Thứ sáu, 29/03/2024 03:06 (GMT+7)

Nơi chuột được coi như thần và bữa ăn đặc biệt Tết

MTĐT -  Chủ nhật, 26/01/2020 15:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mỗi dịp Tết đến – Xuân về người dân Dao Tiền bản Bương, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, Hòa Bình không thể thiếu món thịt chuột để thết đãi khách phương xa.

Đây được coi là món ăn truyền thống của bản làng. Cũng chính vì thế mà người dân bản Bương coi chuột là thần và lập miếu thờ.

Miếu thờ thần chuột của người Dao Tiền chỉ mở cửa vào những ngày lễ tết

Kiêng giết chuột ngày Tết Nguyên đán

Theo trưởng bản, nơi khó khăn nhất của huyện Đà Bắc, có lẽ không đâu vượt qua được bản Bương của xã Tân Pheo. Có một thời người dân phải ăn thịt chuột để sống qua ngày.

Đến nay, ngoài việc sống nhờ vào nương rẫy thì người dân nơi đây vẫn giữ nét văn hóa từ thời xa xưa để lại, đó là tục thờ thần chuột. Chuột được coi là ân nhân cứu mạng của cả bản làng.

Vì vậy, trong các ngày lễ, tết của người Dao Tiền (một trong các nhóm người Dao cùng với Dao Đỏ, Dao Dao Thanh Y, Dao Quần Trắng…) không thể thiếu được thịt chuột cúng ông bà tổ tiên. Và để tưởng nhớ đến “ân nhân”, người dân còn coi chuột là thần để thờ.

Không biết phong tục thờ thần chuột có từ bao giờ, người Dao Tiền chỉ biết rằng khi họ sinh ra và lớn lên đã thấy tập tục ấy.

Ông Hem (phải) kể về truyền thuyết thờ thần chuột

Với người Dao Tiền, mỗi năm có ba ngày lễ lớn bắt buộc phải có thịt chuột để thờ cúng là ngày Tết Nguyên đán, lễ cầu mùa rằm tháng 5 và lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9.

Vào những ngày này, nhà nào cũng phải có được ít nhất 3 con chuột sấy khô (tức là chuột đã được hun khói ở gác bếp) để cúng thần chuột.

Lễ cầu mùa tháng 5 của người Dao Tiền với mục đích cho chuột khỏi phá phách mùa màng của người dân và xin thần chuột phù hộ. Đặc biệt, khi làm lễ cầu mùa, chỉ người trụ cột trong gia đình mới được đặt chuột lên bàn thờ.

Người Dao Tiền quan niệm như vậy mới thể hiện được sức mạnh, khỏe khoắn của gia chủ khi đi làm ngoài ruộng hay trên nương. Còn đối với lễ ăn cơm mới, người Dao Tiền cũng làm theo hình thức như lễ cầu mùa.

Có điều, ý nghĩa của ngày ăn cơm mới này là để báo cáo với thần chuột rằng, thành quả mà “ngài” mang lại cho dân chúng, nay người dân tôi gửi tới ngài để năm sau ngài lại tiếp tục phù hộ cho được mùa.

Riêng ngày Tết Nguyên đán, ngoài các phong tục thờ cúng truyền thống, thì ở bản Bương của người Dao Tiền lại có thêm món thịt chuột để cúng ông bà tổ tiên và thờ cúng thần chuột.

Người Dao Tiền quan niệm đầu năm không ai được dùng thịt chuột tươi, nếu giết mổ chuột là điềm không lành, là mạo phạm đến thần chuột.

Do vậy, tết đến nhà nào cũng sử dụng chuột sấy khô từ trước. Thịt chuột đem cúng phải là chuột tự tay gia chủ đi bắt, không phải chuột mua ở ngoài về, thì mới thể hiện được sự thành kính.

Thịt chuột được làm sạch treo gác bếp để ăn dần của người Dao Tiền

Theo truyền thuyết của người Dao Tiền, xưa kia bản Bương này là một khu rừng hoang vắng, cây cối lau sậy mọc um tùm. Ngày đó nơi đây chưa có con người sinh sống, thay vào đó chỉ toàn là cọp beo, thú dữ.

Mãi sau mới có người Dao Tiền lên khai sinh lập địa thì lúc ấy cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ngày đầu đất đai còn hoang sơ nên người dân phải mất cả năm trời khai phá mới có thể gieo trồng được.

Trong thời gian chờ cho lúa, ngô xanh tốt người Dao Tiền chỉ còn cách vào rừng săn bắn, đốn củi bán lấy tiền đong gạo. Rồi cái đói vẫn cứ kéo dài triền miên, nhiều hôm không có thú mà săn, không còn quả để hái, họ lại phải nhịn đói.

Nhất là vào những ngày giáp hạt, người Dao Tiền ở bản Bương đói vô cùng. Họ vào rừng gặp cái gì ăn được là lấy, gặp con gì là bắt.

Ngày đó không hiểu sao vùng đất này chuột lại nhiều vô kể, không còn cái gì để bắt nữa người dân đành phải quay sang bắt chuột về ăn trừ bữa. Đối với người Dao Tiền, lúc bấy giờ chuột là nguồn thức ăn chính nuôi sống cả bản làng.

Lập miếu thờ thần chuột

Điều kỳ lạ là cả bản làng đi bắt chuột, có ngày bắt được đến cả bao, nhưng chuột không hết mà như ngày càng nhiều. Từ đó người dân nghĩ rằng đó là do thần chuột phù hộ, nên mới sinh sản ra nhiều để cứu con người. Và để tưởng nhớ tới ân nhân của mình, người dân nơi đây lập miếu thờ thần chuột.

Trước đây, miếu thờ thần chuột của người Dao Tiền rất đơn sơ, chỉ có vài viên đá được xếp thành một cái miếu rồi thờ.

Qua thời gian, khi ruộng nương của bà con quanh năm được mùa, không còn thiếu đói nữa, thì người dân bản Bương xây cho thần chuột một cái miếu đàng hoàng bằng gạch và xi măng, phía trên được lợp bằng ngói fibro xi măng kiên cố, khuôn viên còn có tường rào, cổng sắp.

Ông Lê Văn Phú – già làng ở bản Bương cho biết: “Chuột ở bản Bương này vốn sống ở trên núi cao nên việc lập miếu cũng phải dựa theo phong thủy, bắt buộc phải xây ở cuối bản, xa dân cư.

Miếu phải được đặt nơi cao nhất của bản. Cỏ cây mọc quanh miếu tuyệt đối không bao giờ được chặt phá. Người Dao Tiền quan niệm chuột hay sống ở các bụi rậm, cho nên những nơi rậm rạp ở quanh miếu cũng là nơi trú ngụ của thần chuột”.

Với người dân bản Bương, miếu thờ thần chuột rất linh thiêng, không ai được tự tiện vào trong miếu mà chỉ có trưởng bản mở cửa vào những ngày lễ tết, còn lại lúc nào cũng được khóa cổng cẩn thận.

Ông Triệu Văn Hem, Trưởng bản Bương cho biết: “Ở đây không ai dám tự tiện vào miếu chơi đâu, họ quan niệm nếu mà tự ý vào sẽ bị thần chuột đánh, không thì cũng một năm trồng trọt, chăn nuôi thất bát vì bị chuột phá phách”.

Ngoài miếu thờ chung của làng, ở trong bản nhà nào cũng có một bàn thờ riêng để thờ thần chuột. Bàn thờ này được đặt ngay bên cạnh bàn thờ của ông bà tổ tiên. Vào đêm giao thừa, khi giờ khắc sắp chuyển sang một năm mới là mỗi gia đình lại chuẩn bị hai con chuột khô đặt lên ban thờ thắp hương báo cáo tổ tiên của họ.

Sau đó, nhà nào cũng phải chuẩn bị tiếp ba con chuột khác bày lên một cái đĩa để chờ mồng 2 Tết mang ra miếu thắp hương, tế lễ. Sau khi đã tế lễ xong, nhà nào cũng xin lộc đóng góp lại cùng dân bản ăn uống vui vẻ để lấy may.

Người dân Dao Tiền quan niệm, trong lúc tế lễ ở miếu người nào mà thấy con chuột chạy qua thì năm đó thần chuột đã về phù hộ cho gia chủ. Ngược lại, ai vô tình giẫm phải chuột hoặc làm con nào bị đau thì sẽ bị thần chuột phạt.

Để muốn năm đó yên lành, người giẫm phải chuột phải làm một cái lễ gồm 9 con chuột và rượu, sau đó cả gia đình đến miếu làm lễ xin tha tội.

Đến nay ông Hem cũng không thể lý giải nổi vì sao trên địa bàn của bản Bương mình lại có nhiều chuột đến như vậy. Tuy nhiên, đối với người Dao Tiền thì loài chuột này như vô hại. Chúng không phá phách hoa màu, ruộng lúa, mà ngược lại năm nào dân bản cũng được mùa.

“Người dân bản Bương gọi chuột này là chuột rừng. Chuột rừng to lắm, nó to gấp đôi, gấp ba loại chuột bình thường. Chỉ cần bắt được hai con là đủ thức ăn một bữa cho cả gia đình năm người.

Đến nay, người Dao Tiền ở bản Bương vẫn coi chuột là một loại thực phẩm tươi sống để cải thiện trong bữa ăn hàng ngày thay cho phải vào rừng săn bắn các loại thú rừng.

Để bắt được một con chuột cũng đơn giản, chỉ cần thấy có hang, sau đó đổ nước vào khắc chuột sẽ chui lên, hoặc đốt lửa cho khói sộc vào chuột sặc khói bắt buộc phải chui ra ngoài”, ông Hem cho biết. 

Đền thờ 25.000 con chuột ở Ấn Độ

Karni Mata là một ngôi đền đầy chuột tại thành phố Deshnok, bang Rajasthan, Ấn Độ. Chuột ở đây xuất hiện thành từng đàn lên đến 25.000 con.

Chúng có mặt khắp nơi trong đền, chạy đuổi nhau ngay dưới chân du khách. Nếu không để ý, khách đến thăm rất dễ giẫm phải chuột.

Đền là nơi thờ Karni Mata, người được cho là hiện thân của nữ thần Mẹ trong đạo Hindu. Karni sống vào thế kỷ thứ 14 và từng thực hiện nhiều phép lạ trong suốt cuộc đời của mình.

Khi con trai út Kakhan chết đuối, bà đã ra lệnh cho thần chết Yama đem cậu trở về. Tuy nhiên, thần chết từ chối và Karni đã phải "ra tay".

Với quyền năng và sức mạnh của mình, Karni tuyên bố các thành viên trong gia đình sau khi chết sẽ tái sinh thành kabas (chuột). Do vậy, trong ngôi đền này, loài chuột luôn được con người tôn sùng và không bao giờ giết bỏ.

Khi bước chân vào đền, hình ảnh du khách nhìn thấy nhiều nhất chính là chuột được khách hành hương mang đồ ăn tới cho. Ngoài ra, chúng cũng được uống sữa tại đền.

Ngày nay tại thành phố Deshnok, khoảng 600 gia đình tự nhận là hậu duệ Karni Mata. Họ tin rằng, sau khi chết sẽ được nhanh chóng tái sinh thành chuột.

Theo Khánh Hưng/Đất Việt

Bạn đang đọc bài viết Nơi chuột được coi như thần và bữa ăn đặc biệt Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.