Thứ sáu, 29/03/2024 09:09 (GMT+7)

Vi phạm xây dựng, ô nhiễm môi trường làm 'nóng' giao ban TP.HCM

MTĐT -  Thứ tư, 02/10/2019 11:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 1/10, Thành ủy TP.HCM giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy TPHCM và Thường trực UBND TP.HCM với Thường trực Quận ủy, Huyện ủy và Thường trực UBND quận, huyện tháng 9/2019.

 Người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường

Theo báo Sài Gòn đầu tư, Hội nghị giao ban thảo luận 4 vấn đề quan trọng của TPHCM: thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU (gọi tắt là Chỉ thị 19) của Ban Thường vụ Thành ủy về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”; thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU (Chỉ thị 23) của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, công trình trọng điểm; thực hiện các dự án đầu tư công và kết quả giải ngân đầu tư công.

Tóm tắt kết quả thực hiện 4 nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, tỷ lệ các điểm ô nhiễm được kéo giảm; tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn có chuyển biến tích cực; bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm, UBND TP đã phê duyệt 259/490 dự án; tổng số vốn đã giải ngân là 12.220 tỷ đồng (đạt 36%).

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo SGGP.

Bên cạnh kết quả đạt được, một bộ phận người dân còn chưa có ý thức bảo vệ môi trường, song chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập, khó thực hiện. Vẫn còn một số địa phương để xảy ra tình trạng công trình vi phạm xây dựng tồn tại trong thời gian dài mà chưa có biện pháp xử lý quyết liệt.

Trong bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm, vấn đề tồn tại là khâu thu thập thông tin đối với hồ sơ chuyển nhượng nhà, đất chưa đầy đủ và không phản ánh đúng giá trị giữa hợp đồng và giá thực tế chuyển nhượng.

Còn xảy ra tình trạng chưa có văn bản chấp thuận và chủ trương của TP nhưng các đơn vị, địa phương đã đề xuất trình Hội đồng Thẩm định giá đất TP, dẫn đến việc rà soát pháp lý kéo dài làm chậm tiến độ dự án. Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công, nhiều cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đăng ký kế hoạch vốn không sát tiến độ và tình hình thực tế dự án...

Liên quan đến vấn đề triều cường những ngày gần đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết lãnh đạo thành phố rất sốt ruột với dự án chống ngập gần 10 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là hạng mục ngăn triều cường của dự án. Dù việc ngập liên quan đến nhiều công trình trong nội ô, nhưng nếu công trình chống ngập hoàn thành thì sẽ ngăn được triều cường từ bên ngoài tràn vào.

Theo ông Hoan, dự kiến tháng 6/2020 sẽ hoàn thành dự án này. Khi đó, các cống sẽ ngăn triều cường, phối hợp cùng các hồ điều hoà giúp cải thiện vấn đề ngập lụt của thành phố. Hiện thành phố đang hoàn thiện những khâu cuối cùng nhằm điều chỉnh phụ lục các hạng mục dự án để trình Ngân hàng Nhà nước. Sau khi hoàn thiện điều chỉnh các hạng mục nội bộ bên trong, thành phố mới đủ cơ sở để xin gia hạn thời gian tái cấp vốn và dù có điều chỉnh các hạng mục nhưng tổng mức đầu tư của dự án sẽ không thay đổi.

Đến năm 2020, 50% rác thải sinh hoạt phải được đốt phát điện

Theo báo SGGP, tại buổi họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu, các sở, ngành phải đa dạng cách thức tuyên truyền vận động người dân không xả rác, tuân thủ trật tự xây dựng. Các chính sách đều lấy người dân làm trung tâm, nên các sở, ngành phải tuyên truyền một cách dễ nhớ, dễ thực hiện nhằm thu hút sự tham gia của người dân, cùng thực hiện chính sách đó.

Trong xử lý rác thải, Sở TN-MT TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt phát điện. Hiện nay, mỗi ngày, TPHCM phát sinh 9.300 tấn rác thải sinh hoạt còn công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp và tái chế.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá, cách làm này phù hợp với thời điểm cách đây 15 năm và hoàn toàn không phù hợp với hiện nay. Nên TP phải nhanh chóng đổi mới công nghệ xử lý rác, đảm bảo tới năm 2020, theo Nghị quyết HĐND TPHCM đã đặt ra, 50% rác thải sinh hoạt phải được đốt phát điện.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự tin tưởng TP sẽ thực hiện được tỷ lệ trên, bởi 3 nhà máy đốt rác đã và sẽ khởi công liên tục trong các tháng 9, 10 và 11-2019 với quy mô 2.000 tấn/nhà máy.

Đồng thời, TP tiếp tục kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực này. Cùng với chuyển đổi công nghệ xử lý rác, Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu các quận, huyện phải đồng bộ trong thu gom, vận chuyển rác và chuyển hóa dứt điểm các điểm ô nhiễm tại địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, đây chính là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP, là trách nhiệm lớn chứ không phải đơn giản chỉ là xử lý đống rác.

Xử lý vi phạm xây dựng chưa minh bạch

Để đảm bảo trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Xây dựng sớm hoàn thiện tài liệu “Hỏi – đáp về xây dựng nhà ở”, triển khai tới cơ sở giúp nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân khi xây dựng nhà cửa, phát hiện kịp thời các vi phạm trong xây dựng.

Các quận, huyện phải nhanh chóng tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân với tinh thần “bảo mật sự phản ánh và công khai kết quả xử lý”.

Trong xử lý, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng tình trạng tại huyện Bình Chánh để xảy ra vi phạm trong xây dựng nhưng xử lý chưa kiên quyết: chỉ xử lý cơ sở, còn trách nhiệm của Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách về đô thị, của Chủ tịch UBND huyện lại chưa nói đến.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Phải thẳng thắn với nhau, bao nhiêu trách nhiệm dồn hết cho cấp dưới là chưa rõ ràng minh bạch. Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không xử lý nghiêm”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo SGGP.

Nhận định về vấn đề ô nhiễm không khí thời gian qua, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ quan ngại bởi môi trường là yếu tố rất quan trọng của thành phố, đặc biệt là khi thành phố hướng tới đô thị thông minh. Ông Nhân nhận định việc giám sát, quan trắc, dự báo chưa được làm tốt, thành phố đã chậm trễ trong việc đưa kết luận ô nhiễm không khí có phải do ảnh hưởng bởi cháy rừng tại Indonesia hay không.

Ông Nhân cho biết thành phố đã có những chương trình nhằm cải thiện môi trường trong thời gian tới, đặc biệt hệ thống đo, giám sát, quan trắc. Đối với thông tin về số liệu trên ứng dụng Air Visual xếp hạng TPHCM ô nhiễm không khí đứng thứ 2 trên thế giới, ông Nhân nói: ”Thông tin đó đáng quan tâm, nhưng không phải tiêu chí duy nhất đánh giá ô nhiễm. Hiện nay chưa công bố được bình quân một ngày thì mật độ không khí là như thế nào, trong một tuần, một tháng thế nào chưa có, không phải đấy là xếp hạng hoàn toàn”.

P.V(tổng hợp)

  

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm xây dựng, ô nhiễm môi trường làm 'nóng' giao ban TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.