Thứ sáu, 29/03/2024 22:09 (GMT+7)

Phố báo chí Sài Gòn trước năm 1975

Trần Quân Thụy -  Thứ hai, 29/06/2020 15:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo chí trước năm 1975 rất đa dạng và hầu hết đều là báo tư nhân. Nhà phát hành cũng thế. Hai ngành nghề này gắn bó với nhau trong kinh doanh, sinh tồn.

Báo chí trước năm 1975 rất đa dạng và hầu hết đều là báo tư nhân. Nhà phát hành cũng thế. Hai ngành nghề này gắn bó với nhau trong kinh doanh, sinh tồn. Tuy nhiên, trong báo tư nhân có một số báo thân cách mạng hoặc do người của cách mạng cài vào nắm nội dung, thậm chí là báo của cách mạng như tờ Tin Văn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong một giai đoạn lịch sử báo chí trước năm 1975.

Sài Gòn trước năm 1975 có trên 30 tờ báo ngày và nhiều tuần báo, tạp chí. Đặc điểm của báo chí Sài Gòn là một tờ báo luôn gắn liền với một nhà in, có khi là nhà in của báo nhưng thường là báo in ở nhà in rồi thuê hẳn trụ sở nhà in để làm tòa soạn. 

 Báo Điện Tín là báo thân với cách mạng, do người của cách mạng như HS Ớt, tức nhà báo Huỳnh Bá Thành, Tổng biên tập Báo CATP, cán bộ điệp báo của cách mạng hoạt động nội thành nắm nội dung nên thường xuyên bị chế độ cũ tịch thu, tiêu hủy.

 Do đó một nhà in có khi tới hai, ba tờ báo “đóng đô”, nhưng thường là một tờ nhật báo đóng chung một, hai tờ tuần báo hoặc tạp chí chứ ít khi thấy hai tờ nhật báo đóng chung một nhà in vì nhật báo trước năm 1975 được xem là “đại bổn báo”. Trong danh xưng “đại bổn báo” cũng phân cấp lớn, nhỏ khác nhau và dù lớn hay nhỏ đứng đầu tòa soạn là bộ ba: Chủ nhiệm (người bỏ tiền ra làm báo, chịu trách nhiệm lo ngoại giao, cơm áo, gạo tiền), Chủ bút (Chịu trách nhiệm về chính trị), Tổng thư ký tòa soạn (Chịu trách nhiệm bài vở, điều hành tòa soạn).       

 Báo Sài Gòn Mới có số lượng phát hành lớn trước năm 1975

 Vì sự đặc thù của hoạt động báo chí nên các tòa soạn báo đều tập trung ở khu vực trung tâm quận 1, trụ sở ở mặt tiền đường lớn hình thành khu vực báo chí hay gọi theo kiểu bây giờ là “phố báo chí”. Trước năm 1975 có 3-4 “phố báo chí” trên địa bàn quận 1 mà “phố báo chí” lớn nhất thời đó phải kể tới đầu tiên là khu vực gồm các con đường Nguyễn Thái Học, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám mà chủ yếu là đường Phạm Ngũ Lão phường Phạm Ngũ Lão ngày nay. Trên đường Phạm Ngũ Lão từ ngã tư Phạm Ngũ Lão tới vòng xoay chợ Thái Bình có nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí và cả nhà xuất bản, phát hành, nhà in. Nằm trên đoạn đường Nguyễn Thái Học cắt Phạm Ngũ Lão và Trần Hưng Đạo là nhà phát hành Nam Cường gọi là Tổng phát hành Nam Cường, lớn nhất bấy giờ. Kề đó, nằm ở góc đường Phạm Ngũ Lão- Đề Thám là nhà phát hành Đồng Nai, trên lầu là tòa soạn của tờ tạp chí Tinh Hoa.     

Báo Trắng Đen từng nổi đình đám với loạt bài Công chúa Bocasa nước Trung Phi

Gần đó, nằm trên đường Phạm Ngũ Lão phía bên tay phải là nhà phát hành Sống Mới, đồng thời cũng là nhà xuất bản Sống Mới của ông Võ Văn Khoái, quy mô cũng tương đương với Nam Cường thậm chí còn là “thầy” của ông Nam Cường. Gần cuối đường Phạm Ngũ Lão số 38 cùng chiều, là nhà in Nguyễn Đình Vượng cũng là NXB Nguyễn Định Vượng nổi tiếng in đẹp vì trong lúc các nhà in khác chạy chữ đúc chì thì nhà in Nguyễn Đình Vượng chơi sang, dám chạy chữ trực tiếp không qua khâu đúc chì. Bởi nếu chạy chữ trực tiếp thì chỉ trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm nhà in lại phải thay toàn bộ dàn chữ mới. Nhà in Nguyễn Đình Vượng “nuôi” hoàn toàn tại chí Văn, một tạp chí chuyên về văn chương nổi tiếng thời bấy giờ do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, Trần Phong Giao làm Tư ký tòa soạn. Nếu tạp chí Văn chiếm lĩnh mặt bằng  phía dưới nhà (căn phòng nhỏ phía trước, ngay cửa bước vào chỉ kê được 3 cái bàn: Ông Nguyễn Đình Vượng còn có biệt danh là Vượng “già” ngồi bàn trong cùng, kế đến là bàn của ông Trần Phong Giao, sát phía ngoài cửa là bàn sửa mo-rát của “thầy cò” Gia Tuấn. Phần trong, rộng hơn là “nhà in”, đặt 2 cái máy in typo khổ giấy 1m x 1,65m.

 Báo Chính Luận, nhật báo có số lượng phát hành lớn thời bấy giờ

 Phía trên lầu, đúng hơn là một căn gác xép bằng gỗ thấp lè tè, phía ngoài ngay cầu thang gỗ ọp ẹp bước lên là chỗ sắp chữ, những kệ chữ chì sắp thành 3 dãy với dàn thợ khoảng 10-15 người do một “sếp typo” điều khiển lúc nào cũng vận quần tà lỏn, mình trần trùng trục, tay chân lấm lem, hì hụi bốc từng con chữ chì xếp vào khuôn theo những mảnh giấy bản thảo xé nhỏ do “sếp typo” giao rồi ráp lại thành một trang sách hay một trang báo trước khi giao xuống nhà in. Bên trong căn gác ọp ẹp là kho chứa báo cũ chất cao nghệu lên tận trần nhà, khoảng trống duy nhất giữa căn gác là “tòa soạn” Tuần báo Tuổi Ngọc, một tờ tuần báo nổi tiếng dành cho Tuổi mới lớn do Duyên Anh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường làm Thư ký tòa soạn, Nguyễn Mai rồi Phạm Chu Sa sửa mo-rát, Đặng Xuân Côn phụ trách trị sự. Cả tờ tuần báo phát hành thời cực thịnh 8.000 số báo/kỳ do nhà phát hành Sống Mới phát hành mà chỉ có chừng ấy người và một “trụ sở” khoảng 4m2 kê vừa đủ 1 cái bàn 1,2 m và 1 cái bàn tròn cho 4 người thay phiên nhau ngồi. Tòa soạn tạp chí Văn còn cực kỳ đơn giản hơn, chỉ có 3 người ngồi thường trực và ông biên tập Nguyễn Đình Toàn ngồi… lưu động ké với tòa soạn Tuổi Ngọc khi có chỗ trống.

 Báo dành cho thiếu nhi trước năm 1975

 Nằm bên tay trái đường Phạm Ngũ Lão có một nhà in lớn là nhà in Alpha đồng thời cũng là nhà xuất bản loạt sách giáo khoa “túi khôn nhân loại” của ông Lý Thái Thuận và mấy nhà in lớn, nhỏ nữa, tất nhiên đóng chung với mấy nhà in này là một số nhật báo, tuần báo, tạp chí. Tôi nhớ bên dãy này có tờ nhật báo Hòa Bình của LM Trần Du với ê kíp của Anh Quân làm Tổng thư ký tòa soạn nổi tiếng với câu chuyện hư cấu ly kỳ “Con ma vú dài” của phóng viên Nguyễn Hoàng Đoan, chồng của ca sĩ Khánh Ly (Nguyễn Hoàng Đoan đã mất còn ca sĩ Khánh Ly hiện giờ ở Mỹ). Kế đó là tòa soạn  nhật báo Sài Gòn Mới của Bà Bút Trà, một nhật báo lớn thời bây giờ từng khai thác câu chuyện ly kỳ “Con khỉ Cà Mau”, báo bán đắt như tôm tươi. Kế đó nữa là trụ sở của tuần báo Màn Ảnh, tạp chí Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ, tuần báo Nghệ Thuật của Mai Thảo, Viên Linh tàm Tổng thư ký tòa soạn, tạp chí Thời Nay của Nguyễn Hữu Thái, tạp chí Chính Đạo của Nguyễn Mạnh Côn, tuần báo Con Ong của Minh “vồ”, trong số này chỉ có tòa soạn tạp chí Phổ Thông và Thời Nay là ra vẻ một “cơ ngơi”, còn các tòa soạn báo khác đều là ở ké với nhà in.

Một “phố báo chí” khác nằm trên đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi bây giờ) đầu tiên phải kể đến là tờ nhật báo Chính Luận, rồi kế đó là Quyết Tiến, Độc Lập, Sóng Thần… đặc biệt tờ nhật báo Điện Tín nằm bên trái đường Võ Tánh do một dân biểu chế độ cũ làm chủ nhiệm nhưng lại do Huỳnh Bá Thành tức họa sĩ Ớt làm Tổng thư ký tòa soạn, một cán bộ điệp báo của ta hoạt động nội thành được cài vào nên trở thành nhật báo đối lập, liên tục bị tịch thu trắng và sau đó thì phải đóng cửa. Chếch lên hướng Bùi Thị Xuân-Tôn Thất Tùng bây giờ  là tòa soạn báo Trắng Đen nổi tiếng với “vụ án” Bocasa Tổng thống một nước Trung Phi có đứa con gái rơi tại Việt Nam, nhờ vụ án này mà báo Trắng đen bán rất chạy, và trước đó nữa là thiên phóng sự hư cấu ly kỳ, kích dục “Cậu chó” của nhà báo Tô Văn biệt danh là ‘Mông Thẩm Thúy Hằng” vì đầu của nhà báo này bị hói nặng, trán nhẵn thín, láng bóng được ví như…. mông của nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng.

Một “phố báo chí” khác nằm ở khu vực đường Gia Long (Lý Tự Trọng bây giờ) và đường Thủ Khoa Huân là tờ nhật báo Sống của Chu Tử nằm chung với nhà in Tường Anh phía dưới góc Gia Long-Thủ Khoa Huân, kế đó là nhật báo Tiếng Chuông, báo Tin Sáng. Rồi tờ Bút Thép nằm ở góc đường Thủ Khoa Huân-Nguyễn Du cũng là một trong những tờ nhật báo lớn thời bấy giờ. Xuống dưới chút nữa gần chợ Bến Thành nằm trên đường Nguyễn An Ninh là nhật báo Công Luận  của tướng “võ biền” Tôn Thất Đính lúc đó là chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ Nghị viện, có nhà in Minh Châu ở tầng trệt được xem là “tòa soạn” đẹp, hiện đại nhất thời bấy giờ trong làng báo.

So với báo chí Cách Mạng Việt Nam sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, báo chí thời trước cả về cơ ngơi vật chất, nhân sự, lẫn tầm hoạt động không thể sánh bằng. Số lượng báo phát hành do tình trạng chia cắt, chiến sự xảy ra liên miên nên tầm “phủ sóng” cũng chỉ ở Sài Gòn, một số tỉnh miền Trung, miền Tây nên cũng kém xa bây giờ. Nhật báo Sống của Chu Tử thời cực thịnh cũng chỉ có 200.000 tờ/ngày, tuần báo Tuổi Ngọc 8.000 tờ/kỳ, tạp chí Văn 4.000-6.000 tờ/kỳ. Ngay như nhật báo Điện Tín do người của ta nắm nội dung, có những bài viết và chủ trương chống chế độ cũ công khai, được dân Sài Gòn ủng hộ, số lượng phát hành tương đương nhật báo Sống, vào khoảng 180.000 tờ/ngày. Báo Điện Tín do bị chế độ cũ tịch thu gần như liên tục nên báo tới được tay người dân rất ít.

Bạn đang đọc bài viết Phố báo chí Sài Gòn trước năm 1975. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới