Thứ năm, 18/04/2024 15:39 (GMT+7)

Bộ Y tế nói gì về quy định “ngực lép”, răng vẩu không được lái tàu?

MTĐT -  Thứ bảy, 31/03/2018 10:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Nhưng nhiều quy định của dự thảo đang gây tranh cãi.

Răng vẩu, ngực “lép” không được lái tàu

Theo dự thảo, nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu (đường sắt quốc gia, đô thị, chuyên dùng) gồm 3 nhóm: Nhóm 1 gồm: lái tàu, phụ tàu;

Nhóm 2 gồm: trưởng tàu, trưởng dồn, trực ban chạy tàu ga, nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga, nhân viên gác ghi, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe;

Nhóm 3 gồm: nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; nhân viên gác đường ngang, cầu chung.

Tiêu chuẩn sức khỏe, gồm 2 tiêu nhóm tiêu chí về thể lực và tiêu chuẩn về chức năng sinh lý, bệnh tật; với từng tiêu chí riêng dành cho khám tuyển dụng nhân viên hoặc khám sức khỏe định kỳ.

Đáng chú ý, dự thảo có nêu tiêu chuẩn thể lực đối với những đối tượng trên đều phải đạt chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, lực bóp tay, lực kéo thân (trừ một số vị trí khi khám định kỳ).

Cụ thể, tiêu chuẩn khám tuyển dụng lái tàu, phụ lái tàu là nam giới phải cao từ 1,64m trở lên, cân nặng từ 52kg, vòng ngực trung bình từ 80cm, lực bóp tay thuận từ 37kg, lực bóp tay không thuận từ 34kg, lực kéo thân từ 100kg.

Nữ giới trưởng tàu, trưởng dồn, trực ban chạy tàu ga, nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga, nhân viên gác ghi, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe phải cao từ 1,53m, cân nặng 45kg, vòng ngực trung bình từ 75cm trở lên.

Nhiều quy định tại dự thảo gây tranh cãi. Ảnh minh họa: Internet.

Ngoài ra, nam, nữ nhân viên tuần đường, gác chắn, nhân viên gác đường ngang, cầu chung cũng phải đạt các chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực.

Không chỉ vậy, tại mục tiêu chuẩn về chức năng sinh lý, bệnh tật còn quy định, các trường hợp bị lác, dị dạng vành tai, viêm mũi mạn tính, viêm mũi dị ứng, nói lắp, răng vẩu (khoảng cách 2 hàm lớn hơn 0,5 cm), răng sâu men, ngà trên 3 cái, khớp cắn di lệch, cắt một thận, bệnh tâm thần phân liệt, bệnh giun chỉ, viêm dạ dày, trĩ... đều không đủ điều kiện tuyển.

Đặc biệt, với những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục, nếu nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... được xếp vào không đủ điều kiện tuyển cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.

Cũng ở những vị trí này, sẽ loại các trường hợp nữ bị sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng với các cơ quan bên cạnh điều trị không kết quả, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ...

Nghề đặc biệt, yêu cầu cũng “đặc biệt”

Dự thảo ngay lập tức đã gây tranh cãi trong dư luận, đa số ý kiến cho rằng, nhiều quy định dự thảo đưa ra là vô lý.

Một vị bác sĩ công tác lâu năm trong ngành y tế và có thâm niên trong việc khám tuyển, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên nhiều ngành tỏ ra khá nhạc nhiên về những quy định trong Dự thảo này.

Theo ông, việc dự thảo yêu cầu nữ giới là “trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53 m, cân nặng 45 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm trở lên”, ngực lép không được tuyển.

Nếu vậy, để được tuyển người ta có thể nâng ngực là to ngay, điều này không quyết định yếu tố khỏe hay yếu. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có quy định về số đo hình thể quyết định “khỏe – yếu” để so sánh, rằng ngực trên 75cm mới đủ khỏe.

Ngoài ra, tiêu chuẩn nhân viên đường sắt cũng đưa nhân viên đường sắt phải không được thiếu tinh hoàn cũng gây “khó hiểu”. Thậm chí hài hơn khi “răng vổ” cũng là điều kiện loại trừ khi khám sức khỏe cho nhân viên đường sắt. “Một tinh hoàn, tinh hoàn ẩn hay răng vổ thì liên quan gì đến lái tàu hay bẻ ghi” – vị bác sĩ này chất vấn.

Vị bác sĩ này cho rằng, xây dựng tiêu chuẩn đối với nhân viên đường sắt thì phải đơn giản và phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp. Cụ thể như với lái tàu thì phải nghiên cứu xem yêu cầu tiên quyết của nhân viên đường sắt là gì? Ví dụ vô lăng của tàu cao bằng này, thì chiều cao cần của lái tàu để thuận lợi điều chỉnh vô lăng là gì?. Bẻ lái tàu nặng, vậy cơ lực của lái tàu cần bao nhiêu? Lái tàu cũng không nên có dị tật gì về xương khớp mà ảnh hưởng đến hoạt động của khớp tay, khớp chân. Lái tàu phải nghe rõ hiệu lệnh, phải nhìn rõ đường đi nên tai phải thính, mắt phải tinh.

Liên quan đến vẫn đề này, chiều 30/3, trao đổi với báo Người lao động, ông Lê Lương Đống - Trưởng Phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo Thông tư trên cho biết, nghề lái tàu là nghề đặc biệt hơn các ngành nghề khác, sức khỏe người lái tàu có ảnh hưởng đến nhiều người.

Nói về chỉ số đang gây tranh cãi là vòng ngực nữ nhân viên đường sắt phải trên 75 cm, ông Đống giải thích nữ giới là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53 m, cân nặng 45 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm trở lên mới được lái tàu.

Hơn nữa tiêu chí vòng ngực chỉ là một trong nhiều chỉ số sinh học được đưa ra để đảm bảo sức khỏe của người lái tàu.

Vòng ngực là một trong những chỉ số đánh giá thể trạng sức khỏe của một người bởi nó có chức năng hô hấp. Cả nam và nữ nếu có độ giãn nở của phổi lớn, có nghĩa là đường hô hấp tốt thì vòng ngực sẽ lớn.

Tổng hợp theo (báo Chính phủ, Dân Việt, NLĐ)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Y tế nói gì về quy định “ngực lép”, răng vẩu không được lái tàu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.