Thứ ba, 16/04/2024 13:50 (GMT+7)

Văn học Gia Lai đồng hành cùng quê hương đổi mới

DIỆP HOÀNG -  Thứ tư, 03/04/2019 14:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khuôn khổ Hội Sách Gia Lai năm 2019, đêm 1/4, Hội VHNT và Sở TT&TT Gia Lai tổ chức chương trình giao lưu tác giả VHNT với chủ đề “Văn học Gia Lai đồng hành cùng quê hương đổi mới”.

Buổi giao lưu được diễn ra ngay sau khi phần Khai mạc Hội Sách kết thúc với tinh thần vui tươi, phấn khởi của các tác giả và đông đảo bạn đọc yêu thích văn chương. Chương trình giao lưu với sự góp mặt của 3 khách mời ở 2 thế hệ khác nhau: Nhà văn Thu Loan, nhà văn Phạm Đức Long thuộc thế hệ gạo cội và nhà thơ Ngô Thanh Vân thuộc thế hệ tác giả trẻ. 

Chương trình giao lưu với các tác giả trong tỉnh tại Hội Sách Gia Lai 2019 (từ trái qua: nhà văn Phạm Đức Long, nhà văn Hoàng Thanh Hương, nhà văn Thu Loan, nhà thơ Ngô Thị Thanh Vân).

Mặc dù, 3 tác giả đến từ những vùng quê khác nhau, có công việc khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là những cây viết chủ lực của VHNT tỉnh Gia Lai, tác phẩm của họ thường viết về quê hương Gia Lai, và đều từng đạt các giải thưởng của Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và của  tỉnh.

Với niềm đam mê, các nhà thơ, nhà văn đã chia sẻ nhiều kỷ niệm thú vị về quá trình sáng tạo tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, các nhà thơ, nhà văn cũng đã bày tỏ trăn trở về việc làm thế nào để khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc, làm thế nào để giới trẻ nhận thức một cách đầy đủ giá trị của sách trong đời sống.

Hơn 30 năm gắn bó với Gia Lai, nhà văn Thu Loan đã xuất bản gần chục đầu sách, cả thơ, văn xuôi và tiểu thuyết. Nhà văn Thu Loan chia sẻ, cô đặc biệt có niềm yêu thích với tiểu thuyết, mặc dù đây là một thể loại dài hơi, tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng nếu đã say mê thì chúng ta sẽ luôn cảm thấy có một dòng chảy cuốn hút chúng ta viết, và viết cho đến khi trọn vẹn, kết thúc tác phẩm.

Bắt đầu viết thơ, văn từ những năm 1985, tác giả Phạm Đức Long đã có 11 đầu sách, cả văn xuôi và thơ. Nhà văn chia sẻ, những đề tài về nông nghiệp – nông thôn, đặc biệt Gia Lai là một phần máu thịt của ông, thôi thúc ông sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm về vùng đất này.

Tác giả Phạm Đức Long đang trình bày tác phẩm của mình trong buổi giao lưu.

Tại buổi giao lưu, nhà thơ trẻ Ngô Thanh Vân thổ lộ, khi một người cầm bút viết, bản thân họ đang tôn trọng chính họ và tôn trọng sở thích của họ. Tuy nhiên, cách thể hiện thì mỗi một người lại khác nhau và những người tiếp xúc sẽ có những cảm nhận và đánh giá riêng. “Với tôi, mỗi khi được giới thiệu với danh xưng nhà thơ, tôi thật sự ngại. Bởi lẽ, những người làm thơ chỉ muốn khẳng định bản thân bằng những trang viết. Cho nên những nhà văn, nhà thơ làm nghề chân chính đều lặng lẽ làm việc để hướng tới giá trị tốt đẹp và ai có sở trường năng khiếu ở lĩnh vực nào thì cứ toàn tâm toàn lực mà cống hiến thì sẽ tạo ra giá trị cho bản thân và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”, nhà thơ Ngô Thanh Vân chia sẻ.

Ca sĩ Diễm Phương trình bày ca khúc được phổ nhạc từ tác phẩm thơ “Khoảng trời lá thông” của tác giả Phạm Đức Long.

Xen lẫn trong buổi giao lưu là các ca khúc được phổ nhạc từ tác phẩm thơ do những nghệ sĩ, ca sĩ trình bày như bài “Khoảng trời lá thông” của nhà thơ Phạm Đức Long được nhạc sĩ Lê Xuân Hoan phổ nhạc; “Dã quỳ của núi” của nhà thơ Ngô Thanh Vân do nhạc sĩ Lê Xuân Hoan phổ nhạc…

Các độc giả đặt câu hỏi cho các nhà thơ, nhà văn.
Các tác giả tham gia chương trình giao lưu chụp ảnh lưu niệm.

Ngoài ra, trong buổi giao lưu, độc giả thuộc nhiều thành phần, trong đó nổi trội là học sinh THPT của các trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi cho các nhà thơ, nhà văn về cuộc đời, sự nghiệp và những kinh nghiệm sáng tác. Sau buổi giao lưu, độc giả được chương trình tặng các tác phẩm văn chương của tỉnh nhà và tham quan gian trưng bày sách…

Nhà văn Thu Loan sinh năm 1963, quê ở Hà Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT Gia Lai; nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Đạt nhiều giải thưởng như: tập thơ “Một thời trăng” được giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; tập thơ “Sứ giả” được giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam; bài thơ “Những bà mẹ Tây Nguyên”, truyện ngắn Làng Mô được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học địa phương (lớp 7); tiểu thuyết “Pơthi” đạt giải B (không có giải A) của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2014.

Nhà văn Phạm Đức Long.

Nhà văn Phạm Đức Long sinh năm 1960, quê ở Quỳnh Lưu - Nghệ An, nguyên là Chi cục trưởng chi cục HTX PTNN tỉnh Gia Lai; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Một số tác phẩm: Khoảng trời lá thông (tập thơ) - Hội VHNT Gia Lai – Kon Tum  -1994; Hoa Quỳ (tập thơ) - NXB Đà Nẵng – 2000; Ẩn sỹ cóc (tập truyện thiếu nhi) - NXB Kim Đồng – 2000; Truyện ở làng ma lai (tập truyện thiếu nhi) - NXB Kim Đồng – 2007…

Nhà thơ Ngô Thanh Vân.

Nhà thơ Ngô Thanh Vân sinh năm 1981 tại Gia Lai, quê gốc ở Nghệ An, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2018; Đã xuất bản 3 tập thơ và 1 tập truyện ngắn; tập thơ “Mười hai tháng sáu”đạt giải thưởng “Tác giả trẻ” của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2009 và Giải C của Giải thưởng VHNT Gia Lai lần 2 (2005-2010), Giải tư – Thơ – Tạp chí Xứ Thanh 2011…

Bạn đang đọc bài viết Văn học Gia Lai đồng hành cùng quê hương đổi mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?! 

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!