Thứ sáu, 19/04/2024 13:56 (GMT+7)

“Cõi riêng” của chè B’Lao

Ngã Du Tử -  Thứ tư, 04/11/2020 08:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ khi người Pháp hoàn thành con đường QL 20 năm 1930, nối liền từ Dầu Dây đến Đà Lạt để tiện việc nối liền với Sài Gòn là lúc họ bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng cây chè – một loại cây công nghiệp.

 Cái nôi của cây trà

Nhìn từ trên cao, các đồi chè lần lượt chạy dài từ Di Linh đến Bảo Lộc (thuộc tỉnh Lâm Đồng), nơi có khí hậu ôn hòa quanh năm, phù hợp nhất với cây chè trong miền Nam. Với diện tích gần 30.000 hecta, Bảo Lộc được coi là thủ phủ chè miền Nam.

 Tác giả và ông Vũ Hùng Anh (thường gọi là Bình) chủ tiệm chè ở Bảo Lộc

Cây chè là một trong những loại cây công nghiệp xuất hiện sớm nhất ở vùng đất B’lao và khẳng định được vị trí chủ đạo của mình ở vùng đất này, bắt đầu từ những đồn điền của người Pháp như: Felit B’lao, B’lao Sierré…

Đây là một loại cây công nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc mà lại có sức sống vô cùng mãnh liệt. Cứ 10 ngày người ta lại hái và 10 ngày sau, những đợt non mơn mởn lại mọc lên, người ta lặt lá chè bằng tay thoăn thoắt bỏ vào gùi rất điệu nghệ, được ví von là “điệu vũ của đôi tay”.

Ban đầu người ta chỉ thu hoạch chè với cách rất thủ công và đơn sơ. Có lẽ những người chế biến chè tươi thành chè mộc theo phương thức thủ công đầu tiên là người dân ấp Thánh Tâm, Tân Hà, Bảo Lộc (thuộc phường Lộc Tiến ngày nay). Theo những lão niên ở Bảo Lộc, khi đồn điền Bảo Đại bị chính quyền lúc bấy giờ trưng thu, làm trại Tế Bần, nhiều lô chè bị bỏ hoang, người dân Thánh Tâm, Tân Hà gần đó mới hái chè tươi về chế biến*

 Đồi chè ở Bảo Lộc

Đến đầu thập niên 1950, khi người Tàu ở Chợ Lớn nghĩ đến việc kinh doanh chè nên họ đã nhập cảng một số máy móc bán công nghiệp từ Ấn Độ, Tích Lan (Sri Lanka)… về để sản xuất. 

Chè hái sáng sớm trên đồi về được để nơi thoáng mát, rồi nhúng vào nồi nước sôi bùng, gọi là luộc chè để làm ngưng quá trình chuyển hoá chất trong ngọn chè. Người có kinh nghiệm, nhìn đọt chè chín dần trong đó mà biết thời khắc chè chín tới. Vị chát, vị ngọt lẫn cả vị bùi béo của chè được quyết định ở độ chín của đọt chè. Chè thành phẩm có sợi hay không, màu nước chè xanh hay đỏ cũng xuất phát từ đây.

Cách chế biến từ chè tươi ra chè khô, gọi là sơ chế chè thành  chè mộc, theo kiểu làm chè xanh, xuất phát từ đồn điền Bảo Đại và đồn điền Lê Minh Sanh. Các đồn điền này chế biến chè bằng máy móc bán công nghiệp, từ: lò xào chè, máy vò, máy sấy, ướp hương…để làm ra thành phẩm đóng gói và tiêu thụ toàn miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.

Cách pha chè

Theo ông Võ Hùng Anh, chủ hãng chè nhất nhì Bảo Lộc, người đã từng tham dự nhiều lễ hội văn hóa chè và chu du khắp Bắc Kinh (Trung Quốc) hàng tháng trời để gặp tận mặt các danh sư chè cho biết, qui trình pha chè là một nghệ thuật kỳ công, ít nhất phải qua 4 bước:

  1. Trước khi pha chè phải có nước sôi bùng.
  2. Rửa (tráng chè): Rót nước ngập chè trong bình, lắc đều ấm chừng 20 giây và dốc đổ theo phương thẳng đứng, mục đích là để các chất bẩn sẽ theo vòi ra ngoài
  3. Rót chè: Rót vào chén tống mềm mại nước đầu tiên.
  4. Rót vào chén thường uống thật mềm mại nhẹ nhàng và đều tay.

Sau đó cùng hàn huyên tâm sự với vài người hay một nhóm người để hiểu thêm về con người và sẻ chia những buồn vui. Người Việt ta chỉ mượn chè làm phương tiện để giữ lễ đối nhân với nhau, chứ không nâng lên tầm đạo như Nhật và Trung Hoa.

 Khay và bộ ấm chè Bát TràngKhay và bộ ấm chè Bát Tràng

Đối với người Nhật Bản, chè nâng lên thành “đạo”: “Trà đạo hay Zen tea là một nét văn hóa độc đáo đã được hình thành từ rất lâu đời tại Nhật Bản, đây không chỉ đơn giản là uống trà mà nó còn ẩn chứa cả nghệ thuật sống trong việc thưởng thức cho một tách trà nữa”. Còn  người Trung Hoa luôn tự hào là quê hương của chè, là đất nước phát hiện ra chè và sử dụng nó như một loại thức uống yêu thích và cầu kỳ đối với giới thượng lưu. Trong khi đó, người Việt Nam thì xem chè như một thức uống đơn giản và độc đáo từ giới thượng lưu đến dân dã ai cũng thưởng ngoạn tùy theo phong cách của mỗi vùng.

Chè trong dân gian còn được sử dụng như một loại dược thảo giải khát. Theo Lê Quý Đôn “Lê Quý Đôn trong sách " Vân Đài loại ngữ " (1773) có ghi trong mục IX, Phẩm vật như sau: " ... Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiên, Am Giới và Am Các, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá, mọc xanh um đầy rừng, thổ nhân hái lá chè đem về giã nát ra, phơi trong râm, khi khô đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát, ngủ ngon. Hoa và nhụy chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên..."**

Mặc dù Việt Nam nằm cạnh Trung Hoa nhưng do cha ông lo đánh giặc giữ gìn cương thổ liên miên, không có thì giờ thưởng ngoạn chè nên mãi đến khi người Pháp chính thức lập các đồn điền chè (đầu thế kỷ 19), dân Việt mới bắt đầu làm quen với văn hóa trà đạo. Vì vậy, đối với chè, người Việt khác biệt trong cách thưởng ngoạn, mời mọc, quà biếu chè hàm ý lễ nghĩa nhiều hơn.

 Sau ngày thống nhất đất nước (1975) Hiệp hội Chè Việt Nam cố gắng tổ chức tuần lễ chè hay lễ hội chè, mục đích giới thiệu chất lượng chè Việt Nam để thế giới biết mà thôi.

Bạn đang đọc bài viết “Cõi riêng” của chè B’Lao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?