Thứ sáu, 26/04/2024 04:45 (GMT+7)

Nhà thơ Phùng Hiệu - Nỗi thao thức dài trong “Biên bản thặng dư”

Ngã Du Tử -  Thứ năm, 06/02/2020 10:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đọc xong tập thơ, tôi vừa thán phục anh dũng cảm, vừa thương anh lặn lội tần tảo đến những cảnh đời tăm tối, bần hàn để tìm hiểu rồi nói giúp những mảnh đời trong xã hội này…

Năm 2019, tác giả Phùng Hiệu cho ra đời 2 đứa con tinh thần chắc nịch, “tầm vóc khác lạ”, trong giới văn chương TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung có lẽ phải ngỡ ngàng bởi anh thẳng thắn đưa ra những thao thức, những trăn trở xoáy váo lương tri thời đại. Anh đang lần giở, tách bóc để lột trần những vấn đề mà ít thấy các tác giả khác hướng tới, đó là Dấu chân biển cả tôi đã có dịp giới thiệu trong các báo cũng như các trang văn chương, giờ đây tôi có trong tay tập thơ Biên bản thặng dư vừa ráo mực từ nhà in Fahasa, anh trân trọng tặng tôi.

Nhà Thơ Phùng Hiệu

Đọc xong tập thơ, tôi vừa thán phục anh dũng cảm, vừa thương anh lặn lội tần tảo đến những cảnh đời tăm tối, bần hàn để tìm hiểu rồi nói giúp những mảnh đời trong xã hội này, thế kỷ này mà ít có nhà thơ nào nói đến, nếu có cũng một đôi bài chứ không xuyên suốt như Phùng Hiệu hòng muốn vực dậy làm bật sáng những mảnh đời bất hạnh, khổ đau trong cõi đời nầy.

 Nhà văn Johanson của Anh Quốc đã viết “Văn học là ánh sáng lý trí, nó giống như mặt trời, đôi khi có thể làm cho chúng ta nhìn thấy thứ mà chúng ta không thích”.

Bình minh của ngày có kẽ hở ư? Không, bình minh cõi đời mới có kẽ hở, chính điều ấy thôi thúc anh đi tìm sự thật “kẽ hở” ấy, khi chứng nghiệm, thực nghiệm anh mới thấy được chân tướng: “Sự thật luôn bị đánh lừa/ Sau kẽ hở bình mình” như vậy sẽ không uổng công một thời hăm hở bước đi với bao khó nhọc cùng mồ hôi đỗ xuống:

“ Gói sự thật vào giấc mơ

Tôi đi tìm công lý

Tin chắc ở phía chân trời có ánh bình minh

Nhưng khi vừa đến chân trời tôi chạm phải bóng đêm

Đi sâu vào bóng đêm

Là hành trình lương tri lộ diện…”

(Kẽ hở bình minh)

Và rồi thương lắm những “giấc mơ hiện thực” không có thật “được hình thành trong tiểu thuyết, chiêm bao” bèn giả dối, ngụy trang trong cách mưu sinh khi tâm hồn và thể chất chưa được hình thành đủ đầy trong cuộc mưu sinh lạnh lùng trước nỗi tê điếng của đứa trẻ vị thành, muốn làm người băng băng xuyên qua rừng thời gian mong trưởng thành trong sa mạc trần gian rát bỏng với miếng cơm manh áo, ôi chao! Mỗi thân phận người thế sao, dấu hỏi cứ miên man vỗ về chập chùng cho đến kiệt cùng sức lực. Tôi đọc mà rưng rưng cho một giấc mơ hiện thực trước nỗi đời:

“Trong một lần kiệt sức mê man

Tôi bắt gặp giấc mơ

Giấc mơ tôi được làm người

Một con người thực sự tự do

Một con người mang tên bình đẳng

Một giấc mơ hiện thực

Được hình thành trong tiểu thuyết chiêm bao”

(Giấc mơ hiện thực)

Sự vắng mặt của trách nhiệm làm người lương thiện, lương tri đã từ khước một phận người chân chất làm thảng thốt bao tâm hồn trong sự thật một tai nạn lao động xây dựng – cái chết ấy yên ắng như tiếng nấc nghẹn ngào của thân phận, của người bé miệng thấp cổ theo quy luật lặng im đến tàn nhẫn trước thực tại của kịch bản sự mất tích y như thật cái mà “anh bị xóa tên /như chưa từng hiện diện” , và không ai biết sau khi hoàn thành công trình với đầy đủ kèn trống, diễn văn vinh danh dự án có còn ai thương tiếc một phận người, một công nhân cô quạnh ?

“Anh rơi xuống từ tầng 18

Tiếng nấc cuối cùng theo quy luật lặng im

Họ âm thầm đưa anh về đất mẹ quê hương

Trong sự tiếc thương của những vòng tay lao động

Anh bị xóa tên

Như chưa bao giờ hiện diện nơi đây 

Dự án hoàn thành, dự án được vinh danh

(Sự mất tích của người công nhân)

Phùng Hiệu chỉ nêu vấn đề qua lăng kính trắng ngần ngôn ngữ không trau chuốt chữ nghĩa với bức tranh để độc giả và xã hội cùng suy gẫm hiện tượng đằng sau dự án được vinh danh, còn những gam màu xám xịt chưa ai biết trong hành trình mang đến vinh danh, cái ấy không phải trách nhiệm của nhà văn, nhà thơ mà của chính quyền.

Có bao giờ các bạn nhìn nhận vấn đề “sa thải cơn mơ”? Cơn mơ hình thành từ trong giấc ngủ của cá nhân làm sao có thể? Có đấy, Phùng Hiệu đã sẻ chia một thân phận người qua tâm hồn thơ của anh “bằng giá trị phấn son, bằng đường cong thân thể”, và trở thành “cánh chim hoang lạc” trôi theo dòng đời em không hề cưỡng nổi và từ đó mãi trôi hoang trong bến bờ sinh kế, để:

“Đến một ngày em nhận ra em

Thì giấc mơ đã tan về chốn cũ

Chiếc Iphone thưa thớt khách làng…

Gọi em về - sa thải một cơn mơ

(Sa thải một cơn mơ)

Đọc xong bài thơ có lẽ ai trong chúng ta cũng bàng hoàng thảng thốt biết bao cảm xúc nổi niềm có thật của một kỹ nữ, với những ám ảnh khôn nguôi trong sinh kế đau đớn mà cuộc đời không độ lượng với đóa hồng nhi nữ.

Có một bài trong tuyển thơ này tôi không cho là thơ, chỉ là dòng cảm xúc của thông tin, có lẽ anh là một người làm báo nữa nên ngôn ngữ thơ bị « nghẽn mạch” nhưng là dữ liệu lịch sử khá quan trọng, nếu ai đó ít biết đến mạng xã hội có lẽ phải thán phục anh và cuối bài anh đặt dấu hỏi (?) lớn với thời cuộc, ai có thể trả lời trọn vẹn một dấu hỏi sau gần nửa thế kỷ đất nước ta có hòa bình, sự thảng thốt làm dấy lên trong mỗi tâm hồn biết ưu tư, trăn trở :

Năm 1956/ Hoàng Sa mất một phần máu thịt…

Năm 1974/ Bảy mươi tư người Việt hy sinh/ khi đang làm nhiệm vụ thiêng liêng/Bảo vệ chủ quyền quê hương biển đảo/Hoàng Sa rơi vào tay giặc/ Mộng quân thù ngấp nghé Trường Sa

Năm 1988/ Gạc Ma hóa thành biển lửa/ 64 chiến sĩ hy sinh/ Khi đang cắm ngọn cờ Tổ quốc/ Những côngbinhmãi mãi không về

Năm 2013/ Với âm mưu đường lưỡi bò dối trá/ Phương Bắc ngang nhiên/ Kéo giàn khoan vào lòng biển cả/ Và manh tâm cắt cáp

Rồi một ngày Bauxit Tây Nguyên/ Bỗng rỉ máu từ vết thương kinh tế…

Rồi một ngày chất thải Formosa/ Khiến cả miền trung phơi đầy xác cá/ Thảm họa môi trường nhân dân gánh cả/ Biển gầm lên trận bão căm hờnBiết bao giờ lãnh thổ được bình yên ?

(Biên bản        chủ quyền)

Tôi thật sự chú ý đến bài thơ Di nguyện đặt cuối tập thơ rất có ý của nhà thơ, với tình yêu con người và đất nước của anh đã lời thật bày tỏ cho độc giả dù biết rằng:‘Thẳng mực tàu đau lòng gỗ’ thẳng thắn, rõ ràng không quanh co, và với trái tim yêu thương khi thân tứ đại ấy xa lìa sự sống vẫn muốn cống hiến phần thi thể hữu dụng khoa học hiện đại hôm nay với tấm lòng rộng mở, hòng mong giúp được cho bất kỳ ai cần đến, Ôi chao, sao mà nhân bản đến lúc lìa trần. Chính vì lẽ nấy tôi càng phục anh trong tình cảm của mình dành cho đất nước và đồng bào, nào lá gan, quả thận, đôi mắt, trái tim nếu được dâng hiến để cứu được người cần nhận thì linh hồn trong cõi vô cùng còn gì vui hơn.

Những lời thơ như kim chích thẳng vào bức tranh thời đại với một tinh thần “hãy nhìn đời qua lăng kính thật trong” để cảm nhận muôn màu muôn vẻ bức tranh hiện thực xã hội nhằm khắc phục chừng nào hay chừng ấy hầu giảm thiểu có thể để xã hội ngày một tiến bộ hơn trong tổng thể hướng tới trách nhiệm hơn, văn minh hơn, tự do hơn, tốt đẹp hơn – Một thông điệp rất đáng được trân trọng với trách nhiệm của người làm thơ viết cho đời.

Biên bản thặng dư như một biên bản cho cách sống đương đai hướng về những mãnh đời còn lắm bất hạnh và xoáy sâu vào sự thờ ơ lạnh lùng của xã hôi. Phùng Hiệu viết thi phẩm này như một tuyên ngôn thơ của chính anh trong thao thức, trăn trở, day dứt khôn nguôi nên tính thơ ít lại trong thi ca. Nói cho cùng rất khó toàn bích cho một thi phẩm, cơ bản là anh chuyển tải tư tưởng cũng như trình bày thông điệp cho nhân gian. Nhà thơ chỉ đưa ra vấn đề còn chuyện giải quyết vấn đề là của những nhà quản trị, lãnh đạo xã hội chứ không phải của nhà văn, nhà thơ

Bạn đang đọc bài viết Nhà thơ Phùng Hiệu - Nỗi thao thức dài trong “Biên bản thặng dư”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.