Thứ sáu, 29/03/2024 05:36 (GMT+7)

Nhà Báo làm Thơ

Nguyễn Ngọc Hạnh -  Thứ hai, 29/06/2020 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

…Chỉ biết rằng viết báo là công việc hằng giờ hằng ngày, dòng chảy của nó chính là hiện thực cuộc sống, còn thơ là một thế giới khác đầy bí ẩn, lạ lùng…

Vẫn biết lâu nay báo chí là mảnh đất gần gũi với văn chương. Phần nhiều các nhà văn đều viết báo, bởi xét cho cùng tuy là hai mà một, chỉ khác nhau về đặc trưng của mỗi loại hình, văn học và báo chí mà thôi, còn phương tiện để chuyển tải đều là văn xuôi. Các nhà thơ làm báo hiện nay cũng không ít, hầu như mỗi tòa soạn đều có đôi ba nhà thơ, đành rằng trong hai lĩnh vực này chẳng liên quan gì nhiều với nhau cho lắm. Thậm chí, có khi thơ và báo hai phương trời xa vời vợi, chẳng dính dấp gì. Thơ thường lãng mạn, mơ hồ sương khói, đôi khi mập mờ khó hiểu. Còn báo lại cần sự chân thật, tôn trọng sự thật khách quan, không thể tuỳ tiện bịa đặt hay hư cấu mặc dù có đôi lúc cũng bị mang tiếng “nói thêm” ít nhiều.

Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn

Nhà thơ Trần Tuấn “luôn nhìn về thơ như một sinh thể đặc biệt và lạ lùng nhất, khi làm thơ, tôi không ngang qua một sự cư trú nào”. Có phải Sống là gì lâu quá đã quên mà “mắt khép lặng nơi này và lưu lạc nơi kia/ qua những cánh rừng xanh những vòm lá đỏ/ khuôn mặt nằm đây gương mặt người nơi đó/ im lìm như bậc đá đợi mưa rền”. Những bài thơ dẫu chỉ tồn tại trong sổ tay, chỉ được biết đến sau lũy tre làng nhưng nó mãi bất tử như một kiếp người. Nhà báo Trần Tuấn viết nhiều thể loại khác nhau nhưng với anh, thơ vẫn rất lạ lùng…

Còn Nhà báo Nguyễn Thị Anh Đào lại cho rằng “thơ mang đến cho tôi một sắc màu khiến trái tim tôi luôn rung động. Những con chữ bật lên nỗi cô đơn trên đầu ngọn bút là một định mệnh, không phải ai cũng dễ dàng lựa chọn. Tôi sắp xếp những buồn vui, hạnh phúc vào vách ngăn cuối cùng rồi chưng cất thành những câu thơ, trước hết để tặng cho chính mình”: “Nếu được ngủ giấc dài xin anh nhắm mắt/ Đừng nghiêng bên chén rượu tàn/ Thương trái tim giẫm mòn bóng nắng/ Hướng mặt trời không phải trái tim em”  (Thác nhớ).

 Nhà báo - Nhà thơ Nguyễn Thị Anh Đào 

Tưởng chừng “qua giấc mơ trưa/ ngày ngắn kéo đêm về tựa gối/ tóc mướt xanh nối thêm sợi không màu/ ai dệt nỗi buồn bằng lòng trắc ẩn” (Dệt). Cứ thế công việc làm báo vẫn không hề làm xáo động hồn thơ. Một thế giới riêng cứ ẩn khuất giữa bộn bề đời sống, đến khi câu thơ bất chợt sáng bừng…

Hay nhà báo Phùng Hiệu trong bài thơ Ngôn ngữ lên ngôi mà đâu dễ thấu hiểu hình tượng của ngôn từ. Ngôn ngữ của thơ đầy mầu nhiệm: “Chợt một ngày ngôn ngữ đa đoan/ Đừng hỏi tại sao/ Có những vần thơ được rót từ đáy cốc/ Khi nhìn vào chiếc ly/ Tôi bỗng thấy cả sông ngòi và đại dương trong đó/ Chảy miên man hình tượng ngôn từ….Chợt một ngày châu thổ bị lãng quên/ Tôi cầm bát cơm/ Và nhận ra con trâu cánh mùa gặt/ Và câu thơ sót lại sau mùa”. Vậy đó, thơ luôn đa nghĩa, đa đoan, đầy thi ảnh.

 Nhà báo - Nhà thơ Phùng Hiệu

Còn nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm vốn là người làm báo văn học, cho nên cách nhìn vẻ đẹp của ngôn từ hơi khác: “Vẻ đẹp của thơ nằm ở chữ. Mỗi nhà thơ là một “phu chữ” mới có thể đem chữ lấp lánh cho thơ”. Có phải vì thế mà trong mấy câu thơ này, bờ vai nhà thơ “như ai gối mượn thầm/ trong giấc ngủ khép hờ mắt lạ/ nghe mùa xuân lộc nõn tri âm...”.  Mỗi chữ có vẻ đẹp lấp lánh của nó, đa tầng đa nghĩa, thế mà thơ vẫn ăn nằm cả đời với người làm báo chẳng hề hấn gì, nhà của ai nấy ở, chữ nghĩa cứ chọn đất sống mà gieo mầm nở hạt...

 Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm

Riêng nhà báo Trần Trình Lãm lại cho rằng “Thơ là lửa, ai dính vô rồi cũng chết thiêu”. Nghề báo nhiều nghiệt ngã, đôi khi phải sống chết với chính bài viết của mình, chết vì dũng khí của lòng trung thực, còn làm thơ lại bị “chết thiêu”, chết với con chữ đầy hồn vía, chất chứa buồn vui giữa cõi đời này: “Cái chết đến thật lãng mạn/ Tôi cháy từng phần nắng của địa ngục rất khô/ Quỷ sứ nói đùa ngươi làm thơ nên cho chết cháy/ Chết như vậy mới có hồn”.

 Nhà báo- Nhà thơ Trần Trình Lãm

Nhà báo Nguyễn Văn Long lại ví “đời người như cây cỏ, rồi cũng hóa thân vào cát bụi, tan vào trời đất mênh mông. Còn chăng, chỉ là cái tình của mỗi con người khi còn hiện thân ở cõi đời này. Thơ là một cuộc rong chơi đầy kiếm tìm, cứ lan tỏa, lan tỏa chậm dần”. Vậy đó, báo chí và thơ ca “như mặt trời mặt trăng cách trở”, không chỉ khác trong cách nhìn mà trong cảm nhận cũng rất khác nhau. Cả bày biện chữ nghĩa, thi pháp, thi ảnh trong thơ cũng đầy hình tượng, đặc biệt mỗi câu chữ đều lấp lánh, mỗi bài thơ là một cấu tứ lạ, độc đáo chẳng trùng lặp với cả chính mình, luôn sáng tạo mới mẻ, tinh khiết... Khác với báo chí, mỗi bài thơ có số phận riêng, có đời sống riêng như hơi thở, như là máu thịt, ăn đời ở kiếp với mình.

 Nhà báo Nguyễn Văn Long

Thật khó mà nói cho hết về câu chuyện nhà báo làm thơ, vì mỗi người mỗi vẻ, nhưng cái chung nhất mà chúng ta dễ nhận thấy, đó là hai phương trời mờ mịt, mưa nắng thất thường, hai thế giới khác biệt, chẳng hề nương tựa lấy nhau. Vậy mà, nó lại chung sống với nhau một nhà, chẳng hơn thua, bên trọng bên khinh. Ngay với chính mình, nhiều khi tôi vẫn không lý giải được, đâu là người làm thơ, đâu là người làm báo. Chỉ biết rằng viết báo là công việc hằng giờ hằng ngày, dòng chảy của nó chính là hiện thực cuộc sống đang từng phút giây sôi động, thôi thúc bên ngoài ô cửa sổ bàn viết của tôi. Còn thơ là một thế giới khác đầy bí ẩn, lạ lùng. Chẳng ai muốn mà được, thơ cứ đến và đi bất chợt như bao buồn vui của cuộc đời này. Chẳng ai cầm tay ai cả, chỉ mỗi tâm hồn nhà thơ dào dạt yêu thương, một trí tuệ tuyệt vời rung cảm với nỗi đau lấp lánh phận người. Bài thơ ra đời như một câu kinh mầu nhiệm mang lại vẻ đẹp cho tâm hồn bao người. Mà vẻ đẹp ấy cũng không hề dễ dàng có được, nếu ngôn ngữ không lên ngôi, câu thơ vần vè, chữ nghĩa còn nghèo nàn, rẻ rúng.

Bạn đang đọc bài viết Nhà Báo làm Thơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.