Thứ năm, 28/03/2024 21:43 (GMT+7)

Nguyễn Trãi - Đỉnh cao của Khoa học xã hội và Nhân văn thế kỷ XV

MTĐT -  Thứ tư, 22/07/2020 11:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nguyễn Trãi (1380-1442), tên tự là Ức Trai, tác giả tiêu biểu nhất của văn học nửa đầu thế kỉ XV và cũng là một tác giả hàng đầu Nghiên cứu và Biên soạn về khoa học xã hội.

Nguyễn Trãi vị anh hùng vĩ đại và nhà văn kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, quê ở làng Nhị Khê thuộc tổng cố Hiền, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng, địa giới gần Trung Đô; nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Xã Nhị Khê có 4 thôn: Thượng Đình, Văn Xá, Trung Thôn và Nhị Khê, mặt Đông trông ra quốc lộ 1, mặt Tây và Bắc ngoảnh ra sông, đây là khúc sông còn lai của dòng Tô Lích xưa.

Thân sinh Nguyễn Trãi là cụ Nguyễn Ứng Long, một nhà nho gốc gác bình dân, học giỏi, có chí cao cũng sinh ở Nhị Khê, sống ở đấy cuộc đời nhà nho nghèo, mở trường dạy học nuôi gia đình. Nhà trường của  cụ Ứng Long nay cũng còn đôi chút dấu tích ở phía Nam làng thuộc xóm Hạ bên sông Tô; đây chính là Trại Ổi làng Nhị Khê còn có tên nôm là Rũi và vì có nghề tiện nên gọi là “Rũi Tiện”. Cũng có tên Ổi Trang hay Ổi Trại vì ở đây ổi mọc thành rừng. Nguyễn Ứng Long mãi đến đầu đời Hồ mới đổi tên là Nguyễn Phi Khanh và tên hiệu là Nhị Khê.

Mẹ là bà Trần Thị Thái, con của một vị hoàng thân và cũng là một thi sĩ, Trần Nguyên Đán, cháu bốn đời của danh tướng Trần Quang Khải. Bà là người thông minh và hay thơ.

Từ thời niên thiếu, Nguyễn Trãi đã được giáo dục của gia đình cũng như đời sống xã hội đem đến cho ông những kiến thức phong phú về cả hai mặt văn chương chữ nghĩa và thực tế cuộc sống.

Kể từ khi vào Lam Sơn gặp Lê Lợi và dâng Bình Ngô sách, Nguyễn Trãi đã chứng tỏ là một đại trí thức của đất nước trên mọi lãnh vực khoa học. Ông đã vạch ra đường lối đánh giặc cứu nước, “không nói đánh thành mà giỏi bàn về cách đánh vào lòng ngưòi”. Trong thời gian kháng chiến, Nguyễn Trãi đã giúp Lê Lợi trù hoạch quân mưu, xây dựng chính quyền dân tộc đối lập với chính quyền xâm lược. Nguyễn Trãi đã thay Lê Lợi viết những thư từ giao thiệp với giặc Minh, tiến công về mặt tư tưởng, góp phần làm suy yếu quân địch. Những thư từ đó được người đời sau gom thành tập Quân trung từ mệnh.

Năm 1427, cuộc kháng chiến kết thúc, Nguyễn Trãi nhân danh Lê Lợi viết bài Bình Ngô đại cáo nổi tiếng, trong đó ông tổng kết cuộc kháng chiến chống Minh và nêu cao chủ nghĩa yêu nước.

Trong công cuộc xây dựng đất nước vừa được giải phóng, Nguyễn Trãi đã có đóng góp lớn. Nhân danh nhà vua, ông viết Chiếu cầu hiền tài (1429), Chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viên, sảnh, cục tham lam lười biếng (1430), Chiếu cho Tư Tề quyền nhiếp quốc chính (1431), Chiếu giáng Tư Tề làm quân vương, đặt con thứ là Nguyên Long nối nghiệp (1433). Những bài chiếu này phản ánh chính sách thân dân, huệ dân của Nguyễn Trãi; chính sách ấy không vừa lòng nhiều kẻ quyền thần, và có lần Nguyễn Trãi bị gièm pha mà bị bỏ ngục.

Sang đời Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi được chỉ định trong số văn thần dạy học cho nhà vua còn ít tuổi. Năm 1435, ông viết Dư địachí thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và lòng yêu mến giang sơn gấm vóc của Tổ quốc.

Cuộc đời của Nguyễn Trãi là một cuộc đời vì nước, vì dân. Cũng có lúc ông buộc phải lánh về Côn Sơn, sống ẩn dật. Nhưng ngay trong thời gian ấy, Nguyễn Trãi không bao giờ nguôi nỗi “tiên ưu”.

Ngoài những tác phẩm nhằm trực tiếp phục vụ cho cuộc chiến đấu giành độc lập và xây dựng đất nước như Quân trung từ mệnh, Bình Ngô đại cáo, Dư địa chí, Luật thư, Nguyễn Trãi còn viết: Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Truyện Nguyễn Phi Khanh, Văn bia Vĩnh Lăng, Giao tự đại lễ, Thạch khách đồ, hơn một trăm bài thơ chữ Hán (tập hợp trong Ức Trai thi tập) và hơn hai trăm bài thơ Nôm (tập hợp trong Quốc âm thi tập). Những tác phẩm ấy một số đã mất hẳn, nhưng chỉ căn cứ vào những tác phẩm còn lại thì cũng đã thấy Nguyễn Trãi là một trong những tác giả viết nhiều nhất trong lịch sử.

Một tác phẩm có giá trị lớn trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Trãi -  tác giả tiêu biểu nhất của văn học nửa đầu thế kỉ XV và cũng là một tác giả hàng đầu Nghiên cứu và Biên soạn về khoa học xã hội. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Những đóng góp của Nguyễn Trãi đối với ngành khoa học xã hội và nhân văn là rất to lớn, hầu hết trên các lĩnh vực như: triết học, văn học, địa lí học - lịch sử, quân sự học, dân tộc học, v.v... ông đều có những kiến giải đáng ghi nhận.

  1. Về triết học

Trong tiến trình lịch sử văn hoá Việt Nam, Nguyễn Trãi có những đóng góp tiêu biểu hơn cả là trên lĩnh vực tư tưởng. Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Trãi luôn luôn sống và hướng người đương thời với ông phấn đấu theo một tinh thần xuyên suốt, đó là: tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng nhân dân và tư tưởng yêu nước.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là tiếp thu từ tư tưởng nhân nghĩa của Khổng - Mạnh kết hợp với tư tưởng nhân ái truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Trãi là một nhà nho và luôn luôn tự xem mình là một đồ đệ của Khổng - Mạnh:

- Chớ còn chăng chẳng chớ quyền quyền

 Lòng hãy cho bền đạo Khổng môn.

- Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào, Hứa

Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng, Chu.

                                                                             (Ngôn chí)  

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không những được ông sử dụng làm vũ khí sắc bén đánh đuổi quân Minh xâm lược, giành lại độc lập cho đất nước, mà còn được ông khẳng định, cảnh tỉnh cho số vua quan đầu triều Lê hiểu rằng đó là cái gốc để giữ nước:

Quyền mưu bản thị dụng trừ gian

Nhân nghĩa duy trì quốc thế an.

(Hạ quy Lam Sơn - Bài số 1).

 (Quyền mưu vốn dùng để trừ gian

   Nhân nghĩa duy trì thế nước an).

Tư tưởng nhân dân là một nét độc đáo trong sự nghiệp của Nguyễn Trãi. Trước Nguyễn Trãi, trong nền văn hoá - chính trị, ngưòi ta ít nói đến nhân dân.

Nguyễn Trãi luôn luôn nghĩ đến trách nhiệm của ông là phải phục vụ nhân dân, làm những việc gì khả dĩ mang lại lợi ích cho nhân dân. Ở bài thơ Trần tình (Bài số 1), ông đã nói lên nỗi lo lắng ấy:

Quốc phú binh cường chăng có chước

Bằng tôi nào thử ích chưng dân.                                

Ngay từ khi còn ngồi đọc sách, Nguyễn Trãi đã nhận thấy là phải quan tâm đến đời sống của nhân dân:

Đọc sách thời thông đòi nghĩa sách

Đem dân, mạ (chớ) nỡ, mất lòng dân

(Bảo kính cảnh giới - Bài số 57)

Ở Nguyễn Trãi, hình như chỗ nào cũng thấy có nhân dân. Ta thấy ông luôn luôn nghĩ đến nhân dân. Khi ông còn nghiên cứu binh thư ở căn cứ địa Lam Sơn, ta đã thấy Nguyễn Trãi để tâm trí vào nhân dân:

Ức tích Lam Sơn ngoạn võ kinh

 Đương thời chí dĩ tại thương sinh.

(Hạ quy Lam Sơn - Bài số 2)

(Nhớ xưa ở Lam Sơn đọc sách binh thư

Đương lúc ấy, chí đã ở nơi nhân dân).

Nguyễn Trãi cũng vì nhân dân mà đứng lên chống quân Minh: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...”.

Vì chí Nguyễn Trãi ở nơi nhân dân cho nên khi hưởng lộc, ông không nghĩ đến lộc vua lộc nước, mà ông nghĩ ngay đến những người lao động vất vả để làm ra lộc ấy:

Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày.

(Bảo kính cảnh giới - Bài số19)

Khi được Lê Thái Tông cử ra làm nhạc với Lương Đăng, việc Nguyễn Trãi nghĩ đến đầu tiên không phải là đào, là kép, là nhạc cụ, mà là nhân dân: “... Dám mong hệ hạ rủ lòng thương mà chăm nuôi muôn dân, khiến cho trong thôn cùng ngõ vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc”.

Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng dưới thời phong kiến Việt Nam hiểu sâu sắc sức mạnh vô địch của nhân dân. Nguyễn Trãi từng viết:

Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ.

(Quan hải)

(Lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước)

Nước có thể chở thuyền, nhưng cũng có thể lật được thuyền, thì nhân dân cũng có thể đưa người ta lên và cũng có thể quật ngã người ta xuống.

Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi là tư tưởng yêu nước của nho sĩ Việt Nam. Nếu tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng nhân dân của Nguyễn Trãi có thể tìm thấy nguồn gốc từ Nho giáo thì tư tưởng yêu nước của ông thuần tuý bắt nguồn từ tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Như vậy, cái trục quy chiếu của tư tưởng Nguyễn Trãi chính là Nước và Dân, hai khái niệm tiêu biểu cho quan hệ làng - nước Việt Nam. Nguyễn Trãi đã từng viết những lời rất hay về nước trong Bình Ngô đại cáo:

Xét nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Bờ cõi, sông núi đã riêng

Phong tục Bắc - Nam cũng khác.

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều làm đế một phương.

Tuy mạnh yếu cộ lúc khác nhau

 Song hào kiệt vẫn không hề thiếu.

Đó là cách công thức hoá hoàn mĩ nhất về Tổ quốc, dân tộc Việt Nam gồm năm yếu tố thống nhất (văn hiến, lãnh thổ, phong tục, chính quyền, nhân dân - mà đại biểu là người hào kiệt), ở đây cần thấy rằng khi có đủ điều kiện cho sự hình thành dân tộc, song để ý thức một cách rõ rệt nhất, đầy đủ nhất về sự thành hình đó là cống hiến tinh thần của Nguyễn Trãi – người có trình độ văn hoá cao có kiến thức quốc học lớn, người đã trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng.

Trong tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi, ý thức dân tộc dẫn đến tự hào dân tộc. Tự hào dân tộc là hệ quả của ý thức dân tộc. Lòng tự hào dân tộc còn được Nguyễn Trãi nâng cao lên trong bài Chí Linh sơn phú. Núi Chí Linh là vùng núi hiểm trở ở miền Tây Thanh Hoá. Nguyễn Trãi so sánh Chí Linh của Lê Lợi với Cối Kê của Câu Tiễn và Mang Đãng của Lưu Bang (Hán Cao Tổ). Cối Kê, Mang Đãng, Chí Linh đều là nơi ẩn tích của anh hùng; nơi anh hùng đợi thời chờ dịp để thực hiện chí lớn.

Ngày nào ta còn nói đến tự hào dân tộc, ngày ấy ta còn phải nhớ đến đóng góp lớn lao của Nguyễn Trãi vào tư tưởng yều nước truyền thống Việt Nam.

  1. Về thơ văn

Nguyễn Trãi vừa là một đại anh hùng, một nhà yêu nước vĩ đại, vừa là một nhà thơ vĩ đại - một đại thi hào. Đó là một trưòng hợp có một không hai trong lịch sử nước ta và cũng là một trường hợp ít có trên thế giới. Xưa nay, không ai là không cảm phục hồn thơ đa dạng, tứ thơ cao vòi vọi của Nguyễn Trãi.

Đi sâu vào giá trị thẩm mĩ của thơ văn không phải là đối tượng của công trình biên soạn này. Tuy nhiên, cũng cần khái quát một chút vắn tắt nhất về thơ văn của ông.

Trong cảm xúc một nhà thơ thường có hai cách thể hiện. Nói đến thời đại mình, cái khách quan. Nói đến mình, cái chủ quan. Nói đến thời đại mình dẫn đến thơ anh hùng ca. Nói đến cái riêng của mình là địa hạt của thơ trữ tình. Cố nhiên khi nói đến thời đại mình vẫn có mình trong đó. Và khi nói đến mình vẫn có thời đại mình trong đó. Trong thơ, Nguyễn Trãi nói đến thời đại của mình và nói đến cuộc đời riêng của mình đều ở một mức độ rất cao và rất sâu. Có thể nói thiên tài rất lớn của đại thi hào Nguyễn Trãi là ở chỗ đó.

Trong sự nghiệp văn học của mình, Nguyễn Trãi không chỉ là một đại thi hào hiếm có mà còn là một nhà văn chính luận kiệt xuất. Văn chính luận của Nguyễn Trãi có một khối lượng khá lớn: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chiếu, biểu viết dưới triều Lê...Trước Nguyễn Trãi mới có văn chính luận, chứ chưa có “nhà văn chính luận”.

Trong lịch sử văn học, văn chính luận thời nào cũng có, người viết văn chính luận không ít. Song, “được tôn là văn bá” (Nguyễn Mộng Tuân), là người “ viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời” (Lê Quý Đôn), là “Sông Giang, Sông Hán trong các sông và sao Ngưu, sao Đẩu trong các sao” (Tô Thế Huy), viết nên những áng văn “có khí lực dồi dào... đọc không chán miệng” (Phạm Đình Hổ), “rõ ràng và sang sảng trong khoảng trời đất” (Dương Bá Cung), “đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thưòng” (Phạm Văn Đồng), thì chỉ một Ức Trai tiên sinh, vinh dự thật là hiếm có.

Văn chính luận của Nguyễn Trãi giữ một vị trí quan trọng trong toàn bộ văn phẩm của ông. Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc. Văn chính luận thường bàn đến những vấn đề chính xã hội có tầm quốc gia, thường đề cập đến những vấn đề lớn của đất nước, thường phát triển mạnh trong thời kì mà vấn đề dân tộc nổi lên hàng đầu của hiện thực lịch sử. Trong văn chính luận, tính chất và cảm hứng dân tộc là nổi bật nhất. Văn chính luận của Nguyễn Trãi có những đặc điểm và tính chất nổi bật. Trước hết, đó là tính chiến đấu xuất phát từ ý thức tự giác dùng văn chương phục vụ cho những mục đích chính trị, xã hội.

  1. Về địa lí học - lịch sử

Nguyễn Trãi cũng có những đóng góp quan trọng. Sách Dư địa chí do Nguyễn Trãi viết năm 1435 và mấy nhà nho đương thời là Nguyễn Thiên Túng, Lý Tử Tấn, Nguyễn Thiên Tích chú thích, bình luận thêm. Tác giả viết theo lối văn của thiên Vũ cống trong Kinh thư, nên có khi người ta còn gọi là An Nam vũ cống. Đây là tác phẩm địa lí Việt Nam cổ nhất mà ta biết hiện nay. Lần đầu tiên, đất nước được trình bày một cách toàn vẹn. Nguyễn Trãi viết Dư địa chí rất súc tích trên cơ sở việc tìm hiểu, điều tra địa hình sông núi, chất liệu đất đai, sản phẩm từ rừng núi đến sông, biển và đặc tính từng địa phương. Đây không phải là cuốn địa lí đơn thuần, mà chính là cuốn địa lí học - lịch sử trên lịch trình tiến hoá của dân tộc ta từ thời Kinh Dương Vương, qua Hùng Vương, Thục Vương, trải thời Bắc thuộc, cho đến khi Ngô Quyền đuổi quân Nam Hán, khôi phục nền tự chủ, cuối cùng lúc đó là thời khởi nghĩa Lam Sơn với công lao to lớn của Lê Thái Tổ.

Dư địa chí được biên soạn dưới triều Lê Thái Tông, nhưng đã bị tiêu huỷ sau vụ án Lệ Chi Viên (1442). Sau này, khi Lê Nhân Tông lên ngôi, người ta đã tìm thấy trong Bí thư các một bản, nhà vua đã cho giữ lại để lưu truyền. Dưới triều Lê Thánh Tông, Trần Khắc Kiệm đã sưu tập, nhưng sau Dư địa chí lại bị thất lạc. Đến triều Nguyễn, vào thời Minh Mạng (1820-1841), Dương Bá Cung đã sưu tầm được một truyền bản, đã biên tập và cho khắc ván lưu hành. Sách thường gọi là Ức Trai dư địa chí, tức Quyển 5 trong bộ Ức Trai thi tập, được khắc in vào năm Tự Đức thứ 21 (1868).

Nguyễn Trãi là một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà chiến lược thiên tài, một nhà ngoại giao kiệt suất, một nhà tư tưởng, văn hóa tiêu biểu cho những truyền thống ưu tú nhất của dân tộc, là một học giả uyên bác, một nhà văn, một nhà thơ đã để lại những áng văn chương làm rạng rỡ cho đất nước, một tấm gương trong sáng về đạo đức và nhân phẩm, là kết tinh cao đẹp nhất cả tài năng lẫn khí phách của dân tộc Việt Nam.

Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), theo đề nghị của ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam đã quyết định ghi Nguyễn Trãi vào danh sách các danh nhân thế giới.

Năm 1980, Hội đồng Hòa bình thế giới và các nước hội viên của UNESCO đã làm lễ long trọng kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi trên quy mô toàn thế giới.

Tài liệu tham khảo

  1. Bách Khoa thư Hà Nội. Tập 7 “Khoa học xã hội và Nhân văn”.
  2. Địa chí Hà Tây.                                                                                                                                                                PGS. TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Nguyễn Trãi - Đỉnh cao của Khoa học xã hội và Nhân văn thế kỷ XV. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.