Thứ năm, 28/03/2024 21:29 (GMT+7)

“Công chúa rác”…

MTĐT -  Thứ sáu, 07/06/2019 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Công chúa rác” là cụm từ mọi người thường dùng để kể về Bùi Thị Thủy 29 tuổi, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Cô gái bé nhỏ ấy một mình đạp xe qua 24 tỉnh thành dọc ba miền đất nước, mang theo thông điệp: “Chung tay vì thế giới tươi đẹp mỗi ngày thông qua việc nhặt rác, đọc sách, xây dựng tình bạn, tình yêu với những ước mơ cùng tinh thần khởi nghiệp, giá trị bền vững sáng tạo”.

Đạp xe để truyền thông điệp “nhặt rác”

Tôi biết đến hành trình đạp xe xuyên Việt của Thủy qua Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT, khi chúng tôi dự định mời Thủy tham gia một chương trình truyền thông về chống rác thải nhựa. Trước khi gặp, tôi đã mường tượng về hình ảnh một cô gái mạnh mẽ, khỏe khoắn với nước da nâu giòn. Vậy mà, mọi phán đoán của tôi đã sai. Thủy xuất hiện trước mắt tôi với hình ảnh một cô gái trong một chiếc áo voan hồng phấn, bé nhỏ, trẻ trung, xinh xắn. Đến lúc này, tôi mới vỡ lẽ, vì sao mọi người gọi cô là “công chúa”.

Thủy (ở giữa, hàng đầu) tổ chức nhặt rác đường phố ở Bạc Liêu.

“Công chúa rác” là biệt danh dành cho Thủy bởi chuyến đi “đơn thương độc mã” của cô qua 24 tỉnh, thành, bắt đầu từ Hà Nội và kết thúc ở Cà Mau, diễn ra từ ngày 22/10/2016  -  1/1/2017. Với chiếc xe đạp, một ba lô, máy tính và giỏ xe chất đầy hoa, Thủy thực hiện hành trình của mình bởi ước mơ luôn được ấp ủ trong trái tim cô, đó là đóng góp những điều nhỏ bé cho cuộc sống.

“Khát khao tìm hiểu về những ngõ ngách trong cuộc sống đã thôi thúc tôi đi. Tôi được truyền cảm hứng từ những người bình thường cho đến những điều đặc biệt. Tôi đi để tìm và khám phá chính bản thân mình. Và tình yêu lớn đã nảy sinh trong tôi với những người mình gặp, những nơi mình đi cho đến những khoảnh khắc mình từng trải”, Thủy chia sẻ.

Thủy cùng với các học sinh ở Ninh Bình nhặt rác.

Rưng rưng kể về những khoảnh khắc như còn mới mẻ ấy, Thủy khắc họa trước mắt tôi cảnh tượng một cô gái đứng trước hàng trăm học sinh ở trường Tiểu học Diễn Bình, trường THCS Diễn Quảng (Diễn Châu, Nghệ An); trường THCS Hải Hòa (Thanh Hóa), trường Tiểu học Ninh Mỹ (Ninh Bình), trường Tiểu học Phú Yên… để nói về việc bảo vệ môi trường thông qua hành động nhặt rác hàng ngày, tác dụng của việc đọc sách hay tự lực vươn lên trong cuộc sống… Sau đó, Thủy được hòa mình vào với các em, cùng các em nhặt rác ở sân trường, nhắc nhở các em sau khi ăn kem, bánh, kẹo phải bỏ rác đúng nơi quy định…

Đến các địa phương, Thủy còn được làm việc với huyện, xã, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Câu Lạc bộ Hiệp hội Doanh nhân… để truyền thông điệp nhặt rác bảo vệ môi trường, sống tích cực và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. “Tôi còn nhớ, đi tới Ninh Bình, tôi cùng đoàn thanh niên xã tổ chức chương trình nhặt rác. Rồi chúng tôi cùng hát, dạy trẻ em học Tiếng Anh. Tôi được trao cơ hội để nói chuyện với bà con về môi trường sống, về thế giới xung quanh…”, Thủy bộc bạch.

Qua hàng nghìn cây số, qua các bãi biển miền Trung, Thủy vẫn đau đáu vì biển rất đẹp nhưng rác dạt vào bờ nhiều. Rác lẫn trong cát. Người dân nhặt rồi, hôm sau lại có. Còn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống kênh rạch dày nhưng nhiều nơi bị ô nhiễm nặng. Hay ngay trên đường cô đi, những chiếc xe tải, xe máy qua lại và các nhà dân sống ven đường vẫn vô tư xả rác.

Mỗi nơi Thủy qua, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, thông điệp mà Thủy truyền đi về môi trường đã được đón nhận. Thành quả lớn nhất mà Thủy nhận được đó là cùng mọi người nhặt được “một ít rác”, được nói với những người lớn và nhỏ tuổi hơn cô về sự học hỏi không ngừng, về tình yêu và sự kết nối giữa người với người. Chuyến đi với Thủy, là được cảm nhận những điều đẹp đẽ từ những gì bình dị nhất.

“Thú thực, lúc đi, tôi có sợ và lo lắng chứ, vì đường thì lớn, xe tải lại nhiều. Tôi đạp xe từ 40 - 60km/ngày. Tôi tránh không đi vào đêm tối. Có một đoạn đường tôi phải đạp cố, vì trời tối rồi mà mãi chưa đến nơi. Nhưng nỗi sợ tan biến rất nhanh, vì đến đâu tôi cũng được giúp đỡ. Hơn nữa, trên chặng đường tôi đi, tôi được gặp gỡ, chia sẻ cả với những người phụ nữ bán hàng rong, những người ăn xin… Tôi được chào đón những tia nắng, hạt mưa ở nhiều vùng miền, tôi được thả mình vào gió, được chứng kiến sự kỳ vĩ của thiên thiên nơi tôi đã qua… để thấy rằng, Việt Nam mình đẹp lắm! Mình phải biết trân trọng, giữ gìn” - Thủy trải lòng.

Vì một môi trường không rác của tương lai

Thủy kể, ý tưởng nhặt rác bảo vệ môi trường đã nhen nhóm trong cô từ khi còn là học sinh. Ngày ấy, Thủy đã cùng các đoàn viên trong xóm ra sông vớt rác. Đọng lại trong tâm trí cô vẫn là trong ánh bình minh rạng rỡ ở vùng biển Quất Lâm, cô đi dọc 2km bờ biển để nhặt rác. Ngày 11/9/2016, cô lập Dự án “Ngôi làng sách, không rác cùng với tình yêu và những ước mơ” để bảo vệ dòng sông quê hương. Cô thành lập câu lạc bộ nhặt rác ở sông và trên địa bàn xã, dạy học, tổ chức đọc sách cho thiếu nhi…

Sau đó, khi làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủy thường ra nhặt rác ở bãi biển Hải Hòa, bãi Đông và cổng công trường. “Tôi nhìn thấy cái đẹp trong sự thô ráp ở những công trình lớn. Chính điều đó, đã thôi thúc tôi cần làm điều gì đó nhỏ bé thôi, nhưng có ý nghĩa”, Thủy nói.

Thủy chia sẻ với các em học sinh Trường tiểu học Thuận Hưng A - Sóc Trăng.

Hiện nay, Thủy đang lập hai dự án: Hand in hand for a better earth và Book Ambassadors. Ở hai dự án này, Thủy có ý định sẽ tổ chức nhặt rác, dọn dẹp các nơi ở tất cả các chủ nhật hàng tuần tại con đường, dòng sông, cánh đồng, bãi biển, trường học, địa điểm du lịch tại 63 tỉnh thành ở Việt Nam với quy mô nhỏ, tần suất thường xuyên. Việc nhặt rác sẽ diễn ra vào sáng sớm nên không ảnh hưởng đến năng suất lao động xã hội, rèn luyện thói quen dậy sớm hàng ngày. Số rác được thu gom sẽ phân loại, tái chế thành các tác phẩm nghệ thuật. Thủy dự kiến, để làm ra 5 tác phẩm nghệ thuật cần 1.000 nắp vỏ bia chai, 8.000 vỏ lon bia, 8.000 chai nhựa uống nước. Cô cũng dự định sẽ tổ chức chương trình tại 100 trường tiểu học, THCS, nhằm truyền niềm cảm hứng thông qua các hình thức sáng tạo tái chế rác, tình yêu sách và thư viện cảm xúc.

Thủy chia sẻ, cô đã đến thăm những nhà máy xử lý rác thải và hiểu những vất vả của công nhân ngành rác với mức thu nhập còn thấp. Cô cũng được đọc và tìm hiểu về công nghệ xử lý rác ở Việt Nam. Làm thế nào để giúp mọi người ý thức được việc hạn chế xả rác, coi rác thải cũng là tài nguyên? Mỗi người trẻ, khi góp một tiếng nói, có thể sẽ tạo nên sự thay đổi cho thế hệ tương lai.

“Những dự định mà tôi đặt ra đều xuất phát từ tình yêu và lòng biết ơn. Đối với tôi, Trái đất thật kỳ diệu. Mỗi chúng ta là một mảnh ghép không thể thiếu trong điều kỳ diệu ấy. Hy vọng rằng, cùng với niềm tin, nghị lực, tri thức và sự phấn đấu trong cả suy nghĩ và hành động, mỗi chúng ta, dù là nhỏ bé nhất, cũng sẽ góp phần gìn giữ một bầu trời xanh, những dòng sông ngọt chảy, đại dương bao la và những con đường dẫn đi xa tít tắp. Đó là môi trường, là cuộc sống hiển hiện ngay mỗi ngày mà chúng ta cần trân quý, yêu thương”, nàng “công chúa rác” nhắn gửi.

Theo Báo TN-MT

Bạn đang đọc bài viết “Công chúa rác”…. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.