Thứ sáu, 29/03/2024 03:23 (GMT+7)

NSƯT Phượng Hằng: “Rời sân khấu, chỉ có gia đình”!

Mai Anh -  Thứ sáu, 29/01/2021 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khi ở đỉnh cao của sự nghiệp, NSƯT Phượng Hằng chấp nhận lui về hậu phương để lo cho chồng con. Chị cho rằng, đỉnh cao cần phải đạt và giữ cho bằng được của người phụ nữ VN chính là mái ấm gia đình.

- Những năm qua, chị ít xuất hiện hơn, bao nhiêu khán giả tự hỏi cô đào thương sáng giá và là nghệ sĩ có giọng ca hơi dài hay nhất nhì làng cải lương ngày ấy, giờ hát ra sao? Chị có thể chia sẻ 1 chút về cuộc sống hiện tại của mình được không?

NS Phượng Hằng: Hơn 40 năm ca hát - cuộc đời tôi rong ruổi đi hát nhiều nơi, những sân khấu hoành tráng nhất, lớn nhất hay những nơi ộp ẹp, 4 tấm ván đóng lại thành cái bục sân khấu… tôi đều đã đứng hát qua. Giờ ngẫm lại, cả đời tôi đều dành cả cho việc lưu diễn.

Hồi trẻ tôi đi hát vì kiếm tiền, kiếm danh tiếng, còn bây giờ tôi làm nghệ thuật với tâm thế vui chơi và nuôi dưỡng đam mê. Ban đêm diễn phục vụ bà con, ban ngày nếu có show diễn thì đi, không sẽ cùng mấy đứa nhỏ đi dạo vòng quanh, ra chợ ăn hàng, ngắm cảnh... Tôi không còn đặt nặng chuyện chạy show kiếm sống như ngày trước, mà chỉ nhận những show phù hợp hay có người quen giới thiệu. Cuộc sống hiện tại của tôi trôi qua nhẹ nhàng, bình yên khi vừa duy trì được đam mê vừa dành thời gian chăm sóc được chồng con.

- Các cuộc thi cải lương cũng được dịp nở rộ với loại hình gameshow mấy năm qua. Trong khi nhiều đồng nghiệp, đàn em của chị ngồi ghế nóng chấm thi rầm rộ nhưng Phượng Hằng lại ít xuất hiện. Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc về quyết định này của chị?

NS Phượng Hằng: Là nghệ sĩ, sinh ra là để được phụng sự, được gần khán giả. Tôi quan niệm khi nào tôi còn đứng được trên sân khấu, đem lời ca tiếng hát của mình đến với công chúng thì sẽ hết mình.

Tôi dân miền Tây, trước giờ có sao nói vậy. Khi quan sát người nào diễn, hay tôi khen hay, còn dở tôi sẽ điểm mặt mà chê thẳng. Những điều đó chỉ phù hợp ngoài đời thôi chứ làm sao mà mang lên sóng truyền hình? Mấy chục năm sự nghiệp, tôi không muốn chỉ vì một câu nói thật mất lòng của mình mà kéo theo bao nhiêu tranh cãi.

Hơn nữa, việc ca hát cũng chiếm hết quỹ thời gian của tôi. Mỗi tháng tôi dành trung bình 15 - 20 ngày để đi hát, những tháng cao điểm như cuối năm thì hầu như ngày nào tôi cũng đi.

- Thế hệ của chị, đoàn hát được ví như gia đình. Và có lẽ những ngày đó là ký ức đẹp khó quên trong cuộc đời nghệ thuật của chị. Đâu là kỷ niệm mà chị nhớ nhất trong những ngày theo đoàn hát?

NS Phượng Hằng: Nếu nói kỷ niệm thì nhiều lắm, có kể thì cả ngày cũng không hết được. Mỗi nơi tôi đặt chân đến đều chứa đựng những câu chuyện vui buồn lẫn lộn.

Ngày đó, đoàn hát không di chuyển quá xa, thường ở một tỉnh trong vài tháng cho đến một năm, từ huyện này qua huyện kia, xã này qua xã nọ, lưu lại 10 ngày - nửa tháng. Đôi khi đoàn đi miền Trung nhưng trúng đợt mưa lũ và không thể diễn được. Có khi, đoàn phải nằm suốt 1 tuần liền nghe tiếng mưa, gió lạnh buốt, giằng xé với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Mùa khô hạn lại là nỗi ám ảnh. Có khi chúng tôi phải tự đi gánh nước hoặc mua nước tắm rửa, sinh hoạt, chắt chiu từng gàu. Bà con ở quê quý mến nghệ sĩ lắm, họ thấy chúng tôi không hát được nên đã mang đồ ăn đến cho. Cái tình nghệ sĩ với bà con thắm thiết, nồng hậu mà chan chứa nghĩa tình.

Có những em bé chừng 8-9 tuổi thôi nhưng sống rất tình cảm. Có chén chè, nắm xôi cũng mang đến cho chúng tôi. Khi tôi hỏi "Cho cô chú thì còn đâu các con ăn?", thì các bé trả lời "Dạ không sao đâu ạ". Tôi rất xúc động trước tấm lòng của mọi người dành cho nghệ sĩ, có lẽ đó là điều mà tôi không thể nào quên được.

Điểm diễn có khi là một sân banh, cánh đồng lúa đã gặt xong, hoặc chủ đất không làm ruộng mà chỉ để cho thuê. Người dân hào hứng vì được xem mặt nghệ sĩ. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng trên sân khấu, chúng tôi cũng như bao con người bình dị, cùng nhau căng bạt, dựng rạp, dọn dẹp mọi thứ thật sạch sẽ. 

Thuở theo đoàn Nhân dân Kiên Giang, chúng tôi thường di chuyển trên những chiếc ghe bầu to. Đạo cụ sân khấu chất đầy nóc ghe, bên trong, cả đoàn mắc võng, trải chiếu nằm, giấc ngủ trôi theo tiếng nước vỗ vào mạn ghe, chòng chành theo từng con sóng. Đoạn sông nào có cầu bắc ngang, anh em hậu đài hì hục dỡ cầu để ghe đi qua, sau đó lắp lại; nơi nào cầu kiên cố thì phải neo ghe chờ nước ròng để qua. 

Những mâm cơm hội là nơi kết nối tình thân của chị em nghệ sĩ trong đoàn. Mâm cơm thường chỉ có món canh, món mặn nhưng lúc nào cũng vui với những câu chuyện phiếm không đầu, không cuối.

Niềm vui khi đi cùng đoàn hát khiến tôi không có ý nghĩ sẽ mua nhà vì nơi đây như một gia đình. Về sau tôi nhận ra, muốn ổn định thì một ngôi nhà và mái ấm là không thể thiếu. Đó cũng là lúc tôi chấm dứt những ngày tháng lênh đênh cùng đoàn hát.  

- Chị có một cuộc đời nhiều biến động từ thuở ấu thơ cho đến khi thành danh nhưng chưa hề tai tiếng. Làm sao để giữ mình được như thế, thưa chị?

NS Phượng Hằng: Với tôi, khi đã xác định lập gia đình thì mình cũng như bao người phụ nữ khác. Tôi chưa bao giờ đặt tâm thế mình là một người nghệ sĩ khi làm vợ, làm mẹ. Ở ngoài, có thể Phượng Hằng nổi tiếng đình đám, nhưng khi đã bước vào thềm nhà thì tôi bỏ hết những điều đó sau gót chân.

Tôi nghĩ vợ chồng trong một cuộc hôn nhân như một tổ chim. Trong đó, người vợ phải biết vun vén, có trách nhiệm chăm lo gia đình thì cái tổ ấm ấy mới được lâu dài. Tôi đề cao vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình.

- Ngoài sự nghiệp ca hát thành công, nhiều người còn ngưỡng mộ Phượng Hằng bởi một tổ ấm nhỏ hạnh phúc. Bí quyết nào giúp chị giữ được cuộc hôn nhân hạnh phúc với ông xã trong nhiều năm qua như vậy?

NS Phượng Hằng: Là người của công chúng, nên sô diễn nhiều và cũng khó lòng từ chối tình cảm của khán giả, nhưng từ khi lập gia đình, tôi giữ nguyên tắc là dù muộn đến mấy, diễn xong vẫn phải trở về nhà, chứ không ở lại qua đêm. Tôi may mắn khi có được ông xã thấu hiểu cho công việc vì anh cũng là người làm nghệ thuật. Mặc dù được ông xã và gia đình ủng hộ, nhưng tôi luôn ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình đối với chồng cũng như các con. Nếu ông xã đi công tác thì tôi sẽ không nhận show những ngày đó, để dành thời gian chăm lo các con cũng như quán xuyến gia đình. 

Tôi tin tưởng chồng và anh cũng hoàn toàn đặt niềm tin ở tôi. Con người không ai trọn vẹn, đã là vợ chồng thì phải hiểu và tin nhau để vượt qua mọi nghi ngờ mà vun đắp hòa khí gia đình. Hòa khí ấy có được từ sự “hiểu mình, hiểu người” và đi đến thống nhất rằng, dù công việc có thế nào cũng phải dành hai ngày cuối tuần để cha mẹ con cái có dịp gặp nhau theo nguyên tắc một người vì mọi người…

- Đến nay, giá trị quý giá nhất mà nghệ thuật cải lương đem đến cho nghệ sĩ Phượng Hằng là gì?

NS Phượng Hằng: Khi mình bước ra sân khấu mà khán giả ở dưới đông, thì đó là điều vui mừng nhất, hạnh phúc nhất. Thật sự rất buồn nếu trước mặt không có khán giả. Giá trị quý giá nhất mà cải lương đem đến cho tôi là sự yêu quý của mọi người.

- Nghệ sĩ Phượng Hằng có trăn trở gì khi hiện nay, nhiều nghệ sĩ cải lương phải làm một lúc nhiều nghề mới đủ sống?

NS Phượng Hằng: Làm nghệ sĩ, mình phải chịu vậy thôi. Như tôi bây giờ cũng vậy, tôi không còn một đoàn nào cả, nhưng nơi nào mời tôi vẫn đi ca. Tỉnh này tỉnh kia, tiệc này tiệc nọ, tôi vẫn nhận tại tôi còn yêu nghề, yêu sân khấu lắm. Hồi trước nhiều đoàn hát, các em được đi diễn đoàn này đoàn kia mới có kinh nghiệm, vững sân khấu. Bây giờ số đoàn cả lương ít dần, các em buộc phải đi làm thêm những việc khác, đó cũng là một thiệt thòi cho thế hệ trẻ ngày nay.

-Xin trân trọng cảm ơn chị               

Bạn đang đọc bài viết NSƯT Phượng Hằng: “Rời sân khấu, chỉ có gia đình”!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.