Thứ sáu, 29/03/2024 01:04 (GMT+7)

Tết cổ truyền ở “Đất phương Nam”

Mỹ Ánh -  Thứ năm, 06/02/2020 10:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tháng Chạp, tháng khép lại công việc đồng áng, kết thúc thu hoạch vụ mùa của nông dân Nam bộ để rộn ràng chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền.

Không khí Tết đã theo chân người Nam bộ từ những buổi cuối vụ lúa đông xuân, từ những bầy vịt chạy đồng náo nhiệt được thu gom, giao bán tất bật trong nắng ấm. Rồi theo thông lệ tự ngàn xưa, người dân Nam Bộ cũng đón Tết Nguyên đán như mọi miền trên đất nước nhưng lại có những nét riêng rất đặc thù.

Tràn ngập sắc hoa trong buổi chợ Xuân

Các chợ phiên miền quê ngay từ đầu tháng Chạp đã rộn ràng khởi sắc. Những ngày giáp Tết không khí mua sắm, bán buôn vụt trở nên đông đúc, náo nhiệt khác thường. Và, năm nào cũng thế hàng hóa trao tay vẫn là những sản phẩm truyền thống như thịt heo, dưa, hành, củ kiệu, nếp, gạo,v.v…Cho dù năm nay những cơn mưa bão thất thường và tai hại đã gây khó khăn  không ít cho nhiều người, nhiều ngành trong lãnh vực  nông nghiệp, Những mặt hàng chủ yếu dành cho Tết cổ truyền (thịt các loại, gia súc, gia cầm, gạo, nếp…) vẫn dồi dào, chất lượng. Bên cạnh, mứt, bánh, bia rượu là những mặt hàng không thể thiếu, cùng góp mặt cho mọi chợ phiên, chợ điểm, các khu tập trung cung ứng nhu yếu phẩm, hàng hóa của từng quận, huyện, phường xã…cũng rộn rang khai trương. Mua hoa và trang trí hoa trong nhà để đón xuân không những tùy thuộc vào sở thích từng người mà còn là thể hiện phong cách sống của chủ nhân gia đình. Một nhành mai cắm vào bình hay một chậu mai, vài chậu cây cảnh cũng tạo nên sắc xuân cho năm mới

 Người Nam Bộ quan niệm trong ba ngày tết, nếu nhà nào hoa mai nở rộ là báo hiệu điềm may suốt năm cho cả gia đình, mở đầu cho một năm dồi dào phúc, tài, lộc. Tại các gian hàng trưng bày hoa, bên cạnh hoa mai là những chậu tắc sum suê trái chín. Trái tắc còn có tên là trái “hạnh” đồng nghĩa với hạnh phúc cho từng người, từng nhà. Nhờ sự chăm sóc cần mẫn, công phu, tài hoa, chậu tắc không những đầy ắp trái chen chúc nhau mà còn tạo thêm hình dáng trông thật bắt mắt. Chợ hoa xuân Nam Bộ còn khoe ngàn hương sắc với mãn đường hồng, hướng dương, vạn thọ, cúc và các loại trái cây dạng kiểng… Có thể nói cúc các loại, vạn thọ là những loài hoa bình dân nhưng lại là loại được ưa chuộng nhất ở Nam bộ. Người người mua cúc, nhà nhà mua cúc, thọ. Cho dù đã có những chậu, những cây mai từ vài triệu đồng đến mấy chục, thậm chí mấy trăm triệu đồng, những người dân Nam bộ giàu có, ăn nên làm ra vẫn bê về nhà, đặt cả chục bụi vạn thọ và cúc nằm đây đó, bên những cây mai, cây đào kiêu hãnh, bình dị, nhưng rất gần gũi với truyền thống từ thời cha ông khai hoang, mở cõi.

 Để đón Tết thật ung dung, từ tháng 12 nhà nào cũng lo sửa sang nhà cửa, trang trí lại bàn thờ tổ tiên. Đó là công việc trọng đại, bất di bất dịch. Tiếp theo là việc mua sắm quần áo, giày dép. Chuẩn bị đầy đủ các món hàng nếp gạo, thịt heo, bánh mứt, rượu bia… Tới chiều tối 23-12 âm lịch, mọi nhà cúng “đưa ông Táo về trời”, lễ vật cúng gồm: bánh mứt, thèo lèo, xôi chè, hoa quả, và không thể thiếu những bình vạn thọ, cúc vàng. Sau một năm, ông Táo sẽ về trời trình báo mọi chuyện về nhà cửa, gia cảnh, nhân thân chủ nhà và những người thân. Ngày 24 và 25 nhà nhà đi tảo mộ. Những ngôi mộ thuộc dòng tộc được sửa sang, làm mới, đặt hoa, thắp hương, cầu nguyện. Đặc biệt nhất vẫn là hoạt động của Lân, Sư, Rồng. Từ đầu tháng Chạp, các nhà giàu, những công ty, chủ doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp không ngại túi tiền, đặt hàng các đoàn lân, sư, rồng đến múa “lấy hên”, mong năm hết tết đến hanh thông buôn bán, vạn sự tốt lành. Các đoàn Lân qui mô đã đành có nhiều show đặt hàng, làm ăn khấm khá. Các nhóm lân nhỏ, ngay cả vài cậu bé với con lân non mười mét vẫn được các tiểu thương, các nhà hàng, quán ăn mời về, tung xòe, nhộn nhịp. Chiều 30 Tết, công việc bánh trái hoàn tất. Bàn thờ tổ tiên có cặp dưa hấu, vài cặp bánh tét, cặp rượu, mâm ngũ quả gồm mảng cầu, dừa xiêm, đu đủ xanh, xoài, thơm và vài chùm sung mà tên của chúng ghép lại là một điều ước lành cho cả năm “cầu vừa, đủ, xài, sung túc, thơm tho” .

Phút giao thừa đêm 30 Tết.

Chiều 30, gia đình tề tựu đông đủ cúng lễ “rước ông bà”. Sau mấy tuần nhang, mâm cơm cúng được dọn xuống, mọi người cùng ăn uống trò chuyện và điểm lại quá trình  công việc của năm đã qua. Đây cũng là lúc họ tộc tề tựu ăn uống, thăm hỏi, khuyên nhủ động viên nhau và hẹn gặp nhau trong 3 ngày tết chính. Đêm giao thừa, mọi gia đình bày bàn thờ tổ tiên gồm các loại trái cây, bánh mứt cùng bàn thờ “Thiên” trước sân nhà. Sau lễ cúng giao thừa, mọi người nô nức tới chùa lễ Phật và xin lộc đầu năm…

Ba ngày tết là ba ngày thăm viếng, chúc tụng nhau. Ba ngày ăn uống, vui chơi thả cửa, không còn gìn giữ. Nhậu phải say, ăn phải no. Tất nhiên có không ít người vui tết thái quá đưa đến tai hại vì rượu bia, thuốc, cờ bạc. Nhưng đó không phải là truyền thống và cũng không là số đông những người dân Nam bộ chân chất, hiền hòa. Tết ở Nam Bộ, các trò chơi dân gian được tổ chức thu hút một lượng lớn người đủ mọi lứa tuổi, thành phần cùng tham gia. Chọi gà, múa lân, thi chim, cá, cảnh, cờ tướng, câu đối, thư  pháp… là những bộ môn truyền thống, luôn được mọi ngưới reo hò, tham gia, tán thưởng…Thanh thiếu niên và trẻ con rất thích những ngày này, được tự do vui chơi, được người lớn lì xì, được mang áo mới dạo chơi khắp nơi thỏa thích. Riêng người lớn thì cũng liệu ngày, tính tháng để có kế hoạch làm ăn trong cả năm.  Ba ngày Tết đi qua thật nhanh. Chiều mùng 3, nhà nhà trang trọng lập mâm cơm đưa ông bà về trời. Mọi người quây quần cúng bái, cầu nguyện trong không khí thiêng liêng. Đó cũng là bữa cơm chấm dứt ba ngày Tết cổ truyền. Giàu nghèo, sang hèn, người dân Nam bộ vẫn luôn giữ truyền thống tốt đẹp tự ngàn xưa trong việc tưởng nhớ và gìn giữ công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.                                                                                                                                          

Bạn đang đọc bài viết Tết cổ truyền ở “Đất phương Nam”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.