Thứ sáu, 19/04/2024 11:09 (GMT+7)

Ra mắt bộ sách quý “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

Hồng Anh -  Thứ sáu, 24/04/2020 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 24/4, tại Hà Nội, đã diễn ra chương trình giới thiệu bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” là tập hợp những tác phẩm nhật ký nổi tiếng nhất tại chiến trường của những người lính năm xưa.

Bìa của một tập sách trong bộ "Nhật ký thời chiến Việt Nam"

Bộ sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và Câu lạc bộ “Trái tim người lính” tổ chức xuất bản nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020).

Tham dự và chủ trì sự kiện có : Nhà văn,cựu chiến binh Đặng Vương Hưng là chủ biên của bộ sách; Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam , Nhà báo, cựu chiến binh Ngô Văn Học, bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch Quỹ Mãi Mãi tuổi 20, TS.LS Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là đơn vị tổ chức chương trình;cùng một số cựu chiến binh là các nhân chứng lịch sử đã từng tham gia chiến trường. Ngoài ra còn có sự tham dự của nhiều đơn vị báo đài đưa tin.

Các cựu chiến binh chụp hình cùng ban tổ chức

Tại buổi giới thiệu sách, các cựu chiến binh đã cùng ôn lại và chia sẻ những kỷ niệm xúc động xảy ra trên chiến trường năm xưa. Những câu chuyện về tình yêu bị chia cách bởi chiến tranh, những lá thư tình dạt dào cảm xúc nhưng không thể trao đến tay người nhận, những sự hi sinh đầy đau thương của người lính,…Cũng tại chương trình, các cựu chiến binh đã giới thiệu những tài liệu quý là một số cuốn nhật ký gốc được viết bằng tay của những người lính năm xưa. Những trang nhật ký đã cũ mòn chứa chan tâm tư, khát khao hoà bình và mong muốn được trở về nhà đoàn tụ với gia đình của những người lính tham gia mặt trận.

Các cựu chiến binh ôn lại những kỷ niệm xưa

Bộ sách “Nhật ký thời chiến” gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang với 30 tác phẩm của 30 tác giả. Không chỉ có nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, mà còn có hàng chục cuốn nhật ký chiến trường khác như Gửi lại mai sau của Nguyễn Hải Trường (liệt sỹ Công an nhân dân Vũ trang Nguyễn Minh Sơn), những trang viết của các văn nghệ sỹ nổi tiếng: Nhật ký chiến tranh của anh hùng, nhà văn, liệt sỹ Chu Cẩm Phong; Nhật ký chiến trường của liệt sỹ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; Những ngày trong vòng vây của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; Nhật ký vượt Trường Sơn của Tiến sỹ Phạm Quang Nghị, Nhật ký Bê trọc của nhà văn, TS. Phạm Việt Long...

Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều anh chị đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật vô cùng thiêng liêng.

Một số cuốn nhật ký gốc có chữ viết tay của những người lính năm xưa.

Nói về khó khăn trong quá trình hoàn thành bộ sách này, nhà văn, cựu chiến binh Đăng Vương Hưng (chủ biên của bộ sách) chia sẻ, trong thời kỳ chiến tranh có rất nhiều người lính viết nhật ký bởi lúc bấy giờ đây là hình thức duy nhất để họ có thể giải toả căng thẳng và trải lòng mình. Nhưng do người Việt chúng ta vốn không có truyền thống lưu trữ nên qua năm tháng đến hiện tại còn rất hiếm những cuốn nhật ký thời chiến được lưu giữ lại. Để hoàn thành được bộ sách này, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự đã bỏ ra nhiều tâm huyết do gặp phải rất nhiều khó khăn. Như việc tìm kiếm, tập hợp các trang nhật ký, có những trang nhật ký đã quá cũ cần phục hồi lại, một số tác giả viết đôi chỗ có sai chính tả hoặc cách hành văn thời đó không giống như bây giờ nên ban biên soạn mất rất nhiều thời gian để biên soạn, điều chỉnh sao cho phù hợp mà vẫn tôn trọng tối đa bản gốc. Chính vì vậy, phải mất tới 16 năm cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự mới có thể hoàn thành công trình tâm huyết này.

Tại buổi ra mắt sách, nhà báo Trần Mai Hạnh - nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam đã bày tỏ niềm vinh dự khi được tham gia góp phần tạo nên công trình đồ sộ này cũng như mong muốn bộ sách có thể được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành ở nước ngoài như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm hay Mãi mãi tuổi 20.

Những dòng nhật ký của chính những người lính viết ngay tại chiến trường giữa bom đạn và cận kề cái chết, họ tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi không phải đánh trận để viết ra những tâm tư của mình. Chính vì vậy, nhật ký thời chiến chính là những mô tả chân thật và cảm xúc nhất về một thời kỳ chiến tranh loạn lạc. Có thể nói bộ sách “Nhật ký thời chiến” là công trình văn học quý giá, mang ý nghĩa to lớn. Bộ sách như một tượng đài di sản phi vật thể, mà các anh hùng - liệt sỹ, cựu chiến binh đã để lại cho thế hệ sau./.

Bạn đang đọc bài viết Ra mắt bộ sách quý “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?