến là các tên tuổi lừng lẫy như: Léonard de Vinci, Le Tintoret, Le Titien, Botticelli, Masaccio, Signorelli, Montegna… rải rác trong từng khu vực nước Ý, tạo thành một thời đại hoàng kim của nghệ thuật Trung Âu. Trong ngần ấy họa sĩ lưu danh hậu thế, nổi bật thiên tài hiếm thấy ở Léonard de Vinci (1452 – 1519) (4) đã thể hiện được sự tương phản sáng tối khiến cho hình dịu bóng, dáng sống động, nét lộ rõ làm bức tranh có hồn. Cũng phải nhắc đến Michel Ange (1475 – 1564) (5), đã nâng cao nghệ thuật lên đỉnh điểm chói lọi. Thưởng thức tận mắt những siêu phẩm nghệ thuật của Michel Ange, lòng ta không tránh khỏi rung động cuồng nhiệt với những cử chỉ tung hoành mãnh liệt như bão tố, những thân hình cuồn cuộn, nổi tròn từng thớ thịt mà họa sĩ đã quan sát tỉ mỉ theo giải phẫu học được cho tung bay ở các mặt trần nhà hay giữa khoảng không.

Bình tĩnh quan sát kỹ càng lại những tác phẩm hội họa thời ấy, ta dễ nhận ra đề tài và nguồn cảm hứng sáng tác của họ đều xuất phát từ tôn giáo. Theo họ, vẽ, làm nghệ thuật đồng nghĩa với việc bày tỏ lòng sùng bái thượng đế và sự kính cẩn trong sáng đối với thần linh. Vì vậy, ở tác phẩm của họ, ta khó tìm được sắc thái rõ nét của tính nhân văn. Ít tìm thấy những đam mê mãnh liệt hay những cung bậc sôi nổi của tình cảm như hạnh phúc, đau thương, say đắm, giận hờn. Cũng không thể hiện được nhiều thái độ phản kháng, phá phách, nỗi dằn vật, đắng cay. Đó là những giai điệu phải có trong tấu khúc nhân bản, rất gần gũi với con người bình thường trong khi đa số nghệ sĩ thời cổ điển lại hay tìm cái đẹp lý tưởng. Mãi cho tới khi Masaccio, họa sĩ Ý (mất vào năm 27 tuổi) tìm được nguồn cảm hứng mới, nên đã kéo thượng đế nhích lại gần với con người. Điều đáng trân trọng ở họa sĩ tài hoa bạc mệnh này là ông đã chinh phục được nhiều họa sĩ cùng thời và đã đặt vào lòng họ một niềm tin tưởng mãnh liệt, như một luồng sinh khí mới lạ và thanh khiết, như hơi thở ấm nồng được thổi vào tâm hồn và cảm xúc của họ. Với Masaccio và các họa sĩ “đồng điệu” của ông lúc bấy giờ, đề tài tôn giáo chỉ là một cớ để diễn tả tâm sự của mình. Chúa nằm trên thập tự gỗ trong tác phẩm của họ không còn là một thượng đế toàn năng mà chỉ là biểu tượng của một con người đời thường nặng trĩu bao nỗi cay đắng đau thương và cũng rực rỡ chói lòa những đức tính nhẫn nại, hy sinh cao đẹp. Chịu ảnh hưởng của Masaccio về kỹ thuật sử dụng đường nét và màu sắc, nhiều họa sĩ hồi này, đã vẽ những con người trong tranh làm cho ta có cảm giác như là những người đang cử động thật sự chứ không phải là động tác con người bị dừng lại bằng một dáng điệu chết trong một nghệ phẩm vô tri vô giác. Nét vẽ cũng hạn chế, chỉ giữ lại những nét chính của từng khối cử động mà thôi.

Có thể coi “thành trì cổ điển” đứng vững vàng tồn tại hơn bốn thế kỷ mà những danh tướng tiêu biểu cuối mùa được nhắc tới là các họa sĩ DavidIngres.

Đến giữa thế kỷ XIX, hội họa được giải phóng. Họa sĩ của nhiều xu hướng mới, đầy triển vọng, nổi lên rầm rộ như trăm hoa đua sắc trong “vườn hoa nghệ thuật”. Hơn trăm năm nay đã xuất hiện trên thế giới nhiều trường phái (chủ nghĩa) hội họa mới mang danh hiệu tận cùng bằng “isme” (tiếng Anh: …ism): Néo – classicism: Chủ nghĩa Tân cổ điển; Romantism: Chủ nghĩa Lãng mạn; Impressionism: chủ nghĩa Ấn tượng; Cubism: Chủ nghĩa Lập thể…Surréalism : Chủ nghĩa Dã thú : Fauvism ; Chủ nghĩa Dadaism ; Chủ nghĩa Siêu thực…mà tất cả gọi chung là Modernism - chủ nghĩa hiệnđại rồi Hậu Hiện đại với nhiều khuynh hướng ngày một cách tân, kéo dài cho đến ngày nay.

 (1) Tỉ lệ vàng(Nombre d’or): chỉ luật Cân xứng theo tỉ lệ của nghệ thuật Hy Lạp, do Vitruve đặt thành công thức: 1,618. Nếu một vật chia ra hai phần đều nhau mà vẫn đẹp, thì tỉ lệ của phần nhỏ đối với phần lớn, cũng phải bằng tỉ lệ của phần lớn đối với toàn thể.

   (2) Thời Phục hưng: Renaissance (thế kỷ 14 - 16 tại Châu Âu).

   (3) Sự thực, trước thời kỳ hưng thịnh của chủ nghĩa cổ điển bắt đầu từ thế kỷ XIV, đã hình thành từ lâu các khuynh hướng nghệ thuật: Nghệ thuật Hy Lạp (thế kỷ thứ V trước Công nguyên về kiến trúc và điêu khắc). Nghệ thuật Byzantin (từ năm 395 sau CN, về đồ sứ và bích họa). Nghệ thuật Roman (từ nửa sau thế kỉ XI, về kiến trúc bích họa, bìa sách). Nghệ thuật Trung cổ (Art Gothique) từ thế kỷ XII đến giữa thế kỷ XV về bích họa, tranh vẽ trên cửa kính các thánh đường).

(4) Léonard de Vinci: nghệ sĩ lỗi lạc thuộc trường phái Florentine, với tác phẩm bậc thầy Mona Lisa hay La Joconde. Ông còn nổi tiếng là một điêu khắc gia, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà văn, nhạc sĩ… (theo Larousse).

(5) Michel Ange: họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, thi sĩ… (theo Larousse).

Sách tham khảo

  1. Beaux-Arts, sous la direction de Marcel Brion (Édition Clartés).
  2. Sommets des Beaux-Arts - R.Harteel et B.D.Swanenburg (Flammarion).
  3. L’Art au XXe siècle - Larousse, Paris, 1967.
  4. Histoire de la peinture - Louis Hourticq (Presses Universitaires).
  5. Concise history of Modern painting - Herbert Read, F.A.Pracger.
  6. Modern American Painting and Sculpture-Dell Publishing New York.
  7. Mordenism-Iskousstvo, Moskva, 1973.
  8. The pocket history of American painting-James Thomas Flexner.
  9. Dictionnaire Larousse - Paris, 1996.
  10. L’Art moderne - Joseph Émile Muller (Livre de poche), Paris, 1963.                                                                                                       
Bạn đang đọc bài viết Mỹ thuật cổ điển từ góc nhìn hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chân dung được vẽ bằng lụa vụn.
Dự án "Những bức chân dung từ lụa vụn" đã khởi động, mục tiêu là hỗ trợ các nghệ nhân đằng sau các tác phẩm tranh lụa của Vụn Art.
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất