Thứ năm, 28/03/2024 23:01 (GMT+7)

Tháp Tường Long, quận Đồ Sơn: Điểm đến của du lịch tâm linh

Đồng Văn Nam -  Thứ tư, 17/03/2021 08:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa ban hành Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 16/3/2021 công nhận Tháp Tường Long, quận Đồ Sơn là điểm du lịch

Được xây dựng trên đỉnh Ngọc Sơn, tháp Tường Long có dáng vẻ như cây bút đang vẽ lên nền trời xanh và biển rộng. Qua thư tịch cổ và những vết tích còn lại, tháp Tường Long gần như là khu tượng hùng vĩ về dấu tích nhà Phật, một trạm quan sát tiền tiêu và là hành cung của nhà Vua ở miền biển Đông Bắc của Quốc gia Đại Việt

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa ban hành Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 16/3/2021 công nhận Tháp Tường Long, quận Đồ Sơn là điểm du lịch, đây không chỉ là tin vui với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Đồ Sơn mà còn là niềm vui, niềm tự hào của người dân thành phố Cảng, vào thời điểm diễn ra các sự kiện du lịch của đất nước và Thành phố: Năm Du lịch Quốc gia 2021 với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2021 với chủ đề “Hải Phòng - Điểm đến thành công” và Liên hoan du lịch Đồ Sơn 2021 với chủ đề “Sắc màu của biển” chào mừng những ngày lễ lớn trong năm và kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2021).

Tháp Tường Long quận Đồ Sơn vừa được công nhận là điểm du lịch

Theo sách "Đại Việt sử lược" thì năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau ngài nằm mộng thấy rồng vàng bèn ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là "Thấy rồng vàng hiện lên" để ghi nhớ điềm lành.

Theo tài liệu nghiên cứu của Nhà sử học Ngô Đăng Lợi thì “Ngọc Long Sơn hay Vân Sơn, Tháp Sơn. Dân quen gọi núi Tháp, Mẫu Sơn - núi mẹ - cao nhất: 172m, còn gọi núi Chòi Mòng, xuất xứ của tên Chòi Mòng vì thời phong kiến cho đặt trạm tiền tiêu, khi có giặc ngoại xâm thì báo hiệu bằng cách ban đêm đốt lửa làm hiệu để chuẩn bị đối phó Chòi Mòng, Đồ Sơn là dấu tích còn sót của hệ thống thông tin thời xưa. Khi xưa, có thể nơi đây còn là một đài quan sát nằm trong hệ thống "truyền đăng". Mỗi khi có biến, các trạm quan sát ven biển liền đốt cỏ khô cho khói bay lên trời, truyền tín hiệu báo động về kinh thành”.

Qua những di vật còn lại thì thấy rằng tháp Tường Long được xây cùng thời với Tháp Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long. Theo Đại Nam nhất thống chí", tháp cũ Đồ sơn cao 100 thước, dựng trên một khu đất rộng 1000m2, có 9 tầng, cửa mở ra hướng tây. Một thước ta dài 0,45m, như vậy tháp cao khoảng 45m, lại đặt trên ngọn núi cách mặt biển 100m nên ngọn tháp này thuộc loại cao nhất so với các tháp ở Việt Nam thời bấy giờ. Tháp Tường Long nhiều lần được tu tạo và khôi phục trong triều Trần và triều Lê, nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn đã cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương. Điều này chứng tỏ tháp Tường Long xưa vô cùng qui mô, bề thế.
Được phát hiện từ những năm 1978, sau hơn 40 năm lưu giữ, nay tòa tháp thời Lý ở Đồ Sơn được mô phỏng, phục dựng cùng những cổ vật nghìn năm tuổi được trưng bày đã thu hút hàng vạn du khách tới chiêm ngưỡng.

Điêu khắc đá trong chùa Tháp Tường Long

Khu trưng bày hố khảo cổ tại tháp Tường Long

Những cổ vật với tuổi đời nghìn năm nay được đặt trưng bày tại nhà che cổ vật và trở thành điểm nhấn đặc biệt thu hút hàng vạn khách du lịch tới chiêm ngưỡng mỗi năm

Ngày 16/11/2005, Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 65/2005/QĐ-BVHTT xếp hạng di tích Quốc gia: Di tích khảo cổ - Phế tích Tháp Tường Long.
Năm 2010 nhân kỷ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã cho khởi công xây dựng lại hệ thống tháp Tường Long đúng như nguyên mẫu. Sau 7 năm thi công, tháp Tường Long được phỏng dựng với 9 tầng, cao 37,14m. Việc phỏng dựng, bảo tồn, tôn tạo tháp Tường Long góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân ở trong và ngoài nước, đồng thời lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

Ảnh chụp Tháp Tường Long thời điểm đang triển khai thi công xây dựng

Bức tượng phật ngọc A Di Đà được đặt ở tầng 1 của tháp Tường Long hiện nay cũng được làm theo đúng nguyên mẫu bức tượng phật ngọc A Di Đà ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) với chiều cao 1,86m

Theo quan niệm của Phật giáo: Tháp là biểu tượng cho tâm hồn cao thượng, rộng lớn, từ bi, trí tuệ, soi sáng khai tâm mở trí cho nhân loại, ở đâu có Tháp là thể hiện quốc thái dân an, quốc gia hưng thịnh, đất nước thái bình, trong kinh Pháp Hoa có nói đến Tháp Đa Bảo có nghĩa là “nhiều của báu”.

Ở Việt Nam đạo Phật du nhập vào nước ta đến nay đã trên 20 thế kỷ, xuyên suốt từ thời kỷ mở nền tự chủ cho nước nhà thời Tiền Lý cho đến ngày nay, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc phấn đấu cho một nước Việt Nam hùng cường, độc lập, tự chủ. Thế kỷ XI thời đại Nhà Lý (1010 - 1225) đạo Phật Việt Nam đã phát triển hưng thịnh. Phật giáo được tôn vinh là Quốc đạo, các vị vua đã cho tu sửa và xây dựng nhiều Chùa, Tháp để thờ Phật, lấy giáo lý Đạo Phật để dạy Nhân dân hành “Thập thiện”, Tháp Báo Thiên xưa ở kinh thành Thăng Long xưa thường là nơi để Vua hành lễ cầu Quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa.

Cùng với Tháp Tường Long, Chùa Tháp cũng được quan tâm trùng tu, đầu tư xây dựng, mở rộng khuôn viên bằng nhiều nguồn vốn, ngân sách, huy động đóng góp của các nhà hảo tâm, Nhân dân, du khách thập phương.

Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có tâm huyết quan tâm tiếp tục đầu tư những công trình như: Phỏng dựng cảnh Vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật ra đời), Vườn Lộc Uyển (nới Đức Phật giảng pháp), Cây Bồ Đề (nơi Đức Phật giảng đạo)…Như vậy, sẽ tạo nên một chuỗi các công trình Phật giáo tâm linh tại khu quần thể Tháp Tường Long - Chùa Tháp.

Trong tương lai du lịch Đồ Sơn không chỉ là một khu nghỉ với nhiều bãi biển, phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình với núi cao, biển rộng mà còn là điểm du lịch “Về miền di sản” nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, điểm đến của du lịch tâm linh như: quần thể Tháp Tường Long - Chùa Tháp, Chùa Hang, Đền Bà Đế, Đền thờ Nam Hải thần Vương, Đền Cô Chín…

Cho đến nay, cùng với Tháp Tường Long, quận Đồ Sơn có 3 điểm nữa là: Bãi tắm tự nhiên khu II, Biệt thự Bảo Đại, Đảo Hòn Dấu đã được công nhận là điểm du lịch và quần thể cây được công nhận là cây di sản như: quần thể cây Đa búp đỏ trên đảo Hòn Dấu, phường Vạn Hương và Rặng thị cổ có tuổi đời trên 700 năm tại phường Ngọc Xuyên.

Bạn đang đọc bài viết Tháp Tường Long, quận Đồ Sơn: Điểm đến của du lịch tâm linh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.