Thứ bảy, 20/04/2024 06:27 (GMT+7)

Vòng sơ khảo cuộc thi sáng tác thơ Tổ quốc và Đạo pháp 2012 - 2018

MTĐT -  Thứ ba, 21/08/2018 08:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cuộc thi “Tổ quốc và Đạo Pháp” đã tròn 6 năm có lẻ. Cuộc thi đã thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo tác giả và người yêu thơ Lục bát trong và ngoài nước.

Kể từ ngày Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam kí các văn bản đồng ý bảo trợ cho Website Lục Bát Việt Nam và Nhà tổ chức sự kiện Cty QC Báo chí - Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác Thơ Lục bát mang tên “Tổ quốc và Đạo Pháp” đã tròn 6 năm có lẻ. Cuộc thi đã thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo tác giả và người yêu thơ Lục bát trong và ngoài nước. Hàng ngàn bài thơ và hàng trăm tác giả gửi bài dự thi mỗi năm đã nói lên điều đó.

Với 22 giải “Trăng vàng” và 34 giải “Trăng bạc” được trao các tác giả sau 5 lần tổng kết là một tiến trình “đãi cát tìm vảng” để Cuộc thi tiếp tục lộ trình tổng kết và trao giải “Trăng vàng”, “Trăng bạc” năm Mậu Tuất - 2018 và đặc biệt làm căn cứ để lựa chọn tác giả, tác phẩm tiêu biểu trao giải “Kim Cương” cho cả cuộc thi.

Rõ ràng đây là một thử thách đối với Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi. Vì thế, trước khi công bố kết quả vòng sơ khảo năm nay, chúng tôi xin có đôi điều để độc giả có điều kiện cùng tham gia công việc giám khảo cuộc thi.

1. Về tác giả, tác phẩm dự thi:
* Về số lượng: Cũng như năm trước, năm Mậu Tuất số lượng tác giả, tác phẩm gửi về dự thi có phần sụt giảm so với những năm đầu; tuy nhiên con số trên 200 tác giả với khoảng 1200 bài dự thi cũng là điều đáng quý.

Đa số tác giả là người trong nước, nhưng cũng có một số tác giả đang sinh sống ở nước ngoài, chẳng hạn như các tác giả: Khoa Dao (U.S.A), Bùi Tiến Hảo (Sovakia), Anh Van (U.S.A)... Bên cạnh nhiều tác giả nhiệt tình gửi bài tham gia cả 6 năm, chẳng hạn như các tác giả: Ninh Đức Hậu (Ninh Bình), Nguyễn Ngọc Hưng (Quảng Ngãi), Nguyễn Tiến Bình (Hà Nội), Nguyễn Phi Diếu (Vũng Tàu), Trần Đình Thư (Vũng Tàu), v.v... năm nay cũng xuất hiện nhiều gương mặt lần đầu tham gia cuộc thi như các tác giả: Đàm Quyên (Bắc Ninh), Huỳnh Phúc Hậu (TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Ngọc (Nghệ An), Nguyễn Văn Song (Hưng Yên).v.v...

Điều không thể không nói, là hầu hết các tác giả đều gửi bài dự thi theo thể lệ cuộc thi. Tuy nhiên, một số tác giả chắc do không nắm rõ thời gian nhận bài của mỗi năm nên có tình trạng có tác giả gửi liền hai chùm trong khoảng thời gian từ sau ngày tổng kết và trao giải năm Đinh Dậu; hoặc có tác giả gửi bài từ trước ngày 31/7/2017 nhưng chưa được đăng... Vì năm nay là năm cuối, vừa đảm bảo mỗi tác giả 6 bài/ năm, vừa để tránh thiệt thòi cho tác giả, chúng tôi vẫn giới thiệu các tác phẩm đủ tiêu chí chưa được đăng, vì thế có tác giả có 2 chùm trong một khoảng thời gian tương đối gần nhau.

Ngoài 27 chùm thơ dự thi đủ tiêu chí đã đăng trên chuyên mục “Văn hóa tâm linh” của Website lucbat.vn (từ chùm số 197 đến chùm số 223), chúng tôi còn nhận được 02 chuyện thơ dài của các tác giả Lê Văn Đức (Quảng Bình), Nguyễn Tuấn Tú (Hà Nội). Đây là những chuyện kể bằng thơ Lục bát, có nội dung tư tưởng... chứng tỏ sự đam mê và khả năng sáng tạo của các tác giả. Tuy nhiên hai tác phẩm này chưa được giới thiệu với bạn đọc. Chúng tôi sẽ xin ý kiến Ban tổ chức, nếu được sẽ tiếp tục giới thiệu trong thời gian tới.

* Về nội dung, hầu hết các tác phẩm đều đảm bảo tiêu chí cuộc thi; không vi phạm pháp luật, không đi ngược lại đường lối tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, không làm ảnh hưởng tới truyền thống đạo đức, văn hóa và đoàn kết dân tộc. Đại bộ phận các tác phẩm đều phản ánh những giá trị căn bản về Quê hương, Đất nước, Con người, Đạo pháp và Phật sự; văn hoá truyền thống của dân tộc ta xưa và nay; tình yêu thiên nhiên và lứa đôi; tình cảm gia đình và cộng đồng xã hội…

Nhưng tập trung nhất vẫn là viết về thân phận con người (Gánh hàng rong - Nguyễn Đức; Chị tôi - Ninh Đức Hậu, Gọi cha - Trần Kế Hoàn, Một cuộc đời - Nguyễn Thị Thúy Ngoan, Mẹ tôi xưa - Lê Phương, Chị ơi tháng bảy rồi - Nguyễn Văn Song...); Không ít tác giả dành sự quan tâm cho đề tài an ninh biên giới, biển đảo (Viết từ Vị Xuyên - Nguyễn Quỳnh Anh, Sáu mươi tư vầng trăng khuyết - Ninh Đức Hậu, Chủ quyền - Lê Hòa, Hoàng Sa trong trái tim mình - Nguyễn Ngọc Hưng...); Cũng nhiều tác giả chú trọng tới đề tài Đạo pháp (Đến chùa ta mới là ta - Nguyễn Chí Anh, Phật ở trí, ở tâm mỗi người - Bùi Xuân Khang, Thiền môn - Huỳnh Phúc Hậu, Lên Yên Tử lễ chùa Đồng - Trần Mạnh Tuân...).v.v... Thực ra, việc xác định tính độc lập giữa hai mảng đề tài “Tổ quốc” và “Đạo pháp” trong cuộc thi này chỉ là tương đối. Bởi những giá trị tốt đẹp của xã hội tiến bộ đều được Đạo và Đời hướng tới.
Có thể nói do chủ đề của cuộc thi là “Tổ quốc và Đạo pháp” nên đề tài khá phong phú, các tác giả có nhiều điều để nói, để viết. Ngay cả cái điều “chưa được” hay những biến đổi trong cuộc sống thường ngày, cũng được các tác giả thể hiện khiến người đọc không khỏi day dứt: (Đến thằng rơm cũng phất cờ - Nguyễn Ngọc Hưng, Nhớ xưa - Dương Đoàn Trọng...)

* Về hình thức sáng tạo, nhiều tác giả đã dụng công tìm tòi trong sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh... để cho ý thơ vượt ra ngoài khuôn khổ gò bó của thể thơ Lục bát truyền thống, định hình giọng Thơ Lục bát của riêng mình.

Sáu mươi tư trái tim hồng
Chênh vênh đảo nhỏ Biển Đông một ngày
Lá cờ Tổ quốc trong tay
Gạc Ma máu đổ hồn bay lên trời.
(Sáu mươi tư vầng trăng khuyết - Ninh Đức Hậu).

Hay:

Thanh thanh cái sợi se tơ
Guồng lên đất cũ xác xơ ruộng cày
Nhám quê rón lại tro gầy
Một đôi tay cũng chắt đầy ca dao.
(Ca dao trong tiếng mẹ ru - Nguyễn Đức Hậu).


Hoặc tự nhiên, dung dị mà gây được ấn tượng cho người đọc:

Bước vào Tam Bảo ngại ngần
Lời văn sám hối con cầm trong tay
Chỉ khi đến với chốn này
Tự mình đối Phật mới hay thấp hèn.
(Đến chùa ta mới là ta - Nguyễn Chí Anh).

Nhưng cũng không ít tác giả sử dụng thủ pháp chấm câu, lên xuống dòng... có chủ ý mà có người gọi là “Lục bát chẻ” vẫn gây được hiệu quả nhất định.

Hồn nhiên nở nụ cười mơ
Con nào biết mẹ khóc mờ chiêm bao
Nửa đời góa bụa
Gầy hao
Năm canh vò võ
Trăng nào ngủ yên?
(Giá như đổi được... mẹ ơi - Nguyễn Ngọc Hưng).

Mồ hôi. Quệt. Đẫm áo nhàu
Bả vai oằn giữa hai đầu giấc mơ
Mái tôn phòng trọ dật dờ
Co mình dấu hỏi. Chị chờ ngày lên.
(Quảy phố - Lê Hòa).

2. Về hoạt động của Ban sơ khảo năm Mậu Tuất - 2018:
Thật may mắn và cũng khó khăn cho anh em chúng tôi (Đỗ Trọng Khơi, Đinh Thường, Trương Nam Chi và Chử Thu Hằng...) - Những người thường xuyên theo sát cuộc thi, lại được Ban tổ chức và nhà thơ Đặng Vương Hưng (Người sáng lập Website lucbat.vn và người có ý tưởng đề xuất cuộc thi này) giao nhiệm vụ tiếp tục gánh vác công việc vòng sơ khảo năm nay.

Theo quy định của Ban tổ chức, các thành viên Ban sơ khảo làm việc độc lập, mỗi giám khảo chọn ra các tác phẩm tiêu biểu của 4 hoặc 5 tác giả. Bên cạnh các tác giả đã thành danh, hoặc đã được trao giải “Trăng vàng”, “Trăng bạc” trong 5 lần trước, Ban sơ khảo có trách nhiệm phát hiện những nhân tố mới. Sau đó Trưởng ban sơ khảo làm nhiệm vụ tập hợp, rà soát và báo cáo Ban tổ chức.

Có thể nói Ban sơ khảo đã làm việc hết sức trách nhiệm và công tâm. Nếu có sai sót gì âu cũng là do khả năng đọc và cảm thụ tác phẩm các thành viên còn hạn chế. Đây là điều cần được Ban chung khảo và bạn đọc tham gia bù lấp.

3. Kết quả đề xuất của Ban sơ khảo:

Cũng như những năm trước, sau khi rà soát các tác phẩm, cân đối giữa hai mảng đề tài của Cuộc thi, Ban sơ khảo đã đề xuất danh sách 20 tác giả với 46 bài thơ tiêu biểu vào Chung khảo. Danh sách này đã được Ban tổ chức đồng ý đăng trên chuyên mục “Nhân vật sự kiện” của Website lucbat.vn ngày 15/8/2018.

Việc công bố danh sách các tác giả, tác phẩm qua vòng sơ khảo là điều cần thiết, để bạn đọc có điều kiện tham gia ý kiến giúp Ban chung khảo lựa chọn được tác phẩm tiêu biểu trao giải. Đây là việc làm công tâm của Ban tổ chức.

Tới đây, Ban sơ khảo Cuộc thi sáng tác Thơ Lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” về cơ bản đã hoàn thành công việc mà Ban tổ chức giao cho. Chặng đường 6 năm của một cuộc thi thơ (rất hiếm thấy trong lịch sử thi ca nước nhà) với bao khó khăn nhưng đầy cảm xúc, Ban sơ khảo đã đồng hành cùng các tác giả và bạn đọc đem tình yêu Thơ Lục bát nâng cao tinh thần “Tổ quốc và Đạo pháp”.

Còn ít ngày nữa là cuộc thi khép lại, nhưng chúng tôi tin rằng tinh thần “Tổ quốc và Đạo pháp” sẽ luôn lan tỏa trong thơ ca, trong đời sống của mỗi người dân đất Việt. Những người tham gia cuộc thi này dù là tác giả, độc giả hay Ban Tổ chức, Ban giám khảo cùng chung niềm tin đó... Và như thế, những người yêu Thơ Lục bát càng thêm tin vào vị trí “Quốc thi” của Thơ Lục bát - Thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam và tiến tới Thơ Lục Bát sẽ là Di sản Văn hóa của cả thế giới!

Bạn đang đọc bài viết Vòng sơ khảo cuộc thi sáng tác thơ Tổ quốc và Đạo pháp 2012 - 2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...