Thứ năm, 25/04/2024 15:28 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Tiến trình lịch sử đến “cuộc chiến” chống COVID-19

Nguyễn Dũng -  Thứ bảy, 15/05/2021 08:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chưa khi nào người dân Vĩnh Phúc không thể hiện được tinh thần đoàn kết, chưa khi nào người dân Vĩnh Phúc quên trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với Tổ quốc

Người dân Vĩnh Phúc trong lịch sử đấu tranh bảo vệ dân tộc.

Suốt một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, người dân Vĩnh Phúc không lúc nào ngừng nổi lên đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước. Tiêu biểu, vào khoảng đầu Công nguyên, ở huyện Mê Linh, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị vì nợ nước thù nhà đã xây thành đắp luỹ, phất cờ khởi nghĩa đánh quân Đông Hán, được nhân dân khắp mọi miền hưởng ứng, biến Mê Linh trên đất Vĩnh Phúc trở thành kinh đô của đất nước.

Tiếp nối truyền thống chống xâm lược của Hai Bà, nhiều người con Vĩnh Phúc như Lí Bí rồi Lí Phật Tử sau đó đã nổi lên chống lại sự thống trị của nhà Tuỳ, lập nên nước Vạn Xuân. Tuy tồn tại không được bao lâu, song hình ảnh một nước Vạn Xuân độc lập đã là tấm gương cho nhiều nghĩa sĩ đứng lên giành độc lập cho dân tộc.

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Vĩnh Phúc đã tự nguyện phá toàn bộ hàng trăm biệt thự trên khu nghỉ mát Tam Đảo, tổ chức nhiều làng kháng chiến, cùng bộ đội đánh thắng oanh liệt nhiều trận như trận Xuân Bộ năm 1947, trận Xuân Tranh năm 1950, trận Núi Đanh năm 1951, đặc biệt đã cùng các địa phương góp phần đánh bại chiến dịch Na Va của quân địch, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu năm 1954.

Cùng với đó, là cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Vĩnh Phúc vừa đẩy mạnh sản xuất bảo đảm cuộc sống, vừa phải chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch đồng thời ra sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở cả ba mặt trận, nhân dân Vĩnh Phúc đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc với nhiều tập thể anh hùng, cá nhân anh hùng.

Có thể nói trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chưa khi nào người dân Vĩnh Phúc không thể hiện được tinh thần đoàn kết, chưa khi nào người dân Vĩnh Phúc quên trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với Tổ quốc.

Người dân Vĩnh Phúc trongquá trìnhphát triển kinh tế.

Trong thời chiến người dân Vĩnh Phúc, đoàn kết, hào hùng là vậy, nhưng trong thời bình Vĩnh Phúc càng khẳng định được vị thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Còn nhớ, tháng 11/1996 Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997. Lúc đó, tỉnh có diện tích 1.370,73 km2, dân số 1,1 triệu người; có 6 huyện, thị (thị xã Vĩnh Yên, huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo, huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc và huyện Mê Linh) với 148 xã, phường, thị trấn, trong đó có một huyện và 39 xã miền núi.

Trải qua biết bao khó khăn, hình ảnh “xe thồ, hàng rong” của người dân Vĩnh Phúc, được bắt gặp ở khắp mọi miền Tổ quốc. Khó khăn là vậy, nhưng với bản chất chịu thương chịu khó, đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động và đầy nhiệt huyết, đã biến nền kinh tế của Vĩnh Phúc trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng nằm trong tốp đầu của cả nước.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, nền kinh tế của Vĩnh Phúc không ngừng tăng trưởng. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,1%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 là 0,74%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 104,68 triệu đồng/người, tăng 32,5 triệu đồng so với năm 2015. Năm 2019, quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 6 và giá trị GRDP bình quân đầu người đứng thứ 5 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Mặt khác, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 5,6%/năm . Năm 2019 thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 33.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thu nội địa trong tốp đầu cả nước và thứ hạng cao của Miền Bắc. Năm 2019, trong số các tỉnh miền Bắc, Vĩnh Phúc điều tiết ngân sách về Trung ương 47%, chỉ đứng sau thành phố Hà Nội. Chi ngân sách đáp ứng mọi nhiệm vụ của tỉnh.

Với tốc độ phát triển kinh tế một cách “siêu tốc” của mình, tỉnh Vĩnh Phúc đã dần khẳng định được vị thế và chiếm được lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Người dân Vĩnh Phúc phòng, chống dịch COVID-19.

Kinh tế đang phát triển, người dân đang sống yên bình, thì ngày 30/01/2020 tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận ca dương tính 2019-nCoV đầu tiên, ở huyện Bình Xuyên. Ngay sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm việc rà soát, xác định những người có liên quan dịch tễ với ca bệnh...

Bằng nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, chỉ trong một tháng Vĩnh Phúc đã hoàn toàn khoanh vùng, dập được đợt dịch này.  Đây là một chiến thắng có thể nói là vẻ vang bởi nó là khởi đầu, giúp người dân cả nước tin rằng Việt Nam có thể đẩy lùi được đại dịch.

Mốt số hình ảnh về cuộc chiến phòng, chống COVID-19 của người dân Vĩnh Phúc:

Chiến thắng vẻ vang là vậy, tuy nhiên niềm vui đến với người dân Vĩnh Phúc chưa được bao lâu, thì đầu tháng 5/2021 (sau một năm), dịch COVID-19 lại tiếp tục “tràn vào” tỉnh Vĩnh Phúc. Lần này với quy mô rộng hơn, số lượng lây nhiễm lớn hơn, nhưng với kinh nghiệm khoanh vùng, dập dịch trước đây, tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng, cách ly các địa phương có trường hợp nhiễm COVID-19, xử lý nghiêm những cán bộ còn lơ là trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời người dân Vĩnh Phúc hưởng ứng “lời kêu gọi gửi cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phúc phòng, chống dịch COVID-19” của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, nên trong những ngày qua tình hình dịch bệnh tại Vĩnh Phúc đang dần được kiểm soát.

Cho đến hôm nay, dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu trên mảnh đất này, nhưng với sự quyết tâm của các cấp chính quyền, sự đoàn kết của người dân, chắc chắn “mùa xuân” không còn COVID-19 sẽ trở về với người dân Vĩnh Phúc.

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Tiến trình lịch sử đến “cuộc chiến” chống COVID-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.