Thứ bảy, 20/04/2024 01:32 (GMT+7)

Vinamilk và Tetra Pak khởi động chương trình Sữa học đường

MTĐT -  Thứ sáu, 30/09/2016 08:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chương trình Sữa học đường năm học 2016-2017 được chính thức phát động tại Đồng Nai ngày 28/9.

Với kinh nghiệm gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường, trong những ngày cuối tháng 9, công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Đồng Nai, Bắc Ninh và Bà Rịa Vũng Tàu, đã chính thức làm lễ phát động Chương trình Sữa học đường năm học 2016-2017 tại địa phương.

Các bé trường mầm non An Bình, Biên Hòa đang cùng nhau tham gia các trò chơi vui nhộn cùng nghệ sĩ hài Xuân Bắc trong ngày hội sữa học đường do Vinamilk và Tetra Pak tổ chức.

Với khoảng nửa triệu học sinh sẽ được uống sữa tại nhà trường trong suốt năm học, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng Chương trình Sữa học đường Quốc gia vừa mới được Chính phủ phê duyệt.

Dù thời gian triển khai khác nhau, nhưng Chương trình Sữa học đường tại các địa phương này đều cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện suy dinh dưỡng, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em về thể chất lẫn trí tuệ.

Với Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh đầu tiên thực hiện chương trình sữa học đường từ năm 2007, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm mạnh từ 10% năm 2006 xuống còn 1,6% vào năm 2015 và SDD thể thấp còi giảm từ 4,7% năm 2012 xuống 2.7% năm 2015. Tại Bắc Ninh, nơi triển khai chương trình đầu tiên ở phía Bắc, tỷ lệ SDD nhẹ cân giảm từ 6,6% (2013) xuống còn 2,3% (2015); và SDD thấp còi giảm từ 8% (2013) xuống còn 3,8%.

Ban Tổ chức chương trình trao giải mô hình làm từ vỏ hộp sữa đẹp nhất cho các đơn vị đoạt giải.

Đồng Nai hiện là tỉnh thực hiện Chương trình Sữa học đường có quy mô lớn nhất: cho cả khối mầm non và một phần bậc tiểu học uống sữa. Tuy tại tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng và phức tạp nhưng chương trình cũng đã mang lại những kết quả ấn tượng. Tỷ lệ SDD nhẹ cân năm 2013 ở mức 9% thì đã giảm còn 6,2%  năm 2015 và SDD thấp còi giảm từ 10% còn 7,5%.

Bên cạnh đó, Chương trình Sữa học đường cũng đã góp phần cải thiện nhận thức của cộng đồng về việc uống sữa đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ, giúp phụ huynh yên tâm về nguồn gốc và chất lượng sữa con uống tại trường, giảm bớt gánh nặng chi phí mua sữa cho phụ huynh. 

Tại lễ phát động chương trình của tỉnh Đồng Nai ngày 28/9, đại diện Bộ Y tế ghi nhận: Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Ninh và Đồng Nai là những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình Sữa học đường rất bài bản và thành công. Điều này thể hiện tầm nhìn, sự quan tâm sâu sắc, thiết thực của lãnh đạo, cán bộ và người dân tới việc xây dựng con người, tài sản quý giá nhất của địa phương.

Sau 3 năm thực hiện chương trình Sữa học đường rất thành công tại tỉnh Đồng Nai, các cô trò của trường mầm non trong tỉnh đã sáng tạo rất nhiều mô hình được làm từ vỏ hộp sữa, thông qua việc tái sử dụng vỏ hộp sữa rất hữu ích này các cô trò mầm non tỉnh Đồng Nai còn thể hiện hành động đẹp đó chính là bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải.

Vinamilk, với kinh nghiệm gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường ở các địa phương trên cả nước, đã quyết định tiên phong đồng hành cùng Chính phủ và các Bộ Ngành liên quan đặc biệt là Bộ Y Tế để triển khai chương trình Sữa học đường ở phạm vi quốc gia.

Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 40 năm, Vinamilk cũng đã dành tặng 6 tỷ đồng cho 6 tỉnh đang thực hiện chương trình Sữa học đường để động viên khích lệ những địa phương đang thực hiện tốt. Như vậy, tổng số tiền 20 tỷ đồng Vinamilk đóng góp cho chương trình Sữa học đường tại 20 tỉnh trong năm 2016 sẽ tương đương với khoảng gần 4 triệu hộp sữa cho các em học sinh mầm non, tiểu học.

Chương trình Sữa học đường trên thế giới đã có lịch sử hơn 100 năm. Tại Châu Á, Nhật Bản chương trình được coi là hình mẫu thần kỳ trong việc cải thiện tầm vóc. Được bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước, chương trình Sữa học đường đã giúp tăng chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật từ mức 1m50, thấp gần nhất Châu Á, lên mức 1m72 ngày nay. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam hiện tại bị thấp lùn nhất Châu Á.

Sau gần 10 năm Vinamilk tiên phong bắt đầu phối hợp cùng các tỉnh thực hiện chương trình sữa học đường thì tổng số lượng học sinh được thụ hưởng từ chương trình là 380 ngàn em học sinh và tổng ngân sách trợ giá từ Vinamilk là 92 tỷ đồng

Bên cạnh đó, Chương trình Sữa học đường cũng nhận được sự tư vấn kỹ thuật của tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển) – đơn vị đã có hơn 50 năm kinh nghiệm hỗ trợ các Chương trình Sữa học đường tại 56 quốc gia.
Trong năm 2015, hơn 70 triệu trẻ em trên thế giới đã được cung cấp sữa và thức uống dinh dưỡng đựng trong bao bì của Tetra Pak từ khuôn khổ Chương trình Sữa học đường.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ cần rất nhiều vi chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, tạo nền tảng tốt cho tương lai của trẻ về sau. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và nhận thức chưa cao, trẻ em Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, tỷ lệ tới 25% ở trẻ dưới 5 tuổi. Uống sữa được các chính phủ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo như là một biện pháp hữu hiệu để bổ sung kịp thời các chất dinh dưỡng thiếu hụt, giúp cải thiện thể trạng, hệ miễn dịch, tiêu hóa cho trẻ.                                                                         

Trần Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Vinamilk và Tetra Pak khởi động chương trình Sữa học đường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...