Thứ sáu, 29/03/2024 02:56 (GMT+7)

An Toàn Lao Động trong Xây dựng: Thực tiễn - Giải pháp

Quang Trường -  Thứ sáu, 26/06/2020 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

An Toàn Lao Động luôn là điều tiên quyết được đặt ra đối với mọi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó, lĩnh vực thi công xây dựng luôn có mức độ cảnh báo cao.

Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng để lại hậu quả nặng nề cho người lao động, người thân và xã hội. Không những thế, tai nạn trong thi công xây dựng còn gây ra nhiều góc nhìn tiêu cực và tính hiệu quả của việc quản lý, thi công xây dựng hiện nay.

  Hiện trường vụ sập tường nhà máy Công ty CP AV Healthcare – Đồng Nai

Nhức nhối thực tiễn

Vừa qua, dư luận cả nước bàng hoàng và thương xót trước tại nạn sập tường khi thi công xây dựng Nhà máy Công ty CP AV Healthcare (Hàn Quóc)  ở đường số 08 KCN Giang Điền, H.Trảng Bom, Đồng Nai, bức tường đang thi công bất ngờ đổ sập chiều ngày 14/5/2020 làm 10 người chết và hàng chục người bị thương đã đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về vấn đề ATLĐ trong thi công xây dựng công trình bởi những sự cố tương tự như trên đã liên tục xảy ra trên cả nước trong suốt thời gian qua:

Ngày 15/3/2019, sập tường rào làm 7 người chết tại công trình thi công nhà máy Công ty TNHH BoHsing tại KCN Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. 

Hiện trường vụ sập tường nhà máy Công ty TNHH BoHsing – Vĩnh Long

 Ngày 17/1/2018, sập giàn giáo ở Hà Nội  làm  3 công nhân tử vong, 3 người bị thương nặng tại công trình đang xây dựng ở đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm - TP.Hà Nội.Ngày 16/8/2019, sập tường làm  2 người chết tại một khu nhà xưởng thuộc phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Sập giàn giáo vào ngày 10-7-2015 tại công trình 17 tầng lầu, do Công ty xây dựng Hòa Bình thi công trên đường Nguyễn Văn Linh, phường tân Phong, quận 7, TP.HCM làm 3 người tử vong, 5 người bị thương.

Nhiều sai sót 

Trong bối cảnh các quy định về an toàn khi xây dựng công trình như: Các công tác an toàn trong xây dựng, hệ thống quản lý an toàn xây dựng, quản lý an toàn công trường trong thi công xây dựng công trình, hồ sơ an toàn trong thi công xây dựng, kiểm định an toàn xây dựng, giám sát… đã được nêu chi tiết các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong các quy phạm về an toàn lao động đã được thể hiện rõ trong các quy định pháp luật : Luật Xây dựng 50/2014/QH13;Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13;Thông tư số 04/2017/TT-BXD Quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên những tai nạn thương tâm vẫn liên tục xảy ra luôn là vấn đề nhức nhối cho dư luận và xã hội.

Huấn luyện An toàn lao động cho công nhân trên công trường

Theo báo cáo tình hình tai nạn lao động năm 2019 của Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng chiếm 17,12% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết. Trong đó, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chết người do người sử dụng lao động chiếm 47,74% tổng số vụ và chiếm 49.99% tổng số người chết, do người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 14,41% tổng số số vụ và 14,41% tổng số người chết.

Từ báo cáo  trên và các kết quả điều tra từ các sai phạm, hầu hết các các tai nạn lao động không chỉ đơn thuần do sự cố kỹ thuật mà xuất phát từ sự chủ quan của cả người sử dụng lao động và người lao động.

Cụ thể, các tai nạn lao động thường xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng công nghiệp quy mô nhỏ, nhà ở riêng lẻ do các nhà thầu tư nhân hoặc các công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công nhưng không hiểu biết và chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Trong khi đó, các bên liên quan như Chủ Đầu Tư, TVGS cũng như các cơ quan quản lý chức năng còn xem nhẹ công tác an toàn vệ sinh lao động, đồng thời, chưa thực hiện đúng, đủ, thực hiện qua loa, lách luật nhằm tiết giảm chi phí, xem nhẹ các quy trình, thủ tục, biện pháp thi công có tính toán các sự cố vấn đề kỹ thuật cho công trình.

 Ủy ban nhân dân TP Hà Nội trong buổi lễ phát động an toàn, vệ sinh lao động

Tại các dự án lớn, công tác an toàn vệ sinh lao động được chú trọng hơn, các thủ tục pháp lý cũng như các công tác khảo sát, thiết kế, thẩm tra, biện pháp và công tác thi công luôn được kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều trường hợp về công tác tiến độ nhà thầu thi công sử dụng nguồn nhân lực thời vụ và lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động. Cũng vì vậy, rất nhiều người lao động chưa được tập huấn theo quy định, không nắm bắt nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, một số qua đào tạo nhưng chưa hiểu rõ về công tác an toàn vệ sinh lao động nên việc phòng ngừa tai nạn lao động dẫn đến những tai nạn chủ quan trên công trình.

Bên cạnh đó, cùng với việc phát triển xã hội, các thiết bị máy móc công nghệ cao được áp dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực xây dựng, đòi hỏi việc thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thiết bị, máy móc trong quá trình sử dụng vận hành phải liên tục, thường xuyên. Đồng thời, nguồn lao động yêu cầu có kỹ thuật và phải được tổ chức huấn luyện đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc trước khi bố trí cho công nhân làm việc vẫn chưa được quan tâm thực hiện triệt để.

Giải pháp

Theo các chuyên gia, để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng cần sự chung tay của nhiều bên, nhiều đơn vị trực tiếp và gián tiếp. Trong quá thi công cần triệt để thực hiện theo các quy định cụ thể tại Thông tư số 04/2017/TT-BXD Quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Trong giai đoạn thi công dự án, nhà thầu thi công là đơn vị trực tiếp tổ chức, sử dụng lao động và chịu trách nhiệm chính trong công tác an toàn lao động trên công trình. Do đó, hơn ai hết, bản thân họ phải hiểu biết và tuân thủ đầy đủ hồ sơ pháp lý, biện pháp thi công cũng như các quy định an toàn lao động trước khi tổ chức thi công công trình. Đồng thời, phải tăng cường triển khai, thường xuyên tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, nội quy làm việc cũng như trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho người lao động trước khi vào làm việc. Chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập...

Với một số trường hợp, nhà thầu, ngoài những cam kết về mặt kinh tế, kỹ thuật xây dựng, nhà thầu phải thực hiện những yêu cầu pháp lý được quy định theo pháp luật như: đăng ký, kiểm định các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… đối với máy móc thiết bị đặc biệt còn phải có những yêu cầu riêng về an toàn lao động, cam kết đảm bảo an toàn cho công nhân thi công và phải có bộ phận giám sát an toàn lao động tại đơn vị để phụ trách công tác an toàn.

Với các bên liên quan như : Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Tư vấn giám sát cần thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về an toàn lao động trong thi công xây đựng công trình quy định tại Điều 5, Thông tư 04/2017/TT- BXD của Bộ Xây dựng, trong đó, quan tâm kiểm tra, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động của các nhà thầu thi công xây dựng công trình; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tổng hợp này. Thường xuyên đôn đốc việc thực hiện hoặc đình chỉ công tác thi công nếu không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây đựng công trình theo quy định.

Với các cơ quan chức năng, cần thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình, trong đó, tăng cường phối hợp nhiều cơ quan ban ngành tổ chức huấn luyện, tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đối tượng sử dụng lao động và có chế tài xử lý mạnh hơn. Điều này giúp nâng cao ý thức quản lý của chủ đầu tư, nhà thầu thi công và giảm thiểu tình trạng coi thường tai nạn của người lao động. Đối với các công trình để xảy ra nhiều lần tình trạng mất an toàn lao động cần tước giấy phép, thậm chí yêu cầu ngừng sản xuất đối với những chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần phải nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và thường xuyên học tập, trao đổi nâng cao trình độ về pháp luật bảo hộ lao động, nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động. Chỉ nhận thực hiện những công việc có nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động. Đối với những công việc nguy hiểm, người lao động có quyền đề nghị hỗ trợ trang thiết bị lao động hoặc từ chối thực hiện. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, ngành xây dựng ngày càng phát triển và yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao dẫn đến công tác an toàn được đòi hỏi khắt khe hơn. Việc đánh giá an toàn trong lao động là một trong những cơ sở để đánh giá hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp đối với một số tổ chức thế giới. Do đó, vấn đề an toàn lao động luôn là vấn đề bức thiết và cấp bách bởi tai nạn trong lao động không những là nỗi đau, mất mát, gánh nặng cho người lao động, doanh nghiệp mà còn là gánh nặng của gia đình-xã hội, là vấn đề đạo đức, lương tâm không của riêng ai.                                                                                                         

Bạn đang đọc bài viết An Toàn Lao Động trong Xây dựng: Thực tiễn - Giải pháp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.