Thứ tư, 24/04/2024 07:31 (GMT+7)

Các thách thức của thành phố lớn

MTĐT -  Thứ ba, 22/07/2014 14:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong xu thế toàn cầu hoá, và hội nhập kinh tế thế giới thì trọng tâm của sáng tạonằm ở các thành phố lớn, vì đều là trung tâm của vùng đô thị và là điểm nút của mạng lưới kinh tế toàn cầu.

TP.HCM cũng không phải là một ngoại lệ, cụ thể là:

Năng lực cạnh tranh yếu: Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố trong đó thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp có tầm quan trọng hàng đầu. Không thể có năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chính sách chất lượng cao và một nền quản lý tốt, hiện đại. Do vậy cần đổi mới thể chế, chính sách và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của người dân và doanh nghiệp.

Dân số tăng trưởng nhanh: Dân số TP.HCM là 5,1 triệu (năm 2001), 6,2 triệu (năm 2006), 7,2 triệu (năm 2010), 8 triệu (năm 2013) và dự kiến là 10 triệu (năm 2025) , TP.HCM sẽ là thành phố cực lớn/siêu thành phố. Đó là xu thề tăng trưởng dân số không thể cưỡng lại. Thành phố nên xem đó là cơ hội hơn là vấn nạn , là niềm hy vọng hơn là sự tuyệt vọng . Do vậy thành phố cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhất là đối với người nhập cư để họ có việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Phân hoá giàu nghèo: Trong quá trình đô thị hoá việc phân hoá giàu nghèo là tất nhiên. Hiện nay người ta gọi đó là sự phân chia đô thị. Ở TP.HCM nếu tính bình quân giữa nhóm thu nhập cao và nhóm thu nhập thấp thì con số này chênh lệch khoảng bảy lần. Việc giảm nghèo của đô thị không thể thực hiện được nếu không tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập. Do vậy cần có sự can thiệp của thành phố để người nghèo được đào tạo nghề, có việc làm , tiếp cận được với cơ sở hạ tầng, nhà ở và các dịch vụ y tế, giáo dục, tín dụng nhỏ v.v.

Ô nhiễm môi trường: Vấn đề mà dư luận TP.HCM hiện nay đang lên tiếng gay gắt là tình trạng gây ô nhiễm cả ba môi trường: nước, không khí và tiếng ồn dẫn tới khủng hoảng sinh thái và đang là vần đề nan giải ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, thành phố cần nghiêm cấm các xí nghiệp trong thành phố xả nước thải ô nhiễm ra sông rạch và các hộ dân còn sống trên kênh rạch xả nước thải sinh hoạt ra kênh rạch. Thành phố cần phối hợp với các tỉnh trong vùng chấm dứt tình trạng xả nước thải ô nhiễm ra sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Thành phố cũng cần có giải pháp xử lý khí thải công nghiệp của các nghành công nghiệp ô nhiễm và giảm ùn tắc giao thông để giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn.

Quản lý chưa tốt: Là còn quan liêu, tham nhũng và không có sự tham gia của cộng đồng. Thành phố cần tiếp tục cải cách hành chánh để hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, có sự hài lòng người dân và doanh nghiệp, công chức cần thân thiện với công dân và doanh nghiệp, dám chịu tránh nhiệm, công khai minh bạch để khó tham nhũng . Cần huy động sự tham gia và trí tuệ của người dân và doanh nghiệp để có sự nhất trí, có tầm nhìn chiến lược, đổi mới thể chế, chính sách, biến thách thức thành cơ hội.

Nguyễn Đăng Sơn

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng

Bạn đang đọc bài viết Các thách thức của thành phố lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới