Thứ sáu, 26/04/2024 05:40 (GMT+7)

Cô gái trẻ và hành trình gom rác điện tử

MTĐT -  Thứ năm, 27/12/2018 15:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một buổi chiều rất muộn, cô gái trẻ Lê Hoàng Phương trở về nhà với một va li và túi to đựng rác điện tử. Đó là thành quả của cả buổi chiều tranh thủ đi thu gom rác điện tử của cô.

2 cái vali và túi đựng đầy các modem, sạc điện thoại, sạc dự phòng, máy in, máy scanner, 1 cái bàn là hơi nước, dây diện với 3 cái quạt điện nhỏ. Phương lắc đầu nói, có đi thu rác điện tử thế này, thì cô mới nhận ra rằng, dân mình chưa hề giàu mà đã quá lãng phí!

Kể từ tháng 3/2018, Hoàng Phương đã cùng nhóm của mình tổ chức đi thu gom rác điện tử. Chúng ta hãy cùng trò chuyện với cô để hiểu về hành trình thú vị này.

Lê Hoàng Phương.

Nâng cao nhận thức về tác hại của rác điện tử

Điều gì thúc đẩy bạn bắt đầu tiến hành công việc thu gom rác điện tử và thu hút các bạn của mình tham gia?

Hoạt động chủ yếu của nhóm chúng tôi là Nhặt Rác và Thu Gom Rác Thải Điện Tử tận nơi. Thời gian gần đây, chúng tôi tổ chức cho các bé nhặt rác ở Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân vào 15h30-17h chiều thứ Bảy hàng tuần, nhằm giáo dục ý thức bỏ rác đúng nơi quy định cho các bé, và ít nhiều nâng cao ý thức về môi trường cho cộng đồng.

Chúng tôi bắt đầu công việc bảo vệ môi trường này từ tháng 3/2018, đến nay đã được gần 9 tháng. Từ đó đến nay hầu như thứ 7, chủ nhật nào chúng tôi cũng đi nhặt rác ở những nơi công cộng, chủ yếu ở khu vực Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, phố đi bộ Hồ Gươm, một số trường đại học, nhà văn hóa Nghĩa Tân,…

Về hoạt động Nhặt rác:

+ Mỗi buổi đi nhặt rác chúng tôi đều đăng trên trang Facebook cá nhân của các thành viên trong nhóm, được mọi người rất hưởng ứng, ủng hộ và khen ngợi, giúp động viên tinh thần các thành viên trong nhóm cũng như ít nhiều đã góp phần lan tỏa được tình yêu môi trường đến các bạn bè trên trang cá nhân.

+ Làm sạch được các địa điểm, mỗi lần nhặt rác chúng tôi đều gom và đi đổ rác đúng nơi quy định được trung bình 4 bao tải rác (tùy ngày có ít hay nhiều thành viên tham gia, hoặc khu vực nhặt rác có nhiều loại rác to hay chủ yếu là rác nhỏ như đầu mẩu điếu thuốc lá, nhựa vụn, nylon nhỏ).

Chương trình VNTC đặt 10 thùng thu gom rác điện tử tại 10 địa điểm ở Hà Nội (5 thùng) và TP.HCM (5 thùng) để người dân dễ dàng tự mang rác điện tử đến đó bỏ rác nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Các loại rác điện tử mà VNTC thu gom xử lý bao gồm: Tivi, Bóng màn hình tivi, đầu DVD, máy in, máy fax, máy ảnh, camera, máy tính, labtop, ipad, máy photocopy, điện thoại, các phụ kiện thuộc công nghệ thông tin, pin các loại,…

Như vậy pin cũng là 1 trong số sản phẩm điện tử mà chương trình thu gom xử lý. “Một viên pin có thể gây hại cho 500 lít nước và 1 mét khối đất trong vòng 50 năm (!)”.

Khi chúng em đi nhặt rác, phát hiện được những viên pin độc hại bị vứt lung tung ngoài vỉa hè, hoặc trong những gốc cây vườn hoa, đồng thời nhớ đến chương trình VNTC, nên chúng em đã thống nhất đặt các thùng thu gom pin cũ ở cơ quan nơi chúng em làm việc, và tuyên truyền luôn cho mọi người để ít nhiều mọi người nhận thức được tác hại của chúng mà gom lại cho chương trình.

Từ năm 2018 VNTC cũng cung cấp dịch vụ thu gom tận nhà miễn phí cho người dân có rác thải điện tử liên hệ yêu cầu chương trình. (Điều kiện thu gom của VNTC là tối thiểu 1 thiết bị lớn, hoặc 10 thiết bị nhỏ (Pin bao nhiêu cũng chỉ tính là 1 thiết bị), điều kiện hỗ trợ thu gom tận nơi miễn phí cho doanh nghiệp còn khó hơn: phải có tối thiểu 1 mét khối rác điện tử trong đó ít nhất 50% là sản phẩm của Apple và HP (Còn nếu không đáp ứng yêu cầu, thì sẽ bị tính phí vận chuyển theo kg, khoảng mấy chục nghìn/1kg).

Lê Hoàng Phương cùng nhóm đi gom rác điện tử.

(Lưu ý là bất kỳ người dân nào, dù là hộ dân hay Doanh nghiệp thì đều có thể tự mang rác bỏ ở các thùng thu gom xử lý hoàn toàn miễn phí).

Dự án này tác động thế nào đến cộng đồng? Nó có lôi cuốn ai thay đổi hay không?

Chúng tôi nhận thấy rác điện tử là một vấn đề cấp thiết, để tuyên truyền sâu rộng được người dân tự giác mang rác điện tử đến các thùng thu gom hoặc tự ý thức việc yêu cầu hỗ trợ thu gom tận nơi (thay vì mang bán cho người buôn sắt vụn như trước đây) phải cần rất nhiều thời gian để người dân dần thay đổi thói quen.

Hơn nữa nếu người dân có đồng ý yêu cầu thu gom tận nơi thì điều kiện để được hỗ trợ thu tận nơi của VNTC còn hơi khó về số lượng và chủng loại, nên vẫn ít nhiều tạo sự e ngại và người dân dễ dàng bỏ qua mà không quan tâm. Đặc biệt pin điện tử là thứ người dân sử dụng rất nhiều và cũng vứt đi bừa bãi, nhưng dù số lượng nhiều bao nhiêu pin thì cũng chỉ tính là 1 sản phẩm nhỏ trong 10 sản phẩm thiết bị nhỏ được hỗ trợ thu tận nơi.

Xuất phát từ những thực tế nêu trên, để lan tỏa được ý thức trách nhiệm với môi trường, đặc biệt là việc thu gom xử lý rác điện tử độc hại, chúng tôi có ý tưởng hỗ trợ thu gom tại nhà cho người dân, một cách vô điều kiện, dù bất kể là loại rác điện tử nào, với số lượng bao nhiêu, ngay cả với pin với số lượng bất kỳ, chúng tôi cũng sẵn sàng thu. Mục đích nhằm hỗ trợ những người dân bận rộn, không có thời gian mang rác điện tử đến thùng thu gom hoặc vì một lý do nào đó mà họ e ngại không mang rác đến thùng, thì chúng tôi sẽ hỗ trợ.

Việc này cũng nhằm cho người dân thấy có những người sẵn sàng dành thời gian, không ngại đi lại vận chuyển đồ để họ dần có suy nghĩ rằng đây là những loại rác độc hại, không thể bỏ chung với rác sinh hoạt thông thường khác, và chúng cần được thu gom xử lý đúng cách, hơn nữa tái chế cũng đem lại lợi ích là giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Khi thu gom tận nơi, chúng em cũng sẽ cung cấp thông tin cho người dân về rác điện tử độc hại như thế nào, ở gần nhà của họ có thùng thu gom nào là gần nhất để lần khác nếu tiện họ sẽ tự động mang rác điện tử đến đó bỏ; Còn nếu họ vẫn ngại mang rác ra thùng thu gom của VNTC thì chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ họ thu gom trong các lần sắp tới.

Thành quả một buổi chiều thu gom rác điện tử của Lê Hoàng Phương.

Hồi đầu khi mới thực hiện thu gom tận nhà, chúng tôi chủ yếu thu pin cũ, thỉnh thoảng mới có người cho thiết bị điện tử, chúng tôi hay đăng lên FB cá nhân và được mọi người ủng hộ rất nhiều. Bài đăng về thu gom pin (có đăng số điện thoại liên hệ của 4 thành viên thu gom) được chia sẻ rộng rãi trên facebook với hơn 1600 lượt chia sẻ, và ở trên 1 số facebook cá nhân khác cũng đăng bài viết về việc thu gom rác điện tử của nhóm em, được ủng hộ nhiệt tình với hơn 17.000 lượt chia sẻ.

Đến nay nhờ tích cực tuyên truyền mà ngoài pin ra, có khá nhiều người tin tưởng gọi điện cho chúng tôi yêu cầu thu gom cả thiết bị điện tử. Chúng tôi nghĩ dù nhóm còn khá non trẻ nhưng đã đóng góp ít nhiều trong việc nâng cao nhận thức về tác hại của rác điện tử và đã góp phần nhỏ bé của mình giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong công cuộc thu gom xử lý rác điện tử khu vực Hà Nội.

- Trong quá trình các bạn triển khai dự án có xảy ra những gì ngoài dự kiến hay không? Có những chuyện gì thú vị đã xảy ra?

Chúng tôi cơ bản chưa gặp sự cố nào đáng kể, mà ngược lại khá vui khi được bạn bè, đồng nghiệp và có thêm những người bạn tốt, cùng chí hướng và yêu môi trường trên mạng facebook, rồi gặp nhau ngoài đời để cùng đi nhặt rác, cùng nhau cộng tác đi thu gom rác thải điện tử, bạn bè tôi nếu có rác điện tử cũng hay mang cho tôi.

Chỉ có vài ba lần khiến tôi “bối rối” khi đi thu gom rác điện tử tận nơi. Tôi bất ngờ vì số lượng pin trong dân nhiều như vậy, vậy trước đó họ mang số pin độc hại như vậy đi đâu và chúng có được xử lý đúng cách?!

Một lần có một nhà dân yêu cầu thu gom, họ đưa cho tôi một bao tải đầy những pin (nặng khoảng 60kg), và họ nói cứ khoảng 2 tuần họ sẽ có một bao tải như vậy và muốn tôi đến thu. Hôm đó tôi hơi bất ngờ, vì họ không cấp cho tôi địa chỉ chính xác mà chỉ hẹn tôi ở đầu phố, gọi điện thì họ sẽ mang ra. Tôi hỏi lý do tại sao số lượng pin sử dụng lớn như vậy thì họ không nói. Sau hôm đó tôi từ chối thu gom pin chỗ họ và đề nghị họ tự mang đến thùng thu gom pin nơi gần nhất. (Lý do vì theo Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quyết định v/v Quy định Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, trong đó có pin, các thiết bị điện tử cũng thuộc danh mục mà Chính phủ yêu cầu Nhà sản xuất ra chúng phải thực hiện thu hồi xử lý đúng cách và đảm bảo nhằm không làm ảnh hưởng đến môi trường.) Nghĩa là việc xử lý pin là thuộc trách nhiệm của Nhà sản xuất. Do đó, chúng tôi không ủng hộ việc thu gom tận nơi cho những nơi yêu cầu mà không minh bạch về thông tin công ty hay lĩnh vực hoạt động của họ liệu có phải là nhà sản xuất pin hay không. Và nếu họ chưa tự thu hồi xử lý được thì họ có trách nhiệm trong việc nhờ bên đơn vị hay tổ chức nào đó đạt yêu cầu và có khả năng trong xử lý sản phẩm độc hại đó của họ.

Hơn nữa, theo Thông tư 34/2017/TT-BTNMT ngày 04/10/2017 của Bộ Tài nguyên môi trường về Quy định thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ có quy định: “(nếu không có Giấy phép quản lý CTNH (chất thải nguy hại) hoặc Giấy phép xử lý CTNH) một lần vận chuyển không được vượt quá số lượng tối đa (đối với một phương tiện vận chuyển) như sau: 100kg hoặc 50 sản phẩm thải bỏ, tùy điều kiện nào đến trước, đối với sản phẩm thải bỏ là thiết bị điện tử cỡ nhỏ và pin, ắc quy thải, bóng đèn…” Như vậy việc người thu gom từ người tiêu dùng với số lượng trên 100kg hoặc trên 50 sản phẩm là vi phạm quy định. Nên tôi đã giải thích cho người dân đó vì 2 lý do trên và thuyết phục họ tự mang pin của họ đến các thùng thu gom gần nhất của VNTC.

Một điều thú vị nho nhỏ là, cứ có ai thắc mắc về pin cũ, rác điện tử là các bạn bè Facebook lại nhớ đến nhóm chúng tôi và tag tên chúng tôi vào. Và nếu họ có rác điện tử, thay vì bỏ vào thùng rác hoặc bán đi cho người thu gom sắt vụn hay cửa hàng đồ cũ, thì họ bắt đầu tự động mang đến thùng thu gom hoặc nhắn chúng tôi tới hỗ trợ thu. Một số bạn sống ở khu chung cư, đã kêu gọi ban quản lý chung cư đặt thùng thu gom pin cũ, rác thải điện tử, tuyên truyền với người dân về tác hại của chúng. Nên hiện nay nhiều nơi người dân ở Hà Nội đã có được nhận thức đúng đắn hơn trong việc xử lý rác điện tử đúng cách. Chúng tôi rất vui mừng vì những thành công ban đầu đạt được.

Rác là tài nguyên

Vậy sau dự án gom rác điện tử sẽ là gì? Có tổ chức nào trong nước ủng hộ các bạn và nó có ý nghĩa giáo dục như thế nào?

Chúng tôi xác định sẽ hoạt động tình nguyện nhặt rác lâu dài, thu gom rác điện tử và tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường cho mọi người. Ngoài ra, vào chiều thứ 7 hàng tuần chúng tôi vẫn tổ chức cho các bé tham gia nhặt rác, cố gắng mỗi tuần sẽ lồng ghép nội dung kiến thức về môi trường và rác thải, định hướng cho các bé phân loại rác, để có ý thức giảm thiểu rác thải ra môi trường đồng thời thay đổi thái độ và cách ứng xử với rác, coi rác là tài nguyên chứ không phải thứ bỏ đi.

Hiện tại các hoạt động của chúng tôi đều do các thành viên vì tình yêu môi trường nên cùng kết nối thực hiện với nhau chứ không thuộc một tổ chức nào cụ thể.

Tôi đang có kế hoạch lập 1 group nơi để mọi người (đặc biệt những người yêu môi trường) có thể cho - tặng đồ hoàn toàn miễn phí; đồng thời có cả thu gom rác thải điện tử tại nhà.

Theo đó, ai có đồ đạc gì không dùng đến hoặc ít dùng, có thể chụp ảnh đăng thông tin lên group, để nếu người nào đó cần, sẽ xin nhận, họ inbox hẹn nhau để lấy đồ và chúng sẽ được Tái Sử Dụng thay vì bị vứt ra ngoài bãi rác hoặc bán cho đồng nát, qua đó giúp giảm lượng rác thải độc hại ra môi trường. Còn về thu gom rác điện tử, ai có rác điện tử (tivi, máy in, máy fax, điện thoại,..., pin, linh kiện điện tử CNTT) thì cũng chụp ảnh đăng lên hoặc thông báo trên group, chúng tôi sẽ đến thu gom hoàn toàn miễn phí trong thời gian sớm nhất, bất kể số lượng và chủng loại rác điện tử như thế nào.

Còn về lâu về dài, group đó sẽ trở thành nơi kết nối để mọi người có thể Tái sử dụng hoặc tái chế một đồ đạc nào đó không được dùng đến, bị bỏ đi. Ví dụ, tôi thấy 1 garage ô tô muốn bỏ lốp xe đi, tôi sẽ đăng lên group để các nhóm làm đồ tái chế lốp xe liên hệ nhận lại làm sân chơi tái chế cho trẻ em hoặc làm chậu trồng cây. Rất nhiều ý tưởng tái chế đối với rác thải, tôi sẽ đăng lên đồng thời đưa ra những ý tưởng tái chế cho mọi người bắt chước, qua đó xử lý được thêm một số lượng những rác thải bị bỏ đi khác.

- Các bạn học được điều gì qua dự án này? Liệu rằng sẽ tốt hơn nếu đưa dự án vào trường phổ thông?

Qua quá trình hoạt động, chúng em càng được tích lũy thêm những kinh nghiệm đồng thời cũng là động lực để tự tìm hiểu kiến thức trong sách vở và ở các nguồn thông tin hữu ích khác về môi trường. Chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc hơn để cố gắng ít làm tổn hại nhất đến môi trường, tiết giảm trong mua hàng hóa, không sử dụng túi nylon hộp xốp đồ nhựa dùng 1 lần, sử dụng những sản phẩm tẩy rửa từ thiên nhiên không gây hại cho môi trường và nguồn nước, tái sử dụng đồ, tái chế đồ nếu buộc phải sử dụng, luôn có ý thức phân loại rác,…

Sẽ vô cùng tuyệt vời nếu dự án được đưa vào các trường học. Rất mong Bộ Giáo dục quan tâm việc giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên, đó là điều quan trọng nhất và là cái Gốc, chứ việc chúng tôi đang làm (như đi nhặt rác, thu gom rác điện tử cho nhà dân) dường như vẫn là đang đi giải quyết Phần Ngọn, sẽ mất nhiều công sức, mất nhiều thời gian mà hiệu quả không thật sự cao. Tuy nhiên, nếu không có ai làm một cái gì đó, không hành động thì cũng không thể tạo nên một sự thay đổi nào cho môi trường, cho chính sức khỏe và tương lai của chúng ta cũng như cuộc sống tương lai của con em chúng ta ngày mai…

5 THÙNG THU GOM RÁC ĐIỆN TỬ TẠI HÀ NỘI:

Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân (đối diện số 45 Nghĩa Tân, P.Nghĩa Tân)

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (số 17, Trung Yên 3, P.Trung Hòa)

UBND Phường Thành Công (09 Thành Công, P.Thành Công)

UBND Phường Quán Thánh (12-14 Phan Đình Phùng, P.Quán Thánh)

UBND Phường Tràng Tiền (số 02 Cổ Tân, P.Tràng Tiền)

Thông tin cá nhân các thành viên nhóm thu gom rác điện tử Hà Nội:

Lê Hoàng Phương (sđt: 0945588619) Tòa Nhà Tổng cục Đường bộ Việt Nam, phố Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy

Hồi Thiên Hoàng (sđt: 01693642350) Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân

Lê Linh Chi (sđt 0913068000) Tòa nhà Bộ Tài chính, 28 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm

Hoàng Khánh Chi (sđt: 0904385333) Tòa nhà Bộ Tài chính, 28 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm

Theo petrotimes

Bạn đang đọc bài viết Cô gái trẻ và hành trình gom rác điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.