Thứ sáu, 29/03/2024 22:08 (GMT+7)

Xóm Bờ Giậu -  Diệu kỳ thế giới cổ tích

MTĐT -  Thứ hai, 08/10/2018 11:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gồm 25 truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi, tập truyện đồng thoại "Xóm Bờ Giậu" có nhân vật chính là loài vật, đồ vật.

Với những nhân vật có suy nghĩ, tình cảm, hành động sống động, ngộ nghĩnh mà sâu sắc, nhà văn Trần Đức Tiến đã bộc lộ tài quan sát tỉ mỉ, nắm bắt tinh tế những đặc điểm về ngoại hình, tập tính của các loài vật.

Thế giới đồng thoại ngộ nghĩnh mà hấp dẫn

Đến Xóm Bờ Giậu, bạn đọc nhí sẽ được làm quen với những nhân vật rất thú vị: cụ giáo Cóc thông thái về hưu, nhạc sĩ trứ danh Dế Lửa, chú thợ săn nhiều tâm sự Thằn Lằn, cô người mẫu đáng yêu Ốc Sên, chuyên gia dự báo thời tiết Tắc Kè, vận động viên bận bịu Nhái Xanh, cô nàng điệu đàng Hoa Cúc Áo, thi sĩ nghiệp dư lãng mạn Dế Còm. Độc giả cũng sẽ cảm thấy thích thú với chú kì nhông bối rối không biết đổi màu gì trong lúc chơi trốn tìm, nhưng khi bị bạn bè chế giễu, chú xấu hổ, đỏ lựng dần lên và hòa vào thảm hoa phượng chú đang đứng trên, khiến lúc này chẳng ai phát hiện ra chú.

Có nhiều truyện mang hơi hướng cổ tích viết lại, vừa mở rộng biên độ tưởng tượng cho độc giả nhỏ tuổi, vừa gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm.

Truyện Hai Chú Dê Nhỏ Bên Bờ Sông Xuân khiến độc giả liên tưởng tới truyện hai chú dê qua cầu, không con nào chịu nhường con nào, nhưng qua lời kể của hai chú dê con hậu duệ, độc giả sẽ mỉm cười nhẹ nhõm vì một cái kết thật bất ngờ, thú vị, đầy tính nhân văn.

Truyện Chiếc Lông Ngỗng Trời là câu chuyện hóm hỉnh về chiếc lông chim tình cờ lọt vào cung điện của vua Cóc, lại khiến độc giả nghĩ tới câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng”, với một tầng nghĩa sâu sắc hơn.

Ở nhiều truyện trong tập sách, độc giả còn thấy nhà văn gửi gắm thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu quê hương xứ sở, đạo lý uống nước nhớ nguồn, về cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Những bài thơ, ca khúc hay nhất không bắt nguồn từ những kĩ thuật cầu kì, từ sự tính toán, mà nó nảy ra từ những khoảnh khắc bất ngờ, là lúc cảm xúc thăng hoa khi tác giả bắt gặp một cảnh huống rung động tâm hồn. Giống như “cô nàng Cúc Áo với những bông hoa nhỏ xinh, chỉ trong vòng buổi sáng đã biến anh Dế thành nhà thơ”, hay khoảnh khắc chàng nhạc sĩ Dế Lửa trứ danh “ngây ngất trước thứ âm nhạc tuyệt vời cất lên từ bụi cỏ”.

Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh, nhịp điệu.

Viết cho thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến luôn tâm niệm: “Có hai điều tôi luôn luôn nghĩ tới mỗi khi ngồi viết cho các em: Viết thế nào cho các em thích đọc và có những tác phẩm văn học được đọc từ lúc còn nhỏ sẽ đi theo người ta suốt đời.”

Đọc Xóm Bờ Giậu, độc giả sẽ phần nào hiểu được tâm nguyện đó của một tác giả luôn mong muốn dành tặng cho tâm hồn trong sáng của con trẻ những tác phẩm văn chương đích thực. Cuốn sách dành cho độc giả thiếu nhi và những độc giả muốn tìm lại phần tuổi thơ trong tâm hồn mình.

Đến Xóm Bờ Giậu, độc giả sẽ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đầy hương sắc: ngắm nhìn “những bông hoa vàng rực có mùi thơm ngọt sắc của mật ong phơi nắng”, “ngây ngất trước một vùng cỏ dại nhuộm vàng ánh trăng”, lặng nghe “gió mơn man khua động vòm lá trúc. Những chiếc lá trúc lấp lánh dưới trăng như tráng bạc”, tận hưởng “hương thơm hoa Cúc Áo buổi chiều lẩn quất đâu đó trong gốc cây, bụi cỏ.”

Qua trí tưởng tượng phong phú của tác giả, không chỉ các loài vật mà mỗi nhánh cây, ngọn cỏ, từ cuốn lịch, “lũ đồ chơi của bé”, đến chiếc “ấm sứt vòi” đều có một câu chuyện thú vị để kể cho bạn nghe.

Tập truyện Xóm Bờ Giậu thêm phần cuốn hút độc giả với những tranh minh họa màu nước sống động của họa sĩ Kim Duẩn.

Nhà văn Trần Đức Tiến

Nhà văn Trần Đức Tiến đã rất thành công trong những tác phẩm văn học viết cho người lớn, nhưng ông cũng dành nhiều tâm huyết viết cho thiếu nhi. Ông cũng nhiều năm làm Trưởng ban Giám khảo trong các cuộc Vận động Sáng tác cho Thiếu nhi của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch, do Nhà xuất bản Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp thực hiện.

Ông hiện là Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Viết cho người lớn thì sắc sảo, góc cạnh nhưng với thiếu nhi, nhà văn Trần Đức tiến lại dành cho các em những trang viết rất trong trẻo, mượt mà.

Một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến đã xuất bản: Ốc Mượn Hồn (1992), Vương Quốc Vắng Nụ Cười (1993), Dế Mùa Thu (1997), Thằng Cúp (2001), Làm Mèo (2003, 2015), Trăng Vùi Trong Cỏ (2006), Những Truyện Hay Viết Cho Thiếu Nhi – Trần Đức Tiến (2013), Trên Đôi Cánh Chuồn Chuồn (2015), Xóm Bờ Giậu (2018).

Bạn đang đọc bài viết Xóm Bờ Giậu -  Diệu kỳ thế giới cổ tích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Lê Minh

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới